Trang chủ    Thực tiễn    Thực trạng công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam hiện nay
Thứ tư, 16 Tháng 3 2016 15:57
7050 Lượt xem

Thực trạng công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam hiện nay

(LLCT) - Thuật ngữ công nghiệp phụ trợ (CNPT) ra đời đầu tiên ở Nhật Bản, ban đầu được dùng để chỉ các doanh nghiệp vừa và nhỏ có đóng góp cho sự phát triển cơ sở hạ tầng công nghiệp ở các nước châu Á trong trung và dài hạn. Sau đó, định nghĩa CNPT được Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) chính thức đưa ra vào vào năm 1993: Công nghiệp phụ trợ là các ngành công nghiệp cung cấp các yếu tố cần thiết như nguyên vật liệu thô, linh kiện và vốn... cho các ngành công nghiệp lắp ráp (bao gồm ô tô, điện và điện tử).

Theo Văn phòng phát triển công nghiệp phụ trợ Thái Lan (Bureau of Supporting Industries Development - BSID): Công nghiệp phụ trợ là các ngành công nghiệp cung cấp linh kiện, phụ kiện, máy móc, dịch vụ đóng gói và dịch vụ kiểm tra cho các ngành công nghiệp cơ bản (nhấn mạnh các ngành cơ khí, máy móc, linh kiện cho ô tô, điện và điện tử là những công nghiệp phụ trợ quan trọng).

Hoa Kỳ đưa ra định nghĩa: “Các công nghiệp phụ trợ: công nghiệp của tương lai”,  “CNPT là các ngành cung cấp nguyên vật liệu và linh kiện đó nhằm phục vụ việc lắp ráp các sản phẩm công nghiệp cuối cùng”.

Ở Việt Nam, CNPT chỉ toàn bộ những sản phẩm công nghiệp có vai trò hỗ trợ cho việc sản xuất các thành phẩm chính. Cụ thể là những linh kiện, phụ liệu, phụ tùng, sản phẩm bao bì, nguyên liệu để sơn, nhuộm, v.v..Và cũng có thể bao gồm cả những sản phẩm trung gian, những nguyên liệu sơ chế. Sản phẩm CNPT thường được sản xuất với quy mô nhỏ, thực hiện bởi các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Công nghiệp phụ trợ thường phát triển theo các giai đoạn khác nhau, với chất lượng và sức cạnh tranh ngày càng tăng. Các giai đoạn phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ được thể hiện ở Sơ đồ 1.

1. Thực trạng công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam hiện nay

CNPT có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế, nó trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng, giúp tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa quốc gia. Ở tầm vĩ mô, phát triển CNPT giúp giảm kim ngạch nhập khẩu đầu vào sản xuất, qua đó hạn chế các căng thẳng về thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế (nhất là cán cân thương mại) cũng như ngoại tệ đối với những nước nhập khẩu hàng hóa. CNPT có vai trò rất quan trọng trong việc thu hút dòng vốn FDI vào lĩnh vực công nghiệp, đồng thời kích thích phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước; thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ, áp dụng các kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất.

Trong những năm qua, Chính phủ và các bộ, ngành đặc biệt quan tâm phát triển CNPT. Năm 2007, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) đã ban hành Quyết định số 34/2007/QĐ-BCN phê duyệt Quy hoạch phát triển CNPT đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020. Ngày 4-7-2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg về Chính sách khuyến khích phát triển một số ngành CNPT, trong đó đưa ra 5 nhóm chính sách khuyến khích phát triển đối với ngành CNPT, bao gồm khuyến khích phát triển thị trường, phát triển hạ tầng cơ sở, phát triển khoa học - công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, cung cấp thông tin, tài chính; Quyết định số 1483/QĐ- TTg ngày 26-8-2011 về việc ban hành Danh mục CNPT ưu tiên phát triển; Bộ Tài chính ban hành Thông tư 96/2011/TT- BTC hướng dẫn chính sách tài chính khuyến khích phát triển CNPT đối với các ngành cơ khí chế tạo, điện tử - tin học, sản xuất lắp ráp ô tô, dệt - may, da - giày và công nghiệp hỗ trợ cho phát triển công nghệ cao.

Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, hiện nay nước ta có khoảng 30 ngành kinh tế - kỹ thuật cần đến CNPT. Trong đó, nhiều ngành sản xuất hàng xuất khẩu mang lại kim ngạch hàng chục tỷ USD mỗi năm nhưng đang phải nhập khẩu tới 80 - 85% nguyên liệu, tỷ lệ giá trị gia tăng chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong cơ cấu sản phẩm, như: sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy, dệt may, da giày.

Đối với ngành chế tạo, lắp ráp ô tô, xe máy, cả nước có khoảng trên 300 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng, nhưng phần lớn các linh kiện, phụ tùng đó là các sản phẩm đơn giản, hàm lượng công nghệ thấp, các chi tiết, linh phụ kiện quan trọng như động cơ, hộp số, cụm chuyển động phải nhập khẩu 100%. Ngành CNPT lệ thuộc gần 80% vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Rất nhiều lĩnh vực công nghiệp đặt ra mục tiêu, kế hoạch nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cùng với đó là các chính sách ưu đãi được triển khai mạnh mẽ nhưng hầu như chưa có lĩnh vực nào đạt kết quả như mong muốn.

Hiện tại, phần lớn các nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng cho các công ty nước ngoài là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Khoảng cách về tiêu chuẩn chất lượng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước còn khá lớn. Khả năng đáp ứng về yêu cầu chất lượng của phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước còn kém. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhà nước trong ngành CNPT vẫn duy trì phong cách làm ăn tự cung tự cấp; thiếu liên kết để tham gia thầu phụ công nghiệp.

Theo số liệu của Viện Chiến lược công nghiệp (Bộ Công thương), Việt Nam có khoảng 500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế tạo thì chỉ 200 doanh nghiệp đủ trình độ tham gia sản xuất cho nước ngoài, tập trung vào lĩnh vực xe máy và điện tử. Công nghiệp ôtô, dệt may, cơ khí đặt mục tiêu nội địa hóa 60 - 70%, song đến nay vẫn chủ yếu phải nhập linh kiện, nguyên phụ liệu từ nước ngoài, giá trị gia tăng thấp.

Đối chiếu 5 giai đoạn phát triển của ngành CNPT (Sơ đồ 1), sự phát triển của CNPT của Việt Nam nằm ở giai đoạn thứ hai (sản phẩm CNPT ít, phải nhập khẩu). Do đó, sự phát triển công nghiệp của nước ta còn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung ứng đầu vào từ bên ngoài.

Thực trạng phát triển CNPT được đánh giá thông qua khả năng cung cấp linh phụ kiện và tỷ lệ nội địa hóa trong một số ngành công nghiệp của Việt Nam như sau:

Ngành ô tô, xe máy Việt Nam có khoảng 70 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng cho ngành công nghiệp ô tô trong nước, quy mô, năng lực còn rất hạn chế, trong khi đó Malaixia có 385 doanh nghiệp, Thái Lan có 2.500 doanh nghiệp. Công nghiệp sản xuất phụ tùng ô tô tại Việt Nam còn khá mới mẻ, Nhà nước đã có chủ trương bảo hộ cho các liên doanh sản xuất ô tô, các hãng đưa ra cam kết ban đầu là sẽ nội địa hóa 40% sau khi đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, tỷ lệ nội địa hóa chỉ đạt 30%.Điều này khiến chi phí sản xuất ô tô tăng cao gần20% so với các nước như Inđônêxia, Thái Lan.

Phần lớn các nhà sản xuất trong nước nhập linh kiện rồi tiến hành lắp ráp, khiến chi phí sản xuất tăng cao. Sự yếu kém của CNPT trong ngành sản xuất ô tô đang là trở lực lớn cho sự phát triển của ngành này. Ngay cả những liên doanh ôtô tên tuổi như Toyota, Ford... có hệ thống các nhà cung cấp linh kiện lớn cũng chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam.

Việt Nam hiện có trên 230 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng cung cấp cho các doanh nghiệp lắp ráp xe máy, trong đó có hơn 80 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ngành xe máy hiện đạt tỷ lệ nội địa hóa cao, khoảng 70 - 75%. Tuy nhiên, đạt được tỷ lệ trên là do các doanh nghiệp được hưởng chính sách ưu đãi. Trước thực trạng trên, Chính phủ đã nâng mức thuế nhập khẩu linh kiện từ 30 - 50% buộc các doanh nghiệp phải tập trung đầu tư chiều sâu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa để giảm giá thành sản phẩm. Các doanh nghiệp CNPT cho xe máy chủ yếu sản xuất các linh kiện đơn giản như: giảm xóc, đồng hồ báo xăng, bộ dây điện, yên xe; chưa sản xuất được những bộ phận chính, như động cơ, hộp số...

Ngành công nghiệp dệt may chiếm 15 - 20% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và chiếm trên 50% kim ngạch xuất khẩu ngành công nghiệp, bình quân mỗi năm tăng 20% (năm 2011 đạt 13,8 tỷ USD, năm 2012 đạt 17,2 tỷ USD, năm 2013 đạt gần 19 tỷ USD). Thực tế, giá trị ngành công nghiệp dệt may chiếm tỷ lệ rất lớn trong cơ cấu xuất khẩu hàng hóa của cả nước, nhưng giá trị gia tăng thấp. Tỷ lệ nội địa hóa nguyên vật liệu ngành dệt may chỉ đạt 3 - 8%, còn chủ yếu là nhập nguyên liệu, thậm chí nhập sản phẩm bán thành phẩm về gia công sau đó xuất khẩu để tận dụng nhân công giá rẻ và các ưu đãi chính sách thuế, đất đai của Nhà nước.

Nguyên nhân là năng lực các nhà máy cơ khí chuyên ngành dệt may chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành. Ngay cả Tổng Công ty Dệt may Việt Nam (Vinatex), mặc dù có tiềm lực lớn trong sản xuất và xuất khẩu, nhưng việc phát triển các doanh nghiệp phụ trợ trong Tổng Công ty còn gặp nhiều khó khăn và đây cũng là khó khăn chung của ngành dệt may Việt Nam.

Ngành điện tử, điện máy đã có hàng loạt hãng điện tử lớn đầu tư vào Việt Nam nhằm tận dụng giá nhân công rẻ, lao động dồi dào, nhiều ưu đãi về chính sách tài chính, thuế, đất đai.Nhiều nhà đầu tư vào nước tathường kéo theo các doanh nghiệp phụ trợ từ nước ngoài, tỷlệ doanh nghiệp nội địa tham gia vào chuỗi rất ít. Đến nay, cả nước đã có trên 250 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư sản xuất trong ngành điện tử, trong đó có 1/4 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện điện tử, nhưng đa số là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghệ lạc hậu (đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào đầu tư vào sản xuất vật liệu điện tử).

Các doanh nghiệp điện tử trong nước chủ yếu khai thác sản phẩm cũ, lợi nhuận rất thấp. Các doanh nghiệp FDI trong ngành điện tử, điện máy đang đứng trước sức ép phải giảm chi phí linh - phụ kiện và nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm, nhưng do số doanh nghiệp phụ trợ rất ít, chất lượng linh - phụ kiện chưa đảm bảo nên phần lớn các doanh nghiệp FDI phải nhập khẩu linh - phụ kiện.

2. Nguyên nhân và giải pháp

Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trên là: đầu tư của Nhà nước cho CNPT còn hạn chế, việc ưu đãi, thu hút đầu tư vào CNPT hầu như chỉ tập trung vào các tập đoàn lớn, trong khi các doanh nghiệp CNPT thường có quy mô vừa và nhỏ.

Các doanh nghiệp sản xuất CNPT nội địa vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng thương mại. Sự liên kết giữa các doanh nghiệp CNPT với các doanh nghiệp lắp ráp còn yếu kém, thiếu sự phối hợp liên kết giữa nhà lắp ráp với các nhà sản xuất phụ trợ, giữa các nhà sản xuất CNPT với nhau, giữa doanh nghiệp FDI và nội địa.

Năng lực tổ chức, quản lý và công nghệ của các doanh nghiệp còn rất hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp FDI.

Trong bối cảnh hiện nay, để phát triển CNPT ở Việt Nam, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi, thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư vào xây dựng khu CNPT, trước mắt tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng, các dịch vụ, như: điện, nước, internet... Cung cấp dịch vụ hỗ trợ với giá rẻ để thu hút các doanh nghiệp CNPT tập trung vào các khu công nghiệp; hỗ trợ đào tạo các chuyên gia, kỹ sư chế tạo, thiết kế và đội ngũ công nhân kỹ thuật làm việc trong ngành CNPT.

Hai là, xây dựng chính sách thuế theo hướng miễn thuế nhập khẩu các loại máy móc thiết bị phục vụ CNPT trong thời hạn từ 4-5 năm đầu, tính từ khi doanh nghiệp đi vào sản xuất; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân; miễn hoặc giảm đến mức thấp nhất tiền thuê đất, chấp nhận giảm thu ngân sách đối với các doanh nghiệp CNPT, coi đó là khoản nuôi dưỡng nguồn thu trong tương lai.

Ba là, hình thành một quỹ hỗ trợ CNPT với nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước và của chính những doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm có liên quan đến các ngành CNPT, coi đó là trách nhiệm hỗ trợ, tạo dựng ban đầu của Nhà nước đối với ngành CNPT. Nguồn vốn này phải được tạo điều kiện tốt nhất về thủ tục hành chính để các doanh nghiệp có thể tiếp cận và giải ngân nhanh chóng, giảm thiểu phiền hà khi doanh nghiệp vay vốn.

Bốn là, nâng cao năng lực tổ chức, quản lý và đầu tư phát triển công nghệ, kết nối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp nội địa; tận dụng cơ hội từ những dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực CNPTthông qua liên doanh, hợp tác để tiếp cậnchuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp nước ngoài; giúp đỡ doanh nghiệp CNPT tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế,tìm kiếmđối tác.

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2015

Tài liệu tham khảo:

1. Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2011-2020.

2. Quyết định số 9028/QĐ-BCT phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển CNPT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

3. Dự thảo Nghị định về phát triển CNPT.

4. Bộ Công thương:Báo cáo của về phát triển các ngành công nghiệp 2010-2015.

5. Thực trạng ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam,Báo Tài chính, ngày 26-11-2014.

 

Đỗ Trung Hiếu

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền