Trang chủ    Thực tiễn    Nâng cao chất lượng giám sát, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh
Thứ ba, 31 Tháng 5 2016 09:42
1832 Lượt xem

Nâng cao chất lượng giám sát, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

(LLCT) - Công tác giám sát trong Đảng là nhiệm vụ mới, được bổ sung trong Điều lệ Đảng từ Đại hội X đến nay. Trong quá trình triển khai thực hiện đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập, cần được tiếp tục nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm để đề ra chủ trương, giải pháp thực hiện có chất lượng và hiệu quả trong tình hình mới.

1. Kết quả bước đầu

Trong khóa X và khóa XI, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị ban hành Quy định thi hành Điều lệ Đảng, Hướng dẫn thực hiện các quy định về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, Quy chế về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ, Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2020, Quy chế giám sát trong Đảng. Ngay sau khi có các văn bản trên, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kịp thời ban hành các hướng dẫn, kế hoạch, chương trình hành động và phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tham mưu tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện; hướng dẫn các cấp ủy trực thuộc Trung ương triển khai quán triệt cho các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc và cán bộ, đảng viên.

Các cấp ủy trực thuộc Trung ương đã ban hành kế hoạch và tổ chức quán triệt, thực hiện công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng cho cán bộ chủ chốt cấp tỉnh và chỉ đạo các cấp uỷ trực thuộc tổ chức nghiên cứu, quán triệt đến toàn thể cán bộ, đảng viên.

Ủy ban kiểm tra các cấp đã thường xuyên mở lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ kiểm tra, cấp ủy viên để nắm vững, thống nhất nhận thức và hành động.

 Một số cấp uỷ tỉnh, huyện ủy đã ban hành nghị quyết hoặc chỉ thị, chiến lược về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và chỉ đạo tổ chức thực hiện. Hầu hết các cấp ủy tỉnh và nhiều huyện uỷ đã ban hành quy chế phối hợp công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng giữa uỷ ban kiểm tra với các tổ chức đảng.

Cấp uỷ các cấp định kỳ làm việc với uỷ ban kiểm tra để nghe báo cáo thực hiện nhiệm vụ được giao, kết quả thực hiện công tác giám sát và cho ý kiến chỉ đạo thực hiện. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, từ năm 2007 đến nay, các cấp uỷ trực thuộc Trung ương và hầu hết cấp uỷ cấp dưới đã tổ chức sơ kết, tổng kết công tác kiểm tra, giám sát, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giám sát. 

Cùng với việc quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, các cấp ủy coi trọng việc tổ chức thực hiện công tác giám sát thông qua giám sát thường xuyên đối với tổ chức đảng và đảng viên. Căn cứ chương trình, kế hoạch công tác hằng năm, các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ban thường vụ, thường trực cấp uỷ các cấp dự, chỉ đạo các hội nghị cấp uỷ các cấp; đi thực tế nắm tình hình tại các địa phương, cơ sở. Qua đó, kịp thời động viên các cấp uỷ, tổ chức đảng và đảng viên năng động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị; đồng thời, cảnh báo, nhắc nhở, uốn nắn những nơi có thiếu sót, khuyết điểm nhằm phòng ngừa không để xảy ra vi phạm. Nhiều cấp uỷ đã phân công cấp uỷ viên phụ trách và thực hiện giám sát theo lĩnh vực, địa bàn; thực hiện nghiêm túc giám sát thường xuyên và giám sát chuyên đề.

Từ năm 2006 đến nay, ban thường vụ cấp uỷ các cấp đã tiến hành giám sát chuyên đề được 133.349 lượt tổ chức đảng, gồm: cấp uỷ cấp tỉnh và tương đương giám sát 3.673 tổ chức đảng; cấp uỷ cấp huyện và tương đương giám sát 37.595 tổ chức đảng; đảng uỷ cơ sở giám sát 82.915 tổ chức đảng; đảng uỷ bộ phận giám sát 9.166 chi bộ.Đã giám sát được 248.723 đảng viên, gồm: cấp tỉnh và tương đương 2.609, cấp huyện và tương đương 44.549; cấp cơ sở 201.565 đảng viên. Cấp ủy viên các cấp được giám sát là 89.474, trong đó: tỉnh ủy viên và tương đương 475; huyện ủy viên và tương đương 5.494; đảng ủy viên 30.800; chi ủy viên 52.705.

Các ban của cấp uỷ các cấp đã giám sát chuyên đề được 18.725 tổ chức đảng, gồm: các ban của cấp uỷ cấp tỉnh và tương đương 2.718; các ban của cấp uỷ cấp huyện và tương đương 16.007. Đã giám sát được 18.494 đảng viên, gồm: cấp tỉnh và tương đương 314, cấp huyện và tương đương 7.956; cấp cơ sở 10.224 đảng viên. Cấp ủy viên các cấp được giám sát là 3.158 (tỉnh ủy viên và tương đương 6; huyện ủy viên và tương đương 156; đảng ủy viên 2.022; chi ủy viên 974).

Uỷ ban kiểm tra các cấp đã giám sát chuyên đề được 102.293 tổ chức đảng, gồm: cấp tỉnh và tương đương 3.492; cấp huyện và tương đương 31.030; cấp cơ sở 67.771. Đã giám sát được 248.255 đảng viên, gồm: cấp tỉnh và tương đương 7.080, cấp huyện và tương đương 70.855; cấp cơ sở 170.320 đảng viên. Cấp ủy viên các cấp được giám sát là 74.268 (tỉnh ủy viên và tương đương 788; huyện ủy viên và tương đương 6.441; đảng ủy viên 27.106; chi ủy viên 39.933).

Các chi bộ đã giám sát chuyên đề được 238.465 đảng viên, trong đó có: 4 tỉnh uỷ viên và tương đương; 122 huyện ủy viên và tương đương; 1.133 đảng uỷ viên và 17.897 chi uỷ viên.

Các cấp uỷ, các ban của cấp uỷ, UBKT các cấp và chi bộ qua giám sát đã phát hiện 8.852 đảng viên và 4.443 tổ chức đảng có dấu hiệu vi phạm, đã chuyển sang kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm 4.110 đảng viên và 1.007 tổ chức đảng.

 Nội dung giám sát tập trung vào việc chấp hành nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Đảng, thực hành tiết kiệm; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; về những điều đảng viên không được làm… Qua giám sát, cấp uỷ, tổ chức đảng, uỷ ban kiểm tra các cấp và chi bộ nắm chắc tình hình để kịp thời động viên, khuyến khích, chỉ rõ những hạn chế, yếu kém.

2. Một số hạn chế, bất cập

Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn không ít những khuyết điểm, hạn chế cần khắc phục:

Thứ nhất, ở một số nơi, cấp ủy tổ chức việc quán triệt, triển khai các quy định, hướng dẫn của Trung ương về công tác giám sát còn chậm; ở nhiều nơi, nhất là cấp cơ sở chỉ sao gửi để tổ chức đảng, đảng viên tự nghiên cứu, không tổ chức hội nghị quán triệt. Có nơi chậm ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác giám sát; một số cấp ủy chưa chỉ đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc xây dựng phương hướng, nhiệm vụ và tổ chức thực hiện giám sát theo chức năng, nhiệm vụ.

Thứ hai, một số cấp uỷ, ban của cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra, chi bộ và đảng viên chưa nắm chắc quy định về đối tượng, nội dung, phương pháp, trình tự, thủ tục giám sát; lúng túng trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát và chưa chủ động tổ chức thực hiện. Quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ giám sát còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, trở ngại, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả, kết quả. Một số ban của cấp uỷ (kể cả ở Trung ương) và chi bộ chưa xây dựng kế hoạch và thực hiện việc giám sát theo chuyên đề hoặc kế hoạch giám sát chuyên đề còn chung chung, không xác định rõ đối tượng, nội dung, mục tiêu giám sát cụ thể, về quy trình thực hiện chưa đảm bảo đúng quy định.

Thứ ba, một số cấp uỷ, chi bộ thực hiện giám sát theo chuyên đề còn hạn chế. Tinh thần trách nhiệm của một số cấp ủy viên trong việc đề xuất cấp ủy thực hiện nhiệm vụ giám sát chưa cao, chưa quan tâm đúng mức việc nắm tình hình ở địa bàn được phân công phụ trách nên hiệu quả giám sát còn hạn chế, chưa kịp thời; chưa thực hiện tốt việc định kỳ báo cáo cấp ủy kết quả giám sát. Còn không ít cấp uỷ chưa phân biệt rõ giữa giám sát chuyên đề với kiểm tra, nên còn lẫn lộn trong thực hiện.

Một số uỷ ban kiểm tra chưa tích cực, chủ động trong thực hiện nhiệm vụ giám sát và tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ giám sát, chưa ban hành hoặc chậm ban hành quy trình giám sát chuyên đề. Hầu hết UBKT các cấp chưa thực hiện giám sát đối với đồng chí bí thư, phó bí thư cấp ủy cùng cấp, có biểu hiện “né tránh, ngại va chạm”.

Thứ tư, không ít các ban của cấp ủy chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm giám sát của mình, chưa chủ động phối hợp với UBKT trong việc tham mưu, giúp cấp ủy xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát hằng năm; chưa xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát theo chức năng, nhiệm vụ, hoặc có nhưng việc tổ chức thực hiện còn hình thức. Thực hiện giám sát thường xuyên còn ít, hiệu quả chưa cao; hầu hết chưa thực hiện giám sát theo chuyên đề, nơi đã thực hiện kết quả còn hạn chế.Đối với chi bộ, còn lúng túng trong nhận thức và cách làm, nhiều chi bộ chưa tiến hành giám sát theo chuyên đề; chưa phân biệt được giám sát chuyên đề và kiểm tra chấp hành; một số chi bộ thực hiện giám sát thường xuyên còn hình thức, chưa coi trọng việc nắm tình hình để kịp thời phát hiện các thiếu sót, khuyết điểm, dấu hiệu vi phạm của đảng viên.

Thứ năm, có biểu hiện né tránh, chưa mạnh dạn chỉ ra những thiếu sót, khuyết điểm của đối tượng giám sát để yêu cầu sửa chữa, khắc phục. Việc thông báo kết quả một số cuộc giám sát còn thiếu cụ thể, nêu ưu điểm là chính. Số lượng tổ chức đảng, đảng viên được giám sát chưa nhiều, chưa đều khắp ở các cấp; nội dung giám sát chuyên đề chưa tập trung vào những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, vi phạm. Qua giám sát chuyên đề, ít phát hiện được dấu hiệu vi phạm để chuyển sang kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm. Việc theo dõi, đôn đốc chấp hành thông báo kết quả giám sát chuyên đề chưa được quan tâm đúng mức.

Nguyên nhân của những hạn chế, bất cập

Nhận thức của một số cấp uỷ, người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp về công tác giám sát trong Đảng chưa thật sự đầy đủ, sâu sắc, chưa quan tâm chỉ đạo quán triệt, tổ chức thực hiện.

Trình độ, năng lực một bộ phận cán bộ làm công tác kiểm tra chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ; uỷ ban kiểm tra cấp huyện số lượng cán bộ ít; cấp cơ sở, cán bộ kiểm tra kiêm nhiệm nên khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ giám sát. Hệ thống tổ chức ủy ban kiểm tra, nhất là cấp cơ sở, chưa được củng cố, kiện toàn để thực hiện chức năng, nhiệm vụ giám sát. Một số quy định, hướng dẫn về công tác giám sát chưa sát với tình hình thực tế…

3. Một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

Để nâng cao chất lượng công tác giám sát, cần thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ và giải pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên về giám sát đối với tổ chức đảng cấp dưới, đảng viên.

Cấp uỷ các cấp chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, nâng cao chất lượng nghiên cứu, quán triệt và thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra các cấp tăng cường phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các trường chính trị tỉnh và trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện mở các lớp tập huấn nghiệp vụ về công tác kiểm tra, giám sát cho đội ngũ cấp uỷ viên, lãnh đạo các ban của cấp uỷ và cán bộ kiểm tra các cấp để nâng cao nhận thức và thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát trong Đảng.

Hai là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ giám sát.

Các cấp uỷ tăng cường chỉ đạo các ban của cấp uỷ, trước hết là uỷ ban kiểm tra nâng cao chất lượng tham mưu, giúp cấp uỷ lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ giám sát của cấp uỷ và của toàn đảng bộ. Đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra cấp uỷ, tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên thực hiện nhiệm vụ giám sát.

Cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra các cấp coi trọng giám sát đảng viên là người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội ở các cấp, tổ chức kinh tế của Nhà nước.

Tập trung giám sát đối với các tổ chức đảng và đảng viên phụ trách các lĩnh vực liên quan đến đất đai, tài chính, đầu tư xây dựng cơ bản, khai thác tài nguyên, khoáng sản. Giám sát tổ chức đảng phải gắn với giám sát cán bộ chủ chốt, nhất là người đứng đầu.

Lãnh đạo việc kết hợp chặt chẽ giữa giám sát trong Đảng với công tác thanh tra của Nhà nước, thanh tra nhân dân và giám sát của các tổ chức trong hệ thống chính trị và nhân dân. Tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân và các cơ quan báo chí tham gia giám sát tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên.

Ba là, phát huy tính chủ động trong thực hiện nhiệm vụ giám sát; chú trọng sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm; tăng cường tuyên truyền.

Cấp uỷ, tổ chức đảng, uỷ ban kiểm tra, cán bộ kiểm tra chủ động bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình, lựa chọn đối tượng, nội dung giám sát phù hợp, hướng vào những vấn đề bức xúc trong xã hội, những lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tiêu cực.

Tăng cường giám sát việc chấp hành các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, việc thực hiện quy chế làm việc của cấp uỷ, tổ chức đảng. Cấp uỷ viên phải tăng cường đi cơ sở để nắm tình hình, kịp thời động viên, uốn nắn, chấn chỉnh thiếu sót, khuyết điểm, phát hiện những vấn đề mới nảy sinh để có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, có hiệu quả.

Thực hiện việc mời thành viên uỷ ban kiểm tra cùng cấp dự hội nghị cấp uỷ. Cấp uỷ, tổ chức đảng cấp dưới thực hiện nghiêm chế độ gửi báo cáo; mời cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra cấp trên dự họp, hội nghị, sơ kết, tổng kết của cấp mình để thực hiện việc giám sát.

Cấp uỷ các cấp quan tâm chỉ đạo nghiên cứu, tổng kết thực tiễn về công tác kiểm tra, giám sát theo các chuyên đề, chủ đề để hoàn thiện các quy định về công tác giám sát của cấp mình; tăng cường trao đổi kinh nghiệm giữa các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ giám sát. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc tuyên truyền về công tác giám sát của Đảng để các tổ chức đảng, đảng viên và nhân dân nắm vững, thực hiện tốt và tham gia giám sát.

Bốn là, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Đảng về giám sát; đẩy mạnh công tác chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ cho cấp dưới. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản về công tác giám sát trong Đảng sát hợp với thực tiễn; sửa đổi, bổ sung, ban hành mới một số quy định, quy chế của Đảng về công tác xây dựng Đảng để có căn cứ, cơ sở, điều kiện thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát. Tập trung nghiên cứu đề nghị Bộ Chính trị xem xét, báo cáo Ban Chấp hành Trung ương sửa đổi, bổ sung Hướng dẫn thực hiện các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng trong Chương VII, Chương VIII Điều lệ Đảng cho phù hợp với tình hình thực tế. Cấp uỷ cấp trên tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn cấp uỷ, tổ chức đảng cấp dưới, đảng viên thực hiện công tác giám sát; uỷ ban kiểm tra cấp trên tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ giám sát cho cấp uỷ, tổ chức đảng cấp dưới, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ giám sát.

Năm là, quan tâm củng cố, kiện toàn uỷ ban kiểm tra, tổ chức bộ máy cơ quan uỷ ban kiểm tra và cán bộ kiểm tra; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ việc giám sát.

Cấp uỷ các cấp quan tâm kiện toàn cơ quan uỷ ban kiểm tra, tăng cường cán bộ đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng. Hoàn thiện quy định về chế độ trách nhiệm của cán bộ theo dõi lĩnh vực, địa bàn và tổ chức thực hiện để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát. Tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, phương tiện làm việc. Tập trung chỉ đạo chuẩn bị nhân sự để kiện toàn thành viên uỷ ban kiểm tra khóa mới đủ số lượng, đảm bảo chất lượng. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp, nhất là các cán bộ mới. Từng bước ứng dụng công nghệ thông tin gắn với đổi mới lề lối làm việc, góp phần nâng cao chất lượng công tác giám sát, phục vụ tích cực, kịp thời cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ về công tác xây dựng Đảng, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 9-2015

Cao Văn Thống, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương

TS Đỗ Xuân Tuất, Vụ Tổ chức - Cán bộ

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền