Trang chủ    Thực tiễn    Suy thoái môi trường và vấn đề phát triển bền vững vùng dân tộc và miền núi
Thứ ba, 28 Tháng 5 2019 09:28
3245 Lượt xem

Suy thoái môi trường và vấn đề phát triển bền vững vùng dân tộc và miền núi

(LLCT) - Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, việc bảo đảm tăng trưởng nhanh và bền vững của kinh tế phải gắn với việc xử lý tốt các vấn đề công bằng, tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái. Bài viết đề cập tới những tác động của suy thoái môi trường đến sự biến đổi đời sống kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số (DTTS) vùng dân tộc và miền núi, từ đó đề xuất các giải pháp khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo đảm phát triển bền vững.

1. Thực trạng suy thoái môi trường vùng dân tộc và miền núi

Trong thời kỳ đổi mới, quá trình phát triển kinh tế ở Việt Nam mới quan tâm đến bề rộng, khai thác tài nguyên là chính; chưa quan tâm đúng mức bề sâu, chưa đầu tư khoa học và công nghệ cho khâu chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm, nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, từ khâu khai thác, chế biến, cũng như xử lý chất thải phần lớn chưa đáp ứng được yêu cầu sinh thái, đã thải ra quá nhiều chất độc hại cho môi trường. Rừng bị khai thác một cách cạn kiệt, môi trường bị suy thoái nghiêm trọng, thể hiện ở các thông số sau:

Thứ nhất, diện tích rừng Việt Nam ngày càng giảm. Theo số liệu công bố chính thức năm 1976, diện tích rừng nước ta có 11 triệu ha với tỷ lệ che phủ 34%; từ năm 1976 đến năm 1990, quá trình mất rừng diễn ra nhanh, mất 2,8 triệu ha, bình quân 140.000 ha/năm(1). Năm 1985 còn 9,3 triệu ha và tỷ lệ che phủ là 30%; năm 1995 còn 8 triệu ha và tỷ lệ che phủ là 28%. Năm 1999 cả nước còn 10,88 triệu ha rừng và độ che phủ là 33%. Hiện nay, độ che phủ rừng trung bình của nước ta chỉ còn 27,7%, trong đó khu vực Tây Bắc (Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình) chỉ còn từ 8 -10%. Năm 1995, diện tích rừng bình quân đầu người ở Việt Nam là 0,13 ha, thấp hơn mức trung bình ở Đông Nam Á là 0,42%(2).

Thứ hai, suy thoái chất lượng rừng. Năm 1990, diện tích rừng giàu ở nước ta còn lại 613 nghìn ha, nhưng chủ yếu ở trên núi cao, gần biên giới rất khó khai thác hoặc không thể khai thác được. Diện tích rừng còn lại hầu hết là rừng nghèo, rừng thứ sinh và rừng mới trồng, ít có giá trị kinh tế. Trữ lượng gỗ rừng năm 1993 ước tính khoảng 525 triệu m3 (trung bình 76 m3/ha).  Tốc độ tăng trưởng trung bình của rừng Việt Nam hiện nay là 1-3m3/ha/năm, đối với rừng trồng có thể đạt 5-10 m3/ha/năm(3).

Thứ ba, suy thoái về tài nguyên đất. Tổng diện tích đất của nước ta là 33,1 triệu ha, trong đó chỉ có khoảng 20% là đất tốt mà chủ yếu là 3 triệu ha đất phù sa ngọt, 3,3 triệu ha đất đỏ bazan... còn lại hơn 6 triệu ha đất nông nghiệp là đất xấu cần cải tạo: 3 triệu ha đất ngập mặn, phèn; 2,8 triệu ha đất bạc màu; 72 nghìn ha đất lầy, thụt; 35 nghìn ha đất khô hạn và 500 nghìn ha đất cát trắng... Những loại đất xấu này không những khó cải tạo mà lại có xu thế tăng lên về diện tích do quá trình khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên nước ta ngày càng bừa bãi, cả nước hiện nay có khoảng 10 triệu ha đất trống đồi trọc.

Thứ tư, suy thoái về tài nguyên sinh vật trên cạn. Theo thống kê, nước ta đang có 500 loài thực vật, 85 loài thú, 63 loài chim, 54 loài động vật có xương sống đang mất dần; trong đó có 100 loài thực vật, 83 loài thú, 60 loài chim, 40 loài động vật xương sống đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Thứ năm, suy thoái về sinh vật dưới nước. Hiện nay, ở nước ta đang có 37 loài cá nước ngọt, 38 loài cá nước mặn đang cạn kiệt nhanh, đặc biệt nhiều loại hải sản có kích cỡ lớn, có giá trị thương mại cao như cá thu, chim, ngừ, gúng đã và đang tuyệt chủng.

Suy thoái tài nguyên rừng kéo theo việc suy giảm lượng nước ngọt. Một mặt, các sông suối khô cạn dần, mặt khác, lượng nước ngầm cũng giảm lớn. Các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên đang đứng trước thách thức lớn về thiếu nước để sản xuất và sinh hoạt. Nhiều vùng, các nguồn nước bị ô nhiễm do việc khai thác khoáng sản và sử dụng hóa chất bừa bãi. Hơn nữa, việc khai thác khoáng sản ở nước ta phần lớn dựa trên kỹ thuật lạc hậu, tùy tiện dẫn đến lãng phí, gây hậu quả xấu cho môi trường. Việc khai thác tài nguyên, khoáng sản không gắn liền với bảo vệ, nuôi dưỡng đã dẫn đến tàn phá môi trường, tài nguyên và cả những sự cố môi trường làm thiệt hại không nhỏ về người và của.

Ở các tỉnh miền núi, trong những năm qua, nhiều chính sách phát triển kinh tế- xã hội đã được triển khai thực hiện(4), nhờ đó tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của cả nước đạt 7-8 %, riêng các tỉnh miền núi phía Bắc đạt từ 8-11%. Cơ cấu kinh tế miền núi phía Bắc chuyển dịch hợp lý. Bình quân giảm nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn là 3,9%, ở các huyện 30a là 4-5%/năm, trong khi cả nước là 2%/năm(5). Các chính sách đã làm thay đổi căn bản đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển là sự biến đổi môi trường tự nhiên, sự ô nhiễm nguồn nước, đất đai, không khí, sự suy giảm đa dạng sinh học, các sự cố môi trường gia tăng. Nguyên nhân cơ bản là do trong quá trình thực hiện các chính sách đã có những tác động ngược lại đối với môi trường. Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 12-12-2008 của Chính phủ về hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, nhưng trong quá trình thực hiện, một số địa phương đã không hỗ trợ bằng tiền mà bằng 10m3 gỗ cũng là một nguyên nhân của việc phá rừng trên diện rộng.

Ở các tỉnh miền núi phía Bắc, việc giao cho các địa phương tự quy hoạch thủy điện nhỏ dẫn đến sự phát triển ồ ạt thủy điện đã để lại những hậu quả đáng tiếc. Trong khi ngân sách địa phương chưa thu được bao nhiêu từ thủy điện, thì tình trạng khô hạn, lũ lụt xảy ra ngày càng nhiều, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp. Việc bố trí tái định cư cho đồng bào nằm trong khu vực dự án làm chậm và không phù hợp với lối sống, tập quán canh tác của cư dân, dẫn đến một số ít người dân bỏ khu tái định cư, tự tìm nơi ở mới và kéo theo đó là hiện tượng phá rừng, lập bản, lấy đất sản xuất. Bên cạnh đó, áp lực gia tăng dân số, tăng trưởng kinh tế cũng tác động không nhỏ đến việc điều chỉnh chính sách của địa phương. Việc cấp giấy phép ồ ạt, xây dựng vội vàng các công trình thủy điện, các công trình khai khoáng cho các doanh nghiệp, trong đó nhiều doanh nghiệp chưa đạt yêu cầu về trình độ kỹ thuật là nguyên nhân trực tiếp gây nên các sự cố môi trường, như sạt lở, chấn động địa chất, suy thoái, ô nhiễm tài nguyên nước, đất, rừng... Môi trường tự nhiên suy thoái, ô nhiễm đã ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của đồng bào DTTS, khiến phát sinh bệnh tật hiểm nghèo.

Ở Tây Nguyên, quá trình thực hiện các chính sách phát triển đã nảy sinh nhiều vấn đề trong đó có vấn đề môi trường sinh thái, cụ thể là: việc khai thác nước ngầm một cách bừa bãi đã gây nên hiện tượng tụt nước ngầm làm giảm đáng kể lượng nước, gây ảnh hưởng lớn đến việc cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất. Ở một số nơi, mực nước ngầm đã giảm 3-4 mét, thậm chí có nơi trên 10 mét so với trước đây. Diện tích rừng ở Tây Nguyên bị giảm sút với mức độ đáng lo ngại nhất so với cả nước, chiếm 46,3% diện tích rừng bị phá trong toàn quốc. Nguyên nhân chính của tình trạng trên là do số dân tăng nhanh cả về tự nhiên và cơ học đã tác động tiêu cực đối với rừng, dân di cư tự do đã trở thành đối tượng phá rừng chính; tập quán du canh du cư, đốt rừng làm nương của đồng bào DTTS... Tác động của các dự án khai thác bôxít đã phá huỷ thảm thực vật, biến địa hình thành núi đất trọc, phong hóa, không có khả năng trồng trọt, nguy cơ lũ lớn trong mùa mưa và hạn hán kéo dài trong mùa khô sẽ gia tăng. Ở khâu chế biến alumina, nếu chế biến tại chỗ thì phải chứa chất thải ở vùng cao với lượng rất lớn, có hại cho môi trường và luôn có nguy cơ đe dọa vùng hạ lưu. Hiện nay, Tây Nguyên có 11 nhà máy thủy điện lớn đang vận hành với tổng công suất hơn 5.000MW, chiếm khoảng 25% tổng công suất nguồn điện của cả nước. Theo quy hoạch tại ba tỉnh Gia Lai, Đắk Nông và Kon Tum có đến 257 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ. Việc triển khai nhiều dự án thủy điện ở khu vực này đã có những tác động tiêu cực tới môi trường sinh thái, làm suy giảm diện tích rừng, hình thành những đoạn sông chết do chế độ điều tiết nước chưa hợp lý, chưa tính đầy đủ và chưa có giải pháp xử lý đối với những biến đổi về sinh thái ở thượng lưu và hạ lưu của các dự án, không có kế hoạch điều tiết nước liên hồ chứa và có thể có tác động tiêu cực đến an ninh nước.

Sự suy thoái môi trường ở vùng dân tộc và miền núi tác động lớn đến đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng và môi trường tự nhiên Việt Nam nói chung.

2. Giải pháp phát triển vùng dân tộc và miền núi theo hướng bền vững

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định: “Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và nghĩa vụ của mọi công dân. Kết hợp chặt chẽ giữa kiểm soát, ngăn ngừa, khắc phục ô nhiễm với khôi phục và bảo vệ môi trường sinh thái. Phát triển năng lượng sạch, sản xuất sạch và tiêu dùng sạch. Coi trọng nghiên cứu, dự báo và thực hiện các giải pháp ứng phó với quá trình biến đổi khí hậu và thảm họa thiên nhiên. Quản lý, bảo vệ, tái tạo và sử dụng hợp lý, có hiệu quả tài nguyên quốc gia”(6).

Để ổn định và phát triển vùng dân tộc và miền núi theo hướng phát triển bền vững cần phải tập trung giải quyết đồng bộ các mặt kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng; gắn đầu tư phát triển kinh tế với chăm lo giải quyết các vấn đề văn hóa, xã hội, môi trường. Phát triển kinh tế đi đôi với việc bảo đảm an sinh xã hội, quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đề làm được điều đó cần tiếp tục thực hiện các giải pháp sau:

- Về công tác tuyên truyền, giáo dục. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, người dân đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng; nhận thức rõ vai trò đặc biệt quan trọng của rừng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu. Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhất là đối với các địa phương có rừng; tăng cường sự giám sát của người dân, cộng đồng, các đoàn thể nhân dân, các cơ quan thông tin đại chúng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Chính quyền các cấp cùng với các tổ chức chính trị - xã hội, những người có uy tín trong đồng bào DTTS cùng chung tay, góp sức, tuyên truyền, giáo dục đồng bào nâng cao nhận thức về môi trường, từng bước hình thành quan niệm mới về phát triển và phát triển bền vững; tuyên truyền người dân sử dụng, bảo vệ tốt nguồn đất, nước, khai thác, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, khoáng sản. Nên sử dụng đa dạng các hình thức tuyên truyền: tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng bằng tiếng, chữ viết phổ thông và tiếng dân tộc; tuyên truyền miệng; thực hiện lồng ghép tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt cộng đồng; tổ chức các cuộc thi tuyên truyền gắn bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế - xã hội bằng hình thức thi viết hoặc sân khấu hóa, chuyển thể thành những kịch bản có dùng ngôn ngữ, cách nói của đồng bào. Nội dung, cách thức tuyên truyền gắn với từng chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và đối tượng cụ thể.

- Về xây dựng, thực hiện hệ thống thể chế luật pháp bảo vệ tài nguyên và môi trường. Khi hoạch định và tổ chức thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với vấn đề bảo vệ tài nguyên và môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu với tầm nhìn dài hạn. Xây dựng bản đồ phân vùng môi trường làm căn cứ để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường vùng dân tộc, miền núi. Trong các hợp phần của các chính sách phát triển kinh tế- xã hội, ngoài việc hỗ trợ giống, cây, con, cần quan tâm nhiều hơn nữa đến hướng dẫn bà con kết hợp áp dụng khoa học kỹ thuật mới với tri thức địa phương để vừa nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi vừa bảo vệ độ phì cho đất, chống xói mòn, rửa trôi.

Tiếp tục kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về môi trường theo hướng hiện đại, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu đề ra. Bố trí nguồn kinh phí phù hợp (không dưới 1% tổng chi ngân sách) cho công tác bảo vệ môi trường. Đầu tư có trọng điểm để giải quyết các vấn đề về môi trường, các điểm nóng về môi trường thuộc khu vực công ích, như bãi xử lý rác thải sinh hoạt đô thị, hệ thống xử lý chất thải y tế, hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước thải công nghiệp ở các khu công nghiệp.

Thực hiện nghiêm túc Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước. Cần bổ sung, hoàn thiện các quy định và cơ chế quản lý về bảo vệ môi trường khu công nghiệp, khu kinh tế, bệnh viện, làng nghề, các lưu vực sông, vùng nông thôn và miền núi. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Cần điều chỉnh lại mức thuế tài nguyên, thuế khai thác, sử dụng nước cho phù hợp với thực tế và phải có quy định rõ ràng mức đóng thuế thỏa đáng của doanh nghiệp cho địa phương và Nhà nước, tránh tình trạng đóng thuế hình thức như hiện nay.

Tạo cơ chế phối hợp, hợp tác và huy động mọi thành phần kinh tế, toàn xã hội tham gia bảo vệ môi trường. Doanh nghiệp phải thường xuyên sử dụng một phần lợi nhuận để chăm lo đời sống của đồng bào. Nên dành một phần chi phí thuế tài nguyên, lợi nhuận của các dự án sản xuất từ tài nguyên miền núi đầu tư trở lại cho đồng bào DTTS, để đồng bào ổn định cuộc sống, hạn chế du canh, du cư, chặt phá rừng bừa bãi làm nương rẫy.

- Gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ tài nguyên và môi trường nhằm phát triển bền vững vùng dân tộc và miền núi.

+ Giải pháp bảo vệ tài nguyên rừng. Rà soát, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế, xã hội có tác động tiêu cực đến diện tích, chất lượng rừng, đặc biệt là đối với rừng tự nhiên, rừng phòng hộ; có cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, nhất là các dự án phát triển thủy điện, khai thác khoáng sản, xây dựng các khu công nghiệp, dịch vụ du lịch... Rà soát, đánh giá lại kết quả thực hiện và hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường đối với các dự án cải tạo rừng tự nhiên; dự án chuyển đổi rừng sang trồng cao su, sản xuất nông nghiệp.

Kiên quyết đình chỉ, thu hồi đất đối với dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng có sai phạm, hoặc có nguy cơ gây thiệt hại lớn về rừng, môi trường sinh thái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và đời sống người dân vùng dự án; đồng thời xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm, thiếu trách nhiệm trong công tác thẩm định, phê duyệt, cấp phép đầu tư.

Đẩy mạnh trồng rừng đầu nguồn; trồng rừng mới, trồng lại rừng sau khai thác; khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh, phục hồi, bổ sung rừng, nâng cao giá trị đa dạng sinh học, khả năng cung cấp lâm sản, khả năng phòng hộ và các giá trị khác của rừng. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng. Gắn mục tiêu bảo vệ, phát triển rừng với hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống, việc làm, an sinh xã hội cho người dân địa phương, đồng bào dân tộc miền núi, biên giới, nhất là cho người dân làm nghề rừng. Đẩy mạnh xã hội hóa, có cơ chế khuyến khích, tạo thuận lợi cho người dân và các thành phần kinh tế cùng tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Tổ chức xây dựng nghề rừng, quản lý nghề rừng và thực hiện chủ trương xã hội hóa nghề rừng. Tổ chức thực hiện tốt các Chương trình 327, 661 phủ xanh đất trống đồi trọc, nâng cao độ che phủ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học, nhằm tạo lá phổi xanh cho vùng nông thôn miền núi. Xây dựng và ban hành các chính sách về miễn giảm thuế sử dụng đất, các chính sách quản lý vùng đệm, vùng lõi rừng. Thúc đẩy phát triển nông - lâm nghiệp sinh thái, khuyến khích trồng rừng dược liệu ở những vùng có lợi thế so sánh. Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách bảo vệ, phát triển rừng. Khuyến khích doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế liên doanh, liên kết với dân để phát triển rừng bằng nhiều hình thức linh hoạt như thuê đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của dân để trồng rừng nguyên liệu, chế biến lâm sản, cung ứng giống, chuyển giao kỹ thuật... Chuyển đất và rừng của những nông lâm trường sử dụng kém hiệu quả giao cho dân, thôn bản và các tổ chức kinh tế khác; thực hiện triệt để giao rừng, đất rừng cho cộng đồng làng, bản quản lý, khai thác.

+ Sử dụng tiết kiệm tài nguyên, khoáng sản. Khai thác, quản lý và bảo vệ tốt các nguồn tài nguyên, chú trọng phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường. Khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia vào hoạt động bảo vệ tài nguyên đất, nước, rừng, khoáng sản, nhất là các mỏ nhỏ, phân tán. Sử dụng các chế tài pháp luật, các chính sách, công cụ kinh tế và biện pháp hành chính nhằm thực hiện tốt các quy định pháp luật về tài nguyên, khoáng sản. Tăng đầu tư cho khâu phục hồi, tái tạo và cải thiện môi trường sinh thái ở địa bàn khai thác mỏ.

Tăng cường công tác thẩm định kế hoạch phát triển thủy điện trước khi cấp giấy phép xây dựng nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, tránh ô nhiễm và cạn kiệt nguồn nước trong vùng.

Tích cực phòng ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường tại các khu công nghiệp, khu dân cư, khu du lịch; cải tạo và xử lý ô nhiễm môi trường trên các sông, hồ... Ứng phó và khắc phục có hiệu quả các sự cố môi trường.

Chú trọng phát triển kinh tế xanh, thân thiện với môi trường; từng bước phát triển năng lượng sạch, sản xuất sạch, tiêu dùng sạch.

Việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ, tổ chức đào tạo lại, đào tạo mới để hình thành đội ngũ chuyên gia, đặc biệt là các chuyên gia khoa học hàng đầu, cán bộ quản lý nhà nước có trình độ cao trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng là vấn đề hết sức thiết yếu nhằm tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhiệm vụ quan trọng này.

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên, đảm bảo khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước... đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Cần tăng cường quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường; tổ chức khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên rừng, tài nguyên nước, thực hiện tốt chính sách đất đai, bảo đảm việc sử dụng đất phù hợp với phương hướng phát triển kinh tế- xã hội và nhiệm vụ quốc phòng an ninh, đồng thời bảo đảm không gian sinh tồn của đồng bào DTTS tại chỗ. Đối với các dự án sử dụng nhiều đất, cần có cơ chế để chủ dự án sử dụng lao động là người DTTS tại chỗ và trích kinh phí thực hiện an sinh xã hội. Tiếp tục sắp xếp lại hệ thống lâm trường quốc doanh, giảm dần và từng bước giải thể các công ty lâm nghiệp nhà nước làm ăn không hiệu quả; đẩy mạnh giao rừng cho cộng đồng buôn làng để giảm áp lực về đất sản xuất, góp phần vào việc nuôi rừng, giữ rừng, bảo vệ môi trường; coi đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm giảm áp lực về đất sản xuất, đồng thời tạo điều kiện cho người dân gắn bó với rừng, tạo công ăn việc làm, thoát nghèo một cách bền vững.

Hoàn thiện hệ thống các chế tài phù hợp về quản lý môi trường trên địa bàn theo hướng quy định rõ quyền lợi và trách nhiệm bảo vệ môi trường, quản lý đô thị của các tổ chức, cá nhân.

Thường xuyên thanh kiểm tra, ngăn ngừa, xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường và không để phát sinh các điểm ô nhiễm mới.

Xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, các hoạt động cung ứng dịch vụ vệ sinh, môi trường.

Thực hiện tốt việc đánh giá tác động môi trường và tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường trong lập, triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án.

Xây dựng kế hoạch và đầu tư kinh phí thỏa đáng thu gom rác thải: rác thải rắn, rác thải bệnh viện cần có hố chôn lấp, xử lý đúng tiêu chuẩn, nhằm tránh nhiễm bẩn, nhiễm độc nguồn nước. Đồng thời có chính sách đầu tư bảo tồn và phát huy tri thức địa phương, trong đó, quan tâm đặc biệt tới các luật tục tiến bộ, kết hợp luật tục với chế tài pháp luật trong bảo vệ môi trường.

Các địa phương cần cụ thể hóa và đưa chính sách bảo vệ môi trường vào chương trình hành động, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phát huy vai trò của cộng đồng dân cư, tăng cường sự tham gia của cả cộng đồng vào quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Chú trọng việc mở rộng sự hợp tác với các tổ chức quốc tế và các quốc gia khác trong việc giải quyết vấn đề môi trường và nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, hoạt động phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai.

________________________

(1), (2), (3) Tài nguyên rừng và nguyên nhân suy thoái rừng ở Việt Nam, http://www.vusta.vn, ngày 30-10-2018.

(4) Cụ thể: Chính sách phát triển lâm nghiệp, phát triển nghề rừng; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn (Chương trình 135), Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nhà ở và nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS nghèo (theo Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg), Chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn vay vốn phát triển sản xuất (theo các Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg và số 126/2008/QĐ-TTg); Chính sách định canh, định cư; chính sách quy tụ, bố trí và ổn định dân cư; chính sách phát triển khai thác và chế biến khoáng sản; Chính sách đầu tư phát triển thủy điện...

(5) Trương Minh Dục (Chủ nhiệm đề tài): Xu hướng biến đổi quan hệ dân tộc: Những vấn đề đặt ra và định hướng chính sách, Đề tài cấp quốc gia, mã số KX.04.21/16-20, Đà Nẵng, 2018.

(6) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.78.

Tài liệu tham khảo:

1. Trương Minh Dục: Quan hệ tộc người ở Tây Nguyên trong thời kỳ đổi mới, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016.

2. Đặng Đình Phú: “Phát triển thủy điện ở Việt Nam: tiềm năng và thách thức”, Tạp chí Năng lượng Việt Nam, cập nhật ngày 20-10-2017.

3. Luật bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13, ngày 23-6-2014.

 

4. Nguyễn Hồng Sơn: “Hoàn thiện và đổi mới cơ chế thực hiện chính sách văn hóa đối với vùng dân tộc, miền núi”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học lần thứ ba của đề tài cấp quốc gia KX.04.21/16-20, Đà Nẵng, tháng 10-2018.

PGS, TS Trương Minh Dục

Học viện Chính trị khu vực III

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền