Trang chủ    Thực tiễn    Giảm nghèo bền vững – kết quả và kinh nghiệm
Thứ sáu, 17 Tháng 6 2016 16:20
4217 Lượt xem

Giảm nghèo bền vững – kết quả và kinh nghiệm

(LLCT) -Kết quả giảm nghèo đã góp phần quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số;tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân; giữ vững an ninh chính trị,củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nướcvànâng cao hình ảnh của Việt Nam đối với thế giới.Kết quả đó lànền tảng,tiền đề quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vữngtrong thời gian tới.

1. Kết quả thực hiện

Về chỉ tiêu giảm nghèo

Trong những năm qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong giảm nghèo ở cấp quốc gia (ở cả chuẩn quốc gia và quốc tế)(1). Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 22% năm 2005 xuống 9,45% năm 2010 (chuẩn cũ) và từ 14,2% năm 2010 xuống 9,6% năm 2012 (chuẩn giai đoạn 2011-2015). Ở các xã và thôn, bản đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 47% năm 2006 xuống 28,8% năm 2010(2).

Giai đoạn 2005-2012, việc thực hiện giảm nghèo cả nước hằng năm, 5 năm, đều đạt và vượt chỉ tiêu nghị quyết Quốc hội; bình quân, mỗi năm giảm 2,3 - 2,5%. Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo giai đoạn 2006-2010 đặt mục tiêu giảm tỉ lệ hộ nghèo từ 22% năm 2005 xuống 10-11% năm 2010. Kết quả thực hiện vượt kế hoạch, trung bình mỗi năm giảm 2,5% (còn 9,45% vào năm 2010).

Thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững 3 năm (2011-2013): tỉ lệ hộ nghèo đã giảm từ 14,2% (2010) xuống còn 11,76% (2011) và 9,6% (2012), bình quân giảm 2,3%/năm (mục tiêu là 2%).

Thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, tỉ lệ hộ nghèo tại 62 huyện nghèo giảm từ 58,33% (2010), xuống 50,97% (2011) và 43,89% ( 2012), bình quân giảm trên 6,48%/năm.

Tỉ lệ hộ nghèo tại 7 huyện nghèo theo Quyết định 615/QĐ-TTg ngày 25-4-2011 đã giảm từ 43,56% (2011) xuống 30,13% (2012), giảm 13,43%.

Tỉ lệ hộ nghèo tại 23 huyện nghèo theo Quyết định 293/QĐ-TTg ngày 5-02-2013 cuối năm 2012 còn 43,14%.

Thực hiện đến cuối năm 2013, tỉ lệ hộ nghèo cả nước giảm 2%/năm (từ 9,6% xuống 7,6%); riêng tỉ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 5%/năm (từ 43,89% năm 2012 xuống 38,89% năm 2013)(3).

Về quy mô

Kết quả giảm nghèo đạt được ở tất cả các vùng, miền, thành thị và nông thôn, trong các nhóm đối tượng. Năm 2005, có 6 vùng tỉ lệ nghèo ở mức trên 20%, năm 2010 có 4 vùng tỉ lệ nghèo trên 20% (miền núi Đông Bắc, miền núi Tây Bắc, Khu IV cũ và Tây Nguyên), đến năm 2011, chỉ còn 2 vùng (miền núi Đông Bắc và miền núi Tây Bắc). Năm 2012, miền núi Tây Bắc có tỉ lệ hộ nghèo 28,55%(4) và 62 huyện 30a, 30 huyện được áp dụng cơ chế đầu tư kết cấu hạ tầng theo Nghị quyết 30a chủ yếu tập trung ở các khu vực này. So sánh theo khu vực thành thị và nông thôn cho thấy, tốc độ giảm nghèo khu vực thành thị nhanh hơn khu vực nông thôn (từ năm 1993 đến 2012, tỉ lệ nghèo thành thị giảm 4,6 lần trong khi khu vực nông thôn chỉ giảm 3 lần).

Vthực hiện chính sách tín dụng

Các chính sách tín dụng trực tiếp cho hộ nghèo được thực hiện chủ yếu thông qua Ngân hàng chính sách xã hội. 15 chương trình tín dụng dành cho người nghèo với mức lãi suất thấp (cho vay theo Nghị quyết 30a: 0%; cho vay phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn: 0%; cho vay làm nhà 167: 3%/năm; cho vay hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất đối với đồng bào dân tộc thiểu sốnghèo, đời sống khó khăn vùng đồng bằng sông Cửu Long: 0%; cho vay hộ nghèo: 7,8%/năm…), trong cácnăm 2005-2012, có gần 10 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn, giúp cho khoảng 2,4 triệu hộ thoát nghèo.Nhà nước hỗ trợ bù lãi suất14.727 tỷ đồng. Đến hết năm 2012, có gần 3,263 triệu hộ nghèo dư nợ với mức bình quân khoảng 16 triệu đồng/hộ, chiếm 53,1% tổng dư nợ cho vay của Ngân hàng chính sách xã hội(5).

Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và Ngân hàng chính sách xã hội đã có nhiều nỗ lực trong huy động, tạo nguồn vốn, tổng nguồn vốn của Ngân hàng chính sách xã hội đã tăng nhiều so với năm mới thành lập. Việc phân bổ nguồn vốn này tập trung cho vùng có tỉ lệ hộ nghèo cao như Tây Bắc, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Giai đoạn 2005-2012, tổng doanh số cho vay là 199.035 tỷ đồng, bình quân đạt 28.434 tỷ đồng/năm. Tổng dư nợ đến hết năm 2012 tăng gấp 6,2 lần so với năm 2005 (đạt 113.921 tỷ đồng), tập trung chủ yếu vào 6 chương trình tín dụng là: cho vay hộ nghèo (chiếm 36,5%), cho vay học sinh sinh viên (31,4%), cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn (11,3%), cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường (9,3%), cho vay giải quyết việc làm (5%) và cho vay hỗ trợ nhà ở (3,4%).

Các chính sách tín dụng theo Nghị quyết 30a, được thực hiện với hơn 316 nghìn đối tượng, tổng doanh số hơn 4.640 tỷ đồng (dư nợ cuối năm 2012 là 1.851,9 tỷ đồng). Giai đoạn 2005-2012, Chương trình cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt tổng doanh số khoảng 2,5 triệu tỷ đồng (dư nợ cuối 2012 đạt 561.533 tỷ đồng), Chương trình vay vốn tín dụng ưu đãi đầu tư kiên cố hóa kênh mương, giao thông nông thôn, hạ tầng nuôi trồng thủy sản, làng nghề đạt gần 17 nghìn tỷ đồng và huy động nhân dân đóng góp được khoảng 10 nghìn tỷ đồng.

Chính sách tín dụng cho hộ nghèo được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn của hộ nghèo, tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả thiết thực, là một trong những điểm sáng trong các chính sách giảm nghèo. Đây cũng là chính sách xây dựng được mối liên kết tốt giữa Nhà nước thông qua Ngân hàng chính sách xã hội với các tổ chức đoàn thể và người nghèo, phát huy được tính chủ động, nâng cao trách nhiệm của người nghèo với chính quyền cơ sở thông qua việc giữ mối liên hệ, hướng dẫn sản xuất, đôn đốc giải ngân, thu nợ của ngân hàng…

Vềchính sách dạy nghề, tạo việc làm

Giai đoạn 2006-2010 có khoảng 150 nghìn lao động nghèo được dạy nghề miễn phí (đạt 100% kế hoạch), trong đó, 60% tự tạo được việc làm hoặc tìm được việc làm. Giai đoạn 2010-2012, Đề án hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (Quyết định 1956/QĐ-TTg) đã hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho gần 1,1 triệu lao động, trong đó lao động hộ nghèo chiếm 10,7%; lao động hộ cận nghèo chiếm 5,2%; lao động người dân tộc thiểu số chiếm 20,5%, tạo việc làm cho trên 55 nghìn người thuộc hộ nghèo (chiếm 44,1% số người nghèo được học nghề; riêng năm 2012 có 0,49 triệu lao động nông thôn được đào tạo nghề, tăng 1,9 lần so với 2010 (0,26 triệu người). Trong đó, 74,2% có việc làm.

Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020 có hơn 20 nghìn lao động các huyện nghèo đăng ký tham gia, trong đó khoảng 12 nghìn lao động đã được dạy nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức. Từ 2009-2012 đã đưa được gần 8.500 lao động của 59/62 huyện nghèo đi làm việc tại các thị trường như Malaysia, các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan…Trong đó, 95% là lao động thuộc hộ nghèo và người dân tộc thiểu số.

Về nguồn lực, thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, ngân sách Trung ương đã bố trí cho giai đoạn 2009 - 2012 là 4.778,413 tỷ đồng(6), 290 tỷ đồng để hỗ trợ đào tạo nghề, ngoại ngữ cho lao động huyện nghèo đi xuất khẩu lao động.

Về chính sách y tế, chăm sóc sức khỏe

 Từ năm 2002, nhà nước đã thực hiện hỗ trợ khám chữa bệnh đối với người nghèo thông qua Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo. Năm 2009, Luật bảo hiểm y tếquy định Nhà nước hỗ trợ mua bảo hiểm y tếcho người nghèo, người cận nghèo, trong đó hỗ trợ 100% cho người nghèo, 50% cho người cận nghèo. Năm 2012, để khuyến khích cho hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế, mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế được nâng lên 70%, đối với một số đối tượng sống ở địa bàn khó khăn mức hỗ trợ là 100% (ngân sách nhà nước hỗ trợ khoảng hơn 2.380 tỷ đồng/năm để thực hiện chính sách này). Giai đoạn 2006 – 2010, đã có 52 triệu lượt người nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế; năm 2011 - 2012 có 29 triệu lượt. Đến 2012, 100% người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đã được mua thẻ bảo hiểm y tế(khoảng trên 15 triệu người), đối tượng cận nghèo có bảo hiểm y tếđạt trên 1,6 triệu người (bằng 25% so với tổng số người cận nghèo). Ngân sách hỗ trợ mua bảo hiểm y tế so với tổng số chi thường xuyên cho y tế hằng năm đã tăng từ 27% (2009) lên 33% (2012). Ngoài ra, một số tỉnh đã hỗ trợ ngân sách địa phương để mua bảo hiểm y tếcho hộ cận nghèo, phát triển giáo dục, y tế. Trong nhóm đối tượng được hỗ trợ mua bảo hiểm y tế, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỉ lệ cao nhất (83%).

Vềchính sách hỗ trợ giáo dục - đào tạo

Giai đoạn 2006 - 2010 có khoảng 8 triệu lượt học sinh nghèo được miễn giảm học phí; 2,8 triệu lượt học sinh nghèo được hỗ trợ vở, sách giáo khoa. Năm học 2011-2012 đã có trên 4 triệu lượt học sinh, sinh viên nghèo được hỗ trợ chi phí học tập, miễn giảm học phí, trợ cấp học bổng, hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em 5 tuổi.

Từ những năm 1990, Nhà nước đã thực hiện chính sách tuyển sinh, đào tạo và sử dụng cán bộ theo hình thức cử tuyển(7). Giai đoạn 2005-2012, ngân sách Trung ương hỗ trợ để thực hiện miễn giảm học phí, trợ cấp học bổng, hỗ trợ kinh phí cử tuyển đối với học sinh thuộc hộ nghèo và hỗ trợ tiền ăn cho trẻ mầm non là 15.136 tỷ đồng.

Vềchính sách hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở, hỗ trợ đất sản xuất và nước sinh hoạt

Chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở(Quyết định 167/2008/QĐ-TTg) và triển khai thí điểm giải pháp hỗ trợ hộ nghèo nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở, ứng phó với lũ, lụt vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung(Quyết định 716/QĐ-TTg)hỗ trợ xây, sửa nhà ở cho trên 531 nghìn hộ (vượt 7% so với kế hoạch), trong đó có 230 nghìn hộ là đồng bào dân tộc thiểu số(8). Hoàn thành hỗ trợ xây dựng 700 chòi phòng tránh lũ, lụt (đạt 100% kế hoạch). Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở ngập lũ vùng đồng bằng sông Cửu Long đã hoàn thành tôn nền, đắp bờ bao cho 150/176 dự án, xây dựng 14.157 căn nhà (đạt 38,97%/kế hoạch); bố trí dân vào ở trong cụm, tuyến và bờ bao được 22.423 hộ (đạt 39,17%/ kế hoạch).

Thực hiện chính sách hỗ trợ đất sản xuất từ Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng, đến năm 2010 đã có hơn 1,2 triệu hộ với 4.657.211 lao động tham gia, trong đó có 484.893 hộ nghèo (chiếm 38,6%), chủ yếu là đồng bào dân tộc miền núi, vùng cao. Các hộ gia đình đã nhận khoán bảo vệ rừng (bình quân 2,4 triệu ha/năm), tham gia trồng mới 2,4 triệu ha rừng (trong đó rừng phòng hộ, đặc dụng 0,9 triệu ha, rừng sản xuất 1,5 triệu ha, cây công nghiệp và cây ăn quả 112.612 ha).

Về chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh thông qua các chương trình, khuyến nông - lâm - ngư nghiệp và xây dựng mô hình giảm nghèo.

Giai đoạn 2006-2010 có 3,7 triệu lượt người nghèo được hướng dẫn cách làm ăn (đạt 88% kế hoạch), xây dựng 8.500 mô hình trình diễn và hội nghị đầu bờ với trên 3 triệu lượt người nghèo tham gia, tổ chức 30 nghìn lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật. Đã có 218 xã thuộc 35 tỉnh triển khai các mô hình giảm nghèo với hơn 27,5 nghìn hộ tham gia (trong đó hộ nghèo chiếm 77%, 21,3 nghìn hộ). Hầu hết các địa phương đã triển khai các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư theo đặc điểm của địa bàn.

2. Hạn chế

Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác giảm nghèo vẫn còn một số hạn chế:

Mức sống của hộ nghèo và hộ cận nghèo chưa có sự khác biệt đáng kể nên nguy cơ tái nghèo cao. Một số địa phương có tỷ lệ nghèo giảm nhưng cận nghèo tăng chưa có giải pháp khắc phục(9).

Chênh lệch giàu - nghèo có xu hướng gia tăng, theo số liệu của Ngân hàng thế giới và Tổng cục thống kê cho thấy hệ số chênh lệch này đã tăng đều từ 8,1 (năm 2002) lên 9,4 (năm 2012)(10).

Tỉ lệ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn cao,đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 50% số người nghèo cả nước. Năm 2012, các xã 135 tỉ lệ nghèo vẫn ở mức trên 40% (cá biệt trên 60%-70%) và có khoảng 900 nghìn hộ cận nghèo (cả nước có hơn 1,4 triệu hộ cận nghèo); thu nhập bình quân đầu người ở các xã này chỉ bằng 30% so với thu nhập chung khu vực nông thôn; hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn vẫn còn nhiều hạn chế(11).

Khu vực đô thị, bộ phận người nghèo, người có thu nhập thấp có xu hướng tăng do đô thị hóa, di cư nông thôn - đô thị, chi phí y tế, nhà ở, giáo dục và sinh hoạt tối thiểu tăng... Ngoài ra, vấn đề nghèo còn chịu ảnh hưởng, tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, rủi ro trong cuộc sống và tệ nạn xã hội.

Mặc dù chưa có số liệu thống kê, đánh giá toàn diện về tác động của di dân, tái định cư, định canh do xây dựng các công trình thủy điện, khai thác khoáng sản, xây dựng các công trình hạ tầng đối với vấn đề nghèo, song thực tế cho thấy có một số nguy cơ đang tiềm ẩn đối với nghèo đói từ những vấn đề này.

Những hạn chế, yếu trên do các nguyên nhân chủ yếu như: Nguồn lực hạn chế so với yêu cầu, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, địa hình chia cắt, thiếu nguồn nước,...), một số chính sách chưa phù hợp; công tác quản lý, phối hợp trách nhiệm giữa các bộ, ngành trong thực hiện chính sách giảm nghèo còn phân tán, thiếu liên kết, chưa lồng ghép được chính sách.

3. Một số kinh nghiệm

Tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo, cần:

- Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao quyết tâm của hệ thống chính trị. Trong đó, vai trò chủ đạo của Nhà nước, chính quyền các cấp là nhân tố quyết định. Đổi mới công tác quản lý nhà nước trong việc điều hành và phân công trách nhiệm cụ thể đối với các bộ, ngành trung ương và địa phương để đảm bảo lồng ghép chính sách và nguồn lực. Đồng thời, phân cấp trách nhiệm nhiều hơn cho các địa phương, phát huy vai trò của chính quyền cơ sở và đội ngũ cán bộ trực tiếp trong quá trình tổ chức thực hiện, hướng dẫn, hỗ trợ người nghèo tìm giải pháp thoát nghèo phù hợp với điều kiện của mình.

- Nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là người nghèo. Tăng cường vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư nhằm tạo thêm động lực hỗ trợ cho người nghèo nâng cao trách nhiệm, nỗ lực để cải thiện cuộc sống của mình.

- Phát huy sự chủ động tham gia của người nghèo, cộng đồng dân cư cùng với việc thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo là điều kiện để nâng cao khả năng thoát nghèo.

 


(1) Theo chuẩn nghèo quốc tế, tính theo mức 2 USD/người/ngày.Tính theo chuẩn do Ngân hàng Thế giới và Tổng cục Thống kê đang áp dụng, số người nghèo năm 1993 khoảng 40,5 triệu và đến năm 2012 còn 15,3 triệu người. Nếu tính theo chuẩn nghèo quốc gia, tỉ lệ nghèo thấp hơn, năm 2005 là 22,31%; năm 2010 là 14,2% và 9,6% vào cuối năm 2012 tương ứng với khoảng 2,1 triệu hộ nghèo.

(2), (3) Báo cáo số 660/BC-UBTVQH13 ngày 19-5-2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII về kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, giai đoạn 2005 - 2012”.

(4) Năm 2010 có 26 tỉnh tỉ lệ nghèo trên 20%: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Kạn, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Kon Tum, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng. Trong đó, tỉnh Điện Biên có tỷ lệ nghèo trên 50%; 3 tỉnh tỉ lệ nghèo trên 40% (Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu), 6 tỉnh tỉ lệ nghèo trên 30% (Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Sơn La, Hòa Bình, Kon Tum) và 19 tỉnh có tỉ lệ nghèo dưới 10%. Năm 2012, còn 13 tỉnh có tỉ lệ hộ nghèo trên 20%, trong đó 3 tỉnh có tỉ lệ nghèo trên 30% (Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu), 29 tỉnh có tỉ lệ hộ nghèo dưới 10% và không còn tỉnh có tỉ lệ nghèo ở mức trên 40%.

(5) Cho vay Chương trình 167 đạt hơn 483,5 nghìn hộ, cho vay đi XKLĐ  theo Quyết định 71 có 6.123 hộ, cho vay theo Quyết định 74 đối với đồng bào DTTS nghèo đồng bằng sông Cửu Long đạt trên 50 nghìn hộ, cho vay học sinh, sinh viên xấp xỉ 3 triệu lượt, cho vay trả chậm nhà ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên hơn 68 nghìn hộ (để sửa chữa, xây dựng khoảng 75 nghìn căn nhà)…

Cuối năm 2013 còn hơn 7,05 triệu hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách dư nợ với tổng mức 121.699 tỷ đồng (gấp 17 lần so với lúc mới thành lập), mức dư nợ bình quân khoảng 17 triệu đồng/khách hàng.

(6) Tổng số kinh phí đã sử dụng: 4.778,413 tỷ đồng, bằng 18,4 % tổng kinh phí thực hiện Đề án trong 11 năm; trong đó: Kinh phí hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn: 1.641,543 tỷ đồng, bằng 8,08% tổng kinh phí dự kiến bố trí trong Đề án; Kinh phí đầu tư cơ sở vật chất thiết bị dạy nghề: 2.930,712 tỷ đồng, bằng 75% tổng kinh phí dự kiến bố trí trong Đề án; Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã: 251,992 tỷ đồng đồng, bằng 19,5% tổng kinh phí dự kiến bố trí trong Đề án.

(7) Từ năm 2006 thực hiện theo Nghị định 134/2006/NĐ-CP, ngày 14/11/2006.Đối tượng 1: học sinh thuộc các DTTS, thường trú ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn (vùng II, III). Đối tượng 2: học sinh dân tộc Kinh, thường trú ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn từ 5 năm liên tục trở lên (tỉlệ 15%  trong tổng số cử tuyển ở địa bàn ĐBKK). Đối tượng 3: học sinh thuộc các DTTS chưa có, hoặc có rất ít cán bộ đạt trình độ ĐH, CĐ, TC, thường trú ở khu vực III, II. I.

(8) Giai đoạn 2009-2011, đã hỗ trợ về nhà ở cho trên 507 nghìn hộ, trong đó 224 nghìn hộ DTTS.

(9) Theo công bố của Ngân hàng thế giới và Tổng cục thống kê, tính theo chuẩn nghèo quốc gia, năm 2010 và 2012, tỉ lệ nghèo của cả nước là 14,2% và 9,6%, song nếu tính bù tỉ lệ lạm phát hằng năm thì tỉ lệ nghèo của hai năm nói trên là 20,7% và 17,2%

- Năm 2012, tỉ lệ hộ nghèo ở Thái Nguyên là 13,76%, tỉ lệ hộ cận nghèo là 11,24%; tương tự Phú Thọ là 14,12% và 11,32%; Bắc Ninh là 4,27% và 3,75%; Hải Phòng là 4,21% và 4,05%; Nam Định là 6,72% và 6,32%; Hà Tĩnh là 14,2% và 15,32%; Quảng Bình là 17,36% và 17,27%; Đà Nẵng là 0,97% và 3,56%; Khánh Hòa là 5,56% và 11,27%…

- Bon Ol Ba Tung xã Quảng Tín, Đăk Nông có 40 hộ nghèo nhưng cận nghèo tới 65 hộ trong tổng số 181 hộ. Tại thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang tỉ lệ hộ nghèo chỉ ở mức 3,6% nhưng tỉ lệ cận nghèo ở mức 4,65%. Tại Hậu Giang, tỉ lệ hộ nghèo là 11,58%, nhưng tỉ lệ hộ cận nghèo là 18,68% (năm 2013)...

(10) Hệ số GINI có xu hướng tăng từ 0,42 năm 2004 lên 0,433 năm 2010 và 0,424 năm 2012. Hệ số giàu - nghèo tăng đều trong suốt 10 năm, 2002: 2,1; 2004: 8,3; 2006: 8,4; 2008: 8,9; 2010: 9,2 và 2012 là 9,4.

(11) Hơn 100 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã, trên 14 nghìn thôn, bản chưa có trục đường giao thông được cứng hóa, hơn 200 xã chưa có điện đến trung tâm, 8.100 thôn, bản chưa được sử dụng điện. Riêng các thôn, bản khu vực biên giới còn nhiều khó khăn hơn với hơn 120 nghìn hộ nghèo (trên 660 nghìn nhân khẩu) chưa tự túc được lương thực.

 

PGS,TS Đinh Ngọc Giang

Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

ThS Phan Thành Long

Chánh Thanh tra Quận 11, TP Hồ Chí MInh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền