Trang chủ    Thực tiễn    Nam Định: chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu
Thứ tư, 16 Tháng 3 2016 15:53
3440 Lượt xem

Nam Định: chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu

(LLCT) - Nam Định là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng. Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp chịu nhiều tác động bất thường của BĐKH nên giảm năng suất, chất lượng sản phẩm và thu nhập người dân. Nhằm giảm những ảnh hưởng tiêu cực của BĐKH, Nam Định đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, bước đầu cho hiệu quả rõ rệt.

1. Tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp

Nam Định là một trong các tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH, nước biển dâng nhất trên toàn quốc. Theo thống kê của Trạm Khí tượng - Thủy văn tỉnh Nam Định, trong 22 năm qua (từ 1991- 2013), nhiệt độ trung bình ở Nam Định tăng 0,70C; độ ẩm giảm trung bình 2,01%; nhiệt  độ tăng 0,0310C/năm; độ ẩm giảm 0,091%/năm; mỗi năm tỉnh phải gánh chịu từ 4-6 cơn bão, cường độ mạnh hơn, nhiều hơn và muộn hơn những năm trước. Viện địa chất và Địa chất Vật  lý biển Việt Nam cho biết, từ 2007-2012, các xã ven biển của 3 huyện Nghĩa Hưng, Giao Thủy và Hải Hậu mực nước biển đã dâng lên 10cm, bình quân mỗi năm tăng xấp xỉ 2mm; triều cường tăng 30-40cm (đạt mức 4m). Tình trạng xâm nhập mặn tăng, độ muối 1‰vào sâu trong đất liền gần 25km. Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng nhiều như:nóng nắng hạn; mưa rét kéo dài, lượng mưa ít nhưng cường độ lớn, bất thường; bão nhiều; triều cường thay đổi đột ngột… Theo dự báo, mực nước biển dâng giai đoạn 2020-2100 sẽ tăng từ 12-74cm so với giai đoạn 1980-1999, làm gần 62km2 bị ngập, trong đó 3 huyện ven biển ngập nhiều nhất(1). Trong đó, nông nghiệp là ngành chịu tác động trực tiếp.

- Làm giảm diện tích đất canh tác. Do ảnh hưởng của BĐKH nên tình trạng hạn hán kéo dài kết hợp với triều cường đã làm cho nhiều diện tích đất canh tác của các huyện ven biển bị nhiễm mặn. Tại huyện Giao Thuỷ, Hải Hậu, Nghĩa Hưng hằng năm có khoảng 12 nghìn ha đất canh tác bị nhiễm mặn, trong đó khoảng 5 nghìn ha nhiễm mặn, không sản xuất được. Tính cả Xuân Trường và Trực Ninh, mỗi năm Nam Định có gần 38 nghìn ha đất canh tác bị ảnh hưởng của hạn hán, triều cường và xâm nhập mặn; trên 11 nghìn ha đất canh tác bị thiếu nước trầm trọng. Trung bình mỗi năm, diện tích cấy lúa của cả tỉnh giảm khoảng 635 ha do ảnh hưởng của BĐKH(2).

- Giảm năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi; gia tăng chi phí sản xuất và giảm sức cạnh tranh của sản phẩm. Hiện tượng cực đoan thời tiết: lượng mưa giảm, nhiệt độ tăng, bão lũ thất thường… làm gia tăng dịch bệnh vật nuôi, cây trồng, nhất là cây lúa khiến năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp giảm và gia tăng chi phí sản xuất. Năm 2013, bão số 2 gây mưa lớn kết hợp với triều cường đã làm hư hại nhiều hệ thống đê kè, hàng nghìn ha diện tích nuôi trồng thủy sản, muối, hoa màu … ước tính thiệt hại khoảng 150 tỷ đồng. Riêng nuôi trồng thủy sản thiệt hại gần 100 tỷ đồng (3).

- Ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản vùng ngập nước ven biển.Nước biển dâng ảnh hưởng đến vùng đất ngập nước ven biển, nhất là khu vực rừng ngập mặn làm đa dạng sinh học vùng bờ và nguồn lợi thủy hải sản giảm. Các hệ sinh thái vùng bờ quan trọng bị suy thoái và thu hẹp diện tích. Các quần đàn có xu hướng di chuyển ra xa bờ hơn do thay đổi cấu trúc hoàn lưu ven biển, thay đổi tương tác sông - biển ở vùng cửa sông ven bờ. Theo báo cáo diễn biến tài nguyên rừng của Vườn quốc gia Xuân Thủy, 20 năm trở lại đây, diện tích rừng ngập mặn tại Giao Thủy suy giảm nghiêm trọng do BĐKH. Sự biến đổi của các yếu tố: nhiệt độ, lượng mưa, hướng gió, dòng chảy và sự dâng lên của mực nước biển đã làm thay đổi hình thái của vườn quốc gia Xuân Thủy. Nhiều loài đặc hữu bị suy giảm nghiêm trọng như: cá Chuối sộp, cua Giận, cò Thìa... Phần Cồn Xanh và dải cát đầu Cồn Lu giáp sông Hồng bị cát xâm lấn do dòng chảy của sông Hồng thay  đổi, phía đuôi Cồn Lu được bù đắp thêm và kéo dài ra địa phận của xã Giao Long. Sự dâng lên của mực nước biển gây ngập úng thường xuyên khu vực Cồn Lu và là một trong những nguyên nhân làm chết rừng phi lao. Nước biển dâng làm thu hẹp diện tích rừng ngập mặn, ảnh hưởng  đến đa dạng sinh học của rừng ngập mặn tại bãi bồi ở vùng cửa sông khu vực Cồn Lu, Cồn Ngạn huyện Giao Thủy(4).

2. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp thích ứng BĐKH

Để giảm thiệt hại do BĐKH gây ra cho ngành nông nghiệp, Nam Định thực hiện nhiều biện pháp, trong đó có chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Do là địa phương có nhiều hệ thống sông, đầm ven biển; nhiều chân ruộng trũng, lại thường xuyên bị bão, nước biển dâng, xâm nhập mặn và mưa ngập, Sở NN&PTNT Nam Định đã quy hoạch các vùng nuôi trồng thủy sản nước lợ ở các huyện ven biển và chuyển các chân ruộng trũng sang nuôi trồng thủy sản nước ngọt.Nhờ đó, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi), tăng tỷ trọng thủy sản trong GDP nông nghiệp. Giai đoạn 2009-2014, tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế ngành giảm 5,23% (từ 81,45% năm 2009 xuống 76,22% năm 2014), trung bình mỗi năm giảm 1,046%; tỷ trọng ngành thủy sản tăng 5,27%: từ 18,01% năm 2009 lên 23,28% năm 2014, trung bình mỗi năm tăng 1,054%% (bảng 1).

Bảng 1: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp (2009-2014)               ĐVT: %

 

2009

2010

2011

2012

2013

2014

Nông nghiệp

81,45

80,39

79,52

78,45

77,34

76,22

Lâm nghiệp

0,54

0,53

0,48

0,49

0,48

0,50

Thủy sản

18,01

19,08

20

21,06

22.18

23.28

 

Nguồn: Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn qua các năm từ 2009 – 2014

Bên cạnh việc chuyển dịch cơ cấu ngành nông - lâm - thủy sản, trong những năm qua, Nam Định còn chuyển dịch trong nội bộ từng ngành. Trong nông nghiệp, tỷ trọng trồng trọt giảm từ 68,1% (2006) còn 60,3% (2010) và 58,4% (2014); chăn nuôi và dịch vụ tăng nhanh từ 31,9% (2006) lên 39,7% (2010) và41,6% (2014) (bảng 2).

Bảng 2: Chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Nam Định giai đoạn 2006 - 2014ĐVT: %

 

2006

2008

2009

2010

2011

2014

- Trồng trọt

68,1

64,81

62,28

60,70

58,27

54,45

- Chăn nuôi và dịch vụ

31,9

35,19

37,72

39,30

41,73

45,55

 

Nguồn: Báo cáo của Sở NN&PTNT Nam Định các năm 2006-2014

Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp còn được thực hiện trong từng lĩnh vực. Trong trồng trọt, Nam Định đã thực hiện chuyển dịch theo hướng sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, chuyển đổi từ diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây rau màu ngắn ngày, cây dược liệu và các mô hình canh tác kết hợp có hiệu quả kinh tế cao; chuyển dịch từ các giống lúa dài ngày sang ngắn ngày, chịu mặn, chịu hạn, chịu rét; tăng diện tích trồng lúa vụ đông xuân giảm diện tích vụ mùa (hay có bão, lụt).

Chăn nuôi chuyển dịch theo hướng giảm chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ sang chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại quy mô vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, các địa phương còn quan tâm lựa chọn giống vật nuôi có sức đề kháng cao, thích nghi với điều kiện thay đổi của thời tiết.

Với nuôi trồng thủy sản, ngoài việc nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng nuôi, tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu con nuôi cho phù hợp, trong đó đẩy mạnh việc đưa các con giống mặn lợ như: tôm thẻ chân trắng, ngao, cua biển, cá song, cá bống bớp… trở thành con nuôi chủ lực thâm canh trên diện tích đất nhiễm mặn. Trong nội bộ lĩnh vực thủy sản cũng diễn ra sự chuyển dịch theo hướng khai thác lợi thế và thích ứng với BĐKH. Trong cơ cấu sản lượng sản xuất ngành thủy sản, tỷ trọng sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng và giảm tỷ trọng khai thác. Năm 2009, khai thác thủy sản đạt hơn 37 nghìn tấn (45,95%); nuôi trồng thủy sản đạt 44 nghìn tấn (54,05%). Đến năm 2014, sản lượng khai thác đạt 44 ha (40,45%), nuôi trồng đạt 65 nghìn tấn (59,55%)(5).

Nam Định tăng cường xây dựng cống điều tiết, đập tràn để giữ nước ngọt trước sự xâm nhập mặn; áp dụng công nghệ và phương thức sản xuất tiết kiệm nước; nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại những vùng có nguy cơ cao, trong đó tập trung chuyển đổi các vùng ao đầm sâu trũng đang sản xuất hai vụ lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản hoặc chuyển đổi mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu giống cho phù hợp, tránh điều kiện bất lợi của thiên tai. Nhờ đó, hiệu quả và sức cạnh tranh ngành nông nghiệp Nam Định được khẳng định và nâng cao; tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành đạt 5,04%, vượt 2,04% so với kế hoạch đề ra; giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản không ngừng tăng (năm 2006, đạt gần 4 nghìn tỷ đồng, năm 2010 đạt 4,5 nghìn tỷ đồng và đến 2014 ước đạt gần 5 nghìn tỷ đồng)(6). Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng lên đáng kể, từ 474,5 nghìn đồng (2006) lên 2.118 nghìn đồng năm 2014(7); tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 2014 chỉ còn 3,77%(8), thấp hơn 2,23% so với tỷ lệ hộ nghèo chung của cả nước.

_____________________

(1). Phương Đông: Nam Định tăng cường các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, ngày 01/06/2015

(2). Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Định, năm 2014.

(3). Hiền Hạnh: Nam Định thiệt hại khoảng 150 tỷ đồng do bão số 2, TTXVN ngày 24/6/2013

(4). Đặng Thị Hoa, Quyền Đình Hà: Thích ứng với biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp của người dân ven biển huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, Tạp chí Khoa học và Phát triển 2014, tập 12, số 6

(5). Ngọc Ánh: Nam Định: Nhìn lại sản xuất thủy sản năm 2014, Báo Nam Định, ngày 10-2-2015

(6).UBND tỉnh Nam Định: Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015

(7). Niên giám thống kê tỉnh Nam Định 2014, tr 370

(8). Niên giám thống kê tỉnh Nam Định 2014, tr 369

 

ThS Nguyễn Thị Miền

Viện Kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền