Trang chủ    Tin tức    Đoàn cán bộ tạp chí Lý luận chính trị nghiên cứu thực tế tại Thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên
Thứ năm, 01 Tháng 11 2018 15:44
1370 Lượt xem

Đoàn cán bộ tạp chí Lý luận chính trị nghiên cứu thực tế tại Thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên

(LLCT) - Thực hiện kế hoạch nghiên cứu, khảo sát thực tế hằng năm, ngày 26 -10- 2018, Đoàn cán bộ Tạp chí Lý luận chính trị do PGS, TS Vũ Hoàng Công, Tổng Biên tập làm Trưởng đoàn đi nghiên cứu thực tế tại thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên. Mục đích của chuyến đi là tìm hiểu, trao đổi về tình hình kinh tế -xã hội, quá trình hợp nhất chức danh, bộ máy giữa Đảng và chính quyền của thành phố Sông Công.

Đoàn công tác đã làm việc với Thành ủy Sông Công, nghe đồng chí Phan Đức Cường, Phó Bí thư Thành ủy báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; tình hình thực hiện, những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong việc nhất thể hóa chức danh Bí thư đồng thời là Chủ tịch Hội đồng nhân dân; Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân…

Đồng chí Phan Đức Cường cho biết, Thành phố Sông Công là thành phố công nghiệp nằm ở phía Nam của tỉnh Thái Nguyên, cách sân bay quốc tế Nội Bài 48 km, cách Hà Nội 60 km; hệ thống giao thông với các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ chạy qua như: quốc lộ 3, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, đường sắt Hà Nội - Quan Triều… Từ Sông Công có thể giao thương thuận tiện với các vùng kinh tế Bắc Thủ đô Hà Nội, thành phố Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang. Đây cũng chính là một trong những yếu tố tiên quyết để Sông Công được xác định là trung tâm công nghiệp lớn và là thành phố bản lề, trung chuyển kinh tế giữa các vùng trong và ngoài tỉnh Thái Nguyên.

Năm 2017, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng của thành phố đã hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 5.771 tỷ đồng (tăng 17% so với cùng kỳ năm 2016), trong đó sản xuất công nghiệp địa phương đạt 3.259 tỷ đồng (bằng 122% so với kế hoạch); giá trị xuất khẩu đạt 120,2 triệu USD (tăng 42% so với cùng kỳ năm 2016); giá trị hàng hóa bán lẻ đạt 1.057 tỷ đồng; thu ngân sách ước đạt 571,6 tỷ đồng (tăng 194%); thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4%...

Nhờ tập trung tăng chỉ số thu hút đầu tư bằng các biện pháp, như: đơn giản hóa các thủ tục hành chính, ưu đãi về thuế, thực hiện tốt mô hình “bộ phận một cửa”, “một cửa liên thông”, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn nên từ chỗ thành phố chỉ có một cụm công nghiệp Gò Đầm với với ba doanh nghiệp thì đến nay thành phố đã có hai khu công nghiệp tập trung là Sông Công 1, Sông Công 2 có quy mô 470 ha và ba cụm công nghiệp nhỏ với trên 300 doanh nghiệp; góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng vạn lao động trong và ngoài tỉnh.

Trong năm 2018, TP Sông Công tập trung đẩy mạnh nhiệm vụ xây dựng và phát triển thành phố theo tiêu chí đô thị loại II, trọng tâm là thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ. Huy động mọi nguồn lực xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn mới. Phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Cải cách bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thành phố phấn đấu năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 6.750 tỷ đồng; giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 135 triệu USD; thu ngân sách đạt 245 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 56 triệu đồng/người/năm...

Về phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Để phát huy thế mạnh của từng địa phương, Thành phố đã vận động người dân thực hiện tốt chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích đất sản xuất, quan tâm phát triển dịch vụ, thương mại, thúc đẩy giao thương để tăng cường trao đổi hàng hóa, quảng bá tiềm năng để thu hút đầu tư.

Tập trung phát triển vùng chè an toàn VietGap ứng dụng công nghệ cao tại các xã Bá Xuyên, Tân Quang; huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế với nhiều cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển, ưu tiên hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp...

Năm 2017, thu nhập bình quân đầu người của các xã trên địa bàn Thành phố đạt gần 32 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn của Thành phố chỉ còn 5,93%; 100% số hộ được sử dụng điện thường xuyên, an toàn; cả 4 xã đều có tỷ lệ trường học các cấp và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia; 4/4 xã đều có Trung tâm văn hóa, thể thao; lao động có việc làm đạt 95,32%; tỷ lệ bao phủ y tế đạt 97,2%...

Tính đến nay, 4/4 xã của TP.Sông Công là Vinh Sơn, Bình Sơn, Bá Xuyên và Tân Quang đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Tại buổi làm việc, PGS, TS Vũ Hoàng Công trao đổi với đồng chí Phó bí thư, đồng chí Trưởng ban Tổ chức Thành ủy về tình hình thực hiện, những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong việc nhất thể hóa chức danh Bí thư đồng thời là Chủ tịch Hội đồng nhân dân; Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân; về tình hình công tác xây dựng Đảng của Thành ủy.

Báo cáo với Đoàn công tác, đồng chí Phó Bí thư Thành ủy cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Thành ủy Sông Công đang thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Hội đồng nhân dân ở các cấp; chưa thực hiện được mô hình đồng chí bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân ở cấp huyện, cấp xã. Trong nhiệm kỳ 2015- 2020, đã thực hiện ở cấp thành phố, đồng chí Bí thư Thành ủy kiêm chức danh Chủ tịch Hội đồng nhân dân; cấp xã có 8/11 xã, phường, Bí thư Đảng ủy kiêm chức danh Chủ tịch Hội đồng nhân dân; vẫn còn 3/11 xã, phường, đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân. Theo đồng chí Phó Bí thư Thành ủy, việc thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Hội đồng nhân dân là phù hợp, bảo đảm sự tập trung, thống nhất, thông suốt trong lãnh đạo của Đảng đối với Hội đồng nhân dân và chính quyền trong thực hiện nhiệm vụ, tạo sự thống nhất giữa chủ trương, nghị quyết của cấp ủy với nghị quyết của Hội đồng nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương và thống nhất chỉ đạo việc triển khai tổ chức thực hiện của Ủy ban nhân dân.

Trao đổi với Thành ủy Sông Công về việc thực hiện chủ trương thí điểm hợp nhất, PGS, TS Vũ Hoàng Công cho biết, qua nghiên cứu thực tế tại một số địa phương cho thấy vẫn còn vướng mắc ở khá nhiều vấn đề: Thứ nhất, chưa thấy rõ tác dụng của sự hợp nhất, từ đó chưa thực sự quyết tâm tiến hành; Thứ hai, công việc nhất thể hóa chức danh và hợp nhất các cơ quan đảng và chính quyền tương đồng về chức năng, nhiệm vụ rất phức tạp, động chạm nhiều mặt (cả về thể chế lẫn tư tưởng, chính sách…), đòi hỏi nhiều thời gian, công sức trong khi có những việc cần và có thể triển khai sớm hơn, đem lại kết quả nhanh hơn như việc rút gọn đầu mối trung gian bên trong mỗi cơ quan, tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế; Thứ ba, hầu như địa phương nào cũng gặp phải vấn đề nhân sự đáp ứng yêu cầu của việc nhất thể hóa và hợp nhất cơ quan; Thứ tư, chưa thống nhất trong triển khai thí điểm. Có ý kiến cho rằng, trước hết thực hiện từ cấp huyện rồi lên cấp tỉnh thì sẽ chắc chắn hơn. Ngược lại có ý kiến cho rằng nên đồng thời cả cấp tỉnh và huyện, hoặc làm ở cấp tỉnh trước rồi triển khai xuống cấp huyện sau. Những câu hỏi này cho đến nay chưa được phía lý luận trả lời thuyết phục nên cũng ảnh hưởng tới quyết tâm đổi mới của các địa phương.

Theo PGS, TS Vũ Hoàng Công, việc hợp nhất các cơ quan Đảng, Nhà nước tương đồng chức năng, nhiệm vụ cần được tiếp tục thí điểm, trong nhiệm kỳ Đại hội XII chưa nên áp dụng trong phạm vi toàn quốc…

Buổi chiều cùng ngày, Đoàn đã đến thăm Điện lực Sông Công và xã nông thôn mới Úc Kỳ, huyện Phú Bình, Tỉnh Thái Nguyên. Tại Điện lực Sông Công, Đoàn đã được đồng chí Dương Văn Hợp, Giám đốc, báo cáo về tổ chức hoạt động, các hoạt động chính của Điện lực Sông Công. Trong những năm qua, Điện lực Sông Công luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần vào sự phát triển chung của thành phố. Làm việc với xã Úc Kỳ, Đoàn đã nghe đồng chí Dương Văn Nguyên, Bí thư Đảng ủy báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới của xã. Tiếp đó, Đoàn đã đi thăm cánh đồng trồng lúa nếp Thầu Dầu - giống lúa cổ truyền có chất lượng cao nổi tiếng của huyện Phú Bình, được sản xuất theo quy trình hệ thống canh tác lúa cải tiến SRI (nông nghiệp sinh thái).

Chuyến đi thực tế đã thành công tốt đẹp, mang lại những kiến thức thực tế bổ ích cho công tác biên tập - xuất bản Tạp chí.

Minh Phương

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền