Trang chủ    Thực tiễn    Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giải pháp phát triển bền vững của tỉnh Thái Nguyên
Thứ năm, 09 Tháng 6 2016 15:27
6414 Lượt xem

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giải pháp phát triển bền vững của tỉnh Thái Nguyên

(LLCT) - Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là giải pháp hữu hiệu cho phát tiển bền vững hiện nay. Trong 7 năm thực hiện chương trình dạy nghề lao động nông thôn (2009 - 2015), Thái Nguyên đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, giúp giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

1. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là nhu cầu cấp thiết hiện nay

Giải quyết tốt các vấn đề xã hội, trong đó có vấn đề lao động-việc làm cho lao động nông thôn, là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm phát triển bền vững đất nước. Trong điều kiện nền kinh tế thị trường, giải quyết việc làm cho người lao động là tiền đề quan trọng để sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, góp phần vào hình thành thể chế kinh tế thị trường, đồng thời đảm bảo an sinh xã hội. Lực lượng lao động nông thôn được đào tạo và bồi dưỡng kiến thức về nghề nghiệp chiếm tỷ lệ thấp, hầu hết các kiến thức, kinh nghiệm của người lao động đều thông qua công việc và sự truyền dạy của các thế hệ trước. Do vậy, việc đào tạo, bồi dưỡng nghề cho lao động nông thôn là rất cần thiết.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ngày 27 - 11 - 2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Theo đó, từ 2009 đến năm 2020 bình quân mỗi năm sẽ đào tạo cho hơn một triệu lao động nông thôn, trong đó, đào tạo và bồi dưỡng cho 100 nghìn cán bộ và công chức xã; qua đó góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, nhằm tạo việc làm, để tăng thu nhập lao động nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn. Đề án cũng chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức xã có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ, năng lực, phẩm chẩt đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý kinh tế- xã hội nông nghiệp, nông thôn.

Thái Nguyên có dân số 1.173 triệu người (năm 2014), trongđó, số người trong độ tuổi lao động là 714.500 người, lao động ở nông thôn chiếm trên 537 nghìn người, tuy vậy chỉ có 13,7% lao độngcó việc làm ở nông thôn đã qua đào tạo(1). Để thực hiện mục tiêu Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã đề ra là: phát triển kinh tế nhanh và bền vững, xây dựng Thái Nguyên sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, trong bối cảnh hiện nay, vấn đề đào tạo nghề cho người lao động được Đảng bộ và nhân dân quan tâm. Bên cạnh đó, sự phát triển các khu, cụm công nghiệp đang đặt ra yêu cầu về đào tạo nghề cho người lao động. Hiện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có 120 dự án tại các khu công nghiệp được cấp phép đầu tư, trong đó có 72 dự án trong nước và 48 dự án nước ngoài, nâng tổng số vốn đăng ký lên 6,92 tỷ USD và trên 11 nghìn tỷ đồng. Năm 2015, Thái Nguyên đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố có đầu tư nước ngoài; giá trị xuất nhập khẩu đạt 13 tỷ USD và tiếp tục có thêm hơn 20 dự án với số vốn đăng kí 500 triệu USD. Các dự án đầu tư FDI đã góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao thu nhập, đời sống và trình độ của người lao động. Tuy nhiên, lại có tình trạng lao động được tuyển dụng ồ ạt và sau đó lại sa thải hàng loạt đã trở thành vấn đề phức tạp. Hay vấn đề người lao động làm việc cường độ cao, trong môi trường độc hại không đủ trang bị bảo hộ, không được đóng bảo hiểm xã hội, rất khó khăn khi tìm việc mới,…Điều này càng đặt ra yêu cầu cấp thiết về đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm bảo đảm việc làm bền vững cho người lao động.

2. Những kết quả đạt được từ việc thực hiện Đề án đào tạo nghề của Chính phủ

Sau 5 năm (2011-2015) triển khai Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn của tỉnh đến năm 2020, tỉnh Thái Nguyên đã hỗ trợ và dạy nghề cho hơn 26.800 lao động nông thôn (đạt 67% kế hoạch). Trong đó, tỷ lệ nông dân học nghề phi nông nghiệp là trên 17.000 người và có gần 70% đã tìm được việc làm mới ổn định. Các chương trình, đề án dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, các lớp học bồi dưỡng kiến thức cho doanh nghiệp, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng cao được quan tâm chỉ đạo. Năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58%; bình quân tạo việc làm mới cho trên 23.300 lao động/năm. Bên cạnh đó, đã có gần 10 nghìn lao động tự tạo việc làm, thành lập được hàng trăm tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp.

Điển hình như thị xã Phổ Yên, cơ cấu kinh tế trước năm 2010, nông- lâm nghiệp chiếm trên 40%, đến 2015, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng - thương mại - dịch vụ đã chiếm 96,8%; tỷ trọng kinh tế nông, lâm nghiệp, thủy sản chỉ còn 3,2%. Cơ cấu lao động cũng theo đó chuyển dịch mạnh mẽ: lao động phi nông nghiệp chiếm 75,5%; lao động nông nghiệp là 29,5%; trong đó, lao động đã qua đào tạo là 72%. Riêng năm 2015, thị xã đã tập trung tuyên truyền và hỗ trợ, đào tạo lao động nông nghiệp chuyển dịch được 36,5% sang phi nông nghiệp, đặc biệt, tỷ lệ lao động có việc làm sau khi đào tạo đạt trên 93%. So với nhóm nghề nông nghiệp, nhóm nghề phi nông nghiệp được đánh giá là phát huy hiệu quả tích cực, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động nông thôn, mang lại thu nhập khá, ổn định, đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực địa phương, nguồn nhân lực cho xây dựng nông thôn mới.

Kinh nghiệm ở đây là, để bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững, học nghề mà không bị lạc hậu thì rất cần được định hướng và bám sát thị trường, quy hoạch phát triển kinh tế. Nếu không dự báo xác tính và chiến lược thì sẽ rất khó khăn trong việc thu hút người học và tạo việc làm sau đào tạo.

Huyện Phú Bình cũng ẩy mạnh công tác giải quyết việc làm cho người lao động, trong đó công tác đào tạo nghề là một trong những giải pháp được chú trọng. Ngoài Trung tâm dạy nghề, huyện Phú Bình còn liên kết và ký hợp đồng đào tạo với nhiều cơ sở dạy nghề trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, các cơ sở đào tạo nghề của huyện còn tăng cường phối hợp với các công ty, doanh nghiệp, giúp các học viên sau khi tốt nghiệp tìm kiếm việc làm. Sau khi theo học các lớp đào tạo nghề tại địa phương, hàng trăm học viên nghề cơ khí, điện dân dụng, lắp ráp điện tử… có thể tự giải quyết việc làm tại chỗ hoặc được giới thiệu, tuyển dụng vào các công ty, doanh nghiệp.

Theo thống kê, đến hết tháng 3-2016, huyện Phú Bình đã giải quyết việc làm cho gần 1.300 lao động, trong đó Công ty Samsung tại Thái Nguyên và Công ty Canon Việt Nam đã giải quyết việc làm được hơn 1.000 lao động.

Huyện Võ Nhai thực hiện 2 giải pháp giải quyết việc làm là hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) và xuất khẩu lao động. Tính đến tháng tháng 3-2016, NHCSXH huyện Võ Nhai, từ nguồn vốn Quỹ Quốc gia về việc làm đã cho 200 hộ dân vay hơn 6 tỷ đồng phát triển kinh tế. Huyện đã chỉ đạo các phường, xã tuyên truyền, phổ biến thông tin về thị trường lao động và chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động, những mô hình điển hình trong xuất khẩu lao động và hướng người lao động tìm những thị trường cao cấp,v.v.. Đầu năm 2016, huyện có 15 lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Để giải quyết việc làm cho người lao động, năm 2016 các địa phương tỉnh Thái Nguyên đã tập trung tìm hiểu, rà soát mthị trường lao động; theo dõi, cập nhật thường xuyên thông tin cung - cầu lao động; tiếp tục triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách nhằm tạo việc làm mới, nâng cao thu nhập cho người lao động, đặc biệt là tạo việc làm cho thanh niên, lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

3. Những giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020

Giải quyết việc làm cho người lao động là vấn đề thường xuyên, liên tục và lâu dài, nhiều khó khăn thách thức. Vì vậy, trong thơi gian tới phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, giúp người lao động có cuộc sống ổn định, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển bền vữngv.v.

Thứ nhất, phát triển giáo dục nghề nghiệp phải gắn với giải quyết việc làm, trong đó trọng tâm là:

- Đổi mới và phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo Luật Giáo dục nghề nghiệp. Quán triệt các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Trung ương Đảng khoá XI “Về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo”. Cần chú trọng đầu tư cho Đại học Thái Nguyên, cơ sở đào tạo uy tín của vùng và cả nước.

- Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề:

Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về vai trò, tầm quan trọng của đào tạo nghề trong sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.

Đầu tư các điều kiện bảo đảm tăng quy mô và nâng cao chất lượng dạy nghề: nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị; xây dựng và ban hành các chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu thực tế theo hướng nâng cao năng lực thực hành, ý thức, tác phong công nghiệp.

Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, trong đó đặc biệt quan trọng là xác định nghề dạy.Thực tế hiện nay, một số nghề nông nghiệp sau đào tạo không phát huy nhiều tác dụng. Các nghề phi nông nghiệp là hướng đi phù hợp, đặc biệt với những đối tượng lao động trung niên không có khả năng vào làm tại các khu công nghiệp,v.v..

Mở rộng và đa dạng hóa loại hình dạy nghề, tạo điều kiện, cơ hội cho lao động nông thôn được học tập.

Đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hoá đội ngũ giáo viên; có chính sách thu hút và sử dụng giáo viên dạy nghề.

Tăng cường công tác quản lý đào tạo nghề: Rà soát quy hoạch mạng lưới; nâng cao năng lực dự báo nguồn nhân lực; xây dựng kế hoạch đào tạo bảo đảm về số lượng và cơ cấu gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, gắn với nhu cầu của thị trường lao động, nhu cầu nhân lực của tỉnh; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về đào tạo nghề.

Tổ chức dạy nghề thông qua các mô hình sản xuất điển hình và nhân rộng, gắn chương trình dạy nghề với phong trào nông dân sản xuất giỏi,v.v.

Để công tác đào tạo nghề đạt hiệu quả thực chất và bền vững, việc xây dựng kế hoạch đào tạo nghề vừa phải xuất phát từ nhu cầu lao động, đồng thời phải phù hợp với sức khỏe, độ tuổi và trình độ của người dân .

- Tổ chức triển khai thực hiện tốt Chiến lược phát triển dạy nghề đến năm 2020 theo Quyết định số 630 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 37 của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao”; Chỉ thị số 19 của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn”; tổ chức triển khai có hiệu quả đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược về dạy nghề là: Đào tạo nghề trình độ cao đáp ứng nhu cầu của các ngành kinh tế mũi nhọn, những vùng kinh tế trọng điểm, các khu công nghiệp và đào tạo nghề cho lao động nông thôn để góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo, giải quyết việc làm và xây dựng nông thôn mới.

Thứ hai, tạo việc làm tăng thêm, phát triển thị trường lao động

- Xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án giải quyết việc làm cho thanh niên, sinh viên tốt nghiệp, lao động là người khuyết tật, lao động nông thôn, lao động là người dân tộc thiểu số.

- Thu thập, cập nhật cơ sở dữ liệu về cung - cầu lao động, tổ chức điều tra lao động, tiền lương và nhu cầu sử dụng lao động theo kế hoạch của Bộ Lao động  - thương binh xã hội; tăng cường phổ biến thông tin thị trường lao động kịp thời, chính xác, đầy đủ.

- Quy hoạch hệ thống các Trung tâm dịch vụ việc làm trên địa bàn; chỉ đạo các Trung tâm dịch vụ việc làm nâng cao tần suất, phạm vi các sàn giao dịch việc làm (các địa phương có thị trường lao động phát triển như thành phố  Thái Nguyên, thành phố Sông Công, thị xã Phổ Yên cần nâng tần suất lên ít nhất 1 phiên/tuần), đa dạng hoá các hoạt động giao dịch việc làm, góp phần đưa thông tin việc làm, nghề nghiệp tới mọi đối tượng có nhu cầu; chủ động kết nối với các Trung tâm dịch vụ việc làm khu vực và trên toàn quốc.

- Chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thực hiện tốt chế độ chính sách về bảo hiểm thất nghiệp theo phương châm 3 đúng “đúng đối tượng, đúng chế độ và đúng thời hạn”, tập trung tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề cho người thất nghiệp; chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương để thực hiện tốt chế độ chính sách về bảo hiểm thất nghiệp.

- Phối hợp với các sở, ngành có liên quan tăng cường phối hợp trong việc quản lý lao động nước ngoài, nhất là tại các địa phương sử dụng nhiều lao động nước ngoài.

- Tăng cường thông tin, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về việc làm, thông tin thị trường lao động, bảo hiểm thất nghiệp và quản lý lao động nước ngoài; kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách tại địa phương.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020

Thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13, ngày 24-6-2014 của Quốc hội; chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều theo Quyết định số 1614/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Kết hợp chặt chẽ giữa chính sách giảm nghèo chung về dạy nghề, việc làm, giáo dục, y tế, tín dụng với các chính sách giảm nghèo đặc thù nêu trong Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19-5-2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020.

Tập trung đầu tư nguồn lực giảm nghèo cho các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Giảm nghèo gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Thứ tư, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu lao động và cung ứng lao động cho các tỉnh khác thông qua chương trình dạy nghề

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành trong tỉnh cũng như ở Trung ương để xây dựng các chương trình mục tiêu về xuất khẩu lao động. Gắn hoạt động xuất khẩu lao động với các công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề để đảm bảo các yêu cầu về trình độ, tác phong và ngoại ngữ. Tăng cường mối liên kết giữa các doanh nghiệp với cơ sở xuất khẩu lao động để tiết kiệm kinh phí đào tạo. Xây dựng các cơ chế chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia vào việc đào tạo và xuất khẩu lao động, đảm bảo việc làm cho lao động sau khi về nước.

Thứ năm, nâng cao năng lực cho cán bộ chuyên trách công tác lao động – việc làm của địa phương, quản lý dạy nghề thông qua tập huấn đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ hàng năm cho cán bộ chuyên trách từ tỉnh đến cơ sở.

_____________

(1) Lao động đã qua đào tạo là những người đã học và tốt nghiệp (có bằng hoặc chứng chỉ công nhận kết quả đào tạo trình độ từ sơ cấp trở lên) ở một trường lớp đào tạo chuyên môn kỹ thuật của cấp học hoặc trình độ đào tạo tương đương thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ 3 tháng trở lên.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Cục Thống kê tỉnh Thái Nguyên: Niên giám thống kê tỉnh Thái Nguyên, Thái Nguyên,2015.

2. Đặng Nguyên Anh: Suy thoái kinh tế và những thách thức đối với giải quyết việc làm thanh niên hiện nay, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2014.

3. Nguyễn Khánh Bình: “Một số vấn đề về chính sách giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn hiện nay”, Tạp chí Quản lý Nhà nước, số 209, 2013, tr.68-72.

4. Nguyễn Thành Long: “Thái Nguyên nỗ lực giải quyết việc làm”, Tạp chíLao động và Xã hội, số 370, 2009, tr.15-17.

5. Phạm Thanh Sơn: “Giải quyết việc làm ở Việt Nam hiện nay – thực trạng và giải pháp”, Tạp chí Quản lý Nhà nước, số 162, 2009,  tr.20-25.

6. Ủy ban Nhân dân Tỉnh Thái Nguyên: Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 – 2020, 2015.

7.Phạm Thị Ngọc Vân: Giải quyết việc làm cho lao động trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2014.

ThS Bùi Đức Linh

Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền