Trang chủ    Thực tiễn    Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay - tiếp nối sự nghiệp xây dựng Đời sống mới ở nông thôn Việt Nam qua gần 70 năm
Thứ hai, 06 Tháng 6 2016 14:55
3294 Lượt xem

Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay - tiếp nối sự nghiệp xây dựng Đời sống mới ở nông thôn Việt Nam qua gần 70 năm

(LLCT) - Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai, thực sự là phong trào rộng lớn nhất từ trước đến nay về xây dựng nông thôn ở nước ta. Thực chất là nội dung, con đường đưa nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam quá độ lên CNXH mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phác họa ý tưởng từ khi phát động phong trào xây dựng Đời sống mới cách nay gần 70 năm (năm 1947). Qua hơn 5 năm thực hiện Chương trình, phong trào đã đạt nhiều kết quả quan trọng, song trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực tế phong trào cũng còn những bất cập cần tháo gỡ, những rào cản cần vượt qua hiện nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm Đời sống mới đã chỉ ra những nội dung xây dựng đời sống mới ở một làng quê. Đây có thể gọi là tinh thần xây dựng nông thôn mới đầu tiên ở nước ta. Người nêu rõ: Trong một làng, nhà thì có nhà giàu, nhà vừa, nhà nghèo. Người thì có người tốt, người vừa, người kém. Học thì có kẻ thông, kẻ vừa, kẻ dốt. Hai hạng trên phải tìm cách giúp đỡ, cảm hóa hạng thứ ba. Công việc làm ăn thì có nghề làm ruộng, nghề thủ công và nghề buôn bán. Phải tìm cách giúp đỡ lẫn nhau. Tốt nhất là tổ chức hợp tác xã, thì nghề nào cũng dễ tăng gia sản xuất. Về văn hóa, phải làm cho cả làng đều biết chữ, biết đạo đức và trách nhiệm của công dân. Về phong tục, phải cấm hẳn say sưa, cờ bạc, hút xách, bợm bãi, trộm cắp. Phải tìm cách làm cho không có đánh chửi nhau, kiện cáo nhau. Làm cho làng mình thành một làng “phong thuần tục mỹ”. Về vệ sinh, đường sá phải sạch sẽ. Ao tắm giặt, giếng nước uống phải phân biệt và săn sóc cẩn thận. Những ao hồ không cần thì lấp đi, cho đỡ muỗi...(1). Do cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lâu dài và gian khổ mà việc xây dựng đời sống mới trong thực tiễn không thể được đầy đủ như những gì Hồ Chí Minh mong muốn.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (1954), do đặc điểm đất nước đồng thời thực hiện hai cuộc cách mạng: xây dựng CNXH ở miền Bắc và tiếp tục cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, mà việc xây dựng nông thôn mới ở miền Bắc mang tính đặc thù. Xây dựng nông thôn mới được phát động thông qua các phong trào vừa thời chiến vừa thời bình: “Ba đảm đang” (đối với phụ nữ), “Ba sẵn sàng” (đối với thanh niên), “Vừa sản xuất vừa chiến đấu”... Thời kỳ này cũng bắt đầu xuất hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, lúc đầu là từ sáng kiến của nhân dân ở một vài địa phương, sau được các cơ quan, tổ chức hoàn thiện những tiêu chí và nhân rộng.

Năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, đất nước thống nhất, trong hoàn cảnh vô vàn khó khăn, thiếu thốn của thời hậu chiến, Đảng và Nhà nước ta chưa thể tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới. “Chuẩn nông thôn mới” cũng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội chung, làng xóm nào, vùng quê nào có điện, có đường ô tô đến trung tâm xã (có thể là đường cấp phối, đường đất), có trường học, trạm y tế là đã đạt yêu cầu.

Tinh thần xây dựng đời sống mới cứ diễn ra trong thực tiễn trên các lĩnh vực như một dòng chảy không ngừng cả trong thời chiến và thời bình. Đến thời kỳ đổi mới, cùng vớicông cuộc đổi mới toàn diện đất nước, đường lối, chính sách xây dựng nông thôn mới thực sự định hình và từng bước được hoàn thiện và hiện thực hóa. Đảng, Nhà nước và xã hội ngày càng nhận rõ hơn ý nghĩa lớn lao của xây dựng nông thôn mới; đồng thời thanh quả mà đổi mới tạo ra, với những nguồn lực vật chất, tinh thần to lớn là tiền đề để tiến hành phong trào xây dựng nông thôn mới trên toàn quốc.

Trong phần phương hướng, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991) xác định: “Xây dựng giai cấp nông dân về mọi mặt để xứng đáng là một lực lượng cơ bản trong công việc xây dựng nông thôn mới”(2). Về nội dung này, Báo cáo chính trị tại Đại hội VII nêu cụ thể hơn “Phát triển nông, lâm, ngư nghiệp gắn với công nghiệp chế biến, phát triển toàn diện kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để ổn định tình hình kinh tế - xã hội. Xây dựng phương án tổng thể trên từng vùng, hình thành cơ cấu hợp lý về nông, lâm, ngư, công nghiệp phù hợp với sinh thái vùng, bảo vệ tài nguyên, gắn phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp với phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp chế biến bằng công nghệ thích hợp; xây dựng các điểm kinh tế - kỹ thuật - dịch vụ ở từng vùng và tiểu vùng; xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và kết cấu hạ tầng xã hội ở nông thôn”(3).

Sau 10 năm thực hiện Cương lĩnh, Hội nghị Trung ương 5 khóa IX (2002), ra Nghị quyết Về đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, yêu cầu các cấp các ngànhtập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng CNH, HĐH để nhanh chóng phát triển lực lượng sản xuất hiện đại và củng cố quan hệ sản xuất mới trong nông nghiệp và ở nông thôn.

Đại hội X (2006),Đảng ta nhấn mạnh nhiệm vụ đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn phải gắn với giải quyết đồng bộ các vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Đại hội yêu cầu: “Khẩn trương xây dựng các quy hoạch phát triển nông thôn. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Xây dựng các làng, xã, ấp, bản có cuộc sống no đủ, văn minh, môi trường lành mạnh”(4).

Hội nghị Trung ương 7 khóa X (2008) ra Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn để khẳng định tầm quan trọng của xây dựng nông nghiệp nước ta. Sau đó, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành các kết luận về đề án: An ninh lương thực quốc gia; Xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới cấp xã; Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam.

Cụ thể hóa chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ đã ra Nghị quyết 24/2008/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 491/QĐ-TTg Về việc ban hành bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Với bộ tiêu chí này, đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước đã có bước đột phá về xây dựng nông thôn mới. Qua đó, nông thôn mới được thể hiện như một vùng sinh thái hoàn chỉnh, một địa bàn cùng với nông nghiệp và nông dân có vị trí chiến lược và sinh động - hiện đại trên cơ sở kế thừa và phát triển những yếu tố, bản sắc văn hóa nông thôn truyền thống Việt Nam. Bộ tiêu chí với các tiêu chuẩn cụ thể (định lượng) của 19 tiêu chí. Trên cơ sở đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khẩn trương phối hợp cùng nhiều bộ ngành liên quan dự thảo Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quyết định số 800/QĐ-TTG, ngày 04-6-2010.

Từ Chương trình mục tiêu quốc gia, từng tỉnh, huyện, xã chủ động xây dựng chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới cho phù hợp. Chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới được triển khai, thực sự là phong trào rộng lớn nhất từ trước đến nay về xây dựng nông thôn ở nước ta.

Sau 5 năm thực hiện, Chương trình đã đạt được những kết quả to lớn, bộ mặt nông thôn đã đổi thay tích cực, phong trào xây dựng nông thôn mới đã được người dân hưởng ứng và trở thành phong trào rộng khắp cả nước. Năng lực đội ngũ cán bộ vận hành chương trình, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cơ sở, đã được nâng lên rõ rệt, nhận thức đầy đủ hơn và tổ chức thực hiện chương trình có hiệu quả hơn, nhất là trong việc xây dựng dự án, vận động quần chúng và tổ chức, thực hiện dự án. Hệ thống hạ tầng nông thôn phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng nông thôn. Điều kiện sống cả về vật chất và tinh thần của nhiều khu vực dân cư nông thôn được nâng cao rõ rệt.

Sản xuất nông nghiệp hàng hóa được coi trọng và có chuyển biến, góp phần tích cực nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn. Vai trò của các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể ở nhiều nơi được phát huy, dân chủ ở nông thôn được nâng lên về chất.

Tính đến hết tháng 11-2015, cả nước có 1.298 xã (14,5%) được công nhận đạt chuẩn NTM; số tiêu chí bình quân/xã là 12,9 tiêu chí (tăng 8,2 tiêu chí so với 2010); số xã khó khăn nhưng nỗ lực vươn lên (xuất phát điểm dưới 3 tiêu chí, nay đã đạt được 10 tiêu chí trở lên) là 183 xã.

Ở cấp huyện, đã có 11 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định công nhận đạt chuẩn NTM là: Huyện Xuân Lộc, Thống Nhất, thị xã Long Khánh (Đồng Nai); Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh); Đông Triều (Quảng Ninh); Hải Hậu (Nam Định); Đơn Dương (Lâm Đồng), Đan Phượng (TP Hà Nội); thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang). Mức thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn đã đạt 24,4 triệu đồng/năm (tăng khoảng 1,9 lần so với năm 2010)(5).

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới, nổi lên một số khó khăn, bất cập: Nhận thức của một số bộ phận cán bộ và người dân về nông thôn mới còn chưa đúng và chưa đầy đủ; hệ thống cơ chế chính sách chưa thực sự đồng bộ, chậm sửa đổi, bổ sung (Luật ngân sách, Nghị định 61 về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, Nghị định 42 về bảo vệ đất lúa; các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành về các tiêu chí…); công tác điều phối Chương trình còn nhiều lúng túng, một số nơi phó mặc cho ngành nông nghiệp; năng lực cán bộ cơ sở còn hạn chế, thiếu một số kỹ năng cơ bản để triển khai Chương trình hiệu quả; huy động nguồn lực (nhất là nguồn ngân sách trung ương) cho Chương trình chưa tương xứng với mục tiêu; chưa có cơ chế lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn trên cùng địa bàn.

Do những tồn tại, bất cập trên, kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền có sự chênh lệch lớn. Trong khi số xã đạt chuẩn ở vùng Đông Nam Bộ đạt 46,4%, cao nhất cả nước, tiếp đến là vùng đồng bằng sông Hồng với 42,8%; đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và miền núi phía Bắc chỉ đạt lần lượt là 16,7%; 13,2% và 8,2%. Đáng lưu ý, trong 19 tiêu chí thì môi trường đang là vấn đề nhiều hạn chế nhất ở tất cả các vùng miền. Một số địa phương có biểu hiện chạy theo thành tích; huy động quá sức dân hoặc nợ đọng xây dựng cơ bản không có khả năng thanh toán. Số nợ đọng của 35/41 tỉnh, thành có báo cáo là 8.600 tỷ đồng(6).

Một trong nguyên nhân của tình trạng trên là ở sự hạn chế, yếu kém trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của một số cấp, ngành địa phương. Đó là nhận thức của một bộ phận cán bộ và nhân dân về chương trình nông thôn mới còn hạn chế; một số cấp ủy, chính quyền thiếu quyết liệt, có nơi quá nôn nóng, chạy theo thành tích… Mặt khác, trong khi cơ chế chính sách có chỗ còn chưa phù hợp, thì nguồn vốn ngân sách hỗ trợ thực hiện chương trình còn thấp (chỉ khoảng 12%). Mặc dù Chính phủ và Quốc hội đã tăng thêm nguồn trái phiếu cho chương trình, nhưng vốn ngân sách trung ương hỗ trợ trực tiếp vẫn rất thấp, chỉ khoảng 1,9%; chưa đáp ứng nhu cầu bức thiết của các địa phương(7).

Do vậy, để tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới cần tập rung thực hiện tốt một số nọi dung sau:

- Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền vận động toàn dân, hay động cả hệ thống chính trị tham gia xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh công tác tập huấn đội ngũ cán bộ tham gia xây dựng nông thôn mới.

- Chỉ đạo, rà soát, nâng cao chất lượng quy hoạch và lập đề án xây dựng nông thôn mới ở cấp xã; tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất; tiếp tục phát triển giáo dục, y tế và đời sống văn hóa ở nông thôn…

- Cần gắn xây dựng nông thôn mới với tái cơ cấu nông nghiệp và thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phải thực sự phát huy vai trò chủ thể của người dân.

- Thực hiện các cách thức huy động và sử dụng các nguồn lực phù hợp với thực tế. Lồng ghép sử dụng có hiệu quả sự hỗ trợ ngân sách của Nhà nước và các nguồn lực đa dạng; việc huy động, đóng góp của người dân phải được thực hiện trên cơ sở thực sự tự nguyện, bàn bạc dân chủ, không gượng ép quá sức dân.

- Tăng cường sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên sâu sát, cụ thể và quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, sự tham gia tích cực và phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể. Trong chỉ đạo, cấp ủy địa phương cần lựa chọn nội dung, nhiệm vụ ưu tiên, vận dụng sáng tạo cơ chế chính sách, cách làm làm phù hợp với điều kiện của địa phương.

- Củng cố, kiện toàn hệ thống ban chỉ đạo bảo đảm hiệu quả thiết thực; xây dựng bộ máy giúp việc ban chỉ đạo đủ năng lực, chuyên nghiệp, sát thực.

__________________

(1) Hồ Chí Minh:Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.94-95, 100-101.

(2) ĐCSVN: Cương lĩnh và chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1930 đến nay, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.61.

(3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.63.

 (4) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.89-90.

(5) Hội nghị toàn quốc tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình nông thôn mới giai đoạn 2010-2015: Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới, (08/12/2015), http://nongthonmoi.gov.vn

 (6) (7) Anh Phương: Xây dựng Nông thôn mới, nợ đọng của 35/41 tỉnh thành là 8.600 tỷ đồng, http://www.sggp.org.vn, ngày 13/4/2016

ThS Nguyễn Thị Ngân

Trường Đào tạo Cán bộ Lê Hồng Phong TP Hà Nội

ThS Nguyễn Xuân Thành

Trường Chính trị tỉnh Điện Biên

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền