Trang chủ    Thực tiễn     Nên sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 theo hướng nào?
Thứ ba, 03 Tháng 12 2013 08:59
2666 Lượt xem

Nên sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 theo hướng nào?

(LLCT) - Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và giáo dục, Hiến pháp nước Việt Nam có chức năng thể chế hóa cương lĩnh, đường lối của Đảng thành luật cơ bản của đất nước. Song nếu "thể chế hóa" một cách giản đơn, bằng cách chép nguyên văn những quan điểm, phương châm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng vào Hiến pháp mà không xử lý thích đáng các mối quan hệ giữa nhà cầm quyền với nhân dân thì sẽ rơi vào tình trạng hiến pháp ngày càng dài mà vẫn thiếu tính pháp chế.

Khi trích dẫn những "lời bất hủ" trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp 1791 để mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, rồi ra sắc lệnh Tổng tuyển cử bầu Quốc hội và đứng đầu "Ủy ban dự thảo Hiến pháp"  Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biết rõ tất cả những yêu tố tiến bộ trong cơ chế pháp quyền của cả hai nước Mỹ và Pháp đều bắt nguồn từ những luận điểm sâu sắc của tác phẩm Tinh thần pháp luậtcủa đại văn hào Montesquieu và Khế ước xã hội của Jean Jacques Rousseau, những nhà tư tưởng của Cách mạng 1791, biến thế kỷ XVIII ở châu Âu thành "thế kỷ Pháp". Do vậy, không có gì lạ khi nhiều nhà nghiên cứu có dịp tìm hiểu kỹ càng 4 bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992 đã phát hiện ra rằng: Bản hiến pháp "cũ" nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì biên soạn lại là Hiến pháp rất hiện đại về quyền dân chủ và đúng đắn nhất về "quy tắc" làm hiến pháp vì nó không lẫn lộn giữa hiến pháp với văn kiện của tổ chức chính trị - xã hội mà các hiến pháp sau ít nhiều đều mắc phải.

Ở Việt Nam hiến pháp được định nghĩa là "luật lệ căn bản của một Nhà nước quy định chế độ chính trị, kinh tế xã hội, quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, tổ chức bộ máy nhà nước" (Từ điển Tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học - NXB Giáo dục, Hà Nội, 1994, tr.421). Từ điển Larousse của Pháp định nghĩa hiến pháp là "luật căn bản của đất nước gồm tổng thể những quy tắc pháp lý chi phối các mối quan hệ giữa các nhà cầm quyền và những người thuộc quyền", điều này nghĩa là hiến pháp phải thông qua việc thiết lập những quy tắc pháp lý xác định các mối quan hệ giữa nhà cầm quyền với "đối tượng" quản lý của mình mà quy định chế độ kinh tế - chính trị - xã hội và bộ máy Nhà nước, vì nếu không được sự đồng thuận của "những người thuộc quyền" như một bản "khế ước xã hội" thì chế độ và bộ máy không có cơ sở để đứng vững.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và giáo dục, Hiến pháp nước Việt Nam có chức năng thể chế hóa cương lĩnh, đường lối của Đảng thành luật cơ bản của đất nước. Song nếu "thể chế hóa" một cách giản đơn, bằng cách chép nguyên văn những quan điểm, phương châm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng vào Hiến pháp mà không xử lý thích đáng các mối quan hệ giữa nhà cầm quyền với nhân dân thì sẽ rơi vào tình trạng hiến pháp ngày càng dài mà vẫn thiếu tính pháp chế.

Đó chính là lý do vì sao sau mấy lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp mà các Hiến pháp sau vẫn không vượt qua được Hiến pháp ban đầu cả về nội dung và quy tắc biên soạn. Đã coi Hiến pháp là "bộ luật căn bản của đất nước", sau "bộ luật căn bản" còn hàng trăm bộ luật trên từng lĩnh vực thì sửa chữa bổ sung Hiến pháp không có nghĩa là đất nước có bao nhiêu lĩnh vực hoạt động đều phải biên soạn thành chừng ấy chương, điều trong Hiến pháp, mà phải chọn lấy những gì căn bản nhất trực tiếp quyết định chế độ chính trị, kinh tế - xã hội, quyết định bộ máy nhà nước, trở thành quy tắc quan hệ giữa Nhà nước với nhân dân thì mới đưa vào Hiến pháp. Ví như đối với các tổ chức chính trị - xã hội, Hiến pháp 1946 và 1959 đều không có chương, điều riêng cho từng tổ chức mà chỉ cần viết gọn vào một điều chung, dành các vấn đề cụ thể cho luật về các tổ chức chính trị - xã hội, luật công đoàn, luật về từng giới, từng ngành nghề khi thấy cần thiết, nhưng Hiến pháp không thể thiếu các chương điều về nghĩa vụ và quyền thực sự làm chủ của người dân.

Hiến pháp 1992 ra đời trong bối cảnh thế giới và trong nước đều không thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Hệ thống XHCN do Liên Xô đứng đầu vừa tan rã làm cho so sánh lực lượng giữa cách mạng và phản cách mạng thay đổi hẳn, có lợi cho hệ thống đế quốc, khiến các nước XHCN còn lại, trong đó có Việt Nam, bị đặt trước tình hình nếu không kịp thời củng cố thì không tránh khỏi nguy cơ đổ vỡ dây chuyền trước sức tiến công quyết liệt của các thế lực đế quốc và phản động muốn kết thúc toàn bộ hệ thống XHCN trong thời gian ngắn nhất.

Trong nước, sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc, cả nước cùng đi lên CNXH, ra đời Hiến pháp 1980 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong hơn 10 năm chúng ta đã phạm sai lầm chủ quan, duy ý chí, nóng vội trong việc cải tạo kinh tế - xã hội, xóa bỏ nền kinh tế nhiều thành phần, duy trì quá lâu cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp, có những chủ trương sai trong xây dựng kinh tế, không kiềm chế nổi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội gây nhiều khó khăn trong đời sống.

Sau 5 năm đổi mới toàn diện theo Nghị quyết Đại hội VI năm 1986, tình hình kinh tế, đời sống nhân dân dần được cải thiện, sinh hoạt dân chủ ngày càng mở rộng, lòng tin của nhân dân được củng cố. Đại hội VII đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và được thể chế hóa trong Hiến pháp 1992.

Về chế độ chính trị, Hiến pháp khẳng định: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, mà nền tảng là liên minh công nông và trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thông qua việc tuyên bố: "Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân... Nhà nước bảo đảm và không ngừng phát huy quyền làm chủ về mọi mặt của nhân dân"..., Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, không ngừng tăng cường pháp chế XHCN...", Hiến pháp 1992 đã củng cố và phát triển hơn nền dân chủ XHCN, Nhà nước pháp quyền XHCN, bước đầu cải cách nền hành chính quốc gia.

Về chế độ kinh tế, Hiến pháp 1992 khẳng định: “Nhà nước phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng XHCN”, thừa nhận chế độ sở hữu tư nhân, lấy sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể làm nền tảng, thừa nhận kinh tế cá thể, kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế gia đình bên cạnh kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể, khuyến khích các tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vốn và công nghệ vào Việt Nam, bảo đảm quyền sở hữu hợp pháp đối với mọi quyền lợi của các tổ chức, cá nhân nước ngoài, mở ra cục diện thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, phá thế bị bao vây cấm vận, tạo các nhân tố cần thiết để hội nhập kinh tế thế giới.

Được ban hành sau cuộc tan rã hệ thống XHCN, Hiến pháp 1992 đã góp phần khẳng định tính độc lập, tự chủ của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tính kiên định của chế độ, đập tan khuynh hướng cơ hội chủ nghĩa về đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, đẩy lùi tư tưởng hoài nghi dao động, làm thất bại mưu đồ muốn đẩy ta đến sụp đổ. Qua 20 năm, Hiến pháp 1992 đã góp phần đưa đất nước thoát khỏi thế bị bao vây cấm vận, ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng chậm phát triển, gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình, thành thành viên tích cực của khối ASEAN, của Diễn đàn kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), của Liên hợp quốc, thành viên bình đẳng của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nâng đất nước lên vị thế chưa từng có trên trường quốc tế.

Nhưng Hiến pháp 1992 ra đời trong bối cảnh đất nước mới chuyển từ cơ chế quản lý tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng XHCN, Nhà nước pháp quyền XHCN mới hình thành, phải mày mò để tìm lấy đường đi, nhất là việc hội nhập thị trường kinh tế thế giới mà không xa rời định hướng XHCN. Trải qua 4 nhiệm kỳ Đại hội, Đảng ta đã tổng kết được nhiều kinh nghiệm quý báu, hình thành đường lối và phương châm chỉ đạo, cả về đối nội và đối ngoại, đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, Đại hội XI của Đảng đã bổ sung, phát triển Cương lĩnh 1991 lên một trình độ mới. Nhìn toàn cảnh, sau 20 năm đổi mới, đất nước vừa có nhiều bước phát triển quan trọng, vừa xuất hiện những yêu cầu khách quan đòi phải sửa đổi, bổ sung Hiến pháp cho phù hợp với tình hình, nhiệm vụ mới.

Việc sửa đổi và bổ sung Hiến pháp 1992 lần này, theo đúng tinh thần của Đại hội Đảng, phải nhằm mục tiêu "đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020", mở rộng tầm nhìn tới vài thập kỷ sau để trở thành "nước XHCN phồn vinh vào giữa thế kỷ XXI".

Hiến pháp 1992 sửa đổi và bổ sung nhất thiết phải trở thành Hiến pháp của nước Cộng hòa XHCN theo hướng hiện đại, thực sự trở thành "bộ luật căn bản" của nước XHCN với dân số xấp xỉ 90 triệu người, có 4 triệu người Việt sinh sống ở nước ngoài. Trên cơ sở nền pháp chế XHCN được xây dựng ngày càng hoàn chỉnh Hiến pháp 1992 phải góp phần đắc lực xây dựng Nhà nước pháp quyền vững mạnh, thực hiện dân chủ rộng rãi, tạo được khung pháp lý đầy đủ để mọi người Việt Nam, không phân biệt ngành nghề, tôn giáo, dân tộc, nơi cư trú, đều hoàn thành nghĩa vụ và được luật pháp bảo đảm mọi quyền lợi chính đáng, bao gồm dân quyền và nhân quyền, không thua kém bất cứ nước tiên tiến nào trên thế giới.

Về mặt chế độ kinh tế - xã hội, Hiến pháp 1992 sửa đổi, bổ sung phải khái quát được thành tựu qua 20 năm xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối. Có cơ chế quản lý rành mạch bảo đảm cho mọi thành phần kinh tế đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng trước pháp luật, bảo đảm cho thành phần kinh tế nhà nước hoạt động có hiệu quả, thật sự giữ vai trò chủ đạo, mọi đơn vị kinh tế đều tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh, không ỷ lại vào Nhà nước, kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và mở rộng, cùng kinh tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Cơ chế quản lý phải bảo đảm không ngừng cập nhật nền kinh tế tri thức là yếu tố hàng đầu để nâng cao sức cạnh tranh của kinh tế Việt Nam trong thời hội nhập.

Muốn đạt tới yêu cầu đó,việc sửa đổi và bổ sung Hiến pháp phải xuất phát từ thực tế hiện nay của xã hội ta, bên cạnh những mặt tích cực và ổn định còn không ít nhược điểm: sự minh bạch, công bằng trong công tác quản lý của nhiều cấp nhiều ngành chưa tốt, dẫn đến nhiều vụ khiếu kiện không đáng có. Cải cách hành chính chưa triệt để, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước còn thấp. Bởi vậy, sửa chữa bổ sung Hiến pháp cần được coi là "ngày hội dân chủ của toàn dân", sau khi được các ủy ban chuyên sâu chuẩn bị, cần công khai toàn bộ nội dung cho nhân dân đóng góp và thực tâm lắng nghe, tiếp nhận kho kiến thức, trí tuệ vô tận của nhân dân, tỉnh táo lọc bỏ những quan điểm sai trái. Cần thật sự học tập Chủ tịch Hồ Chí Minh coi Hiến pháp của đất nước là một loại hình "khế ước xã hội"giữa Nhà nước với nhân dân. Nhân dân được tham gia rộng rãi vào thảo luận Hiến pháp. Để xây dựng Hiến pháp 1959 Quốc hội đã kêu gọi toàn dân thảo luận từ 1-4-1959 tới 18-12-1959. Nhất thiết tránh khuynh hướng giản đơn, coi nhẹ quyền "phúc quyết" của nhân dân, như Điều 21 của Hiến pháp 1946 đã ghi rõ: "Nhân dân có quyền phúc quyết (quyết định lại) về Hiến pháp và những việc có quan hệ đến vận mệnh quốc gia theo điều thứ 32 và 70" và đó là quyền dân chủ trực tiếp chứ không chỉ thông qua đại biểu Quốc hội. Thảo luận về Hiến pháp là một cuộc vận động dân chủ trong toàn xã hội, công khai, minh bạch tạo nên một sự phân biệt rõ ràng giữa hợp hiến và vi hiến, giữa tiến bộ và phản động, công khai hóa cả những luận điệu chống đối trước khi kết luận và công bố, ngăn chặn kẻ xấu lợi dụng sự mơ hồ trong dư luận để xuyên tạc Hiến pháp.

Cùng với chế độ chính trị bảo đảm cho Nhà nước pháp quyền hoạt động có hiệu quả, luật pháp ngày càng nghiêm minh, dân chủ XHCN ngày càng mở rộng, thực sự trở thành Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, Hiến pháp 1992 được sửa chữa bổ sung phải góp phần đắc lực vào việc xây dựng nền tảng kinh tế của CNXH ngày càng phồn vinh với kiến trúc thượng tầng về chính trị, văn hóa, quốc phòng, an ninh phù hợp, bảo đảm tới năm 2020, nước ta thật sự là nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Theo thông lệ, Hiến pháp chỉ nên xác định chế độ chính trị - kinh tế - xã hội của đất nước. Các điều về văn hóa, giáo dục, quốc phòng - an ninh đều là dạng thức biểu hiện của chế độ chính trị - xã hội. Cần tránh một nhận thức sai lầm cho rằng lĩnh vực nào không được viết thành chương mục trong Hiến pháp là lĩnh vực đó không đủ tầm quan trọng. Ví như xây dựng, củng cố Đảng là vấn đề trực tiếp tác động tới vận mệnh xã hội, nhưng không thể đưa hết những điều quan trọng vào Hiến pháp. Năm 1946, Mặt trận Việt Minh có vị trí chi phối mọi hoạt động chính trị trong cả nước, nhưng Hiến pháp 1946 không có một từ nào nói về Việt Minh. Lý do đơn giản: Hiến pháp là những quy tắc pháp lý giữa Nhà nước với người dân. Cái gì không thuộc chủ đề đó thì không nên đưa vào làm cho Hiến pháp trở nên nặng nề, tản mạn, thành bản tuyên bố hay khẩu hiệu chính trị mà không thành Bộ luật căn bản của đất nước như nó có chức năng thể hiện.

________________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luân chính trị số 5-2012

Thiếu tướng, GS Bùi Phan Kỳ

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền