Trang chủ    Thực tiễn    Đẩy nhanh xây dựng nông thôn mới ở vùng đồng bằng sông Cửu Long theo hướng bền vững
Thứ năm, 23 Tháng 6 2016 15:28
2221 Lượt xem

Đẩy nhanh xây dựng nông thôn mới ở vùng đồng bằng sông Cửu Long theo hướng bền vững

(LLCT) - Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)gồm 12 tỉnh và 1 thành phố trực thuộc Trung ương, 1.260 xã, diện tích 40 nghìn km2, dân số trên 17,4 triệu người. Đây là vùngcó tiềm năng lớn để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lương thực, nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản và cây ăn trái. Mặc dù với điểm xuất phát thấp nhưng qua 5 năm tiến hành xây dựng nông thôn mới, các tỉnh ĐBSCL bước đầu đã tạo được những chuyển biến theo hướng tích cực.

1. Những kết quả bước đầu

Công tác lập đề án, lập quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng nông thôn mới được hoàn thành cơ bản

Đến cuối năm 2015, 100% xã của toàn vùng đã được phê duyệt đề án xây dựng nông thôn mới cấp xã; có 1.247/1.260 xã đã thực hiện xong việclập quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng nông thôn mới, đạt 98,97%.

Sản xuất phát triển, thu nhập người dân được nâng cao

Thực hiện việc lồng ghép xây dựng nông thôn mới với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 10-6-2013 của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương đã đẩy mạnh nghiên cứu, thực hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp bước đầu đem lại kết quả tích cực. Đã hình thành một số vùng nguyên liệu lúa gạo, trái cây và thủy sản. Nhiều mô hình áp dụng phương thức, kỹ thuật canh tác tiên tiến như: mô hình cánh đồng mẫu lớn, sản xuất theo ViệtGAP, GlobalGAP, GAP, nuôi tôm an toàn sinh học, lúa tôm, nuôi cá nước ngọt, mặn, lợ… Các mô hình mới sản xuất mới đã phát triển nhanh ở Cà Mau, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Sóc Trăng, qua đó, phát huy được lợi thế của vùng. Các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An, Kiên Giang đã tạo được hướng đi mới cho nông nghiệp trên cơ sở chú trọng triển khai các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực, trọng tâm là chế biến gắn với tiêu thụ như: lúa gạo, rau màu, thủy sản, trái cây… góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Đến cuối năm 2015, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của vùng đạt 27,8 triệu đồng/năm, tăng 11,8 triệu đồng so với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo còn 4,87% (giảm 9,13% so với năm 2011), 751 xã đạt tiêu chí về thu nhập (59,6%); 995 xã (78,97%) đạt tiêu chí về hộ nghèo.

Kết cấu hạ tầng được đầu tư, phát triển

Nhiều địa phương trong vùng đã đầu tư phát triển mạnh mẽ giao thông. Tính đến cuối năm 2015, trong vùng đã cứng hóa đường giao thông được 18.548 km, trong đó có 14.565 km đường trục xóm ấp, làm giảm số xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã xuống còn 56 xã (4,44%). Đã có 427 xã đạt tiêu chí về giao thông, chiếm 33,81% (năm 2011 chỉ đạt 3,7%). Hệ thống đê bao, công trình thủy lợi và hệ thống kênh mương, cống đập được củng cố và ngày càng hoàn chỉnh, cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất, tưới tiêu. Do vậy, số xã đạt tiêu chí về thủy lợi tương đối cao, chiếm 91,98%. Hệ thống lưới điện được đầu tư, nâng cấp và xây dựng mới đã đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt. Đã có 1.036/1.260 (82,22%) xã đạt tiêu chí về điện, tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 98%. Mạng lưới trường lớp từ mầm non đến phổ thông trung học được đầu tư, phát triển theo hướng chuẩn hóa, có 409 xã đạt tiêu chí về trường học, đạt tỷ lệ 32,46% (tăng 27,11% so với năm 2011), phục vụ tốt việc nâng cao chất lượng dạy và học. Công trình văn hóa được quan tâm tu bổ, nâng cấp và đầu tư, xây dựng. Toàn vùng có trên 300 trung tâm văn hóa xã, trên 3 nghìn nhà văn hóa đạt chuẩn nông thôn mới, 371 xã (32,46%) đạt tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa. Chợ nông thôn, bưu điện cũng được đầu tư, mở rộng, toàn vùng đã xây mới và nâng cấp trên 300 chợ, 100% số xã được phủ sóng thông tin di động và đường truyền internet: 750 xã (59,52%) đạt tiêu chí về chợ; 1.249 xã (99,13%) đạt tiêu chí về bưu điện, tăng thêm 598 xã so với năm 2011.

Giáo dục, y tế, văn hóa trong vùng có bước phát triển, môi trường sinh thái nông thôn được cải thiện

Các vấn đề về giáo dục, y tế, văn hóa được các địa phương quan tâm đầu tư và có những chuyển biến rõ rệt. Cảnh quan môi trường nông thôn được chú trọng bảo vệ, cuộc sống người dân được nâng cao. Đã có 1.119 xã đạt tiêu chí về y tế (tăng 737 xã so với năm 2011); có 869 xã đạt tiêu chí về giáo dục (tăng 116 xã); có 1.101 xã đạt tiêu chí về văn hóa (tăng 281 xã); có 475 xã đạt tiêu chí về môi trường (tăng 422 xã).

Hệ thống chính trị cơ sở được củng cố vững mạnh, tình hình an ninh, trật tự xã hội được bảo đảm

Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã được chuẩn hóa; các tổ chức chính trị - xã hội được kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động; tình hình an ninh, trật tự xã hội của các địa phương trong vùng tương đối tốt. Toàn vùng có 822 xã đạt tiêu chí về hệ thống chính trị vững mạnh (tăng 470 xã so với năm 2011); có 1.200 xã đạt tiêu chí về an ninh trật tự xã hội (tăng 281 xã).

Tính đến cuối năm 2015, toàn vùng ĐBSCL đã có 233 xã đạt chuẩn nông thôn mới (18,49%), bình quân đạt 13,48 tiêu chí/xã.

2. Những khó khăn, hạn chế

Công tác lập đề án, lập quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng nông thôn mới chưa sát thực

Một số đề án xây dựng nông thôn mới cấp xã còn chung chung, thiếu lộ trình và tính khả thi. Nhiều đề án chưa bám sát quy hoạch, nặng về đầu tư xây dựng hạ tầng, chưa chú trọng tới phát triển các loại hình liên kết sản xuất hàng hóa bền vững, các giải pháp về phát triển văn hóa, thể thao, bảo vệ môi trường…còn dàn trải, phụ thuộc nhiều vào ngân sách nhà nước. Chất lượng công tác quy hoạch chưa cao, quy hoạch chưa chi tiết, thiếu đồng bộ, thiếu sự tham gia rộng rãi của người dân dẫn đến khó thực hiện và quản lý. Nhiều huyện chưa có quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn 2010 – 2020 nên thiếu căn cứ cho xã quy hoạch sản xuất, quy hoạch hạ tầng. Nguyên nhân chủ yếu là do diện tích đa số các xã trong vùng quá lớn, nhiều nơi thiếu tài liệu đo đạc, khảo sát gốc nên công tác quy hoạch gặp nhiều khó khăn. Kinh phí phục vụ cho công tác lập quy hoạch chỉ đủ cho quy hoạch chung (150 triệu đồng/xã), việc cắm mốc chỉ giới quy hoạch chưa được thực hiện ở nhiều địa phương nên tình trạng người dân xây dựng hoặc lấn chiếm vào đất quy hoạch vẫn còn phổ biến. Do cán bộ cấp xã còn thiếu kiến thức về quy hoạch nên phần lớn phải nhờ vào các đơn vị tư vấn, nhưng nhiều đơn vị tư vấn thiếu chuyên nghiệp, đặc biệt là trong quy hoạch sản xuất. Việc lấy ý kiến đóng góp của người dân trong quá trình thực hiện quy hoạch phần lớn còn mang tính hình thức.

Triển khai thực hiện một số tiêu chí đạt tỷ lệ thấp

Việc triển khai thực hiện một số tiêu chí đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn, nên tiêu chí giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, trường học, chợ nông thôn đạt tỷ lệ thấp. Nguyên nhân chính là do điều kiện đặc thù của vùng ĐBSCL có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, nền đất yếu; phân bố dân cư không đều, thiếu vật liệu xây dựng tại. Nguồn lực tài chính do người dân và doanh nghiệp đóng góp còn thấp, người dân chủ yếu hiến đất và ngày công lao động.

Mặc dù đã hình thành được một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung nhưng hiệu quả còn thấp, các hợp tác xã, tổ hợp tác chưa làm tốt vai trò liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân trong sản xuất; chưa tập hợp được nhiều nông dân tham gia; ngành nghề hoạt động còn đơn điệu; việc chế biến, bảo quản sau thu hoạch còn hạn chế. Việc thực hiện mô hình liên kết 4 nhà còn nhiều bất cập, nhất là trong tiêu thụ sản phẩm. Việc triển khai thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng tại một số địa phương còn lúng túng. Nhiều địa phương kinh tế nông nghiệp bị đe dọa bởi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Công tác quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn chưa khai thác tốt tiềm năng của địa phương do thiếu sự liên kết giữa các địa phương, vẫn còn tình trạng mỗi địa phương làm một kiểu, thiếu thông tin thị trường, thiếu liên kết theo chuỗi giá trị. Quy mô sản xuất công nghiệp nhỏ, chủ yếu công nghiệp địa phương. Các doanh nghiệp trong vùng hầu hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm hơn 90%). Nông dân khó tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ từ các ngân hàng nên chưa yên tâm đầu tư sản xuất quy mô lớn. Trình độ dân trí và thu nhập của nông dân thấp so với bình quân chung của cả nước. Công tác chuyển giao, nhân rộng các mô hình sản xuất còn hạn chế, đầu ra sản phẩm nông nghiệp còn khó khăn. Mô hình “cánh đồng mẫu lớn” tuy phát triển ở một số địa phương và phát huy tác dụng tốt nhưng vẫn còn bất cập (như giá lúa luôn biến động nên ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng liên kết tiêu thụ giữa doanh nghiệp và nông dân; còn thiếu khung chính sách hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp trong điều kiện chuyển đổi quy mô sản xuất, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn). Giáo dục, đào tạo còn nhiều hạn chế; tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp; việc xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, đẩy lùi các tập quán lạc hậu chuyển biến chậm; chất lượng nguồn lực y tế vẫn còn nhiều bất cập, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế còn thấp; công tác bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế nên số xã đạt tiêu chí về môi trường chiếm thấp (37,7%).

3. Những giải pháp để thúc đẩy xây dựng nông thôn mới nhanh và bền vững ở ĐBSCL

Từ thực trạng và nguyên nhân cơ bản trên, để thúc đẩy xây dựng nông thôn mới ở ĐBSCL nhanh và bền vững với mục tiêu đến cuối năm 2020, toàn vùng ít nhất có 630/1.260 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong thời gian tới các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể và nhân dân trong vùng tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp phù hợp với điều kiện đặc:

Tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp, chú trọng sự tham gia góp ý của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan chức năng cấp huyện để nâng cao chất lượng quy hoạch, đồng thời tăng cường sự liên kết, huy động hiệu quả các nguồn lực, phát huy dân chủ, tăng cường sự giám sát của người dân. Đề án xã nông thôn mới phải phù hợp với yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đồng thời phải gắn với xây dựng nông thôn mới vùng.

Tập trung đầu tư phát triển hạ tầng thiết yếu, tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế và thay đổi diện mạo nông thôn

Các địa phương cần tập trung chỉ đạo xã điểm, đồng thời thực hiện chỉ đạo xây dựng nông thôn mới trên diện rộng, đặc biệt tập trung vào các xã nghèo. Đối với đơn vị cấp huyện và xã đạt chuẩn nông thôn mới cần tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí để bảo đảm đạt chuẩn bền vững. Các địa phương cần tập trung hoàn thành 3 loại công trình hạ tầng thiết yếu: bê tông hóa đường giao thông, nước sinh hoạt, trường mầm non. Đây là những công trình trực tiếp phục vụ cho nhu cầu thiết yếu và cấp bách của người dân trong vùng, qua đó sẽ tạo sự đột phá về phát triển kinh tế - xã hội và làm thay đổi diện mạo nông thôn. Tăng mức đầu tư từ ngân sách cho xây dựng và bảo dưỡng hạ tầng, nhất là đường giao thông, thủy lợi. Tiếp tục phát huy và đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền, vận động để huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới.

Phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập

Tập trung đầu tư cho công tác nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, trong đó ưu tiên cho các sản phẩm chủ lực của vùng: lúa gạo, thủy sản, trái cây… đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Đẩy mạnh công tác hỗ trợ phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân; tập huấn kỹ thuật nâng cao trình độ, kỹ năng sản xuất. Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu thực tế sử dụng lao động của doanh nghiệp và địa phương. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo nghề gắn với sử dụng lao động. Tăng cường công tác đào tạo, nghiệp vụ cho cán bộ cơ sở xây dựng nông thôn mới. Tập trung phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả, chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, mô hình liên kết giữa hộ nông dân với doanh nghiệp và với các đối tác kinh tế khác.  

Đẩy mạnh phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, thực hiện tốt bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự xã hội

Quan tâm đầu tư cho giáo dục, y tế, văn hóa và bảo vệ môi trường.Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia giữ gìn, bảo vệ trật tự xã hội, nêu cao tinh thần tự quản và đoàn kết xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh. Thực hiện tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh, phòng chống tội phạm trên địa bàn.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả lãnh đạo của cấp ủy đảng, năng lực tổ chức thực hiện của chính quyền và sự tham gia của Mặt trận, các đoàn thể

Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên. Củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở. Tiếp tục chuẩn hóa đội ngũ công chức cấp xã đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ở cơ sở hiện nay. Củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, xây dựng kế hoạch hành động cụ thể nhằm phát động đoàn viên, hội viên tích cực tham gia thực hiện các tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phát huy sự tham gia tích cực, chủ động của nhân dân và sự quan tâm của toàn xã hội về xây dựng nông thôn mới

Các địa phương cần khẩn trương kiện toàn bộ máy chỉ đạo, xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai công tác tuyên truyền, vận động. Đồng thời đẩy mạnh công tác đào tạo nâng cao năng lực cán bộ cấp cơ sở theo hướng chuyên nghiệp; xây dựng lực lượng nòng cốt, vận động xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trong cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân về mục tiêu, nội dung, ý nghĩa của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nhất là về vai trò chủ thể của người dân: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ”, “lấy sức dân để chăm lo cuộc sống nhân dân”.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; khen thưởng kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp

Cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới để điều chỉnh, bổ sung, khắc phục hoặc kịp thời kiến nghị, yêu cầu sự hỗ trợ của Trung ương. Đẩy mạnh các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới ở tất cả các địa phương trong vùng, phát huy trí tuệ, nguồn lực vật chất của toàn xã hội cho xây dựng nông thôn mới. Kịp thời có hình thức khen thưởng, biểu dương để động viên, khích lệ và nhân rộng các mô hình hiệu quả.

Trung ương hỗ trợ, tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi trong xây dựng nông thôn mới

Trung ương cần có những chính sách ưu tiên đầu tư cho vùng về hạ tầng nông thôn, hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Hoàn thiện chính sách khuyến khích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản giữa nông dân với doanh nghiệp. Tạo sự chủ động, linh hoạt cho địa phương trong việc quyết định sử dụng ngân sách theo hướng Trung ương chỉ phân bổ theo mục tiêu tổng hợp, để cho địa phương được lựa chọn các mục tiêu cụ thể bố trí vốn cho từng hạng mục, từng dự án phù hợp với định hướng, nhu cầu đầu tư để đạt mục tiêu chung. Tăng mức hỗ trợ cho vùng để đẩy mạnh thực hiện các tiêu chí về hạ tầng. Rà soát, điều chỉnh, sửa đổi và bổ sung một số tiêu chí về xây dựng xã nông thôn mới phù hợp với quy định của các văn bản quy phạm pháp luật hoặc các chính sách mới ban hành, điều kiện thực tế của từng vùng, nhất là với những vùng khó khăn, vùng đặc thù. Sớm xây dựng, ban hành Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới theo hướng mở để các địa phương có cơ sở thực hiện. Cần rà soát lại các thông tư hướng dẫn thực hiện các cơ chế, chính sách đã ban hành để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, kịp thời, nhất là trong thực hiện cơ chế vốn lồng ghép, vốn điều tiết từ nguồn thu xổ số kiến thiết của các địa phương. Có cơ chế cụ thể, đơn giản thủ tục hành chính với công trình do cộng đồng dân cư tự thực hiện.

Xây dựng nông thôn mới là vấn đề lâu dài, cần có lộ trình, bước đi và giải pháp cụ thể. Vì vậy, để thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, các cấp ủy, chính quyền phải có quyết tâm chính trị cao, có kế hoạch chỉ đạo cụ thể, chủ động, sáng tạo, sâu sát, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và của Ban Chỉ đạo để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, cùng với sự tham gia của toàn xã hội. Điều đó có ý nghĩa quan trọng, dẫn dắt và thúc đẩy thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới ở ĐBSCL.

___________

(*) Các số liệu dẫn theo Báo cáo số 236-BC/BCĐTNB, ngày 24-11-2015 của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ về Tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011- 2015 và phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2016 – 2020 vùng ĐBSLC.

          Phạm Thanh Tâm

Trường chính trị tỉnh Cà Mau

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền