Trang chủ    Thực tiễn    Những thách thức đối với công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam hiện nay
Thứ năm, 23 Tháng 6 2016 15:26
2930 Lượt xem

Những thách thức đối với công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam hiện nay

(LLCT) - Trong điều kiện hội nhập kinh tế toàn cầu, phát triển công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá của mỗi quốc gia, đặc biệt là ở những quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Công nghiệp quốc gia không thể tồn tại và phát triển được nếu không có ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển bởi nó quyết định giá thành sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cuối cùng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Trên thực tế, công nghiệp hỗ trợ (CNHT) không phải là ngành công nghiệp mang tính chất “phụ trợ” hay “hỗ trợ” nữa, mà là ngành xương sống của nền công nghiệp quốc gia, là ngành sản xuất nền tảng của ngành công nghiệp chính yếu, thông qua việc cung cấp linh kiện, phụ tùng và các qui trình kỹ thuật.

Nhận thức được tầm quan trọng của CNHT, trong những năm gần đây, Chính phủ, Bộ Công thương đã ban hành nhiều văn bản quy định về phát triển công nghiệp hỗ trợ, cụ thể như: Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) ra Quyết định số 34/2007/QĐ-BCN về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020; Quyết định 12/2011/QĐ-TTg ngày 24-2-2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ; Quyết định số 1483/QĐ-TTg ngày 26/8/2011 về Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; Quyết định số 1556/QĐ-TTg ngày 17-10-2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực vực công nghiệp hỗ trợ”; mới đây là Nghị định số 111/NĐ-CP ngày 3-11-2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ…

Đặc biệt, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, xác định mục tiêu đến năm 2020: “xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Khu vực tư nhân Việt Nam đóng góp khoảng 48 - 49% GDP, khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp khoảng 30 - 35% GDP. Năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5%/năm. Hằng năm, có khoảng 30 - 35% doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo”(1)

Mặc dù Nhà nước quan tâm rất lớn của đối với phát triển ngành CNHT ở nước ta, nhưng cho đến nay, CNHT Việt Nammới chỉ ở giai đoạn phát triển sơ khai, manh mún, các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm hỗ trợ ở nước ta còn rất ít, công nghệ lạc hậu, khả năng cạnh tranh yếu kém; các sản phẩm hỗ trợ của nước ta còn nghèo nàn về chủng loại, kiểu dáng, mẫu mã đơn điệu, giá lại cao hơn nhiều sản phẩm cùng loại nhập khẩu; nhân lực phục vụ công nghiệp hỗ trợ chưa đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng, … Do vậy, chưa đáp ứng được nhu cầu của các ngành công nghiệp chế tạo, lắp ráp. Tình trạng trên cho thấy, CNHT của nước ta đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, trước hết là một số vấn đề cơ bản sau:

Thứ nhất, vấn đề vốn đầu tư cho phát triển CNHT rất lớn; thí dụ như chi phí đầu tư cho công nghiệp dệt, nhuộm, hồ vải thường lớn gấp 6-7 lần so với chi phí đầu tư cho công nghiệp may mặc có cùng quy mô; sản xuất sản phẩm da đòi hỏi vốn đầu tư nhiều hơn từ 8-10 lần so với công nghiệp may giày, dép, túi xách… Trong khi đó, hơn 90% doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ, khả năng tiếp cận nguồn vốn rất hạn chế, nguồn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, chưa đủ sức hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp.

Phát biểu tại diễn đàn “Các giải pháp về vốn phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ”, tháng 6-2016, ý kiến đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy: Có tới 40 quỹ tài chính nhà nước đã được thành lập để hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, gồm cả doanh hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, nhưng các doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận với nguồn vốn này và luôn trong tình trạng “đói” vốn(2)

Nhiều doanh nghiệp chia sẻ rằng, khó thu xếp được nguồn vốn cho dự án CNHT, do lãi suất ở ngân hàng quá cao khiến cho dự án không khả thi về lâu dài, việc vay vốn từ các quỹ hỗ trợ nhà nước khó khăn bởi các thủ tục. Vòng luẩn quẩn về vốn giữa một bên là quỹ tài chính nhà nước và một bên là người đi vay thực tế đã vướng mắc từ nhiều năm nay nhưng chưa được giải quyết. Đây đang là một trong những nguyên nhân sự trì trệ của ngành CNHT ở Việt Nam. Mặc dù Chính phủ và các bộ, ngành đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ được đưa ra, nhiều quỹ được thành lập, nhưng ngành CNHT Việt Nam vẫn chỉ ở mức sơ khai. Tỷ lệ nội địa hóa ở một số ngành như công nghiệp ô tô và điện tử mới chỉ ở mức từ 10%-20%, còn ở ngành dệt may, ngành được cho là có thế mạnh nhất của Việt Nam cũng chỉ ở mức 50%.

Thứ hai, quy mô sản xuất và nhu cầu của các ngành công nghiệp còn nhỏ, chưa tạo ra động lực cho các nhà CNHT. Thực tế cho thấy, phát triển CNHT phụ thuộc vào quy mô sản xuất của lĩnh vực sản phẩm hoàn chỉnh. Trong thời gian qua, trong nhiều sản phẩm hàng hóa, dung lượng thị trường của chúng ta chưa đủ. Điều này có thể nhận thấy qua sự so sánh trường hợp của ngành công nghiệp ô tô với công nghiệp diệt may và da giày. Cụ thể là, ngành công nghiệp ô tô hiện nay, một năm hơn 10 nhà lắp ráp, sản xuất ô tô ở trong nước chỉ sản xuất được khoảng 70 nghìn xe với rất nhiều chủng loại khác nhau. Cho nên, khó có thể có doanh nghiệp hỗ trợ nào lại có thể đứng ra sản xuất, cung cấp linh kiện, phụ tùng cho hơn 10 nhà sản xuất ô tô này, với rất nhiều yêu cầu khác nhau của các kiểu loại xe. Theo thống kê, với một chủng loại ô tô mỗi năm phải có sản lượng tối thiểu 100 nghìn xe thì doanh nghiệp làm CNHT mới có thể phát huy được hiệu quả sản xuất. Đó là lý do tỷ lệ nội địa hóa của ngành công nghiệp nước ta hiện nay đối với ô tô con là từ 5 đến 10%, với xe khách đến 80 chỗ là 40%, đối với xe tải nông dụng cũng như một số xe chuyên dụng lên là 70%(3). Trong khi đó, đối với công nghiệp dệt may và da giầy, do sản lượng hàng hóa tương đối lớn, nên gần đây các doanh nghiệp trong nước đã ngày càng nâng cao tỷ trọng nội địa hóa. Theo số liệu thống kê, đến nay ngành dệt may có thể tự chủ được khoảng 50% nguyên phụ liệu và ngành da giầy tự lo liệu được khoảng 60%.

Thứ ba, với xu thế thương mại hóa toàn cầu ngày càng phát triển thì sự phân công trong chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị gia tăng trên toàn cầu ngày càng đi vào xác định và được quyết định bởi các doanh nghiệp lớn. Các tập đoàn, doanh nghiệp đa quốc gia sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh, thường sử dụng mạng lưới xí nghiệp vệ tinh, mạng lưới các doanh nghiệp hỗ trợ sẵn có để chuyên cung cấpcác sản phẩm hỗ trợ. Mặt khác, khi sản phẩm hoàn chỉnh được sản xuất cho cả thị trường quốc tế thì các công ty phải thường xuyên thay đổi tính năng, mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm, tức là tuổi đời của công nghệ rất ngắn, điều đó buộc các doanh nghiệp phải luôn luôn duy trì một sự cơ động, mềm dẻo cao trong việc quản lý dây chuyền cung cấp các sản phẩm hỗ trợ. Trong khi đó, nền công nghiệp nước ta còn kém phát triển, quá trình hội nhập của nước ta muộn hơn, năng lực sản xuất của nước ta còn đang yếu và kinh nghiệm chưa nhiều, cho nên việc len chân được vào chuỗi giá trị toàn cầu là hết sức khó khăn.

Thứ tư, về bản thân các doanh nghiệp CNHT còn nhiều yếu kém, thể hiện qua năng lực tổ chức, quản lý và công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam còn rất nhiều hạn chế, khó đáp ứng được các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật cao và yêu cầu hợp tác kinh doanh của nhiều doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam; tính liên kết giữa các doanh nghiệp thấp, rất ít doanh nghiệp tạo dựng được mối quan hệ hợp tác chiến lược với đối tác, bạn hàng; các nhà quản trị chưa quan tâm đến tạo dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm CNHT.

Thứ năm, về nguồn nhân lực, CNHT là một ngành công nghiệp thâm dụng lao động đòi hỏi trình độ tay nghề cao, sản phẩm của các nhà máy CNHT là những sản phẩm mang tính đặc thù cao, theo quy chuẩn và yêu cầu thiết kế khắt khe của đơn vị đặt hàng, mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng nước ta hiện nay còn đang thiếu đội ngũ lao động này. Nếu không có những giải pháp tích cực, đồng bộ nhằm phát triển nhanh trình độ của nguồn nhân lực cho CNHT, thì sẽ là điểm nghẽn lớn cho quá trình phát triển kinh tế nói chung, CNHT nói riêng, làm giảm hiệu quả của quá trình hội nhập sâu rộng và đón đầu làn sóng đầu tư của các công ty đa quốc gia ở nước ta khi các hiệp định thương mại tư do thế hệ mới có hiệu lực.

Thứ sáu, vấn đề công nghệ, ngành CNHT liên quan đến sản xuất linh kiện, phụ tùng đòi hỏi nguyên, vật liệu, nhất là vật liệu mới, như: thép chế tạo, chất dẻo, vật liệu bán dẫn… Để phát triển công nghiệp vật liệu đòi hỏi các doanh nghiệp phải thực hiện nội dung nghiên cứu khoa học rất lớn và có nhiều rủi ro, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn là nhỏ và vừa, chưa thể có điều kiện để thực hiện những công việc nêu trên. Với tiềm năng về tài nguyên của Việt Nam, nguồn nguyên liệu thô khá dồi dào, vấn đề là chưa tạo ra được nguồn nguyên liệu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật để cung ứng cho các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm CNHT cần, cho nên phải nhập, kéo theo đó giá thành sản xuất các sản phẩm CNHT này khó có thể cạnh tranh với những nhà sản xuất nước ngoài. Vì không có nguyên liệu đầu vào nên các doanh nghiệp CNHT nước ta, ngoài đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất linh kiện, phụ kiện, phải nhập hầu hết nguyên liệu từ nước ngoài, do đó lợi nhuận doanh nghiệp đôi khi chỉ còn lại giá trị gia công…

Nhận diện rõ những thách thức và rào cản trong chiến lược phát CNHT ở nước ta sẽ là những cứ liệu quan trọng trong việc hoạch định những chính sách và bước đi phù hợp để phát triển ngành CNHT hiện nay.

_____________

(1) Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020

(2) Theo phát biểu của Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Quang, tại Diễn đàn: “Các giải pháp về vốn phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ” tổ chức tại Hà Nội, tháng 6-2016.

(3) Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trong phiên trả lời chất vấn tại Quốc hội liên quan tới chính sách, biện pháp để phát triển công nghiệp hỗ trợ, chiều ngày 17-11-2014

 

 

ThS Đinh Văn Bảo

Khu Kinh tế mở Chu Lai

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền