Trang chủ    Thực tiễn    Kết quả thực hiện chính sách dân tộc ở tỉnh Lai Châu
Thứ sáu, 17 Tháng 6 2016 16:16
6309 Lượt xem

Kết quả thực hiện chính sách dân tộc ở tỉnh Lai Châu

(LLCT) - Lai Châu là tỉnh vùng cao biên giới, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh và còn nhiều khó khăn thách thức. Lai Châu có nhiều dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc có bản sắc văn hoá, phong tục, tập quán và luôn hoà hợp, đoàn kết trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Tỉnh Lai Châu có 7 huyện, 1 thành phố, 108 xã, phường, thị trấn, 1.160 thôn bản, trong đó có 5 huyện nghèo, 77 xã, 641 bản đặc biệt khó khăn. Dân số tỉnh Lai Châu tính đến thời điểm 31-12-2015 là trên 430 nghìn người, có 20 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm gần 86%; bao gồm các dân tộc Thái, Mông, Kinh,Dao, Hà Nhì, La Hủ, Giáy, Khơ Mú, Lự, Lào, Mảng, Cống, Hoa, Si La, Kháng, Tày, Mường, Nùng, Phù Lá. Trong 20 dân tộc, trong đó 2 dân tộc chỉ có ở Lai Châu là Mảng và La Hủ.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào các dân tộc. Tỉnh Lai Châu triển khai các chương trình như: Chương trình 186, 120, 134, 135-II, Chương trình mục tiêu quốc gia theo Nghị quyết 30a; Dự án 600; Dự án cây cao su; Chương trình 500 bản của tỉnh; Chương trình 661... Đồng thời, các chương trình, kế hoạch đã lồng ghép với Chương trình xây dựng nông thôn mới... Các chương trình, dự án đã đạt nhiều kết quả. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc được cải thiện rõ rệt và nâng cao. Kết quả là, trong 5 năm (2011-2015)toàn tỉnh Lai Châu đã có 44.810 nghìn lượt hộ nghèo thoát nghèo; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 46,78% (2011) còn 20,48% (2015). Đặc biệt, công tác giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số đạt kết quả cao, hộ nghèo trong vùng dân tộc thiểu số năm 2015 còn 26,2%, giảm 2,72% so với năm 2014.  

Thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, kết cấu hạ tầng thiết yếu được quan tâm đầu tư, cơ bản giải quyết nhu cầu về điện, đường, trường, trạm tạo tiền đề quan trọng để nâng cao khả năng tiếp cận của đồng bào đối với các dịch vụ xã hội.

Một điểm nổi bật là, qua thực hiện các dự án, sử dụng vốn vay hỗ trợ phát triển kinh tế có hiệu quả, nhiều hộ gia đình đòng bào dân tộc đã có sự đổi mới trong cách nghĩ, cách làm, quan tâm tới hiệu quả sản xuất, tăng năng suất lao động. Từ thực tế đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hộ, sản xuất giỏi.

Đồng bào đã tích cực tiếp thu, áp dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất nhằm thâm canh, tăng vụ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi,  bước đầu tạo nên những cánh đồng thâm canh đạt trên 50 triệu đồng/ha/năm; hình thành rõ một số vùng sản xuất tập trung lúa, ngô, cao su, chè. Đặc biệt là vùng cao su với diện tích trên 13.000ha.

Sản lượng lương thực năm 2015 đạt 196 nghìn tấn, tăng 30 nghìn tấn so với năm 2010. Khôi phục và củng cố vùng chè tập trung chất lượng cao gắn với phát triển công nghiệp chế biến, xây dựng thương hiệu chè Lai Châu, tổng diện tích cây chè trên địa bàn toàn tỉnh lên 3.509ha; nâng tỷ lệ che phủ rừng từ 41,3% năm 2010 lên 45,2% năm 2015; đàn gia súc tăng bình quân 3,9%/năm.

Kinh tế trang trại phát triển gắn trồng và bảo vệ rừng, phát triển cây công nghiệp, cây dược liệu với chăn nuôi... Qua đó xuất hiện nhiều cá nhân điển hình, tiêu biểu tại các thôn, bản thuộc các xã của 7 huyện và thành phố Lai Châu.

Chương trình xây dựng nông thôn mới được đồng bào tích cực hưởng ứng, tham gia đóng góp nhiều ngày công lao động, hiến đất làm đường liên thôn, bản, giữ gìn vệ sinh môi trường, góp phần từng bước thay đổi diện mạo nông thôn miền núi. Đến năm 2015, Lai Châu đã có 15/96 xã đạt chuẩn nông thôn mới, riêng năm 2015 có 13 xã được công nhận.

Trong sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp khu vực đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được tỉnh quan tâm, đầu tư để duy trì và phát triển, góp phần quan trọng tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Một số nghề truyền thống được duy trì và phát triển như: Dệt may thổ cẩm của người Thái xã Mường Cang, huyện Than Uyên; bản Nà Tăm I, xã Nà Tăm; bản Pa Pe, xã Bình Lư, huyện Tam Đường; chế biến rượu ngô (rượu Mông Kê) của người Mông ở xã Nậm Loỏng, thành phố Lai Châu; làm bánh bỏng, bánh khảo của người Giáy tại bản San Thàng 1, xã San Thàng, thành phố Lai Châu. Chế biến miến dong riềng tại xã Bình Lư, huyện Tam Đường,...

Công tác đào tạo nghề được đẩy mạnh. Trong 5 năm qua, bằng nhiều nguồn vốn từ các chương trình hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Lai Châu đã đào tạo 28.455 lao động nông thôn, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 30% năm 2010 lên ước đạt 40,5% vào cuối năm 2015 (trong đó, đào tạo nghề là 29,5%). Các học viên sau khoá đào tạo nghề ngắn hạn được nâng cao về trình độ, kỹ thuật canh tác, sản xuất. Từ đó có thể tự tạo được việc làm ổn định hoặc xin được việc làm tại các doanh nghiệp góp phần tăng thu nhập cho bản thân và gia đình.

Công tác giải quyết việc làm cho người lao động được giải quyết thông qua các chương trình phát triển kinh tế-xã hội như: Chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn; các dự án đầu tư các công trình trọng điểm; vay vốn giải quyết việc làm từ Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm, hỗ trợ người lao động tham gia xuất khẩu lao động… Trung bình mỗi năm tổ chức tư vấn cho trên 4.000 lượt lao động và giới thiệu việc làm cho trên 300 lao động tìm được việc làm ở trong và ngoài tỉnh.

Hoạt động văn hóa được chú trọng, các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư xây dựng, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới như: Bưu điện văn hóa xã, các trạm truyền thanh, nhà văn hóa các cấp, điểm vui chơi văn nghệ, thể thao, thư viện... Nguồn kinh phí hỗ trợ cho xây dựng nhà văn hóa đã được nâng lên từ mức hỗ trợ 100 triệu đồng/nhà văn hóa xã lên 300 triệu đồng. Từ mức hỗ trợ 50 triệu đồng/nhà văn hóa thôn, bản lên 150 triệu đồng. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã xây dựng được 510 nhà văn hóa các cấp; cấp 403 bộ thiết bị cho 403 nhà văn hóa đã được xây dựng; xây dựng được 750 đội văn nghệ quần chúng.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng gia đình văn hóa, bản, khu phố văn hóa, được duy trì và phát triển, thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Các hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao diễn ra sôi nổi. Nhân dân ngày càng tích cực hơn trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc (năm 2015, có 60% thôn, bản, khu phố, 90% cơ quan, đơn vị, trường học đạt tiêu chuẩn văn hóa).

Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa được chú trọng; Thực hiện tốt việc phát hiện, lưu giữ, bảo tồn và phát huy vốn tiếng nói, chữ viết của các dân tộc. Trên cơ sở đó, đã tổ chức phục dựng được nhiều lễ hội truyền thống như: lễ hội Gầu Tào dân tộc Mông ở huyện Sìn Hồ; lễ Xên Bản dân tộc Thái ở huyện Tân Uyên; lễ Then Kin Pang dân tộc Thái huyện Phong Thổ, hội Nàng Han dân tộc Thái huyện Phong Thổ, hội cốm mới dân tộc Thái huyện Phong Thổ; lễ Tủ Cải dân tộc Dao huyện Tam Đường; hội lễ cầu mưa dân tộc Lào huyện Tam Đường; lễ Cấm mường dân tộc Lự huyện Tam Đường, lễ Cấm bản dân tộc Giáy thành phố Lai Châu, lễ Săm cằm dân tộc Mảng huyện Mường Tè, lễ Cúng rừng cấm bản dân tộc Hà Nhì huyện Mường Tè, Tết Mùa mưa dân tộc Hà Nhì huyện Mường Tè, lễ hội Mừng cơm mới (dân tộc Si La)… Các lễ hội trên địa bàn tỉnh Lai Châu được phục dựng và tổ chức thường niên tại không gian lịch sử truyền thống, theo đúng ý nghĩa và các giá trị chân thực, chính xác của lễ hội nguyên bản, không cải biên về nội dung và hình thức của lễ hội. 

Trong công tác bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc, hoạt động nghiên cứu, điều tra, khảo sát đã đi vào chiều sâu. Nhiều sắc thái văn hóa tiêu biểu đã được sưu tầm, tư liệu hóa và biên soạn thành các ấn phẩm. Công tác sưu tầm tư liệu về các điệu xòe truyền thống dân tộc Thái ở Lai Châu đang được triển khai để lập hồ sơ đề nghị công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tỉnh đã xây dựng “Quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa-thông tin tỉnh Lai Châu giai đoạn 2013-2020, tầm nhìn 2025”, trong đó có công tác bảo tồn văn hóa vật thể và phi vật thể. Quy hoạch sẽ là cơ sở để ngành thực hiện công tác bảo tồn các giá trị văn hóa của các dân tộc ít người trên địa bàn một cách có bài bản và gắn kết chặt chẽ hiệu quả bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng.

Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho người dân được tăng cường và đạt được nhiều kết quả tích cực, các chính sách hỗ trợ y tế đã được tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả; hệ thống y tế được củng cố và hoàn thiện từ tỉnh đến cơ sở, đáp ứng ngày càng tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, mở ra cơ hội cho đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng. Đã cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 1.365.136 lượt người nghèo, người dân tộc thiểu số sống tại các xã thuộc vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn; kinh phí ước thực hiện 756.187 triệu đồng.

Công tác giáo dục luôn được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể. Tỉnh Lai Châu đã triển khai thực hiện chính sách cử tuyển và xét tuyển học sinh người dân tộc vào học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp; tuyển dụng và tiếp nhận, bố trí công tác cho hàng nghìn công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số. Công tác quy hoạch, đào tạo, cán bộ người dân tộc thiểu số, nhất là cán bộ cơ sở được chú trọng.

UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành Quyết định số 46/2014/QĐ-UBND ngày 29/12/2014 về việc Ban hành Quy định thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực và hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Quyết định này cũng thể hiện tính ưu tiên đối với cán bộ là người dân tộc thiểu số, đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức cấp xã thuộc 5 dân tộc đặc biệt khó khăn: Mảng, Si La, La Hủ, Cống, Khơ Mú trong công tác đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và trình độ lý luận chính trị.

Trong giai đoạn 2011-2015 tỉnh đã tổ chức xét tuyển được 1.953 công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số; quyết định tuyển dụng đối với 266 sinh viên hệ cử tuyển đã tốt nghiệp ra trường; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho 7.627 người, trong đó: sau đại học 23 người; đại học 419 người, trung cấp 190 người; bồi dưỡng kiến thức 6.995 người.

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số cơ bản ổn định; công tác quản lý, bảo vệ biên giới được thực hiện hiệu quả, chủ quyền an ninh biên giới được giữ vững, góp phần xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Đồng bào các dân tộc đã tích cực phối hợp cùng các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm; triển khai các biện pháp phòng ngừa, phát hiện đấu tranh làm thất bại âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch; phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” tiếp tục được đẩy mạnh; xử lý, giải quyết có hiệu quả các vụ việc xảy ra trên địa bàn; đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động truyền đạo trái pháp luật, tuyên truyền "Nhà nước Mông", di cư tự do...

Các chương trình, chính sách được đầu tư đã đem lại một nguồn lực to lớn giúp tỉnh Lai Châu thực hiện hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội nói chung, phát triển vùng dân tộc thiểu số nói riêng. Nhờ ổn định và phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khoảng cách giữa các vùng đồng bào đã dần được thu hẹp, tạo điều kiện để phát triển hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Lai Châu vẫn là một trong những tỉnh nghèo của cả nước, phụ thuộc vào ngân sách trung ương, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số vẫn là khu vực chậm phát triển. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, song vẫn còn cao so với mặt bằng chung, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, số hộ cận nghèo, tái nghèo và nguy cơ tái nghèo cao. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đã được quan tâm đầu tư, song còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, song còn chậm, quy mô sản xuất nhỏ, manh mún, sản xuất chưa gắn với thị trường tiêu thụ. Chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực còn thấp, năng lực trình độ của đội ngũ cán bộ cơ sở, cán bộ người dân tộc thiểu số ở một số nơi còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu, tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp; an ninh chính trị còn tiềm ẩn nhân tố mất ổn định. Tình trạng di dịch cư tự dotrong vùng đồng bào dân tộc vẫn còn xảy ra.Nhận thức về vai trò, vị trí công tác dân tộc và tầm quan trọng của chính sách dân tộc tuy có được nâng lên nhưng chưa tương xứng với yêu cầu; công tác quản lý nhà nước về công tác dân tộc có nơi, có lúc chưa được quan tâm đúng mức, thiếu sự chỉ đạo sâu sát, cụ thể của cấp ủy Đảng và người đứng đầu một số ngành, địa phương. Một số chính sách dân tộc còn chồng chéo, trùng lắp, thiếu khả thi; sự chỉ đạo, phối hợp giữa các cơ quan chưa thường xuyên, chưa chặt chẽ. Nguồn lực bố trí cho các chính sách còn hạn chế, chưa tương xứng, chưa hợp lý và sử dụng hiệu quả chưa cao.

Tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội ở một số nơi tiềm ẩn diễn biến phức tạp, khó lường,... Một số đối tượng xấu lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, kích động di dịch cư tự do, tuyên truyền xuyên tạc chủ trương, chính sách; tạo cớ chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, tỉnh Lai Châu tập trung thực hiện tốt một số nội dung:

-Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, nhất là đối với cấp uỷ, đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp về vị trí, nhiệm vụ công tác dân tộc, công tác tôn giáo trong tình hình mới.

- Có chính sách ưu đãi với những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ thôn, bản có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực tổ chức, hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt các chính sách, pháp luật Nhà nước trên địa bàn.

- Bảo đảm các loại vốn đầu tư đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào các tôn giáo thực sự có hiệu quả, tạo điều kiện để đồng bào phấn đấu vươn lên thoát nghèo một cách bền vững.

- Làm tốt công tác vận động quần chúng, tranh thủ đội ngũ già làng, chức sắc, chức việc, đội ngũ cốt cán vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có đông đồng bào theo đạo. Kiên quyết đấu tranh với các hành vi lợi dụng vấn đề dân tộc, vấn đề tôn giáo để chống phá cách mạng, vi phạm chính sách, pháp luật Nhà nước.

____________________________

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hoàng Minh Đô - Lê Văn Lợi: Mười năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ VII Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc và tôn giáo, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, 2014.

2. Đỗ Quang Hưng: Báo cáo tổng quan về thực trạng và giải pháp đối với vấn đề đạo Tin lành ở Tây bắc do Ban Chỉ đạo Tây Bắc và Viện Nghiên cứu Tôn giáo đồng chủ trì, Hà Nội, 2008.

3. Đặng Nghiêm Vạn (chủ nhiệm đề tài): Đề tài khoa học cấp bộ: “Về tình hình phát triển đạo Tin lành ở miền núi phía Bắc -Trường Sơn -Tây Nguyên”, Hà Nội,2000.

4. Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu: Báo cáo tổng kết công tác dân tộc tỉnh Lai Châu năm2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016, Lai Châu, 2016.

5. Sở Nội vụ tỉnh Lai Châu: Báo cáo tình hình - thực trạng đạo Tin Lành ở Lai Châu (năm 2012, 2013, 2014,2015).

6. Sở Nội vụ tỉnh Lai Châu: Tổng kết công tác quản lý nhà nước về tôn giáo năm 2015, kế hoạch công tác năm 2016, Lai Châu, 2016.

ThS Vũ Ngọc Phẩm

                            Ban Quản lý Khu kinh tế Ma Lù Thàng, tỉnh Lai Châu                                

 

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền