Trang chủ    Diễn đàn    Đấu tranh chống lợi dụng vấn đề “xã hội dân sự” nhằm chuyển hóa chính trị ở Việt Nam
Thứ hai, 25 Tháng 9 2017 11:43
4651 Lượt xem

Đấu tranh chống lợi dụng vấn đề “xã hội dân sự” nhằm chuyển hóa chính trị ở Việt Nam

(LLCT) - “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có quan hệ chặt chẽ với “diễn biến hòa bình”. “Diễn biến hòa bình” thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đến lượt nó “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thúc đẩy “diễn biến hòa bình”, trong đó “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là nhân tố bên trong quan trọng nhất. Hoạt động lợi dụng vấn đề xã hội dân sự để tác động chuyển hóa chính trị ở nước ta đã và đang được các thế lực thù địch thực hiện theo phương thức như vậy. Do vậy,chúng ta cần hết sức cảnh giác và kiên quyết đấu tranh ngăn chặn những mưu đồ thâm hiểm này.

1. Âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề xã hội dân sự ở nước ta hiện nay

Hiện nay, vấn đề “xã hội dân sự” được nhiều học giả, nhà khoa học, nhà quản lý và hoạch định chính sách ở cấp độ toàn cầu quan tâm nghiên cứu, bởi đây là một vấn đề chính trị, xã hội hết sức phức tạp và nhạy cảm. Sự sụp đổ của hệ thống XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu cũng như biến động chính trị trên thế giới thời gian qua như “Cách mạng màu” ở các nước không gian hậu Xô Viết hay “Mùa xuân Ả Rập” ở Trung Đông - Bắc Phi cho thấy Mỹ, phương Tây và các lực lượng đối lập đã triệt để lợi dụng vấn đề xã hội dân sự để tập hợp lực lượng lật đổ chính quyền đương nhiệm. Đối với Việt Nam, các thế lực thù địch đã và đang lợi dụng vấn đề xã hội dân sự để thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” với âm mưu thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam.

Để thực hiện âm mưu tác động gây chuyển hóa chính trị ở Việt Nam, các thế lực thù địch, phản động đang ráo riết tiến hành một số hoạt động sau:

Một là, tuyệt đối hóa tính “độc lập” tương đối của xã hội dân sự với Nhà nước. Các thế lực phản động bằng nhiều chiêu bài khác nhau đã đẩy mạnh tuyên truyền về cái gọi là ranh giới giữa nhà nước với xã hội dân sự, giữa “công” và “tư”, giữa “chính trị” và “phi chính trị”. Theo đó, xã hội dân sự được đề cao, tuyệt đối hóa, được mô tả như là mô hình xã hội nhân đạo, tốt đẹp, dân chủ, ngược lại, Nhà nước là bảo thủ, chuyên chế và cưỡng bức.

Thực chất, đây là các luận điệu tuyên truyền nhằm làm cho vai trò tổ chức, quản lý xã hội của Nhà nước bị suy yếu, qua đó tạo môi trường xã hội cho sự ra đời của các tổ chức chính trị đối lập với Đảng núp dưới danh nghĩa là xã hội dân sự.

Hai là, lợi dụng xã hội dân sự để đòi hỏi phi lý về dân chủ hóa. Các thế lực phản động lợi dụng vấn đề xã hội dân sự để đòi Nhà nước phải bảo đảm tự do vô giới hạn trong các lĩnh vực. Họ coi hình thành xã hội dân sự độc lập về chính trị là điều kiện, tiền đề cho việc bảo đảm quyền tự do, dân chủ của công dân và các quyền con người.

Lợi dụng các quyền con người, đặc biệt là cổ súy thái quá tự do cá nhân, thông qua quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do biểu tình... Hơn nữa, các thế lực phản động tuyên truyền, khuyến khích mỗi công dân có quyền bày tỏ chính kiến không giới hạn và liên kết với những người khác hình thành các tổ chức “độc lập” tham gia vào đời sống cộng đồng, thoát ly khỏi sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước.

Ba là, lợi dụng viện trợ, quan hệ kinh tế, thương mại, ngoại giao để gây sức ép về dân chủ, nhân quyền, đòi thành lập các hội, các tổ chức độc lập về chính trị; tác động và gây sức ép đòi thay đổi đường lối, chính sách, hệ thống pháp luật và lĩnh vực tư pháp.

Bằng các hình thức tài trợ khác nhau cho một số tổ chức xã hội dân sự, các thế lực phản động nhằm mục đích chính trị là hậu thuẫn cho các thế lực hoạt động chống phá cách mạng nước ta; lợi dụng vấn đề tự do lập hội để tập hợp lực lượng đối trọng với Đảng, Nhà nước ta, gây sức ép và đòi đa nguyên chính trị, đa đảng nhằm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta.

Bốn là, thông qua các tổ chức xã hội dân sự, các lực lượng phản động lôi kéo quần chúng vào hoạt động dưới danh nghĩa vì mục tiêu chung, “thúc đẩy sự tham gia của người dân vào công việc của chính quyền”, dùng chiêu bài phản biện chính sách, phản biện xã hội, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, bảo vệ môi trường... Từ đó tạo ra những tâm lý phản kháng của quần chúng chống lại các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta gây mất ổn định chính trị, xã hội.

Thời gian qua, một số đối tượng xấu đã lợi dụng các tổ chức xã hội để phục vụ cho các mưu đồ chính trị, tiến hành thành lập các tổ chức “xã hội dân sự chính trị” để thực hiện các hoạt động chống Đảng, Nhà nước. Trong đó, chúng ta có thể kể đến như: Hội Cựu tù nhân lương tâm, Hội Phụ nữ nhân quyền, Hội Anh em dân chủ, Diễn đàn xã hội dân sự, Khối 8406, Bauxite Việt Nam; Hiệp hội dân oan Việt Nam, Văn Đoàn độc lập, Kiến nghị 72, Tổ chức Việt Tân... Các tổ chức này đều được lập ra bởi các đối tượng có quan điểm chính trị đối lập, những người “bất đồng chính kiến”. Chúng thường lợi dụng các vấn đề “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền”, vì sự tiến bộ của xã hội để tuyên truyền xuyên tạc các vấn đề chính trị, kinh tế - xã hội; vu cáo Đảng, Nhà nước, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng (Điều 4 - Hiến pháp năm 2013), đòi đa nguyên, đa đảng gây mất lòng tin của quần chúng nhân dân.

Từ các hoạt động này, các lực lượng phản động nhằm làm suy yếu và vô hiệu hóa vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước, đưa xã hội rơi vào tình trạng hỗn loạn, vô chính phủ, tạo điều kiện cho sự ra đời của các tổ chức chính trị đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam.

Âm mưu của các thế lực phản động quốc tế là hòng tạo ra các lực lượng đối lập, chống đối Đảng Cộng sản Việt Nam ngay trong lòng xã hội Việt Nam nên chúng tác động cho ra đời những tổ chức xã hội dân sự kiểu phương Tây để từ “phản biện”, hướng đến “phản đối” và cuối cùng thành tổ chức “phản động, chống đối” Đảng và Nhà nước ta. Thực chất là các thế lực phản động phương Tây đang muốn sử dụng các tổ chức xã hội dân sự như một phương thức để “Diễn biến hòa bình” tiến tới “Diễn biến không hòa bình” (cách mạng màu) lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Nhà nước XHCN ở Việt Nam(1).

Rõ ràng không phải ngẫu nhiên mà một số tổ chức phi chính phủ nước ngoài thường “quan tâm” nhiều đến các địa bàn trọng điểm về an ninh chính trị - xã hội hoặc đang xảy ra các sự kiện “nhạy cảm” liên quan đến vấn đề dân tộc, tôn giáo.

Trong bối cảnh đó, một mặt phải nâng cao cảnh giác, phát hiện kịp thời và kiên quyết đấu tranh với mọi âm mưu lợi dụng vấn đề xã hội dân sự của các thế lực thù địch, mặt khác cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với các tổ chức xã hội.

2. Ngăn chặn hoạt động lợi dụng vấn đề xã hội dân sự nhằm chuyển hóa chính trị ở nước ta hiện nay

Nhận thức được tính chất nguy hiểm của hoạt động lợi dụng vấn đề xã hội dân sự, việc tổ chức công tác phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động này có ý nghĩa quan trọng trong chống “Diễn biến hòa bình”, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh hiện nay.

Trong thời gian tới, để ngăn chặn các hoạt động lợi dụng vấn đề xã hội dân sự gây “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chính trị ở nước ta hiện nay, cần làm tốt những nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, nhận thức đúng đắn về xã hội dân sự và đấu tranh chống hoạt động lợi dụng xã hội dân sự tác động gây chuyển hóa chính trị ở Việt Nam

Cần nhận thức rằng, xã hội dân sự là một vấn đề chính trị xã hội phức tạp đòi hỏi phải đi sâu nghiên cứu, nhận diện, làm rõ để xác định chủ trương, cách ứng xử phù hợp. Tuyệt đối tránh khuynh hướng đơn giản hóa nhận thức về xã hội dân sự như: quá đề cao xã hội dân sự hoặc đồng nhất xã hội dân sự với việc thực hiện dân chủ hóa. Cần nhận rõ âm mưu, hoạt động của các lực lượng phản động lợi dụng vấn đề xã hội dân sự để tác động chuyển hóa chế độ chính trị ở Việt Nam. Mặt khác, cũng tránh tư tưởng coi xã hội dân sự là tiêu cực, chống đối, “đối lập” hoàn toàn với Nhà nước và “tẩy chay”, không nghiên cứu, tìm hiểu kỹ về vấn đề này.

Thực tế, bên cạnh đa số các tổ chức xã hội có vai trò tích cực, vẫn có một số tổ chức, trong những trường hợp nhất định có xu hướng chính trị hóa, can thiệp sâu, thậm chí lũng đoạn các hoạt động chính trị không chỉ trong nước mà cả ngoài nước, vượt quá phạm vi, giới hạn cho phép, trái với tôn chỉ, mục đích đã được xác định khi thành lập.

Ở nước ta hiện nay, một số tổ chức xã hội hoạt động còn hình thức, kém hiệu quả, chưa đáp ứng được nguyện vọng và lợi ích của hội viên, có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự tài trợ của Nhà nước; có xu hướng “hành chính hóa” về mặt tổ chức và hoạt động, do đó khả năng thu hút, tập hợp hội viên còn hạn chế.

Việc tham gia cung ứng dịch vụ công trong một số trường hợp chưa được triển khai đúng với tôn chỉ và mục đích đã đăng ký, thậm chí có trường hợp chạy theo lợi nhuận đơn thuần, hoặc lợi dụng danh nghĩa tổ chức phi lợi nhuận để trốn thuế, gây tổn hại đối với lợi ích xã hội.

Vì vậy, cần nhận thức khách quan, toàn diện về vai trò, tác dụng cũng như những hạn chế, thách thức của các tổ chức xã hội đối với phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội; từ đó bổ sung, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức, hoạt động và quản lý các tổ chức xã hội phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước.

Đấu tranh chống hoạt động lợi dụng vấn đề xã hội dân sự của các thế lực thù địch thực chất là ngăn chặn mưu đồ thực hiện “chuyển hóa dân chủ”, tạo tiền đề dẫn đến “cách mạng sắc màu”, bạo loạn, lật đổ ở nước ta.

Thứ hai, tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự đối với hoạt động của các hội và tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam

Nhìn chung, phần lớn các quốc gia trên thế giới, có thể theo những chuẩn mực khác nhau, nhưng đều thực hiện việc quản lý tổ chức xã hội dân sự thông qua các quy định khá chặt chẽ và cụ thể về việc thành lập hội, tổ chức phi chính phủ. Theo đó, thường có một số nội dung như: điều kiện thành lập hội, tổ chức phi chính phủ; yêu cầu tối thiểu về điều lệ; các quy định về nghiêm cấm tư lợi trực tiếp hoặc gián tiếp; điều kiện nhận tài trợ hoặc được miễn, giảm thuế; các quy định về gây quỹ, quảng cáo...

Đối với nước ta, thể chế quản lý tổ chức và hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự phải phù hợp và đáp ứng được cơ chế vận hành của thể chế chính trị: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.

Thể chế quản lý các tổ chức xã hội kết hợp chặt chẽ giữa tự quản của các tổ chức xã hội với quản lý của Nhà nước đối với tổ chức xã hội; phát huy tính tự quản của tổ chức xã hội trong khuôn khổ pháp luật của Nhà nước nhằm khắc phục tình trạng hành chính hóa, nhà nước hóa, đồng thời, hạn chế tính tự phát hoặc lợi dụng danh nghĩa tổ chức xã hội để hoạt động kinh doanh kiếm lời, thậm chí vì mục đích chính trị, gây mất ổn định chính trị - xã hội.

Thứ ba, làm tốt công tác nắm tình hình, chủ động phát hiện âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề xã hội dân sự xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội

Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động lợi dụng vấn đề xã hội dân sự xâm phạm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, công tác nắm tình hình cần tập trung vào các trọng điểm sau: Hoạt động của các Tổ chức phi chính phủ (NGO - Non Governmental Organization), các tổ chức tư nhân của Mỹ, phương Tây có liên quan đến dân chủ, nhân quyền, đặc biệt cần chú ý làm rõ hệ thống tổ chức đã tác động trực tiếp đến các cuộc “cách mạng sắc màu” ở Đông Âu và Trung Á, đến “cách mạng mùa xuân Ả rập” tại Bắc Phi và Trung Đông, phát hiện kịp thời âm mưu, ý đồ của các tổ chức này triển khai tại Việt Nam; các chương trình dự án của các NGO, các tổ chức tư nhân nước ngoài triển khai tại Việt Nam, nhất là các chương trình liên quan đến cải cách hành chính, pháp luật, dân chủ, nhân quyền.

Ngoài ra, cần chú ý nắm tình hình toàn diện đối với các hội, NGO có những biểu hiện hoạt động xa rời tôn chỉ, mục đích ban đầu, dấu hiệu bị đối tượng chống đối trong nước, cá nhân, tổ chức nước ngoài lợi dụng, chi phối hoạt động theo xu hướng đối lập với Đảng, Nhà nước và cả các tổ chức không có tư cách pháp nhân, được hình thành tự phát và có số lượng thành viên đông, có ảnh hưởng xã hội, thu hút thành viên là thanh niên, sinh viên, trí thức, văn nghệ sỹ...

Thứ tư, kiên quyết xử lý các tổ chức hội, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động vi phạm pháp luật, kịp thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành các chủ trương, chính sách, xây dựng hệ thống văn bản pháp luật phù hợp, điều chỉnh hoạt động của các tổ chức xã hội theo đúng định hướng phát triển của đất nước

Đối với các tổ chức hội có biểu hiện hoạt động phức tạp, có dấu hiệu “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cần tăng cường đối thoại, tiếp xúc, cảm hóa chính trị, không để các thế lực thù địch lôi kéo nhằm thực hiện ý đồ chống đối từ bên trong. Kịp thời phát hiện, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn âm mưu, hoạt động của các đối tượng phản động, chống đối lợi dụng các tổ chức xã hội để chuyển hóa thành tổ chức chính trị đối lập.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất đổi mới công tác quản lý nhà nước đối với các tổ chức hội cho phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội và truyền thống văn hóa Việt Nam. Tăng cường công tác quản lý, không để các thế lực thù địch lợi dụng tác động, chuyển hóa chính trị ở nước ta.

Thứ năm, quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”

Đây là những nội dung cơ bản cần thực hiện đồng bộ, toàn diện mà trọng tâm là đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, để Đảng ta trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, đáp ứng lòng mong đợi của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã chỉ ra những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Trong đó, nguy hiểm nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường XHCN, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng; sa sút ý chí chiến đấu; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao; không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng; sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, tham nhũng, ham quyền lực, bè phái cục bộ, mất đoàn kết; quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của nhân dân.

“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có quan hệ chặt chẽ với “diễn biến hòa bình”. “Diễn biến hòa bình” thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đến lượt nó “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thúc đẩy “diễn biến hòa bình”, trong đó “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là nhân tố bên trong quan trọng nhất. Hoạt động lợi dụng vấn đề xã hội dân sự để tác động chuyển hóa chính trị ở nước ta đã và đang được các thế lực thù địch thực hiện theo phương thức như vậy. Do vậy,chúng ta cần hết sức cảnh giác và kiên quyết đấu tranh ngăn chặn những mưu đồ thâm hiểm này.

______________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2017

(1) Đại tá, TS Đỗ Văn Hoan: “Phòng, chống hoạt động lợi dụng “xã hội dân sự” để thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” ở Việt Nam”, Tạp chí Khoa học và chiến lược”, số 8-2015, tr.45-48.

 

Trung tướng, GS, TS Nguyễn Xuân Yêm

Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân,

Bộ Công an

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền