Trang chủ    Thực tiễn    Một số vấn đề đặt ra đối vớicông tác nghiên cứu, đề xuất chính sách dân tộc ở Tây Nguyên hiện nay
Thứ ba, 31 Tháng 5 2016 09:44
2545 Lượt xem

Một số vấn đề đặt ra đối vớicông tác nghiên cứu, đề xuất chính sách dân tộc ở Tây Nguyên hiện nay

(LLCT) - Tây Nguyên gồm các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, có 5,506 triệu người (2014), 47 dân tộc, trong đó 12 dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ, chiếm 26%; 4 tôn giáo có số lượng tín đồ lớn là Công giáo, Phật giáo, Tin lành và Cao đài (tổng số hơn 2 triệu tín đồ, chiếm gần 38% dân số), trong đó người DTTS chiếm 40% tổng số tín đồ và chủ yếu theo Công giáo và Tin lành(1). Tây Nguyên có có 12 huyện và 32 xã biên giới, chiều dài đường biên giới 573,7 km; 244 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, an toàn khu; 574 thôn, buôn đặc biệt khó khăn(2)

Vấn đề dân tộc (quan hệ dân tộc, chính sách dân tộc) ở Tây Nguyên đã được Đảng và Nhà nước, nhiều cơ quan quản lý chuyên trách, tổ chức khoa học nghiên cứu. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đã có nhiều chương trình nghiên cứu, đề tài khoa học các cấp về Tây Nguyên. Trong đó, chương trình cấp Nhà nước có:

Chương trình Tây Nguyên 1 (1978-1983), điều tra cơ bản về tài nguyên thiên nhiên, các dân tộc ít người (dưới góc độ tộc người, nhân học và xã hội) và kinh tế Tây Nguyên.

Chương trình Tây Nguyên 2 (1984-1988), nghiên cứu thực trạng kinh tế - xã hội và phương hướng phát triển các thế mạnh vùng Tây Nguyên có hiệu quả.

Chương trình Tây Nguyên 3 (2011-2015) - Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên giai đoạn 2011-2015, là chương trình khoa học tổng hợp liên ngành phục vụ phát triển bền vững Tây Nguyên trong giai đoạn đổi mới đất nước.

Các Chương trình trên làm rõ những điểm đặc thù về kinh tế, xã hội, văn hóa tộc người và mối quan hệ dân tộc, từ đó đề ra các giải pháp và kiến nghị nhằm phát triển bền vững vùng Tây Nguyên.

Các kết quả nghiên cứu đã cung cấp luận cứ khoa học cho việc đề ra chủ trương, chính sách sát hợp với đặc thù Tây Nguyên. Tây Nguyên hiện được thụ hưởng từ 13 nhóm chính sách và được thể chế hóa trong gần 80 các văn bản của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã đầu tư nguồn lực lớn để phát triển kinh tế - xã hội gắn với chính sách dân tộc ở Tây Nguyên, quan tâm chăm lo đời sống đồng bào các dân tộc về tư liệu sản xuất, phát triển y tế, văn hóa, giáo dục,... Các cấp bộ Đảng, chính quyền ở Tây Nguyên đã ngày càng nâng cao nhận thức về công tác dân tộc, đề cao vị trí quan trọng của vấn đề dân tộc và quan tâm thực hiện chính sách dân tộc.

Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về chính sách, pháp luật đất đai, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Tây Nguyên xác định việc giải quyết vấn đề thiếu đất ở và canh tác cho đồng bào DTTS trong vùng là nhiệm vụ cấp thiết, mang tính chiến lược, vừa đáp ứng đòi hỏi trước mắt, vừa ổn định lâu dài đời sống của người dân. Trên tinh thần đó, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã chỉ đạo rà soát và thu hồi một số diện tích đất của các nông - lâm trường, công ty lâm nghiệp và doanh nghiệp sử dụng kém hiệu quả, không đúng mục đích để có quỹ đất giải quyết cho dân(3). Thực hiện chính sách hỗ trợ di dân, định canh định cư (ĐCĐC) cho đồng bào DTTS, tính đến tháng 6-2012, Trung ương đã cấp 237 tỷ đồng cho việc ĐCĐC đồng bào DTTS trong vùng và các địa phương đã hoàn thành ĐCĐC cho 2.894 hộ; 1.584 hộ được cấp sổ sử dụng đất (Gia Lai, Kon Tum)(4)

Việc thu hút đầu tư và triển khai các dự án trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp  đã góp phần vào phát triển kinh tế- xã hội, giải quyết việc làm, thu nhập cho lao động tại địa phương(5)

Thực hiện đường lối đổi mới, cùng với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước, đời sống xã hội vùng Tây Nguyên đã có sự đổi thay sâu sắc: Quyền bình đẳng giữa các dân tộc đã được thực hiện đầy đủ trên mọi lĩnh vực xã hội; đoàn kết giữa các dân tộc tiếp tục được củng cố. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng công nghiệp hóa; kết cấu hạ tầng được cải thiện rõ rệt. Công tác xoá đói giảm nghèo đạt kết quả; hằng năm tỷ lệ đói nghèo giảm 3-4%. Đời sống của đồng bào được cải thiện đáng kể; mặt bằng dân trí được nâng cao. Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú được hình thành và phát triển từ tỉnh đến huyện; văn hóa truyền thống được tôn trọng, bảo tồn và phát huy. Việc khám chữa bệnh ngày càng được quan tâm. Hệ thống chính trị được tăng cường và củng cố, nhất là ở cấp cơ sở. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững.

Thực tế cho thấy, công tác nghiên cứu tham mưu chính sách và triển khai thực hiện chính sách dân tộc ở Tây Nguyên đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Mặc dù vậy, còn nhiều vấn đề mang tính chiến lược, cấp bách, về cơ bản vẫn chưa tìm ra giải pháp thực hiện hiệu quả; nhiều chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào DTTS chưa đạt mục tiêu đề ra; đồng bào DTTS là chủ thể thụ hưởng chính sách, lại chưa được hưởng đầy đủ. Trong đó nổi lên một số vấn đề sau:

Thứ nhất, tình trạng thiếu đất sản xuất vẫn chưa được giải quyết

Trước thực tế “Trong vùng DTTS, việc tổ chức lại sản xuất, bảo đảm không gian sinh sống cho các buôn làng, nhất là giải quyết đất đai và nâng cao dân trí còn nhiều vấn đề bất cập, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn xã hội và ảnh hưởng đến khối đoàn kết dân tộc”(6), Đảng và Nhà nước đã quan tâm, có chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn, nhưng kết quả đạt được chưa cao. Trên thực tế vẫn còn nhiều hộ (nhất là hộ DTTS tại chỗ) thiếu hoặc không có đất ở, đất sản xuất. Đến năm 2012, số đồng bào DTTS nghèo ở 5 tỉnh Tây Nguyên còn thiếu đất ở và đất sản xuất là hơn 20 nghìn hộ, với nhu cầu gần 11.595 ha đất để canh tác(7).

Dự án ĐCĐC, sau 5 năm thực hiện (2007-2012), kết quả đạt được còn thấp, tại vùng Tây Nguyên vẫn còn hơn 63,20% số hộ cần được tổ chức ĐCĐC(8).

Thứ hai, tỷ lệ hộ nghèo còn cao

Năm 2012, Tây Nguyên còn191.630hộ nghèo, trong đó 134.132hộ DTTS. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS là 33,26%, gấp hơn 2 lần tỷ lệ chung cả nước (15,59%). Nếu tính chung cả 76.499 hộ cận nghèo thì tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trong đồng bào DTTS vùng Tây Nguyên là rất cao.

Thứ ba, số lượng và chất lượng giáo dục thấp

Giáo dục phổ thông trên địa bàn còn thấp về quy mô và chất lượng. Quy mô các trường phổ thông dân tộc nội trú còn hạn chế.Tỷ lệ học sinh DTTS học trung học phổ thông còn thấp(9). Tỷ lệ học sinh DTTS bỏ học còn cao.Giáo viên dạy tiếng dân tộc chưa được đào tạo bài bản và bồi dưỡng thường xuyên. Giáo viên là người DTTS tại chỗ chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là giáo viên mầm non và tiểu học. Đào tạo nghề chưa gắn với tạo việc làm.

Thứ tư, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư phục vụ các công trình kinh tế - kỹ thuật, còn nhiều tồn tại, thiếu sót

Công tác đền bù, tái định cư, nhất là tại một số dự án thủy điện, việc đền bù chưa thỏa đáng, chưa được chủ đầu tư quan tâm giải quyết. Đã có hàngtrăm hộ trong diện giải tỏa chưa được cấp đủ đất sản xuất,dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài, vượt cấp.

Thứ năm, việc thu hút đầu tư và triển khai các dự án trong lĩnh vực nông- lâm nghiệp không đạt mục tiêu đề ra

Một số dự án “treo”,gây bức xúc, bất bình và xảy ra tranh chấp, khiếu kiện đông người, vượt cấp, kéo dài. Chỉ có khoảng 30% số doanh nghiệp triển khai dự án sau khi có quyết định cho thuê đất, còn lại (hầu hết là doanh nghiệp tư nhân)đã chậm trễ hoặc không triển khai thực hiện(10), không quản lý được rừng, để lâm tặc phá rừng,xảy ra tranh chấp. Mặt khác, một số địa phương có quá nhiều dự án được phê duyệt đầu tư (có địa phương có trên 10 dự án)(11), đã thu hẹp không gian sinh tồn của đồng bào DTTS (rừng, đất sản xuất…). Một số doanh nghiệp triển khai dự án không quan tâm phong tục tập quán của đồng bào DTTS, xâm phạm cả rừng thiêng, rừng Giàng, gây bức xúc trong nhân dân và mâu thuẫn với chính quyền địa phương.

Thứ sáu, công tác ổn định dân di cư tự do còn nhiều bất cập

Tây Nguyên có 50.310 hộ, với 222.693 người di cư tự do từ các nơi đến (2012), riêng dân tộc Mông có 9.856 hộ, 55.785 người, chủ yếu từ  các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang,... Mặc dù có sự hỗ trợ từ Trung ương và nỗ lực của chính quyền địa phương nhưng các địa phương mới chỉ sắp xếp được 23.481 hộ dân vào vùng dự án (46,67% số hộ), hiện còn 26.829 hộ (53,33% số hộ) chưa được sắp xếp ổn định.  

Nguyên nhân của những bất cấp, hạn chế trên là:

Tây Nguyên có địa bàn rộng, địa hình chia cắt phức tạp, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai. Dân cư sinh sống phân tán, khó khăn trong tiếp cận cơ hội và các dịch vụ xã hội, thông tin kinh tế thị trường. Kinh tế - xã hội có điểm xuất phát thấp, phương thức sản xuất, tập quán canh tác lạc hậu, mặt bằng dân trí thấp. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch phản động luôn tìm cách lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để kích động, gây chia rẽ, phá hoại đoàn kết dân tộc...

Nhận thức của một số cán bộ các cấp, các ngành về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc chưa sâu sắc. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương với cơ quan làm công tác dân tộc chưa thật chặt chẽ và thường xuyên, việc phân công chủ trì, chỉ đạo triển khai các chương trình, chính sách còn chồng chéo. Công tác tổ chức, chỉ đạo thực hiện chính sách dân tộc còn hạn chế, yếu kém, cơ chế thực hiện chính sách chưa phù hợp, chậm được sửa đổi, bổ sung, thay thế. Công tác tuyên truyền, vận động trong đồng bào DTTS, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tổ chức, bộ máy cơ quan làm công tác dân tộc có nơi chưa hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ, chậm được kiện toàn, chưa đáp ứng yêu cầu.

Hệ thống chính trị cơ sở còn yếu, đội ngũ cán bộ vừa thiếu vừa yếu. Nguồn lực đầu tư còn thấp, nhất là vốn thực hiện các chính sách dân tộc chưa bảo đảm, chưa đủ mạnh để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thực tế hiện nay đặt ra yêu cầu nghiên cứu, tham mưu chính sách và thực hiện chính sách dân tộc ở Tây Nguyên từ các hướng tiếp cận liên ngành và đa ngành:

Một là, cần tiếp tục tập trung nghiên cứu hoàn thiện hệ thống lý luận về dân tộc (quan điểm, chủ trương, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp) phù hợp đặc thù Tây Nguyên, trong tổng thể quốc gia. Cần xây dựng mối liên kết tham vấn giữa các cơ quan chuyên trách vấn đề dân tộc, cơ quan quản lý và các cơ quan khoa học. Cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu cơ bản về vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc. Khắc phục tình trạng xây dựng, ban hành chính sách mang tư duy nhiệm kỳ.

Tăng cường chất lượng tham mưu của hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc. Coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, cán bộ người DTTS. Phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng DTTS như già làng, trưởng bản, thôn, buôn, trưởng dòng họ, lực lượng cốt cán.

Hai là, tập trung nghiên cứu, tham mưu định hướng cơ cấu đầu tư

Rà soát các chính sách, chương trình vùng đồng bào DTTS để lồng ghép các dự án đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả nguồn vốn đầu tư. Cần lựa chọn lĩnh vực ưu tiên đầu tư, nhằm vừa đáp ứng nhu cầu cấp bách, bức xúc vừa bảo đảm có trọng điểm theo các chương trình, chiến lược phát triển bền vững. Cân đối đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, giải quyết những vấn đề bức xúc như đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí gắn với đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm; xóa đói, giảm nghèo,...

Ba là, chú trọng công tác tổng kết thực tiễn, nâng cao chất lượng tổ chức thực hiện chính sách dân tộc

Nghiên cứu xây dựng cơ chế chỉ đạo, điều phối hoạt động giữa các bộ, ngành nhằm phối hợp hiệu quả trong thực hiện lồng ghép các chương trình, chính sách hiện hành.

Nghiên cứu đề xuất sửa đổi chính sách không phù hợp, loại bỏ các chính sách có trùng lắp, kém hiệu quả và bổ sung chính sách mới cấp bách đối với vùng dân tộc.

Tập trung nghiên cứu quy hoạch, bố trí, sắp xếp dân cư, thực hiện các giải pháp phát triển sản xuất bền vững; xây dựng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp, gắn sản xuất với bảo vệ môi trường có hiệu quả.

Rà soát các chương trình, dự án, đặc biệt là các dự án về thủy điện, dự án tái định cư..., kịp thời điều chỉnh, đáp ứng các yêu cầu an sinh xã hội.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thực hiện các chương trình, dự án đầu tư.

Bốn là, nghiên cứu thực tiễn, chỉ đạo quyết liệt nhằm giải quyết đồng bộ các vấn đề liên quan đến dân tộc, tôn giáo và nhân quyền ở Tây Nguyên; củng cố đoàn kết, tăng cường đồng thuận giữa các tộc người; đấu tranh làm thất bại các âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhân quyền của các thế lực thù địch.

Đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ là người DTTS.

Năm là, tập trung nghiên cứu và thực hiện đồng bộ các chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo; xây dựng hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, phù hợp với đặc thù Tây Nguyên. Chú trọng phát huy tính tự quản của buôn làng, làm nền móng vững chắc cho hệ thống chính trị ở cơ sở.

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 9-2015

(1) Tín đồ Công giáo: 941.179; Phật giáo: 625.788, Tin lành: 445.505; Cao đài: 22.337.

(2) Quyết định số 2045/2013/QĐ-TTg ngày 10-12-2013 Phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu thuộc diện đầu tư Chương trình 135 (2014-2015); Quyết định 582/QĐ-UBDT ngày 18-12-2013 của Ủy ban Dân tộc Phê duyệt danh sách thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi vào diện đầu tư Chương trình 135. Trong đó, Kon Tum 56 xã, 65 thôn, làng; Gia Lai: 77 xã, 247 thôn, làng; Đắk Lắk: 44 xã, 129 thôn, buôn; Đắk Nông: 31 xã, 56 thôn, bon; Lâm Đồng: 36 xã, 77 thôn, bon.

(3)  Đến nay ở Tây Nguyên có 56 công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp, quản lý bảo vệ và là chủ rừng với diện tích hơn 850 ha đất, rừng.

(4) Đắk Lắk: 6 dự án, 492 hộ (3 tập trung, 3 xen ghép), có 2 dự án phát sinh năm 2010 với 306 hộ đồng bào DTTS thiếu đất ở, đất sản xuất; Lâm Đồng:15 dự án, 730 hộ (2 tập trung, 13 xen ghép), đến tháng 6-2012 cấp vốn 33,862 tỷ đồng (32,03%) và có 4/15 (26,66%) điểm ĐCĐC xen ghép hoàn thành. Đắk Nông:10 dự án, 641 hộ (4 tập trung, 6 xen ghép); Kon Tum: 36 dự án, 1.747 hộ (7 tập trung, 29 xen ghép); Gia Lai: có 13 tập trung, 106 xen ghép.

(5) Tại xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng, các doanh nghiệp đã thu hút khoảng 2.000 lao động với thu nhập trên 2,5 triệu đồng/tháng. Các doanh nghiệp triển khai dự án trồng cao su tại tỉnh Kon Tum đã thu hút 4.023 lao động tại địa phương, trong đó 148 lao động DTTS. Tại Gia Lai, các doanh nghiệp đã tuyển dụng thời hạn trên 1 năm 1.307 lao động tại địa phương, trong đó có 955 lao đông DTTS; thu hút 1.271 lao động DTTS hợp đồng theo thời vụ. Tại Đắk Nông, 572 lao động DTTS đã được thu hút tham gia vào các dự án trồng cao su.

(6) Ban Chỉ đạo Tây Nguyên: Báo cáo số 07-BC/BCĐTN, ngày 20-4-2011, Tổng kết Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 18-01-2002 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001-2010, tr.17.

(7)  Cụ thể là: Đắk Lắk: 6.222 hộ, 1.687 ha; Đắk Nông: 2.330 hộ, 1.640 ha; Gia Lai 824 hộ, 279 ha; Kon Tum: 2.127 hộ, 810 ha; Lâm Đồng: 8.503 hộ, 7.179 ha. Theo Báo cáo số 252/BC-UBTVQH13, ngày 16-10-2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 13 về kết quả “Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS”.

(8) Cả nước hoàn thành ĐCĐC cho 9.827 hộ, 46.187 khẩu (đạt 33%), còn 19.891 hộ, 94.126 khẩu du canh du cư chưa ĐCĐC (chiếm 67% kế hoạch). Xem Ủy ban Dân tộc: Báo cáo Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện “Chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào DTTS”, ngày 29-6-2012.

(9) Tỷ lệ học sinh DTTS: Kon Tum: THCS 59,9%, THPT: 27,5%; Đắk Nông: THCS 27,7%, THPT: 19,3%; Gia Lai: THCS 34,7%, THPT: 15,4%; Lâm Đồng: THCS 24,6%, THPT: 15,1%; Đắk Lắk: THCS 30,8%, THPT: 15,6%.

(10) Đến tháng 4-2012, tỉnh Đắk Lắk đã thu hồi 28 dự án, với gần 20.000 ha đất rừng được triển khai theo chủ trương chuyển đổi đất rừng nghèo sang trồng cao su. UBND tỉnh Đắk Nông đã thu hồi 9 dự án nông - lâm nghiệp với diện tích 5.864 ha. Đây là những dự án được cấp Giấy phép trồng rừng nguyên liệu, trồng cây công nghiệp lâu năm và khoanh nuôi bảo vệ rừng từ năm 2004 đến năm 2009 trên địa bàn các huyện Tuy Đức, Đắk Glong, Đắk Song và Krông Nô, do sai phạm và chậm triển khai dự án là mất rừng…

_________________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 9-2015

 

ThS PHẠM NGỌC ĐẠI

Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền