Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã ở tỉnh Sơn La hiện nay
Thứ sáu, 04 Tháng 8 2017 11:20
3308 Lượt xem

Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã ở tỉnh Sơn La hiện nay

(LLCT) - Trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay, Đảng bộ tỉnh Sơn La đã xác định công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức các cấp, trong đó có cấp xã, là công việc quan trọng, và công tác này đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ cấp xã ngày càng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, V.I.Lênin đã chỉ rõ: “Trong lịch sử, chưa hề có một giai cấp nào giành được quyền thống trị, nếu nó không đào tạo ra được trong hàng ngũ của mình, những lãnh tụ chính trị, những đại biểu tiền phong có khả năng tổ chức và lãnh đạo phong trào”(1). Vận dụng quan điểm của V.I.Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Vấn đề cán bộ là một vấn đề trọng yếu, rất cần kíp”(2), vì vậy “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”(3).

Trong tiến trình cải cách hành chính ở Việt Nam hiện nay, vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước nói chung, cán bộ công chức cấp xã nói riêng được xác định là một giải pháp đặc biệt quan trọng(4).

1. Tình hình đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã tỉnh Sơn La

Quán triệt Nghị quyết Đại hội XI của Đảng về “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cả về bản lĩnh chính trị, phầm chất đạo đức, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý  nhà nước”(5), những năm qua cấp ủy, chính quyền các cấp ở tỉnh Sơn La, cùng vớiviệc kêu gọi, thu hút nguồn trí thức trong và ngoài tỉnh về công tác tại các xã ở tỉnh Sơn La(6), đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đương chức, đặc biệt là tích cực triển khai thực hiện Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của tỉnh Sơn La giai đoạn 2014-2020(7) và đã đạt nhiều thành tựu quan trọng.

Đến cuối năm 2016, tỉnh Sơn La có 4.564cán bộ, công chức cấp xã, trong đó chủ yếu là người dân tộc thiểu số, với 3.975 cán bộ, công chức (chiếm 87,09%). Cán bộ, công chức là đảng viên chiếm tỷ lệ cao với 3.803 người (chiếm 83,32%), cán bộ nữ là 894 người (chiếm 19,58%); độ tuổi dưới 30 là 968 người, từ 30 tuổi đến dưới 45 tuổi chiếm đa số với 2.250  người (chiếm 49,29%), từ 45 đến 55 tuổi là 1.232 người, từ 55 đến 60 là 373 người, và trên 60 tuổi là 11 người(8).

Về trình độ học vấn, hầu hết cán bộ công chức đã hoàn thành chương trình trung học phổ thông với 4.097 người (chiếm 98,76%), trung học cơ sở có 458 người (chiếm 10,03%), tiểu học có 09 người (chiếm 0.19%).

Về trình độ chuyên môn: số cán bộ công chức có trình độ đại học là 1.179 người (chiếm 25,38%), trung cấp có 2.551 người (chiếm 55,89%), cao đẳng có 316 (chiếm 6,92% người).

Về trình độ lý luận chính trị, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã luôn đượccác cấp uỷ đảng tỉnh Sơn La quan tâm, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện nênsố cán bộ, công chức đạt trình độ trung cấp khá cao với 2.603 người (chiếm 57,03%), đạt cao cấp và cử nhân chính trị có 14 người (chiếm 0,3%)(9).

Như vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức cấp xã đã đạt những kết quả quan trọng. Đa số cán bộ công chức cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng cơ bản. Tuy vậy, bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận cán bộ công chức cấp xã chưa đáp ứng đầy đủ điểu kiện về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị.

Số cán bộ công chức cấp xã chưa qua đào tạo về chuyên môn còn 367 người chiếm một tỷ lệ đáng kể(chiếm 8,04%), số có trình độ sơ cấp là 151 người (chiếm 3,30%).

Tuyệt đại đa số cán bộ công chức đã hoàn thành chương trình trung học phổ thông, chỉ còn 9 người (chiếm 0.19%) trình độ tiểu học và còn 458 người trình độ trung học cơ sở (chiếm 10,03%) mới đạt. Về trình độ lý luận chính trị, số cán bộ, công chức cấp xã chưa qua đào tạo là 1.262 người, chiếm 27,65%; số có trình độ sơ cấp chiếm 15% với 685 người(10).

2. Nguyên nhân của những hạn chế trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp xã còn những hạn chế nhất định, một bộ phận đội ngũ cán bộ cấp xã chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ mới. Những yếu tố các động, làm hạn chế hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ở tỉnh Sơn La là:

Sơn La là tỉnh vùng núi cao, biên giới, điều kiện kinh tế - xã hội nhiều khó khăn, đặc biệt các xã vùng sâu, vùng xa, xã biên giới, cách xa trung tâm huyện(11), cản trở việc tiếp cận cơ hội học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ của cán bộ, công chức cấp xã và đối tượng nguồn cán bộ; hạn chế cơ hội giao lưu trao đổi kiến thức, kinh nghiệm công tác.

Bên cạnh đó, yếu tố điều kiện gia đình, phong tục, tập quán cũng có những cản trở nhất định đến việc học tập vươn lên của nhiều cán bộ, công chức cấp xã, nhất là cán bộ nữ.

Đời sống của cán bộ và nhân dân còn nhiều khó khăn, thậm chí có gia đình cán bộ, công chức cơ sở vẫn trong tình trạng nghèo nên thời gian cho học tập và công việc còn hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả hoạt động, công tác.

Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền về tầm quan trọng của việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã chưa đầy đủ nên chưa có sự quan tâm thỏa đáng. Trong một thời gian dài, nhiều đơn vị, địa phương chưa xây dựng được quy hoạch cán bộ, do đó chưa có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ,công chức cấp xã.

Chế độ chính sách phục vụ đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức cấp xã có mặt chưa hợp lý, thiếu đồng bộ. Mặc dù đã có nhiều cải cách, song chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cũng như điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe... đối với cán bộ, công chức cấp xã chưa khuyến khích cán bộ, công chức tích cực học tập, nghiên cứu tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng hiệu quả công tác.

Một số chương trình đào tạo, bồi dưỡng chậm đổi mới nội dung, phương pháp, còn nặng về lý luyết, có chương trình không phù hợp với đối tượng học. Bên cạnh đó, một số cán bộ, công chức cấp xã còn ngại khó, ngại khổ, không có ý thức học tập, rèn luyện để phấn đấu vươn lên.

Từ thực trạng đội ngũ và những rào cản, thách thức trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã ở tỉnh Sơn La nêu trên, càng đặt ra yêu cầu chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã của tỉnh. Đây vừa là yêu cầu vừa mang tính cấp bách vừa mang tính chiến lược để Sơn La vượt qua thách thức, vươn lên “sớm trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng trung du và miền núi phía Bắc”(12).

3. Một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức cấp xã ở tỉnh Sơn La

Để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, trang bị những kiến thức, kỹ năng quản lý điều hành và phục vụ công vụ, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức cấp xã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trong thời gian tới, tỉnh Sơn La cần thực hiện một số giải pháp cụ thể sau:

Thứ nhất, đào tạo, bồi dưỡng theo quy hoạch, kế hoạch và gắn với sử dụng cán bộ, công chức cấp xã. Thực hiện tốt nội dung này sẽ đạt được hai mục tiêu: (1) tránh lãng phí trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, khắc phục tình trạng “Người đi học thì không được làm, người đi làm thì không được học”; (2) đào tạo, bồi dưỡng gắn với sử dụng nguồn nhân lực, sẽ tạo động lực khuyến khích cán bộ, công chức cấp xã nhiệt tình, hăng say học tập vì họ sẽ được trọng dụng vào một vị trí công tác mới hay đơn giản là họ được sử dụng các kiến thức mình được trang bị vào mục đích nhất định.

Thứ hai, tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo bồi dưỡng. Đối với cán bộ cơ sở, nội dung vừa phải bảo đảm những lý luận cơ bản vể quản lý kinh tế xã hội, vừa sát với tình hình chỉ đạo, quản lý, điều hành ở địa phương, cơ sở của tỉnh Sơn La. Kết hợp hài hòa các hình thức đào tạo, bồi dưỡng cho phù hợp với đối tượng người học. Chương trình đào tạo, bồi dưỡng phải phù hợp, hợp lý giữa lý thuyết và thực hành kỹ năng; giữa truyền thụ kiến thức chuyên môn và nâng cao kỹ năng quản lý điều hành; chia sẻ kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo. Phải phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học, nâng cao năng lực thực tiễn, xử lý tốt các vấn đề, tình huống xảy ra. Tăng cường các buổi đi thực tế, học nhóm, giao lưu học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.

Đối với cán bộ trẻ trong diện quy hoạch lâu dài nên cho đi học tập trung, chính quy ở các trường trong tỉnh và trung ương. Đối với cán bộ, công chức có tuổi nên áp dụng hình thức đào tạo tại chức, bồi dưỡng ngắn hạn. Ngoài ra cần kết hợp tốt với các hình thức khác như tập huấn, hội thảo, tọa đàm... để cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, rèn luyện các kỹ năng diễn thuyết, giải trình tốt các tình huống phát sinh thực tế.

Thứ ba, để đào tào, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã đạt được chất lượng cao thì các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của tỉnh Sơn La cần phải tiếp tục được đầu tư trang bị cơ sở vật chất, hệ thống tài liệu, giáo trình, thiết bị phương tiện dạy học hiện đại. Thực tế hiện nay, trang thiết bị, tài liệu, cơ sở vật chất kỹ thuật cho việc học tập của cán bộ, công chức cấp xã ở nhiều đơn vị đào tạo, bồi dưỡng vẫn còn hạn chế.

Thứ tư, thực hiện chế độ ưu đãi tốt đối với người đi học. Ngoài tiền học phí, tài liệu được đài thọ thì cũng cần hỗ trợ thêm một cách phù hợp để xoá bỏ tâm lý lo sợ tốn kém cho người đi học vì ngoài khoản được đài thọ, họ còn phải tự trang trải về tiền đi lại, sinh hoạt đắt đỏ… trong khi đời sống và điều kiện gia đình cán bộ, công chức cơ sở còn nhiều khó khăn.

Thứ năm, cần có sự kiểm tra, đánh giá kết quả học tập thông qua việc kiểm tra, đánh giá việc thực thi công vụ trong hoạt động thực tiễn của cán bộ, công chức cấp xã được đi đào tạo, bồi dưỡng để từ đó tìm ra những mặt mạnh cũng như hạn chế và nguyên nhân, từ đó có biện pháp nâng cao hơn nữa chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trong thời gian tới.

__________________

(1) V.I.Lênin: Toàn tập, t.4, Nxb.Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1978, tr.473.    

(2), (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.274, 269

(4) Nghị quyết số 30c/NQ-CPngày 08/11/2011 của Chính phủ về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020: xác định nhiệm vụ thứ tư trong sáu nhiệm vụ của chương trình là xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

(5) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.252

(6) UBND tỉnh Sơn La: Quyết định số 2115/QĐ-UBND ngày 13.8.2014 của Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La về việc ban hành Quy chế tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn miền núi giai đoạn 2013 - 2020, Sơn La, 2014.

(7) Đề án Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của tỉnh Sơn La giai đoạn 2014-2020

(8),(9),(10) Sở Nội vụ Sơn La: Công văn số 307/SNV-XDCQ ngày 08.04.2016về tổng hợp số lượng, chất lượng cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn tỉnh Sơn La, Sơn La, 2016

(11) Cục Thống kê tỉnh Sơn La: Niên giám thống kê năm 2014, Sơn La, 2014

(12) Tỉnh ủy Sơn La:Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XIV nhiệm kỳ 2015-2020, Sơn La, 2015.

 

                                                                 ThS Bùi Thu Hà

                                                        Trường Chính trị tỉnh Sơn La

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền