Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Hoàn thiện thể chế bảo đảm kiểm soát quyền lực ở Việt Nam hiện nay
Thứ sáu, 30 Tháng 10 2015 17:16
2709 Lượt xem

Hoàn thiện thể chế bảo đảm kiểm soát quyền lực ở Việt Nam hiện nay

(LLCT) - Kiểm soát quyền lực để hạn chế tha hóa quyền lực là yêu cầu tất yếu của quá trình xây dựng nền dân chủ. Yêu cầu này đã được đặt ra và bước đầu giải quyết ở Hy Lạp, La Mã từ thời cổ đại, tiếp tục được hoàn thiện trong thời kỳ Phục Hưng, Khai Sáng ở châu Âu và trở thành xu hướng chung của nhân loại ngày nay. Song, ở mỗi quốc gia việc xây dựng các thiết chế bảo đảm kiểm soát quyền lực có tính đặc thù riêng, xuất phát từ điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa và truyền thống.

Từ khi ra đời đến nay, Nhà nước Việt Nam hoạt động theo nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất; tất cả quyền lực thuộc về nhân dân. Điều 2, khoản 3 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 đã ghi “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Nhưng cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước chưa xây dựng và vận hành rõ nét trong thực tiễn tổ chức bộ máy nhà nước Việt Nam.

Với vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh tự kiểm soát bên trong, “tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng”. Nguyên tắc này tuyệt đối đúng trong thời kỳ Đảng lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền, người đảng viên đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết. Nhưng khi trở thành đảng cầm quyền và một bộ phận đảng viên có quyền lực mắc bệnh quan liêu, tham nhũng thì rất khó thực hiện có hiệu quả nguyên tắc này, bởi người tham nhũng không tự phê bình về sự tham nhũng của mình, và thường dùng mọi biện pháp để che giấu, khống chế người khác, vì vậy khó có thể dùng phê bình mà giải quyết triệt để được. Tuy vậy, không thể từ bỏ nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng, mà cần bổ sung thêm thể chế kiểm soát từ bên ngoài tổ chức đảng. Đồng thời, cũng cần xây dựng, hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực trong Đảng.

Như vậy, để hạn chế sự tha hóa quyền lực cần phải hoàn thiện thể chế kiểm soát bên trong mỗi chủ thể quyền lực, đồng thời phải hoàn thiện thể chế kiểm soát từ bên ngoài.

Đối với Nhà nước, mỗi nhánh quyền lực, lập pháp, hành pháp và tư pháp cần phải hoàn thiện thể chế thanh tra và các thể chế khác để tự kiểm soát, đồng thời phải thiết lập thể chế kiểm soát lẫn nhau. Quyền lực phải được kiểm soát bằng quyền lực mới có thể bảo đảm thực hiện nghiêm minh pháp luật, hạn chế lạm quyền, chuyên quyền, trên cơ sở đó nhân dân mới có thể kiểm soát quyền lực nhà nước. Để thực hiện nội dung tiến bộ của Hiến pháp 2013 về kiểm soát quyền lực, cần cụ thể hóa thành các điều luật về kiểm soát quyền lực giữa cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Hiến pháp mới nêu ra tư tưởng, nhưng chưa được chế định bằng thể chế pháp luật, vì vậy rất khó triển khai trong thực tế. Đúng ra sự kiểm soát này được chế định từ chính trong nội dung Hiến pháp, nội dung về kiểm soát quyền lực có lẽ cần được tiếp tục hoàn thiện. Đặc biệt là vai trò của tư pháp trong việc kiểm soát quyền lực đối với lập pháp và hành pháp.

Với nguyên tắc Nhà nước pháp quyền, khi pháp luật phản ánh ý chí của nhân dân giữ vị trí tối thượng, thì sự kiểm soát lẫn nhau giữa cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp để thực thi đúng pháp luật, cũng là gián tiếp thực hiện sự kiểm soát quyền lực của nhân dân đối với Nhà nước, nhân dân thông qua cơ quan nhà nước để kiểm soát quyền lực nhà nước. Thực hiện sự kiểm soát này chính là một trong những giải pháp hạn chế xu hướng tha hóa quyền lực nhà nước.

Mặt khác, cần thiết lập và hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực nhà nước bên ngoài Nhà nước. Thông qua hoạt động của các thể chế này  đòi hỏi Nhà nước thực hiện đúng chính sách, pháp luật và sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật để bảo đảm quyền con người, quyền công dân; bảo đảm đoàn kết, đồng thuận xã hội - một trong những động lực phát triển xã hội. Đó là vai trò và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

“Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (Khoản 1, Điều 9, Hiến pháp 2013).

Giám sát, phản biện xã hội là một loại hình kiểm soát quyền lực, khác với kiểm soát quyền lực trong các cơ quan nhà nước thực hiện trên cơ sở pháp luật, giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc dựa trên cơ sở chính kiến của nhân dân. Từ sự giám sát, Mặt trận Tổ quốc lĩnh hội được sự đồng tình hoặc phản đối của nhân dân về việc ban hành và thực thi pháp luật, chính sách, về hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, về phẩm chất và năng lực hoàn thành nhiệm vụ của công chức, viên chức, cán bộ chủ chốt trong các cơ quan nhà nước... Trên cơ sở đó kiến nghị với các cơ quan Đảng và Nhà nước có giải pháp xử lý. Những kiến nghị này cần được lượng hóa - bao nhiêu người đồng tình, bao nhiêu người phản đối về việc ban hành và thực thi pháp luật, chính sách, bao nhiêu người tín nhiệm, bao nhiêu người bất tín nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. Khác với sự phản ánh ý kiến của cử tri bằng hoạt động của các đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp dưới hình thức dân chủ đại diện, Mặt trận Tổ quốc thực hiện phản biện trực tiếp bằng chính kiến của nhân dân, trên một ý nghĩa nào đó cũng là dùng quyền lực để kiểm soát quyền lực. Nếu những chính kiến của nhân dân là hợp pháp, chính đáng, lại được các cơ quan hữu trách chấp nhận và giải quyết, và nếu những chính kiến ấy chưa thật hợp pháp, chưa thật chính đáng thì được hiệp thương bàn bạc để đạt được sự nhất trí, như vậy sẽ tạo nên sự đồng thuận trong đời sống xã hội, hạn chế phát sinh xung đột xã hội.

Kiểm soát quyền lực nhà nước từ bên ngoài nhà nước còn được thể hiện ở vị trí và hoạt động của các phương tiện truyền thông đại chúng. Truyền thông đại chúng đã trở thành một thể chế quan trọng thực hiện kiểm soát quyền lực nhà nước. Những sự phân tích, bình luận, đánh giá về sự hợp lý hay bất hợp lý của chính sách, của luật pháp, về kết quả thực hiện, về sự bất cập cần phải điều chỉnh, hoàn thiện; vạch rõ những hành vi tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức, sự bảo kê và hậu tạ giữa giới quan chức và giới kinh doanh dẫn đến làm sai lệch trong việc ban hành và thực thi chính sách, những quyền lực chính đáng của nhân dân bị vi phạm hoặc không thực hiện, những sự oan sai trong xét xử của tòa án… Làm được như vậy, các phương tiện truyền thông đại chúng thực sự là vũ khí sắc bén trong việc kiểm soát quyền lực, hạn chế tha hóa quyền lực nhà nước.

Trong các nền chính trị đa nguyên, các đảng cạnh tranh qua bầu cử, đảng nào chiến thắng thì trở thành đảng cầm quyền. Qua một nhiệm kỳ sự cạnh tranh lại tiếp tục qua bầu cử để lựa chọn đảng cầm quyền nhiệm kỳ tiếp theo. Nếu đảng cầm quyền có chính sách đúng và thực thi có hiệu quả có thể được tiếp tục lựa chọn là đảngcầm quyền. Đó cũng là một hình thức, một thể chế kiểm soát quyền lực, buộc các đảng phải luôn xem xét lại mình, phải luôn hoàn thiện chính sách và phương thức hoạt động để trở thành đảng cầm quyền và tiếp tục cầm quyền.

Sự cầm quyền của Đảng ta, được ghi trong Hiến pháp là Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Sự kiểm soát của nhân dân đối với sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng rất cần thiết. Thông qua Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các phương tiện truyền thông đại chúng, định kỳ, nhất là trước thềm Đại hội, Đảng có thể xin ý kiến đánh giá của toàn dân về đường lối, chủ trương, quyết định của mình trên cơ sở đó mà xác định đường lối, giải pháp chiến lược. Một chính Đảng thực sự vì nhân dân thì không có gì phải lo ngại về sự đánh giá của nhân dân. Chính trên cơ sở sự đánh giá của nhân dân mà tiếp thu sửa đổi sẽ hạn chế sự suy thoái của Đảng cầm quyền.

Mặt khác, cũng cần hoàn thiện thể chế tự kiểm soát bên trong tổ chức Đảng. Trước hết, mỗi đảng viên phải tự tu dưỡng, rèn luyện theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Hoàn thiện quy chế để thực hiện có hiệu quả tự phê bình và phê bình trong Đảng. Hoàn thiện thể chế đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ để khắc phục xu hướng cơ hội, chạy chức, chạy quyền. Hoàn thiện quy trình ra quyết định chính trị để hạn chế xu hướng quá nhiều nghị quyết mà triển khai thực hiện thì không tương xứng. Hoàn thiện thể chế bầu cử để bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng… Đặc biệt là tăng cường vai trò của Ủy ban Kiểm tra, kỷ luật của Đảng. Ủy ban Kiểm tra phải có vị trí, vai trò và thẩm quyền lớn hơn nữa để có thể kiểm tra từ cấp cao nhất đến cấp thấp nhất trong Đảng.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2014

 

PGS, TS Lưu Văn Sùng

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền