Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Hồ Chí Minh từ thực tiễn đến tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
Thứ ba, 31 Tháng 5 2016 09:19
6671 Lượt xem

Hồ Chí Minh từ thực tiễn đến tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

(LLCT) - Trong hành trình tìm đường đấu tranh giành độc lập, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc  nuôi ý chí giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng xã hội và con người với mục tiêu độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho đồng bào mình. Khi nghiên cứu và tiếp thu lý luận Mác-Lênin, Nguyễn Ái Quốc hiểu rằng cả hai cuộc giải phóng vĩ đại đó - giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội - chính là sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản. CNXH, CNCS là sự nghiệp cách mạng, là xã hội mà ở đó các dân tộc bị áp bức, các giai cấp cần lao được giải phóng triệt để khỏi áp bức, bóc lột, bất công và tạo dựng, không ngừng hoàn thiện một chế độ tốt đẹp.

Học thuyết của Mác, Ăngghen, Lênin được xây dựng trên cơ sở hiện thực lịch sử, nghiên cứu sâu sắc những vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa của CNTB và dự báo xã hội tương lai của nhân loại là CNXH, CNCS. Nhưng các ông chủ yếu nghiên cứu, tổng kết từ châu Âu, nơi CNTB phát triển mạnh mẽ và báo trước sự bùng nổ của cách mạng vô sản. Còn ở châu Á, nơi hầu hết là thuộc địa của tư bản, đế quốc phương Tây và là xã hội phong kiến lạc hậu, có thể thực hiện được lý luận cách mạng của Mác - Lênin không? Nguyễn Ái Quốc đã chú trọng nghiên cứu về châu Á và phương Đông để lý giải điều đó.

Tháng 5-1921, trên tạp chí La Revue Communiste của Đảng Cộng sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc, trong bài Đông Dương đã đặt vấn đề: “Chế độ cộng sản có áp dụng được ở châu Á nói chung và ở Đông Dương nói riêng không? Đấy là vấn đề mà chúng ta đang quan tâm hiện nay. Muốn hiểu vấn đề đó, chúng ta phải xem xét tình hình hiện nay ở lục địa châu Á về mặt lịch sử và địa lý”(1). Nguyễn Ái Quốc nêu rõ: “Bây giờ hãy xét những lý do lịch sử cho phép chủ nghĩa cộng sản thâm nhập vào châu Á dễ dàng hơn là ở châu Âu”(2).

Lý giải điều “dễ dàng” ấy, Nguyễn Ái Quốc đã ngược về lịch sử và đề cập tới Khổng Tử. Mặc dù bản chất học thuyết của Khổng Tử nặng về đẳng cấp, đề cao tầng lớp thống trị, nhưng Khổng Tử cũng đã “khởi xướng thuyết đại đồng và truyền bá sự bình đẳng về tài sản. Ông từng nói: thiên hạ sẽ thái bình khi thế giới đại đồng. Người ta không sợ thiếu, chỉ sợ có không đều. Bình đẳng sẽ xoá bỏ nghèo nàn,v.v.

Học trò của Khổng Tử là Mạnh Tử, tiếp tục tư tưởng của thầy và vạch ra một kế hoạch chi tiết để tổ chức sản xuất và tiêu thụ. Sự bảo vệ và phát triển lành mạnh của trẻ em, sự giáo dục và lao động cưỡng bức đối với người lớn, sự lên án nghiêm khắc thói ăn bám, sự nghỉ ngơi của người già, không có điều gì đề án của ông không đề cập đến. Việc thủ tiêu bất bình đẳng về hưởng thụ, hạnh phúc không phải cho một số đông mà cho tất cả mọi người, đấy là đường lối kinh tế của vị hiền triết”(3).

Như vậy, lịch sử tư tưởng, khát vọng về một xã hội mới ở châu Á có những điểm rất gần với tư tưởng XHCN mà các nhà sáng lập CNXH khoa học đã đề cập. Điều đó giải thích quan điểm của Nguyễn Ái Quốc là CNCS áp dụng được ở châu Á dễ hơn ở châu Âu.

Một vấn đề khác đặt ra ngay ở đầu những năm 20 thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc cho rằng muốn đi theo con đường XHCN phải nhận thức đúng đắn về CNXH. Mác và Ăngghen đã cho rằng, muốn CNXH thật sự là một khoa học phải đặt nó trên mảnh đất hiện thực. Nếu áp đặt chủ quan thì sẽ không thoát ra khỏi CNXH không tưởng. Các ông mặc dù đã đề cập vấn đề dân tộc, giai cấp vô sản phải tự mình trở thành dân tộc, song vẫn nhấn mạnh đấu tranh giữa giai cấp vô sản chống giai cấp tư sản để xóa bỏ CNTB, xây dựng CNXH. Mác và sau này Lênin phát triển lý luận về thời kỳ quá độ từ CNTB lên CNXH. Lênin quan niệm, cách mạng XHCN là một thời đại với sự biến đổi toàn diện chứ không thể một lần nghĩa là biến đổi chế độ chính trị là xong. Những luận điểm của những nhà sáng lập chủ nghĩa cộng sản đã được Nguyễn Ái Quốc nhận thức và vận dụng vào hoàn cảnh châu Á và Đông Dương.

Năm 1922, Nguyễn Ái Quốc nhấn mạnh sự cần thiết phải hiểu, phải nhận thức đúng đắn về CNCS hay chủ nghĩa bônsêvích như cách gọi khi đó. Nguyễn Ái Quốc nhận thấy trong con mắt người dân bản xứ ở các thuộc địa, CNCS “có nghĩa là: hoặc sự phá hoại tất cả, hoặc sự giải phóng khỏi ách nước ngoài. Nghĩa thứ nhất gán cho danh từ ấy làm cho quần chúng vô học và nhút nhát xa lánh chúng ta; nghĩa thứ hai thì dẫn họ đến chủ nghĩa quốc gia. Cả hai điều đó đều nguy hiểm cả. Chỉ có một số ít người trong nhân dân hiểu được thế nào là chủ nghĩa cộng sản”(4). Vấn đề giáo dục, giác ngộ cho nhân dân, những người yêu nước và cách mạng hiểu đúng đắn thế nào là CNXH và CNCS là vô cùng quan trọng. Chỉ có nhận thức đúng đắn mới có hành động đúng.

Mùa Xuân năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã xác định rõ mục tiêu của cách mạng là đấu tranh giải phóng, giành độc lập dân tộc để đi tới xã hội cộng sản. Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã lãnh đạo toàn dân tộc đấu tranh giành độc lập, giành chính quyền với thắng lợi vẻ vang của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mở ra kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc, kỷ nguyên độc lập dân tộc, tạo tiền đề đi lên CNXH.

Trong chuyến thăm chính thức nước Pháp năm 1946, với tư cách người đứng đầu Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời các nhà báo, trong đó có câu hỏi liên quan tới lập trường cộng sản và thực hiện CNCS ở Việt Nam. Hồ Chí Minh nêu rõ:

“Tất cả mọi người đều có quyền nghiên cứu một chủ nghĩa. Riêng tôi, tôi đã nghiên cứu chủ nghĩa Các Mác…

Còn khi nào thì chủ nghĩa Các Mác thực hiện thì tôi không thể trả lời được. Muốn cho chủ nghĩa cộng sản thực hiện được, cần phải có kỹ nghệ, nông nghiệp và tất cả mọi người đều được phát triển hết khả năng của mình. Ở nước chúng tôi, những điều kiện ấy chưa có đủ”(5).

Câu trả lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hoàn cảnh thực dân Pháp đang trở lại xâm lược Việt Nam đã thể hiện rõ lập trường phát triển theo con đường của CNCS. Hồ Chí Minh đã đề cập những điều kiện cần thiết để tiến lên CNXH, CNCS. Phải có độc lập hoàn toàn mới có điều kiện thực hiện CNXH. Điều kiện kinh tế, xã hội (kỹ nghệ, nông nghiệp, con người) chưa có đủ, cần phải chủ động tạo điều kiện cho các yếu tố đó phát triển. Hồ Chí Minh rất coi trọng điều kiện, nghĩa là luôn luôn đặt mục tiêu CNXH trên mảnh đất hiện thực.

Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội II của Đảng (2-1951), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ mục đích, “Đảng Lao động Việt Nam đoàn kết và lãnh đạo toàn dân kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn, tranh lại thống nhất và độc lập hoàn toàn; lãnh đạo toàn dân thực hiện dân chủ mới, xây dựng điều kiện để tiến đến chủ nghĩa xã hội”(6). Trong tác phẩm Thường thức chính trị viết năm 1953, Hồ Chí Minh nêu rõ mục tiêu, bản chất của CNXH: “Chế độ cộng sản là ai cũng no ấm, sung sướng, tự do; ai cũng thông thái và có đạo đức. Đó là một xã hội tốt đẹp, vẻ vang”(7).

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954), Hiệp định Giơnevơ được ký kết (21-7-1954), các nước lớn cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược kết thúc, miền Bắc Việt Nam được hoàn toàn giải phóng. Đó là điều kiện cơ bản để miền Bắc tiến lên thực hiện cách mạng XHCN và xây dựng CNXH. Hồ Chí Minh cùng với Đảng cầm quyền nêu rõ bất kể trong tình hình nào, miền Bắc cũng phải tiến lên CNXH. Cần phải nắm vững đặc điểm của miền Bắc, của Việt Nam khi tiến hành cách mạng XHCN.

Giữa thế kỷ XX, trên thế giới đã hình thành phe XHCN mà miền Bắc Việt Nam là một thành viên. Công cuộc xây dựng CNXH ở các nước đã giành được những thành tựu rất quan trọng. Liên Xô lớn mạnh trở thành cường quốc đối trọng với nước Mỹ TBCN. Cuộc đối đầu giữa phe TBCN và phe XHCN chi phối đời sống chính trị thế giới. Cần nhận rõ rằng, các nước trong phe XHCN đều có mục tiêu chung là xây dựng CNXH, nhưng vẫn tồn tại những nhận thức khác nhau, thậm chí bất đồng về quan điểm. Từ Đại hội XX (1956), Đảng Cộng sản Liên Xô nêu quan điểm tiến nhanh lên giai đoạn CNCS. Các nước Đông Âu theo mô hình Liên Xô, nhưng Nam Tư lại theo con đường phát triển kinh tế thị trường. Trung Quốc tiến lên CNXH theo đường lối đại tiến vọt. Trong bối cảnh đó, đã diễn ra Hội nghị các Đảng Cộng sản và công nhân tháng 11-1957 gồm 64 đảng, Hội nghị tháng 11-1960 gồm 81 đảng để tổng kết, tìm ra nhận thức chung. Tuy có ra được văn kiện về quy luật cách mạng XHCN, song trên thực tế từ đó về sau, các nước XHCN vẫn có đường lối, hình thức và bước đi riêng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách trưởng đoàn Việt Nam tham gia các hội nghị quốc tế trên đây, đã có những đóng góp quan trọng trong tổng kết những vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng CNXH. Trong các phát biểu, Người nhấn mạnh đến việc nắm vững những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin về cách mạng XHCN đồng thời coi trọng sự phát triển sáng tạo ở hoàn cảnh mỗi nước.

Trong thực tiễn, miền Bắc Việt Nam bước vào thời kỳ quá độ lên CNXH với nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp, nhất là từ điểm xuất phát rất thấp là nước nông nghiệp, lạc hậu, chưa qua phát triển CNTB; đất nước lại tạm chia làm hai miền, Đảng phải lãnh đạo thực hiện đồng thời hai chiến lược cách mạng. Từ sự trải nghiệm thực tiễn của đất nước, nắm vững bản chất, linh hồn sống của học thuyết Mác-Lênin và với phương pháp tư duy khoa học, Hồ Chí Minh đã nêu bật nhận thức cơ bản:

Một là, cần nhận thức rõ bản chất, mục tiêu và sự nghiệp lớn lao của cách mạng XHCN ở Việt Nam nhằm tạo dựng một xã hội tốt đẹp không có bóc lột, áp bức, bất công, mọi người được tự do, ấm no, hạnh phúc

Năm 1956, Hồ Chí Minh nêu rõ: “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho dân giàu nước mạnh”(8). Chỉ với một đất nước hùng mạnh, người dân giàu có mới có thể thực hiện được những mục tiêu cao cả của CNXH. Sự giàu mạnh đó chỉ có được với sự phát triển mạnh mẽ của sức sản xuất, của các ngành kinh tế nông nghiệp, công nghiệp, kỹ nghệ và con người được phát triển hết khả năng của mình, con người có trí tuệ cao. Tháng 9-1957, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa là một cuộc biến đổi khó khăn nhất và sâu sắc nhất. Chúng ta phải xây dựng một xã hội hoàn toàn mới xưa nay chưa từng có trong lịch sử dân tộc ta. Chúng ta phải thay đổi triệt để những nếp sống, thói quen, ý nghĩ và thành kiến có gốc rễ sâu xa hàng ngàn năm. Chúng ta phải thay đổi quan hệ sản xuất cũ, xóa bỏ giai cấp bóc lột, xây dựng quan hệ sản xuất mới không có bóc lột áp bức. Muốn thế chúng ta phải dần dần biến nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành một nước công nghiệp… Chúng ta phải biến một nước dốt nát, cực khổ thành một nước văn hóa cao và đời sống tươi vui hạnh phúc”(9).

Sự nghiệp cách mạng mà Hồ Chí Minh suốt đời phấn đấu bắt đầu từ nhân dân, từ con người và cuối cùng cũng vì nhân dân, vì con người. Giải phóng dân tộc và giải phóng xã hội mà Người phấn đấu để đi đến một xã hội tốt đẹp vì con người. Hồ Chí Minh trân trọng giá trị và lợi ích của mỗi con người, Người cho rằng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là “giày xéo lên lợi ích cá nhân”. Mỗi người đều có tính cách riêng, sở trường riêng, đời sống riêng của bản thân và gia đình mình. Người nêu rõ: “phải thấy rằng chỉ ở trong chế độ xã hội chủ nghĩa thì mỗi người mới có điều kiện để cải thiện đời sống riêng của mình, phát huy tính cách riêng và sở trường riêng của mình. Không có chế độ nào tôn trọng con người, chú ý xem xét những lợi ích cá nhân đúng đắn và bảo đảm cho nó được thoả mãn bằng chế độ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa”(10).

Hai là, nắm vững đặc điểm, vận dụng đúng đắn lý luận Mác-Lênin để hiểu và tìm ra quy luật riêng của cách mạng XHCN ở Việt Nam

Từ đặc điểm của đất nước và dân tộc, trong đấu tranh giành độc lập và xây dựng CNXH, Hồ Chí Minh luôn luôn đề cao nhân tố dân tộc mà không quá thiên về đấu tranh dân tộc. Người từng phê phán nhận thức không đúng, “nghe người ta nói giai cấp đấu tranh, mình cũng ra khẩu hiệu giai cấp đấu tranh, mà không xét hoàn cảnh nước mình như thế nào để làm cho đúng”(11). Đó chính là biểu hiện của chủ nghĩa giáo điều. Tiến hành cách mạng XHCN “Ta không thể giống Liên Xô, vì Liên Xô có phong tục tập quán khác, có lịch sử địa lý khác”(12), “Còn giai cấp tư sản ở ta thì họ có xu hướng chống đế quốc, có xu hướng yêu nước… cho nên, nếu mình thuyết phục khéo, lãnh đạo khéo, họ có thể hướng theo chủ nghĩa xã hội”(13). Trong lãnh đạo cách mạng XHCN, Hồ Chí Minh nhiều lần lưu ý đặc điểm lớn nhất là đất nước vừa mới thoát khỏi ách thực dân, phong kiến, kinh tế nông nghiệp còn lạc hậu, khó khăn.

“Trong những điều kiện như thế, chúng ta phải dùng những phương pháp gì, hình thức gì, đi theo tốc độ nào để tiến dần lên chủ nghĩa xã hội? Đó là những vấn đề đặt ra trước mắt Đảng ta hiện nay. Muốn giải quyết tốt những vấn đề đó, muốn đỡ bớt mò mẫm, muốn đỡ phạm sai lầm, thì chúng ta phải học tập kinh nghiệm các nước anh em và áp dụng những kinh nghiệm ấy một cách sáng tạo. Chúng ta phải nâng cao sự tu dưỡng về chủ nghĩa Mác - Lênin để dùng lập trường, quan điểm, phương pháp chủ nghĩa Mác - Lênin mà tổng kết những kinh nghiệm của Đảng ta, phân tích một cách đúng đắn những đặc điểm của nước ta. Có như thế, chúng ta mới có thể dần dần hiểu được quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam, định ra được những đường lối, phương châm, bước đi cụ thể của cách mạng xã hội chủ nghĩa thích hợp với tình hình nước ta”(14). Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Học tập chủ nghĩa Mác - Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình; là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta. Học để mà làm. Lý luận đi đôi với thực tiễn”(15).

Ba là, Việt Nam chỉ có thể tiến dần từng bước lên CNXH, tránh chủ quan, nóng vội

Trong khi các nước khác chủ trương tiến nhanh lên CNXH, CNCS, Hồ Chí Minh lại xác định Việt Nam tiến dần từng bước vững chắc. Điều đó được Người nhắc lại nhiều lần. Tháng 7-1956, Hồ Chí Minh nêu rõ: “Chủ nghĩa xã hội không thể làm mau được mà phải làm dần dần”(16), “tiến lên chủ nghĩa xã hội, không thể một sớm một chiều. Đó là cả một công tác tổ chức và giáo dục”(17). Người nhấn mạnh: “Tiến lên chủ nghĩa xã hội không phải muốn là tức khắc có, mà phải làm thế nào cho nó tiến lên, tức là phải lao động, lao động thiết thực”(18). Nhiều lần Người nêu ra nguyên tắc phân phối theo lao động, có lao động mới có ăn, lao động nhiều hưởng nhiều, lao động ít hưởng ít, “ai không làm thì không ăn, tất nhiên là trừ những người già cả, đau yếu và trẻ con”. Những người già yếu hoặc tàn tật sẽ được Nhà nước giúp đỡ chăm nom.

Cần phải thấm nhuần luận điểm của Lênin về cách mạng XHCN. “Không thể coi cách mạng xã hội chủ nghĩa là một công cuộc làm một lần thì xong, mà phải coi đó là một thời đại”(19). Đó là thời đại của sự biến đổi sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Lênin cũng nêu rõ quá độ lên CNXH là một thời kỳ lâu dài, “Trong trường hợp tốt nhất thì bước quá độ ấy cũng chiếm mất nhiều năm. Suốt cả thời kỳ đó, trong chính sách của chúng ta, lại chia ra thành nhiều bước quá độ nhỏ hơn nữa. Và tất cả cái khó khăn của nhiệm vụ chúng ta phải làm, tất cả cái khó khăn của chính sách và tất cả sự khéo léo của chính sách là ở chỗ biết tính đến những nhiệm vụ đặc thù của từng bước quá độ”(20).

Hồ Chí Minh nêu rõ quan điểm, để tiến lên CNXH cần có thời gian và sự khéo léo, có chính sách phù hợp với thực tiễn. Người đã từng nói tư sản Việt Nam yêu nước, có tinh thần dân tộc có thể thuyết phục họ tham gia xây dựng CNXH, làm sao chủ thợ đều có lợi, công tư đều có lợi. Có thể sử dụng những phương pháp truyền thống thích hợp trong quản lý kinh tế, xã hội mang lại hiệu quả. “Chế độ làm khoán là một điều kiện của chủ nghĩa xã hội… Làm khoán là ích chung và lại lợi riêng”(21). Với giai cấp tư sản không phải bắt ép mà giáo dục thuyết phục họ. Các nhà tư sản sẽ hợp tác với Chính phủ để sản xuất - công tư hợp doanh. “Phải hướng về phía ấy, mà công tư hợp doanh cũng còn phải tiến lên nữa. Các nhà tư sản sẽ thấy công tư hợp doanh có lợi, không có hại, dần dần họ thấy nhất định phải tiến lên chủ nghĩa xã hội”(22).

Bốn là, xây dựng CNXH bắt đầu từ sự nghiệp giáo dục, đào tạo con người, con người có học vấn, văn hóa và đạo đức

Ngay sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Hồ Chí Minh đã nhận thức sâu sắc vai trò của con người trong công cuộc kiến thiết đất nước. Người nêu rõ, chế độ thực dân, phong kiến đã kìm hãm dân tộc Việt Nam trong sự dốt nát. Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Muốn sánh vai với các cường quốc năm châu phải ra sức học tập. Hồ Chí Minh coi trọng những trí thức, tìm kiếm nhân tài để xây dựng đất nước. Người lên án những thói xấu: lười biếng, gian giảo, tham lam và những thói xấu khác. Chúng ta có nhiệm vụ cấp bách là phải giáo dục lại nhân dân chúng ta. Dân tộc Việt Nam phải trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động.

Xây dựng, phát triển đất nước theo con đường XHCN, Hồ Chí Minh mong muốn trong xã hội, ai cũng thông thái và có đạo đức. Phát triển giáo dục, nâng cao dân trí, đào tạo con người là quan tâm đặc biệt của Hồ Chí Minh. Năm 1958, Người nêu rõ: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà”(23).

Theo Hồ Chí Minh, CNXH không những mang lại lợi ích, cuộc sống tốt đẹp cho con người, mà còn được xây dựng bởi chính ý thức, trình độ và năng lực sáng tạo của con người. CNXH là sự hoàn thiện mọi mặt của con người, ai cũng thông thái và có đạo đức tức là một xã hội mà con người ở tầm cao học vấn, trí tuệ và nhân cách. Những phẩm chất đó không tự nhiên có được mà phải trải qua giáo dục, đào tạo bền bỉ. Chính những con người được giáo dục, đào tạo nghiêm túc là chủ thể xây dựng xã hội XHCN. Đạo đức là một hình thái của ý thức xã hội phản ánh đời sống, quan hệ xã hội và có tác dụng cải tạo xã hội. Đạo đức cộng sản, đạo đức cách mạng mà Lênin và Hồ Chí Minh nêu gương và rèn luyện cho mọi người có vai trò to lớn trong cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới. Đó là cuộc đấu tranh chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Với ý nghĩa đó, Hồ Chí Minh nêu rõ: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”(24).

Tư duy lý luận của Hồ Chí Minh về CNXH là sự vận dụng nhuần nhuyễn những nguyên lý CNXH khoa học của Mác, Lênin vào thực tiễn Việt Nam. Hồ Chí Minh luôn xuất phát từ thực tiễn Việt Nam để nhận thức đúng đắn lý luận, kết hợp chặt chẽ lý luận với thực tiễn, coi trọng hiệu quả thực tiễn. Tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH thực sự là nền tảng tư tưởng để Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra đường lối đổi mới tại Đại hội VI của Đảng (12-1986), Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội tại Đại hội VII (6-1991) và bổ sung, phát triển Cương lĩnh tại Đại hội XI của Đảng (1-2011). Từ thực tiễn xây dựng CNXH, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới, nhận thức của Đảng về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam ngày càng sáng tỏ hơn. Thành tựu của công cuộc đổi mới trong đó có sự phát triển tư duy lý luận về CNXH đã chứng minh tính đúng đắn, giá trị bền vững của tư tưởng Hồ Chí Minh.

___________________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 9-2015

(1), (2), (3), (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 45, 47, 47, 80-81.

(5) Sđd, t.4, tr.315.

(6) Sđd, t.7, tr.41.

(7) Sđd, t.8, tr.294.

(8), (12), (13), (16), (17), (18), (21), (22) Sđd, t.10, tr.390, 391, 391, 390, 392, 534, 537, 391.

(9), (10), (14), (15), (23) Sđd, t.11, tr. 91-92, 610, 92, 611, 528

(11) Sđd, t.5, tr.312.

(24) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.66.

(19) Lênin: Toàn tập, t.26, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1980, tr.444.

(20) Sđd, t40, tr. 119-120.

 

PGS,TS  Nguyễn Trọng Phúc

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền