Trang chủ    Thực tiễn    Giải pháp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức
Thứ ba, 31 Tháng 5 2016 09:39
51043 Lượt xem

Giải pháp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức

(LLCT) - Đại hội VI (12- 1986) của Đảng khởi xướng công cuộc đổi mới, đánh dấu bước đột phá về tư duy lý luận, trong đó có những quan điểm, nhận thức mới về công nghiệp hóa. Đại hội đã xác định vấn đề cốt lõi của công nghiệp hóa là: “Khoa học, kỹ thuật là một động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội” và chủ trương “phải vận dụng khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật trong việc nghiên cứu chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, trong việc xác định các chủ trương, chính sách, trong tổ chức quản lý kinh tế và xã hội”(1)

Tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (1-1994), Đảng chủ trương “thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa”(2). Đây là lần đầu tiên, Đảng đưa ra quan điểm gắn kết công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) trong một chỉnh thể thống nhất. Hội nghị Trung ương 7 khóa VII (7-1994) đã đưa ra khái niệm CNH, HĐH, coi việc sử dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến là điểm cốt lõi của CNH nhằm tạo ra năng suất lao động xã hội cao.

Sau 10 năm đổi mới, Việt Nam cơ bản hoàn thành nhiệm vụ chuẩn bị tiền đề cho CNH, Đại hội VIII khẳng định, chúng ta có điều kiện để chuyển sang thời kỳ mới, thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH. Đại hội VIII tiếp tục nhấn mạnh vai trò động lực của khoa học - công nghệ đối với sự nghiệp CNH, HĐH đất nước: “Phát triển khoa học và công nghệ, nâng cao năng lực nội sinh để thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nắm bắt các thành tựu khoa học và công nghệ thế giới, lựa chọn và làm chủ công nghệ phù hợp để chuyển giao vào Việt Nam. Trong đó, bước đầu phát triển một số lĩnh vực công nghệ cao về điện tử, thông tin, sinh học, vật liệu mới và tự động hóa”(3).

Thập niên cuối thế kỷ XX, kinh tế tri thức (KTTT) trở thành xu thế nổi bật, có vai trò quyết định trong phát triển lực lượng sản xuất hiện đại. Trước bối cảnh chung đó, Đại hội IX đã bổ sung nhiều luận điểm mới quan trọng về CNH, HĐH. Đó là: tiến hành “công nghiệp hóa rút ngắn theo hướng hiện đại” và “từng bước phát triển kinh tế tri thức”. Đây là một nội dung mới của quá trình CNH, HĐH, là cơ hội để những nước đi sau như Việt Nam có thể đi tắt đón đầu, từng bước đuổi kịp các nước tiên tiến trên thế giới.

Khi xác định KTTT đang trở thành xu thế nổi bật trong phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, lần đầu tiên, Đại hội IX nêu luận điểm quan trọng về phát triển KTTT: Đi nhanh vào công nghệ hiện đại ở những ngành và lĩnh vực then chốt để tạo bước nhảy vọt về công nghệ và kinh tế, tạo tốc độ tăng trưởng vượt trội ở những sản phẩm và dịch vụ chủ lực. Công nghiệp hóa gắn với hiện đại hóa ngay từ đầu và trong suốt các giai đoạn phát triển. Nâng cao hàm lượng tri thức trong các nhân tố phát triển kinh tế - xã hội, từng bước phát triển kinh tế tri thức ở nước ta’’(4).

Tiếp tục phát triển quan điểm của Đại hội IX, Đại hội X nhấn mạnh: “Tranh thủ cơ hội thuận lợi do bối cảnh quốc tế tạo ra và tiềm năng, lợi thế của nước ta để rút ngắn quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa gắn với phát triển kinh tế tri thức, coi kinh tế tri thức là yếu tố quan trọng của nền kinh tế và công nghiệp hoá, hiện đại hoá”(5).

Trên cơ sở tổng kết 25 năm đổi mới, Đại hội XI của Đảng đã bổ sung và phát triển đường lối đổi mới và phát triển đất nước. Đối với chủ trương CNH, HĐH gắn với phát triển KTTT, Đại hội XI có sự phát triển mới về nhận thức lý luận và thực tiễn khi khẳng định phát triển KTTT cùng với CNH, HĐH là nội dung trọng tâm của phát triển kinh tế, là nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ lên CNXH. Phát triển khoa học và công nghệ, đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, phát triển KTTT là con đường “rút ngắn” của quá trình phát triển đất nước. Phát triển khoa học và công nghệ nhằm mục tiêu đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, “phát triển kinh tế tri thức, vươn lên trình độ tiên tiến của thế giới”(6). Đây là sự lựa chọn đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển của thời kỳ toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Như vậy, Đại hội XI đã tiếp tục phát triển quan điểm của Đảng về CNH, HĐH gắn với phát triển KTTT phù hợp với khả năng, điều kiện và đặc điểm của Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế.

Trong quá trình lãnh đạo thực hiện CNH, HĐH, Đảng ta rất coi trọng việc tạo ra động lực cho sự phát triển KTTT. Tuy nhiên, những yếu tố cho sự ra đời và phát triển KTTT mới đang ở thời kỳ hình thành. Về cơ bản, nền kinh tế của Việt Nam vẫn mang những dấu ấn của kinh tế nông nghiệp, đang chuyển dần sang kinh tế công nghiệp. Theo đánh giá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và Học viện Kinh doanh (INSEAD) Pháp, xếp hạng chỉ số sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index - GII) năm 2011, Việt Nam xếp thứ 51 trong tổng số 125 nước xếp hạng; năm 2012, Việt Nam xếp thứ 76 so với 141 nước và nền kinh tế được đánh giá dựa trên năng lực và kết quả sáng tạo, tụt 25 bậc so với năm 2011. Năm 2014, Việt Nam xếp thứ 71/143 nền kinh tế trên thế giới, xếp thứ 4 trong khối các nước ASEAN (kết quả do WIPO và Đại học Cornell (Hoa Kỳ), INSEAD thực hiện. Xếp hạng về chỉ số sáng tạo là để nhấn mạnh vai trò của hoạt động sáng tạo công nghệ, coi đây là trung tâm của sự tăng trưởng kinh tế và tạo ra việc làm mới tốt hơn, là chìa khóa để cải thiện năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế, các ngành công nghiệp và các doanh nghiệp. Những chỉ số trên cho thấy những thách thức lớn mà Việt Nam cần phải vượt qua.

Trong thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng về CNH, HĐH gắn với phát triển KTTT, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất, nhóm giải pháp về chủ trương, chính sách

Xây dựng mô hình CNH, HĐH theo hướng hiện đại. Trong đó, cần hoàn chỉnh khung tiêu chí nước công nghiệp hiện đại. Đó là hệ các tiêu chí về tăng trưởng kinh tế vĩ mô, các tiêu chí phản ánh về sự phát triển xã hội, các tiêu chí đánh giá mức độ hội nhập quốc tế.

Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, tạo môi trường pháp lý lành mạnh, thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo, phát huy vai trò của khoa học, công nghệ khuyến khích phát triển năng lực trí tuệ con người.

Tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng tăng nhanh các ngành giá trị gia tăng cao dựa nhiều vào tri thức, công nghệ mới, tập trung phát triển công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế tạo, công nghiệp tự động, các ngành công nghiệp mũi nhọn với sự huy động các nguồn lực của tất cả các thành phần kinh tế. Đồng thời, cắt giảm các dự án đầu tư lớn nhưng hiệu quả thấp; phát triển các ngành công nghiệp chế biến và dịch vụ dựa nhiều vào tri thức, chấm dứt bán tài nguyên thô; nhập công nghệ thay cho nhập sản phẩm chế biến - FDI phải đi kèm chuyển giao khoa học, công nghệ; tăng mạnh vốn đầu tư vào giáo dục - đào tạo. Thực hiện sự chuyển hướng chiến lược từ sự phát triển dựa vào tài nguyên sang phát triển dựa vào tri thức, năng lực trí tuệ của con người, gia tăng nhanh hàm lượng tri thức trong GDP, giảm mạnh tiêu hao nguyên liệu, năng lượng.

Thiết lập hệ thống đổi mới sáng tạo trong toàn bộ nền kinh tế, tạo sự liên kết hữu cơ khoa học, đào tạo với sản xuất - kinh doanh, nhằm đẩy nhanh quá trình đổi mới sáng tạo. 

Cải cách hành chính gắn với tin học hóa, đẩy nhanh xây dựng Chính phủ điện tử để bộ máy nhà nước hoạt động ngày càng có hiệu lực, hiệu quả hơn,... 

Thứ hai, nhóm giải pháp về xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao

Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực phải gắn kết với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, với sự nghiệp CNH, HĐH, phát triển KTTT. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (2011- 2020) khẳng định: “Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh dài hạn, bảo đảm kinh tế - xã hội phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững... Thực hiện các chương trình, đề án đào tạo nhân lực chất lượng cao đối với các ngành, lĩnh vực chủ yếu, mũi nhọn. Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, phát huy nhân tài; đào tạo nhân lực cho phát triển kinh tế tri thức”(7).

Tiến hành cải cách giáo dục một cách triệt để, bắt đầu từ những vấn đề căn bản về triết lý và mục tiêu của nền giáo dục Việt Nam. Đây là yếu tố quyết định nhất thúc đẩy Việt Nam đi nhanh vào KTTT.

Cần có chính sách khuyến khích sáng tạo, cơ cấu trình độ đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển của trình độ kinh tế-xã hội, hiệu quả của các hoạt động khoa học - công nghệ, mối liên hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp. Xây dựng và phát huy đội ngũ trí thức và công nhân trí thức, đó là lực lượng tiên phong và chủ lực để phát triển nền KTTT.

Mở rộng quan hệ hợp tác giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ với nước ngoài; tuyển chọn đưa đi đào tạo ở các nước tiên tiến cán bộ khoa học - kỹ thuật thuộc các lĩnh vực ưu tiên chiến lược.

Thiết lập hệ thống học tập suốt đời, nhanh chóng hình thành xã hội học tập (đây là một trong những đặc trưng cơ bản của nền KTTT).

Thứ ba, nhóm giải pháp về khoa học, công nghệ

Để đạt tới mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại, giá trị do tri thức tạo ra chiếm khoảng 40% GDP, công nhân tri thức chiếm khoảng 30% lực lượng lao động, chỉ số KTTT đạt mức trung bình của thế giới, cần có chính sách giải quyết tốt mối quan hệ giữa khoa học, công nghệ; phát triển khoa học - công nghệ và nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học. Trong chiến lược phát triển khoa học, công nghệ, cần có lộ trình, bước đi thích hợp cho đổi mới công nghệ, phát triển KTTT trong từng ngành, từng địa phương. Ở giai đoạn đầu, tập trung vào tiếp thu, chuyển giao công nghệ mới, trong đó ưu tiên xây dựng các khu công nghệ cao cấp vùng để thu hút công nghệ mới. Hình thành một số cơ sở nghiên cứu, ứng dụng đủ sức tiếp thu, cải tiến công nghệ và sáng tạo công nghệ mới gắn với sản xuất. Giai đoạn tiếp theo sử dụng cơ chế tài chính khuyến khích đối tác nước ngoài hợp tác với cơ sở trong nước phát triển công nghệ mới. Trên nền tảng đó, tạo ra năng lực nghiên cứu nội sinh giúp các nhà khoa học và cơ sở sản xuất trong nước tiến tới vận dụng và làm chủ những công nghệ và tri thức mới của nhân loại. 

Ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin như mũi nhọn đột phá vào KTTT. Công nghệ thông tin và truyền thông là hạ tầng cơ sở để thực hiện hầu hết các hoạt động của KTTT, là phương tiện hữu hiệu hỗ trợ cho giáo dục và đào tạo, môi trường kinh tế và thể chế xã hội thuận lợi cho việc sáng tạo và sử dụng tri thức.

Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông của Việt Nam và phát triển các khu công nghệ cao. Ngoài các khu đã có như Công viên phần mềm Sài Gòn, Quang Trung, Khu công nghệ cao Láng - Hòa Lạc, trung tâm phần mềm Hải Phòng, công viên phần mềm Đà nẵng, Trung tâm phần mềm Huế, cần phát triển thêm các khu công nghệ cao mới ở khu vực phía Bắc, nhất là Hà Nội và Hải Phòng.

Đổi mới công nghệ, sản phẩm, phương pháp tổ chức sản xuất kinh doanh trong tất cả các ngành. Trong mỗi ngành cần có những mũi nhọn đột phá đi thẳng vào công nghệ cao. Chú trọng sử dụng công nghệ cao để phát triển nhanh ngành cơ khí chế tạo, đặc biệt là cơ khí chính xác, tự động hóa, trở thành những ngành KTTT.

Trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, các quốc gia có xuất phát điểm thấp, muốn vươn lên trình độ tiên tiến của thế giới không có con đường nào khác là phát triển khoa học và công nghệ, đẩy mạnh CNH, HĐH gắn với phát triển KTTT. Đây là xu thế khách quan của thời đại, đồng thời cũng là con đường “rút ngắn” của quá trình công nghiệp hoá theo hướng hiện đại nhằm xây dựng nền kinh tế công nghiệp - tri thức và nền KTTT .

_______________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 9-2015

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.195.

(2) Nguyễn Phú Trọng: Nghiên cứu Nghị quyết Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.34.

(3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.198.

(4) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.263.

(5) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.28-29.

(6), (7) ĐCSVN:Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.79, 98.

 

TS Nguyễn Thị Chinh

ThS Phạm Tuấn Hòa

Học viện Ngân hàng

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền