Trang chủ    Tin tức    Hội thảo khoa học: Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động khoa học của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới
Thứ hai, 22 Tháng 10 2018 15:02
1316 Lượt xem

Hội thảo khoa học: Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động khoa học của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới

(LLCT) - Ngày 19-10-2018, Vụ Quản lý khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học: “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động khoa học của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới”.

Toàn cảnh Hội thảo

Mục đích đích của Hội thảo là đánh giá thực trạng và những vấn đề đặt ra, kiến nghị các giải pháp để nâng cao chất lượng và hiệu quả nghiên cứu khoa học của hệ thống Học viện. Hội thảo cũng là sự kiện có ý nghĩa nhằm chào mừng 40 năm thành lập Vụ Quản lý khoa học của Học viện.

PGS, TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS, TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Học viện; PGS, TS Lê Văn Lợi, Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học, chủ trì Hội thảo. Hội thảo có sự tham sự đông đảo của các lãnh đạo các vụ, viện chuyên ngành, các nhà quản lý, nhà khoa học của Học viện.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS, TS Lê Quốc Lý khẳng định tầm quan trọng và vị thế của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và công tác nghiên cứu khoa học. Nhiệm vụ đặt ra là tìm các giải pháp để nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và quản lý hoạt động khoa học nhằm thúc đẩy sự phát triển của hoạt động khoa học của Học viện xứng tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới và nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao phó. Với tinh thần đó, đồng chí Phó Giám đốc chỉ đạo Hội thảo cần tập trung khái quát những vấn đề sau: Một là, khái quát những thành tựu nghiên cứu khoa học của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong 5 năm gần đây; Hai là, trên quan điểm khách quan, lịch sử - cụ thể, đánh giá đúng thực trạng hoạt động khoa học của Học viện trong giai đoạn hiện nay: phân tích vai trò của Hội đồng khoa Học viện, Hội đồng khoa học cơ sở đến việc nâng cao chất lượng hoạt động khoa học; phân tích chất lượng, hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực khoa học, tin lực khoa học, tài lực và vật lực khoa học; tác động của công tác quản lý khoa học đến việc nâng cao chất lượng hoạt động khoa học; hoạt động xã hội hóa sản phẩm khoa học (thông tin khoa học mới, công bố khoa học trong nước và quốc tế, dữ liệu số trong hoạt động khoa học....); Ba là, kiến giải và đề xuất những phương hướng và giải pháp phát triển hoạt động khoa học của Học viện trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp 4.0.

Hội thảo nhận được 18 tham luận từ các viện chuyên ngành, các học viện trực thuộc. Các tham luận tập trung đưa ra các đề xuất và kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động khoa học của Học viện trong thời gian tới, bao gồm:

  • Cần có kế hoạch, chiến lược nâng cấp vai trò của hội đồng khoa học các viện chuyên ngành, Học viện khu vực và của Hội đồng khoa học của Học viện, cân đối giữa thời gian đầu tư cho công tác giảng dạy và công tác nghiên cứu, làm khoa học của đội ngũ cán bộ Học viện.
  • Đề xuất tổ chức nhiều hơn nữa các khóa đào tạo về phương pháp giảng dạy cho cán bộ làm công tác giảng dạy và mở các lớp huấn luyện về kỹ năng làm công tác khoa học như kỹ năng quản lý, tổ chức thực hiện các hoạt động khoa học, thuyết minh, luận chứng các đề tài, chủ nhiệm đề tài khoa học. Đồng thời, quan tâm đến các nhà khoa học nữ của Học viện.
  • Trong tổ chức, phân công và quản lý các đề tài khoa học, cần tạo ra các mối liên kết ngang và liên kết dọc một cách chặt chẽ: Các viện gần nhau về chuyên môn, chuyên ngành có thể kết hợp tổ chức nghiên cứu liên ngành, xây dựng mô hình tổ chức liên thông với các khoa chuyên ngành của các học viện. Đây là cách để tăng cường sự kết nối thông tin giữa các cơ quan, các viện chuyên ngành. Tạo điều kiện cho các nhà khoa học ở Học viện và các viện chuyên ngành thể hiện tính chủ động trong nghiên cứu khoa học.
  • Đề xuất xây dựng cơ chế công nhận chủ biên của các công trình nghiên cứu ở địa phương tương đương với chủ nhiệm một công trình nghiên cứu cấp cơ sở.
  • Nâng cấp cơ chế quản lý tài chính, quy chế thanh quyết toán của các đề tài khoc học một cách công khai, minh bạch, nhanh và hiệu quả.
  • Cần xây dựng hệ hồ sơ của các nhà khoa học, từ đó tránh tình trạng trùng lắp các tên đề tài nghiên cứu. Ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm vào hoạt động quản lý khoa học để kiểm soát vấn đề bản quyền và đạo văn trong nghiên cứu khoa học.
  • Các đề tài sau khi nghiệm thu cần được ứng dụng vào các bài giảng, được công bố công khai trên Internet để chia sẻ kết quả khoa học.

Bảo Ngọc

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền