Trang chủ    Thực tiễn    Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với báo chí hiện nay
Thứ ba, 02 Tháng 3 2021 14:30
3559 Lượt xem

Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với báo chí hiện nay

(LLCT) - Trong thời kỳ đổi mới, cùng với sự phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội, hệ thống báo chí, truyền thông nước ta đã phát triển nhanh cả về đội ngũ, trình độ, loại hình, quy mô, phương tiện, kỹ thuật - công nghệ; khả năng tác động và ảnh hưởng xã hội, đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.Tuy nhiên, vẫn còn không ít những hạn chế, bất cập trong hoạt động báo chí, đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng.

1. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các cơ quan báo chí, truyền thông nước tađã trở thành một binh chủng hùng mạnh của công tác tư tưởng, văn hóa, hoạt động hiệu quả trên tất cả cáclĩnh vực của đời sống xã hội, như chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và hoạt động thông tin quốc tế. Tính đến tháng 12- 2020, sau gần 4 năm thi hành Luật Báo chí 2016 và 1 năm thực hiện Quy hoạch phát triển, quản lý báo chí đến năm 2025 theo hướng giảm trùng lặp tôn chỉ, mục đích, nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiện đại hóa, trong cả nước có 779 cơ quan báo chí, với bốn loại hình là báo in, báo nói, báo hình và báo điện tử. Đội ngũ người làm báo đông đảo với hơn 40nghìnngười, trong đó có hơn 20nghìnngười được cấp thẻ nhà báo. Sự phát triển mạnh mẽ của báo chí Việt Nam là kếtquả sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, sự phát triển đất nước; tác động tích cực của thời đại, nhất là quá trình toàn cầu hóa và sự phát triển khoa học - công nghệ trên thế giới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế,bất cậpcủa báo chí về định hướng hoạt động, nội dung chuyển tải và kỹ thuật thông tin, trình độ chính trị, nghề nghiệp, năng lực tác nghiệp của một bộ phận đội ngũ phóng viên; công tác quản lý nhà nước của một số cơ quan có trách nhiệm chỉ đạo công tác báo chí, các tổ chức, cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản và hội nghề nghiệp...Trên mặt bằng báo chí cả nước còn nhiều sản phẩm chất lượng thấp, chưa kịp thời phát hiện và lý giải những vấn đề cuộc sống đặt ra. Hệ thống báo chí, truyền thông chưa hợp lý, chồng chéo nhiệm vụ, gây lãng phí nguồn lực xã hội. Có lúc, có nơi, sự chỉ đạo của cấp ủy đảng, sự quản lý của cơ quan nhà nước chưa theo kịp với quy mô, tốc độ phát triển và diễn biến tình hình thực tế của báo chí, truyền thông. Một số cơ quan báo chí chưa làm tốt chức năng định hướng tư tưởng và dư luận xã hội, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, chăm lo xây dựng con người; chưa tiếp cận với công nghệ thông tin, làm báo hiện đại, sản phẩm báo chí chưa thực sự hấp dẫn; còn sa đà vào thông tin các mặt tiêu cực của đời sống xã hội, chưa chú ý đúng mức việc phát hiện, cổ vũ, nhân rộng những nhân tố mới, điển hình tiên tiến, những mặt tích cực của xã hội…

Bên cạnh đó, sự phát triển vũ bão của công nghệ thông tin, của mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác trên internet cũng mang tới cả những hệ lụy, mặt trái, mặt phức tạp; các thế lực thù địch, phản động chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam ngày càng tinh vi, xảo quyệt.

Trong tình hình, điều kiện ấy, việc đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với báo chí, truyền thông là một yêu cầu khách quan, cấp thiết, có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Chính vì vậy, ngày 8-4-2020, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 43-CT/TW “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới”, Chỉ thị nêu rõ: “Vẫn còn tình trạng hoạt động báo chí xa rời tôn chỉ, mục đích, thiếu tính định hướng. Báo chí có nguy cơ bị truyền thông xã hội chi phối, lấn át, gây ra nhiều tác hại. Các thế lực thù địch không ngừng chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta”(1).

Nhằm xây dựng hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng xứng đáng với vai trò, vị trí của mình, Chỉ thị nêu ra những nhiệm vụ cấp bách, trong đó nhấn mạnh: “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với báo chí theo hướng bảo đảm báo chí phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng và quyền tự do, dân chủ của nhân dân”(2).

2.Tăng cường vai trò và sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí và truyền thông trong điều kiện hiện nay, trước hết là quán triệt quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về báo chí. Trong các thời kỳ lịch sử,cũng như hiện nay, Đảng ta  luôn coi trọng và đềcao vai trò to lớn của báo chí và truyền thông. Báo chí, truyền thông là mặt trận cách mạng, là công cụ, vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng và Nhà nước; là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; là phương tiện quan trọng, hữu hiệu tuyên truyền phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; là diễn đàn để nhân dân phát huy quyền tự do, dân chủ trong việc tham gia quản lý xã hội, giám sát quyền lực để thực hiện đường lối, mục tiêu của Đảng. Toàn bộ hệ thống báo chí, truyền thông trên tất cả các loại hình ở Việt Nam đều là cơ quan của các tổ chức đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Đảng lãnh đạo báo chí và truyền thông bằng việc định hướng “quy hoạchvà sắp xếp lại hệ thống báo chí đáp ứng yêu cầu phát triển, bảo đảm thiết thực, hiệu quả”(3); “các cơ quan truyền thông phải thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ”(4); quy hoạch,đào tạo, bố trí cán bộ và đội ngũ người làm báo; giám sát kiểm tra hoạt động của các cơ quan báo chí, nhà báo và hội viên nhà báo; lãnh đạo việc tăng cường quản lý nhà nước về báo chí và truyền thông; lãnh đạo thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng bằng các chính sách, pháp luật của Nhà nước để “phát triển hiệu quả, lành mạnh hệ thống báo chí, xuất bản, phát thanh truyền hình đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ đất nước”(5).

Đảng lãnh đạo báo chí, truyền thông là tất yếu. Song,Đảng, Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo vệ quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, bao gồm quyền tự do hoạt động nghề nghiệp của người làm báo, truyền thông; quyền tự do tiếp cận và nhận thông tin; quyền tự do cá nhân và tổ chức được bảo vệ trước báo chí và truyền thông. Báo chí là người bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân, đấu tranh vì hạnh phúc, ấm no của nhân nhân, v.v. Quan điểm đó của Đảng được thể chế hóa trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (năm 2013) về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; tuân thủ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội”(6). Đại hội XII (2016) và Đại hội XIII (2021) của Đảng đều chỉ rõ: Các cơ quan báo chí, truyền thông phải thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, nâng cao tính tư tưởng, nhân văn và khoa học, đề cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, góp phần xây dựng văn hóa và con người Việt Nam.

Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo công tác báo chí là nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng to lớn của nhân dân về thông tin, về văn hóa dân tộc và cái đẹp, chân, thiện, mỹ của con người Việt Nam. Đảng chủ trương phát triển mạnh mẽ đi đôi với quản lý tốt hệ thống báo chí, truyền thông. Quản lý tốt báo chí nhất là mạng internet là nhằm phát huy cao nhất hiệu quả của hệ thống báo chí đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân và phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng; đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất những sai phạm của báo chí, truyền thông trong thông tin. Đại hội XIIcủa Đảngnhấn mạnh “chú trọng công tác quản lý các loại hình thông tin trên internet để định hướng tư tưởng và thẩm mỹ cho nhân dân, nhất là cho thanh niên, thiếu niên”(7). Báo chí, truyền thông phải được phát triển theo hướng cách mạng, chuyên nghiệp, hiện đại, tích cực hội nhập, mở rộng quy mô ảnh hưởng trong nước và quốc tế. Để thực hiện mục tiêu đó, Đảng lãnh đạo toàn diện báo chí bằng đường lối, chủ trương, chiến lược phát triển, nội dung báo chí, truyền thông, công tác cán bộ, cơ chế, chính sách nhằm phát triển báo chí. Đảng lãnh đạo báo chí thông qua các cơ quan nhà nước, thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối, quan điểm của Đảng thành luật pháp, chính sách đối với báo chí; thông qua các tổ chức Đảng trong các cơ quan báo chí, trong các cấp hội nhà báo, cơ quan chủ quản báo chí và đội ngũ cán bộ, phóng viên báo chí, v.v.

3.Trong điều kiện, tình hình đất nước và thế giới hiện nay với những thuận lợi, thách thức đan xen từ toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin, xu thế báo chí, truyền thông đa phương tiện, truyền thông hội tụ phát triển thông tin đa dịch vụ, v.v, việc tăng cường lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với báo chí là một yêu cầu khách quan, cấp thiết, có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Chúng tôi nghĩ rằng, yêu cầu đó cần phải được tập trung vào một số điểm sau đây:

Thứ nhất,Đảng cần tiếp tục đổi mới tư duy và nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện các lĩnh vực đời sống xã hội nước ta; tổng kết thực tiễn đất nước, thực tiễnphát triển của báo chí, truyền thông dưới sự lãnh đạo của Đảng; đúc rút và vận dụng các bài học kinh nghiệm về lãnh đạo công tác báo chí và truyền thông trong những thập niên đầu thế kỷ XXI. Những bài học kinh nghiệm lãnh đạo công tác báo chí đã được Đảng tổng kết trong nhiệm kỳ khóa XII. Đó là: Phải luôn luôn giữ vững sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí và truyền thông; Cần nhận thức đầy đủ hơn và đúng đắn về vai trò to lớn, ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ của báo chí, truyền thông đối với xã hội và sự nghiệp đổi mới xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa; Cần thường xuyên chăm lo phát triển hệ thống báo chí, truyền thông một cách khoa học, hợp lý, đồng bộ, hiện đại đồng hành với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; Cần đặc biệt quan tâm đến công tác tổ chức, cán bộ, công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực báo chí, truyền thông(8).

Thứ hai,Đảng tiếp tục bổ sung, hoàn thiện quan điểm, đường lối, phương thức lãnh đạo báo chí sát hợp với đặc thù của báo chí và tình hình thực tế hoạt động phong phú của báo chí nước ta hiện nay. Sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí trước hết là bằng quan điểm, đường lối, thể hiện qua các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương Đảng, các văn bản luật pháp về quản lý nhà nước về báo chí của Quốc hội, Chính phủ. Đảng lãnh đạo báo chí là nhằm nắm vững và sử dụng công cụ tư tưởng của mình, đồng thời bảo đảm quyền sáng tạo của báo chí, giúp báo chí hoàn thành chức năng cao cả của mình. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí mới có quyền lực chính trị và quyền lực xã hội mạnh mẽ. Quyền lực đó của báo chí nằm trong sự quy định của pháp luật. Quyền lực đó bảo đảm để báo chí luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, đấu tranh kiên quyết với các hành vi, thủ đoạn chống Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo đảm cho báo chí phát triển mạnh mẽ, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.

Đảng tiếp tục tăng cường nội dung lãnh đạo mang tính khoa học cao, có tầm bao quát vừa rộng, vừa sâu, vừa lâu dài đối với báo chí; kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng đối với hoạt động báo chí; hoàn thiện pháp luật và các chính sách của Nhà nước đối với báo chí, nhất là bổ sung, sửa đổi Luật Báo chí năm 2016 cho phù hợp với hoạt động báo chí trong bối cảnh tình hình mới; bổ sung cơ chế để tăng cường giám sát xã hội đối với báo chí; định hướng chính sách xây dựng quy hoạch và phát triển lâu dài hệ thống báo chí tiên tiến, hiện đại, mạnh về đội ngũ cán bộ, phóng viên và đủ tài chính. Tiếp tục đầu tư xây dựng một số đơn vị báo chí có vị thế đầu đàn, đủ năng lực cung cấp thông tin cho các tầng lớp nhân dân, giữ vai trò chi phối dư luận xã hội, giữ nhịp phát triển cho cả hệ thống báo chí; đủ năng lực vươn ra thế giới, chủ động thông tin về những diễn biến kinh tế, chính trị trong nước và trên thế giới; bổ sung và hoàn thiện chính sách khuyến khích theo hướng phải bảo đảm được sự tự chủ, chủ động sáng tạo của báo chí.

Thứ ba,tăng cường vai trò, trách nhiệm, năng lực của cấp ủy các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí trong việc lãnh đạo, quản lý, phát triển hệ thống báo chí nhằm phát huy tốt nhất vai trò của báo chí trong thông tin, tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước; tích cực, chủ động đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tệ nạn xã hội, phản bác có hiệu quả thông tin, quan điểm sai trái, thù địch. Không ngừng nâng cao chất lượng tư tưởng, văn hóa, tính chiến đấu, tính nhân văn, tính hấp dẫn, xây dựng cơ sở, vật chất, kỹ thuật, các nguồn lực cần thiết cho hệ thống báo chí, thông tin trong cả nước, v.v.

Thứ tư, tăng cường công tác xây dựng Đảng, đề cao trách nhiệm cán bộ, đảng viên, phóng viên, nhất là người đứng đầu, trong tất cả các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương. Tiếp tục kiện toàn bộ máy và tăng cường nâng cao năng lực chuyên môn, bản lĩnh chính trị của cán bộ quản lý báo chí. Nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam. Nâng cao chất lượng người làm báo theo tiêu chí vừa hồng vừa chuyên, xây dựng chuẩn hóa đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên. Coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao ý thức, bản lĩnh chính trị và phát triển Đảng tại cơ quan báo chí cũng như cơ các sở đào tạo ngành báo chí. Nâng cao vai trò, trách nhiệm đi đầu của lãnh đạo cơ quanbáo chí, truyền thông.

Thứ năm, thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, trình độ ngoại ngữ và kiến thức về quan hệ quốc tế cho độingũ làm báo. Coi trọng công tác rà soát, đánh giá cán bộ quản lý báo chí; thực hiện nghiêm các quy định, quy trình về bổ nhiệm, miễn nhiệm, thi đua, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ lãnh đạo các cơ quan báo chí; có kế hoạch bổ sung cán bộ có năng lực, đủ phẩm chất cho hệ thống báo chí. Đổi mới hoạt động của các cơ quan báo chí trực tiếp dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng; cần phải nâng cao tính định hướng tư tưởng xã hội, phải đi đầu về thông tin chính trị, định hướng dư luận xã hội tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới của Đảng và tiến trình phát triển đất nước. Tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, kỹ thuật, nguồn lực và cơchế cho cơ quan báo chí chủ lực phát triển, trở thành những trung tâm báo chí đa phương tiện mạnh; khuyến khích cơ quan báo chí năng động trong hoạt động kinh tế báo chí theo đúng quy định của pháp luật...

Thứ sáu, tăng cường lãnh đạo công tác thông tin đối ngoại, làm tốt công tác quảng bá hình ảnh đất nước, các giá trị văn hóa dân tộc và con người Việt Nam đến nhân dân và bạn bè thế giới. Đồng thời làm tốt công tác hướng dẫn nhân dân tiếp thu những tinh hoa, giá trị văn hóa tích cực, tiến bộ của nhân loại; phê phán, đấu tranh chống văn hóa phi tiến bộ, tiêu cực, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc ta và văn hóa sai trái, phản động du nhập vào nước ta qua nhiều hình thức, nhất là các mạng xã hội internet.

Thứ bảy, thường xuyên thực hiện sự phối hợp chặt chẽ, có phân công trách nhiệm theo chức năng, nhiệm vụ của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam trong việc chỉ đạo và ra kế hoạch hoạt động cho báo chí từng quý, từng năm, nhất là dịp những ngày lễ quan trọng của dân tộc, của Đảng và Nhà nước; đồng thời tiến hành tổng kết công tác báo chí hàng năm để biểu dương kịp thời thành tích, rút kinh nghiệm khắc phục hạn chế, yếu kém. Trước mắt là tuyên truyền thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

Tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với báo chí hiện nay là một đòi hỏi khách quan và cấp bách của sự nghiệp xây dựng và phát triểnđất nướchiện nay. Làm tốt những yêu cầu, nhiệm vụ trên đây chính là tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng về công tác báo chí, đẩy mạnh công tác tư tưởng, tạo sự đồng thuận xã hội, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của đất nước; đồng thời tạo điều kiện, động lực cho nền báo chí nước nhà phát triển, góp phần hoàn thành nhiệm vụ nặng nề, sứ mệnh cao cả đối với dân tộc, Đảng và nhân dân.

__________________

(1), (2) Ban Bí thư Trung ương Đảng: Chỉ thị 43-CT/TW ngày 8-4-2020“Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới”

(3), (4), (5), (7) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội,  2016, tr. 129, 129, 304, 129.

(6) Hồ Chí Minh:Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 166.

(8) Võ Văn Thưởng: “Vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác báo chí và truyền thông trong tình hình mới”, https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/vai-tro-lanh-dao-cua-ang-doi-voi-cong-tac-bao-chi-va-truyen-thong-trong-tinh-hinh-moi-295779/, ngày 19-6-2017.

Nguyễn Thanh Hải

Tạp chí Lịch sử Đảng, Viện Lịch sử Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền