Trang chủ    Thực tiễn    Một số vấn đề pháp lý trong phát triển mô hình “cánh đồng lớn” hiện nay
Thứ sáu, 24 Tháng 6 2016 14:13
4390 Lượt xem

Một số vấn đề pháp lý trong phát triển mô hình “cánh đồng lớn” hiện nay

(LLCT) - Phong trào xây dựng cánh đồng mẫu lớn (CĐML) được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phát động tại Cần Thơ ngày 26-3-2011 nhận sự hưởng ứng tích cực của nhiều địa phương, doanh nghiệp và nông dânĐây là mô hình phát huy hiệu quả trong thực tiễn, quy trình sản xuất này cho năng suất và lợi nhuận cao hơn so với canh tác trên cánh đồng nhỏ. Tuy vậy, trong thực tế, một số vấn đề pháp lý đã phát sinh, cần được giải quyết.

1. Một số vấn đề pháp lý phát sinh

Trong mô hình liên kết CĐML, nông dân được doanh nghiệp cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật canh tác. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm vận chuyển sản phẩm đến nhà máy, sấy khô và bao tiêu.

Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng xác định: “Hợp đồng sau khi đã ký kết là cơ sở pháp lý để gắn trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp giữa người sản xuất nguyên liệu và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chế biến và xuất khẩu theo các quy định của hợp đồng”.Quyết định nàycho phép các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hóa với các hộ gia đình nông dân.

Theo hướng dẫn tại Quyết định số 77/2002/QĐ-BNN ngày28-8-2002 (Quyết định 77), xác định hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân là hợp đồng kinh tế, khi có tranh chấp xảy ra thì sẽ đưa ra Tòa kinh tế để giải quyết(1). Tuy nhiên, theo quy định của Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế 1989 về chế độ hợp đồng kinh tế thì các pháp nhân (doanh nghiệp) chỉ có thể ký kết các hợp đồng kinh tế với pháp nhân hoặc các cá nhân có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật(2). Điều này cho thấy có sự xung đột về mặt pháp luật giữa hai quy định nêu trên, về nguyên tắc Pháp lệnh có hiệu lực pháp lý cao hơn còn hợp đồng theo căn cứ của Quyết định 80 có hiệu lực pháp lý thấp hơn nên khi có tranh chấp hợp đồng xảy ra tòa án sẽ căn cứ vào Pháp lệnh để giải quyết. Điều này trong thực tiễn sẽ gây ra khó khăn cho các bên khi giải quyết tranh chấp vì theo quy định của Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế đây không phải là hợp đồng kinh tế nên không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa kinh tế.  

Tại Chỉ thị số 25/2008/CT-TTg ngày 25-8-2008 (Chỉ thị 25), Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá kết quả sau 5 năm thực hiện Quyết định 80, trên cơ sở đó Thủ tướng đã giao “Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn triển khai các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ nông sản theo hợp đồng và xây dựng chế tài xử lý vi phạm hợp đồng phù hợp với quy định của Luật Thương mại…”. Nội dung Chỉ thị 25 cho thấy, Chính phủ xác định Hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hóa giữa doanh nghiệp và nông dân là hợp đồng mua bán hàng hóa trong kinh doanh thương mại do Luật Thương mại điều chỉnh.

Cụ thể luật Thương mại 2005 quy định: “Trường hợp không có thoả thuận về giá hàng hoá, không có thoả thuận về phương pháp xác định giá và cũng không có bất kỳ chỉ dẫn nào khác về giá thì giá của hàng hoá được xác định theo giá của loại hàng hoá đó trong các điều kiện tương tự về phương thức giao hàng, thời điểm mua bán hàng hoá, thị trường địa lý, phương thức thanh toán và các điều kiện khác có ảnh hưởng đến giá”(3). Đây là quy định rất phù hợp với thực tiễn đời sống kinh tế. Nếu áp dụng Hợp đồng mua bán hàng hóa theo quy định của Luật Thương mại sẽ tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp giải quyết được vấn đề khúc mắc chính thường dẫn đến vi phạm hợp đồng đó là thỏa thuận về giá cả trong trường hợp thị trường có biến động hoặc trong trường hợp hợp đồng hai bên chưa có sự thỏa thuận cụ thể, rõ ràng về giá cả.

Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, cũng tương tự như quy định của Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế, Luật Thương mại chỉ áp dụng đối với các đối tượng là: Thương nhân hoạt động thương mại và Tổ chức, cá nhân khác hoạt động có liên quan đến thương mại(4). Mà hoạt động thương mại “là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác”(5). Các chủ thể tham gia hoạt động thương mại đều phải đăng ký kinh doanh, trong khi đó hầu hết hộ gia đình nông dân và đại diện hộ gia đình nông dân đều không đăng ký kinh doanh và không tham gia hoạt động thương mại nên không thể áp dụng các quy định về hợp đồng mua bán hàng hóa theo quy định của Luật Thương mại trong giao kết và thực hiện các hợp đồng tiêu thụ nông sản.

Như vậy, qua nghiên cứu, đánh giá hệ thống các quy định của Chính phủ và hướng dẫn của các Bộ ngành liên quan cho thấy, các quy định của pháp luật về hợp đồng tiêu thụ nông sản về cơ bản đã được quy định khá đầy đủ, chặt chẽ cả về nội dung quyền và nghĩa vụ của các bên cũng như hệ thống các chế tài xử lý vi phạm. Tuy nhiên các văn bản này là văn bản dưới luật, tính pháp lý không cao, khi dẫn chiếu áp dụng các quy định của luật có liên quan lại có những bất cập không phù hợp nên thực tiễn áp dụng để giải quyết các vi phạm, tranh chấp hợp đồng rất khó khăn. Bởi vì trong mối quan hệ hợp đồng nông dân luôn là bên yếu thế, hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, doanh nghiệp thì luôn ở thế mạnh hơn thường tận dụng sự chưa rõ ràng trong một số quy định của pháp luật để ép nông dân, còn phía các cơ quan nhà nước có thẩm quyền “nhiều địa phương chưa tập trung chỉ đạo quyết liệt việc triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ”.Do đó, đối với người nông dân, rủi ro là giá trị pháp lý thấp và không cụ thể, rõ ràng của bản hợp đồng với doanh nghiệp “Các bản hợp đồng giữa nông dân với doanh nghiệp chỉ mang ý nghĩa hướng dẫn bà con nông dân làm gì là chủ yếu. Những bản hợp đồng nhiều chữ, nhiều lý lẽ như thế mà đem đi kiện thì bà con nông dân thua là cái chắc”(6).

Đối với doanh nghiệp, việc triển khai CĐML đòi hỏi phải có vốn lớn, chấp nhận chịu rủi ro, để hướng tới lợi ích lâu dài. Hiện tại số doanh nghiệp có khả năng đầu tư lớn như vậy ở nước ta không nhiều, đó là chưa kể đến những rủi ro từ thiên tai, mất mùa, dịch bệnh,... cộng sự xung đột lợi ích giữa những nhà đầu tư ngắn hạn, muốn kiếm lời nhanh trong khi mô hình đòi hỏi đầu tư lâu dài khiến việc thực hiện càng khó khăn. Mặc dù mối quan hệ theo hợp đồng nên có độ tin cậy cao hơn so với mua bán thông thường. Nhưng đã là hợp đồng thì cũng có thể bị vi phạm, từ nhẹ đến đổ vỡ (đây là rủi ro lớn đối với doanh nghiệp chân chính nhất là trong trường hợp người nông dân nước ta với tâm lý thường là chỉ thấy lợi ích trước mắt khi giá thị trường hoặc thương lái đưa ra cao hơn giá thỏa thuận trong hợp đồng thì dễ “bẻ kèo” bán cho thương lái dù đã ký kết hợp đồng với doanh nghiệp).

Chính vì những vấn đề hạn chế, bất cập phát sinh trong thực tiễn vận hành mô hình, Chính phủ đã ban hành Quyết định 62/2013/QĐ-TTg (Quyết định 62) ngày 25-10-2013 để thay thế Quyết định 80. Quyết định 62 đã lần đầu tiên đưa ra khái niệm pháp lý về cánh đồng lớn, theo đó: “Cánh đồng lớn là cách thức tổ chức sản xuất trên cơ sở hợp tác, liên kết giữa người nông dân với doanh nghiệp, tổ chức đại diện của nông dân trong sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản trên cùng địa bàn, có quy mô ruộng đất lớn, với mục đích tạo ra sản lượng nông sản hàng hóa tập trung, chất lượng cao, tăng sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân và các đối tác tham gia”. Hình thức chủ yếu để tổ chức và vận hành mô hình liên kết nông dân - doanh nghiệp đó là: “Hợp tác liên kết giữa nông dân, các tổ chức đại diện của nông dân, doanh nghiệp với nhau được thực hiện bằng các hợp đồng cung cấp dịch vụ đầu vào gắn với sản xuất, tiêu thụ và chế biến nông sản thuộc các dự án cánh đồng lớn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt”(7). Quyết định cũng nhấn mạnh đến việc xử lý những trường hợp vi phạm hợp đồng, theo đó: “ Doanh nghiệp, hộ nông dân, tổ chức đại diện của nông dân đã nhận hỗ trợ của Nhà nước nhưng vi phạm hợp đồng liên kết đã ký với đối tác mà không có lý do chính đáng sẽ bị thu hồi và không được xét hỗ trợ ở năm tiếp theo”(8).

Thông tư số 15/2014/TT-BNNPTNT ngày29-4-2014 của Bộ NN&PTNT: ban hành tiêu chí cánh đồng lớn; Hướng dẫn quy hoạch và tổ chức triển khai xây dựng các vùng sản xuất nông sản tập trung theo mô hình cánh đồng lớn trong lĩnh vực trồng trọt. Đồng thời ban hành kèm theo bộ biểu mẫu trong đó có mẫu hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. Theo mẫu hợp đồng: căn cứ pháp lý quan trọng nhất để giao kết hợp đồng là Bộ luật Dân sự 2005.

Như vậy, về mặt pháp lý, Chính phủ đã xác định đây là hợp đồng dân sự, chịu sự điều chỉnh của các quy định về hợp đồng trong Bộ luật Dân sự 2005. Theo các quy định về hợp đồng của Bộ luật Dân sự thì hợp đồng Liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản là loại hợp đồng song vụ, có điều kiện và theo mẫu(9).  

Đánh giá về điều kiện để xác lập hợp đồng, thì “Hợp đồng có điều kiện là hợp đồng mà việc thực hiện phụ thuộc vào việc phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt một sự kiện nhất định”(10), trường hợp này điều kiện hưởng ưu đãi khi ký kết hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản do Nhà nước đưa ra và đảm bảo thực hiện, hợp đồng chỉ được ký kết và phát sinh hiệu lực sau khi các chủ thể giao kết là doanh nghiệp hoặc tổ chức đại diện cho hộ nông dân trình dự án/phương án xây dựng cánh đồng lớn và được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nghĩa là sau khi phương án/đề án được phê duyệt, hợp đồng có hiệu lực và được triển khai thực hiện các bên tham gia mới được hưởng những chính sách ưu đãi của Nhà nước.

Về mặt hình thức và nội dung, mẫu của hợp đồng do Nhà nước ban hành, các bên tham gia giao kết hợp đồng phải tuân thủ. Khác với quy định tại Quyết định 80 của Chính phủ và Quyết định 77 của Bộ NN&PTNT mẫu hợp đồng theo quy định mới không yêu cầu bắt buộc phải có xác nhận hoặc công chứng. Bởi hợp đồng chỉ có thể được triển khai ký kết khi phương án/dự án cánh đồng lớn được phê duyệt. Bên cạnh đó nội dung mẫu hợp đồng theo quy định mới cũng không quá chi tiết, cụ thể về trách nhiệm khi vi phạm như nội dung hợp đồng trong Quyết định 77, nội dung hợp đồng mẫu theo Thông tư 15 chỉ mang tính chất khung trong các thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ cũng như trách nhiệm khi vi phạm còn những nội dung cụ thể, chi tiết để cho các bên giao kết hợp đồng thương lượng thỏa thuận. Những quy định này phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự về hợp đồng mua bán tài sản là hàng hóa “đặc biệt” hình thành trong tương lai (sau thời điểm ký kết hợp đồng một khoảng thời gian xác định là mùa vụ sản xuất). Một khi hai bên đã thỏa thuận tự nguyện về tiêu chuẩn chất lượng và giá cả dự kiến cũng như tình huống phát sinh khi có biến động giá cả trên thị trường, thì các bên phải thực hiện theo thỏa thuận: nông dân phải thực hiện đúng quy trình, kỹ thuật sản xuất để bảo đẩm tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, bởi nếu không đạt tiêu chuẩn chất lượng doanh nghiệp có quyền không thu mua nông sản và ngược lại khi nông dân sản xuất nông sản hàng hóa đạt yêu cầu về chất lượng doanh nghiệp cam kết phải thu mua theo giá cả đã thỏa thuận.

Về xử lý vi phạm hợp đồng, mẫu hợp đồng xác định nếu một trong hai bên vi phạm hợp đồng thì phải đền bù hợp đồng cho bên kia. Hình thức đền bù hợp đồng cụ thể hướng dẫn không quy định mà để hai bên tự thỏa thuận theo quy định của pháp luật dân sự. Cụ thể đó là trách nhiệm dân sự mà bên vi phạm phải thực hiện khi vi phạm hợp đồng, tùy theo từng trường hợp vi phạm mà phải chịu trách nhiệm như: vi phạm về chất lượng thì buộc phải giao hàng hóa đúng chất lượng; chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán; nếu chậm tiếp nhận nông sản hàng hóa của nông dân thì phải bồi thường thiệt hại cho người đó và phải chịu mọi rủi ro xảy ra kể từ thời điểm chậm tiếp nhận...(11) Ngoài ra các bên có thể thỏa thuận về phạt vi phạm (với mức phạt không bị khống chế mức tối đa) và mức bồi thường thiệt hại do vi phạm (bồi thường toàn bộ thiệt hại thực tế hoặc mức bồi thường thiệt hại cụ thể). Bên cạnh thỏa thuận giữa hai bên giao kết hợp đồng, nếu vi phạm hoặc phá vỡ hợp đồng các bên tham gia hợp đồng sẽ bị Nhà nước thu hồi các khoản hỗ trợ đã nhận và không xét hỗ trợ trong những năm tiếp theo. Các biện pháp chế tài của Nhà nước đối với doanh nghiệp khi vi phạm, phá vỡ hợp đồng nhẹ hơn so với quy định tại Quyết định 80(12). Đây là quy định phù hợp với pháp luật về doanh nghiệp và có tính khả thi bởi đối với doanh nghiệp một khi đã phá vỡ hợp đồng bên cạnh việc bị phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại họ còn mất uy tín trên thị trường (mà trong điều kiện cạnh tranh hiện nay đây là thiệt hại lớn đối với doanh nghiệp) vì vậy với các quy định mới doanh nghiệp và nông dân sẽ phải thỏa thuận cụ thể, rõ ràng, chi tiết hơn đảm bảo hài hòa lợi ích giữa hai bên thì mối quan hệ này mới bền vững và mô hình CĐL mới phát triển.

Khi có vi phạm, tranh chấp hợp đồng xảy ra mà các bên không thể thống nhất, giải quyết được thì Tòa án là cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, quy trình giải quyết này đối với Tòa án sẽ thuận lợi và dễ dàng hơn cho nông dân cũng như doanh nghiệp bởi đây là hợp đồng dân sự sẽ do Tòa án cấp sơ thẩm (chủ yếu cấp huyện) giải quyết theo trình tự thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 (sửa đổi, bổ sung 2011).

2. Một số kiến nghị nhằm thực hiện bền vững mô hình cánh đồng lớn

Qua gần 15 năm thực hiện mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, cơ sở pháp lý ngày càng được hoàn thiện, phù hợp với hệ thống pháp luật quốc gia và yêu cầu của nông dân và doanh nghiệp. Vấn đề đang gặp phải hiện nay không phải là tính pháp lý của hợp đồng chưa cao hay chế tài xử lý chưa đủ mạnh, bởi ngay tại Quyết định 80, Chính phủ đã đưa ra chế tài rất mạnh đó là đình chỉ hoặc tạm đình chỉ quyền kinh doanh đối với doanh nghiệp (chế tài này khó thực hiện vì không phù hợp với quy định của pháp luật doanh nghiệp), ngoài ra còn các chế tài khác theo quy định đối với cả hai bên đó là phạt vi phạm, buộc bồi thường thiệt hại. Vấn đề ở chỗ, quá trình yêu cầu khởi kiện để áp dụng các biện pháp chế tài này thường kéo dài, không thuận lợi cho nông dân và doanh nghiệp do có những mâu thuẫn trong quy định của Quyết định với các văn bản pháp luật khác. Bên cạnh đó, là sự hiểu biết về pháp luật của người nông dân còn hạn chế nên khó bảo vệ được quyền lợi của mình khi bị doanh nghiệp phá vỡ hợp đồng, nhất là đối với những hợp đồng khung chỉ mang tính hướng dẫn nông dân mà không có cam kết thỏa thuận cụ thể. Đối với doanh nghiệp, việc tham gia khởi kiện khi bị nông dân “bẻ kèo” với thủ tục phức tạp và thời gian kéo dài ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh nên cũng không tích cực thực hiện. Chính quyền địa phương khó can thiệp vì hợp đồng là thỏa thuận giữa hai bên doanh nghiệp và nông dân nên chủ yếu từ phía chính quyền là giải quyết hậu quả sau khi hợp đồng bị vi phạm, bị phá vỡ theo quy định đối với phần ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước cho hai bên. Những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp lý đã được Chính phủ phát hiện, giải quyết bằng Quyết định 62 và được cụ thể hóa bằng Thông tư 15.

Hiện nay, vấn đề đặt ra đối với mô hình CĐL là giải quyết đúng đắn, hài hòa về lợi ích giữa người nông dân và doanh nghiệp, để doanh nghiệp và nông dân tin tưởng nhau nhìn thấy lợi ích lâu dài từ mô hình liên kết này, tôn trọng và thực hiện đầy đủ nội dung của hợp đồng, không phá vỡ hợp đồng khi có biến động giá cả.

Để mô hình CĐL tiếp tục phát triển ổn định và phát huy được những ưu điểm, cần tiếp tục nâng cao nhận thức về mọi mặt cho người nông dân, nhất là về khoa học, công nghệ, năng lực quản lý sản xuất để sản phẩm đồng đều và chất lượng không ngừng được nâng cao để tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới cũng như những kiến thức về pháp luật và sự am hiểu về kinh tế thị trường.

Chính quyền các cấp cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm để tạo những điều kiện tốt nhất để các chủ thể tham gia vào sản xuất theo mô hình CĐL làm tròn trách nhiệm; thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện hợp đồng để kịp thời động viên, biểu dương những mặt làm tốt, khắc phục những mặt còn hạn chế, kiên quyết xử lý các sai phạm, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Về mặt pháp lý, dù tên hợp đồng là: hợp đồng cung ứng, hợp đồng bao tiêu hay hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản thì cũng là hoạt động kinh doanh mà doanh nghiệp có lợi cả hai chiều mua và bán. Nhưng doanh nghiệp cũng có thể rủi ro bởi thiên tai. Do vậy, mô hình CĐL không thể thay thế cho hoạt động bảo hiểm nhằm phòng ngừa rủi ro trong nông nghiệp. Về phía người nông dân - đối tượng mà doanh nghiệp cần - luôn là bên yếu thế phụ thuộc vào doanh nghiệp nhưng bản thân lại chưa quen với cách thức sản xuất theo đơn đặt hàng, không tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật để sản phẩm đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu doanh nghiệp thì việc bị doanh nghiệp từ chối thu mua cũng là chuyện bình thường bởi quy định của pháp luật cho phép. Chính vì vậy, cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các chính sách nhằm hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp phát triển mô hình CĐL nhằm xây dựng thương hiệu quốc gia về các loại nông sản thế mạnh góp phần nâng sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế đặc biệt là thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực của Việt Nam là gạo (sản phẩm chính của mô hình CĐL).

Do đó, trong thời gian tới Chính phủ cần sửa đổi, bổ sung Nghị định số 109/2010/NĐ-CP theo hướng bổ sung điều kiện các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải tham gia vào sản xuất - tiêu thụ theo phương thức CĐL; quy định điều kiện xuất khẩu của doanh nghiệp phải có hợp đồng tiêu thụ lúa gạo gắn với vùng nguyên liệu để các doanh nghiệp xuất khẩu có tiềm lực mạnh tham gia xây dựng những CĐL đạt năng suất, chất lượng cao phục vụ xuất khẩu. Đồng thời, bổ sung các quy định về hợp đồng cho phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự 2015.  Các cơ chế hỗ trợ của Nhà nước cần phải giải quyết được cái gốc của vấn đề là mối quan hệ, chủ yếu là cân bằng quyền lợi giữa doanh nghiệp và nông dân trong chuỗi sản xuất lúa gạo trong mối tương quan hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nông dân và doanh nghiệp.

_________________

(1) Điều 8, Hợp đồng mẫu: Hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hóa ban hành kèm theo Quyết định 77

(2) Điều 2, Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế 1989

(3), (4) Luật Thương mại 2005, Điều 52, Điều 2

(5) Khoản 1, Điều 3, Luật Doanh nghiệp 2005

(6) Đánh giá của ông Huỳnh Văn Thòn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (địa phương thành công nhất trong việc thí điểm mô hình CĐML) Xem: Cánh đồng mẫu lớn' ẩn chứa nhiều rủi ro, Báo điện tử Vietnamnet: http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/81262/-canh-dong-mau-lon--an-chua-nhieu-rui-ro.html

(7) Khoản 2, Điều 3 Quyết định 62/2013/QĐ-TTg

(8) Điều 8, Quyết định 62/2013/QĐ-TTg

(9) Khoản 1, 6, Điều 406 và Điều 407 Bộ luật Dân sự 2005

(10) Khoản 6, Điều 406,  Bộ luật Dân sự 2005

(11) Xem Điều 302, 303, 304, 305, 306, Bộ luật Dân sự 2005

(12) Quyết định 80 quy định biện pháp xử lý đình chỉ/tạm đình chỉ quyền kinh doanh của doanh nghiệp vi phạm

 

ThS Trần Hoàng Hiểu

ThS Đào Lộc Bình

Học viện Chính trị Khu vực IV

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền