Trang chủ    Diễn đàn    Bảo đảm tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội ở Việt Nam hiện nay
Thứ sáu, 01 Tháng 9 2017 10:59
3684 Lượt xem

Bảo đảm tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội ở Việt Nam hiện nay

(LLCT)- Việt Nam đã có nhiều nỗ lực tăng cường tỉ lệ tham gia của phụ nữ vào các cơ quan dân cử, đặc biệt trong Quốc hội. Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới đã đề ra chỉ tiêu tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2020 là trên 35%.

Từ khi thành lập nước đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm bảo đảm tỷ lệ tham gia của phụ nữ vào các cơ quan dân cử, đặc biệt là Quốc hội. Trong cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 6-1-1946) có 89% cử tri đi bầu, trong đó nữ chiếm 48%, bầu ra Quốc hội đầu tiên, với 403 đại biểu, trong đó có 10 đại biểu nữ (chiếm 3%)(1). Tại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa II, 362 người trúng cử, trong đó có 49 nữ (chiếm 13,5%). 

Tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội không ngừng tăng qua các khóa: khóa III (1964 - 1971) đạt 16,7%; khóa  IV (1971-  1975) là 29,7; khóa V (1975- 1976) đạt 32%. Sự tham gia của phụ nữ vào Quốc hội với tỷ lệ tăng đáng kể thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong công tác cán bộ nữ.

Biểu đồ: Tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội các khóa từ năm 1946 đến nay

                                    

(Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quốc hội)

Biểu đồ trên cho thấy, tỷ lệ nữ Đại biểu Quốc hội các khóa gần đây tăng, giảm không ổn định; xu hướng giảm trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp: Khóa X: 26,2%; khóa XI: 27,3%; khóa XII: 25,8%; khóa XIII: 24,4%. Quốc hội từ khóa VIII đến khóa XI có xu hướng tăng, song tỷ lệ này lại có xu hướng giảm ở Quốc hội khóa XII và XIII và điều này đã phản ánh, tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội thiếu bền vững.Tuy nhiên, đây là con số khá ấn tượng so với mức trung bình 19% của các nước Châu Á và 21% của Thế giới.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân (2016-2021) thực hiện theo quy định mới của Hiến pháp 2013, Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đã được Quốc hội thông qua, là cơ sở pháp lý thuận lợi cho cuộc bầu cử.

Căn cứ Luật tổ chức Quốc hội, của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dự kiến tổng số đại biểu Quốc hội khóa XIV là 500 người. Về cơ cấu, đại biểu là người dân tộc thiểu số: 90 người (chiếm 18%); đại biểu là phụ nữ: 150 người (chiếm 30%); đại biểu là người ngoài Đảng khoảng 25-50 người (chiếm từ 5 đến 10%); đại biểu trẻ tuổi khoảng 50 người (chiếm 10%); đại biểu tái cử: 160 người (chiếm 32%)(2).

Kết quả cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân khóa XIV được đánh giá “cơ bản bảo đảm mục tiêu kế hoạch đề ra, tỷ lệ đại biểu là phụ nữ, là người dân tộc thiểu số, đại biểu trẻ tuổi, có trình độ trên đại học cao hơn so với nhiệm kỳ trước, phản ánh được tính đại diện rộng rãi cho các tầng lớp nhân dân; chất lượng đại biểu nâng lên đủ năng lực hoạt động với chất lượng, hiệu quả cao hơn”(3). Tuy nhiên, số lượng 133 nữ đại biểu Quốc hội (chiếm 26,80%) Khóa XIV vẫn còn  khá xa so với chỉ tiêu Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 đề ra.

Nguyên nhân tình trạng trên là:

- Văn bản quy phạm pháp luật về bầu cử các chức danh lãnh đạo, quản lý, đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, chưa quy định rõ tỷ lệ nữ bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới mà chỉ quy định chung chung “tỷ lệ nữ thích đáng”.  Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội năm 2015 cũng mới chỉ quy định “bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ”, đây chỉ là quy định mang tính định hướng, nên cần phải quy định rõ về tỷ lệ nữ trong Quốc hội là chỉ tiêu bắt buộc.

- Định kiến giới còn tồn tại trong nhân dân và cả trong một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý. Với tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, dẫn tới hành vi sai lệch; cản trở thực hiện các quyền bình đẳng trong lĩnhvực chính trị; gây khó khăn trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới...

- Chưa có các quy định hướng dẫn cụ thể quy trình thủ tục thụ lý, tiếp nhận hồ sơ nhằm xem xét, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, các cơ quan, tổ chức và cán bộ, công chức, viên chức.

- Việc giới thiệu ứng cử viên nữ trong bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp ở nhiều nơi vẫn còn hình thức, chưa tương xứng (về trình độ, chức vụ, bằng cấp…) so với nhân sự nam nên thường chỉ được coi là “quân xanh”.

- Bản thân phụ nữ chưa đủ kiến thức, kinh nghiệm, phương pháp, kỹ năng, sự tự tin, bản lĩnh để tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của bản thân.

Một số giải pháp nâng cao tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội ở nước ta hiện nay:

Một là,rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định pháp luật về vấn đề bình đẳng giới. Khung chính sách quy định tuổi quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm của phụ nữ ít hơn so với nam giới 5 năm là rào cản đối với phụ nữ. Bên cạnh đó, cũng cần rà soát các quy định tại các đề án cử cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài, bảo đảm cho phụ nữ có cơ hội tiếp cận với tri thức lãnh đạo, quản lý tiến bộ của thế giới.

Hai là, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về vai trò của phụ nữ, thay đổi nhận thức của người dân, cộng đồng và xã hội về giới trong lĩnh vực chính trị.Từ đó, hành vi giới sẽ thay đổi theo hướng tiến bộ bình đẳng nam, nữ thực chất. Khi cộng đồng dân cư và gia đình tôn trọng và ủng hộ phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý, vai trò của phụ nữ sẽ được phát huy. Không chỉ tôn trọng và quan tâm mà chính xã hội và gia đình cần phải nhận thức đúng đắn vai trò của phụ nữ trong quá trình phát triển của cộng đồng và toàn xã hội. Nâng cao nhận thức của người dân, của các thành viên trong gia đình về vai trò, vị trí của phụ nữ trong lãnh đạo, quản lý cũng chính là để người dân nhận thức được quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của họ trong thực hiện bình đẳng giới và tiến bộ xã hội là biện pháp hữu hiệu và cấp thiết hiện nay.

Ba là, nâng cao ý thức, nhận thức và nỗ lực vươn lên của chính phụ nữ. Trên thực tế, một bộ phận không nhỏ phụ nữ vẫn còn tự ti, an phận, chưa có ý chí phấn đấu vươn lên. Ảnh hưởng lâu dài của các định kiến xã hội về giới không chỉ ăn sâu, bén rễ trong nhận thức của nam giới mà còn in đậm trong tâm tưởng của phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ nông thôn và miền núi. Bản thân phụ nữ chưa thay đổi cách nghĩ về vai trò của mình trong gia đình và xã hội. Ngay cả những  phụ nữ có trình độ chuyên môn cao cũng có tâm lý e ngại khi luân chuyển công tác xa gia đình. Mặt khác, trong cơ chế thị trường đòi hỏi phụ nữ phải cố gắng phấn đấu trong chuyên môn như nam giới, song bản thân phụ nữ phải gánh thêm vai trò làm mẹ, cộng với quan niệm “việc nhà là của phụ nữ”, nên một bộ phận phụ nữ ít nhận được sự chia sẻ của nam giới cũng như sự ủng hộ của gia đình khi tham gia công tác.

Trong thời kỳ đổi mới, yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở Việt Nam hiện nayđòi hỏi phụ nữ muốn được giao và đảm nhiệm vị trí lãnh đạo, quản lý cần phải luôn có ý thức nỗ lực phấn đấu vươn lên trong công việc, có chí tiến thủ, chú trọng việc rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, tác phong; biết cách khắc phục những khó khăn, thu xếp công việc gia đình hợp lý, cân đối để hài hòa việc gia đình và việc lãnh đạo, không để ảnh hưởng lẫn nhau; biết cách thuyết phục các thành viên trong gia đình, nhất là người chồng, quan tâm, chia sẻ gánh nặng gia đình và ủng hộ cho sự nghiệp của bản thân; luôn cố gắng phấn đấu học tập, rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn - nghiệp vụ và năng lực quản lý; dũng cảm vượt qua những định kiến xã hội và vượt qua chính mình, mạnh dạn, tự tin, phát huy thế mạnh của bản thân, sẵn sàng đảm nhận những công việc khó khăn và bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ.

_________________

(1) http://dbqh.na.gov.vn/thong-tin-bau-cu/I.aspx

(2) Báo cáo tóm tắt Tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 của Hội đồng Bầu cử quốc gia

(3) Báo cáo tóm tắt Tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 của Hội đồng Bầu cử quốc gia

ThS Nguyễn Thị Thu Hà

                                                             Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

 

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền