Trang chủ    Thực tiễn     Cán bộ hậu cần quân đội học tập và rèn luyện theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Thứ tư, 04 Tháng 5 2016 14:47
8415 Lượt xem

Cán bộ hậu cần quân đội học tập và rèn luyện theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

(LLCT) - Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn quân đã và đang đi vào chiều sâu, đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị. Đối với cán bộ hậu cần quân đội, rèn luyện đạo đức theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, là một yêu cầu tự thân để đáp ứng yêu cầu xây dựng Ngành hậu cần quân đội chính quy, hiện đại.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm xây dựng đạo đức cách mạng, luôn coi đạo đức là gốc của mỗi người: “Cũng như sông có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”(1). Đạo đức là nền cho tài năng nảy nở và phát triển; tài năng của mỗi người khác nhau, nhưng mọi người đều là cao thượng nếu giữ được đức tốt, “Nói tóm tắt, thì đạo đức cách mạng là: quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điểm chủ chốt nhất”(2).

Đạo đức cách mạng của người cán bộ quân đội không phải là cái gì chung chung trừu tượng, mà được biểu hiện ra một cách cụ thể, rõ ràng qua các hành vi ứng xử, giải quyết các mối quan hệ trong hoạt động học tập, công tác, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, lao động sản xuất.

Đối với cán bộ hậu cần quân đội, ngay trong thư gửi Lớp huấn luyện cán bộ cung cấp đầu tiên, Người ân cần căn dặn: “Nhiệm vụ chính của cán bộ cung cấp là phụng sự đại đa số của bộ đội, tức là người binh nhì, phải thương yêu săn sóc người binh nhì. Cán bộ cung cấp như là người mẹ, người chị của người binh nhì”(3). Bác đặc biệt nhấn mạnh: “Cán bộ cung cấp càng phải làm kiểu mẫu cần, kiệm, liêm, chính… cần phải thực hành kiểm tra, phê bình và tự phê bình”(4).

Thấm nhuần lời dạy của Người, lớp lớp các thế hệ cán bộ ngành hậu cần quân đội đã quán triệt sâu sắc tư tưởng, đạo đức cách mạng, vượt qua khó khăn, gian khổ, hy sinh hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần to lớn vào thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giành độc lập cho dân tộc, thốn nhất đất nước và đi lên chủ nghĩa xã hội.

Để tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thấm sâu vào hoạt động hậu cần quân đội, ngày 14­-3­-1995 Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã Chỉ thị phát động phong trào thi đua Ngành hậu cần quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy. Phong trào thi đua đã thực sự trở thành hoạt động chính trị quan trọng, sâu rộng, góp phần rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ hậu cần các cấp trong quân đội.

Về đạo đức, lối sống, cán bộ hâu cần luôn giữ được phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp; chủ động, tích cực trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ: “Cơ bản đội ngũ cán bộ… đã nêu cao vai trò trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ; có chuyển biến rõ rệt về đạo đức, lối sống, khắc phục có hiệu quả những biểu hiện chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, gia trưởng”. Vì vậy, chất lượng công tác hậu cần từng bước được nâng lên: “đã tích cực thực hành tiết kiệm…khai thác hiệu quả vũ khí, trang bị kỹ thuật, cơ sở vật chất, quân lương, quân trang, bảo đảm kịp thời cho nhiệm vụ huấn luyện, chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu”(5). Trong mọi lúc, mọi nơi, trong mọi nhiệm vụ, người cán bộ hậu cần luôn thể hiện rõ phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, tự lực trong công việc, sâu sát với bộ đội, thích ứng với phương thức bảo đảm hậu cần trong nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; chủ động trong chỉ đạo tổ chức kế hoạch khai thác, tạo nguồn, xây dựng cơ sở hạ tầng hậu cần khu vực phòng thủ.

Những phẩm chất đạo đức ấy của cán bộ hậu cần quân đội không phải ngẫu nhiên mà có, mà phải trải qua học tập rèn luyện thường xuyên, bền bỉ, như lời dạy của Bác: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”(6).

Nhằm phát huy truyên thống vẻ vang, những kết quả đạt được, đáp ứng yêu cầu xây dựng ngành hậu cần quân đội chính quy, hiện đại, đội ngũ cán bộ hậu cần  tiếp tục nỗ lực học tập, rèn luyện theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; các cấp ủy Đảng cần quan tâm đề ra những chủ trương, biện pháp, tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ này, trước hết cần tập trung thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, đẩy mạnh công tác giáo dục, rèn luyện đạo đức cán bộ hậu cần quân đội theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu nhằm tạo nên nhận thức đúng về vai trò của đạo đức đối với mỗi cán bộ hậu cần. Nội dung đẩy mạnh công tác giáo dục, rèn luyện đạo đức cán bộ hậu cần quân đội theo tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay cần tập trung chủ yếu vào giáo dục, rèn luyện những giá trị đạo đức đặc trưng của người cán bộ quân đội là “trung với nước, hiếu với dân”, đức “liêm”, đức “kiệm”, tinh thần phục vụ cao cả, thương yêu bộ đội như là “người mẹ, người chị”. Trong giáo dục cần “Chú trọng cả phẩm chất đạo đức và kiến thức, cả lý luận và thực tiễn; bồi dưỡng kiến thức cơ bản và kỹ năng thực hành... chuyên môn nghiệp vụ, phong cách lãnh đạo”(7). Giáo dục toàn diện, giúp người cán bộ hậu cần có đủ khả năng phát triển tư duy khoa học, tạo cơ sở nền tảng để nhận thức, giữ vững đạo đức cách mạng góp phần khắc phục biểu hiện chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng.

Để công tác giáo dục, rèn luyện đạo đức đạt hiệu quả, phải vận dụng tổng hợp nhiều phương pháp, nhưng cần vận dụng những phương pháp cơ bản mà chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ là: Phương pháp thuyết phục, phương pháp nêu gương, phương pháp phê bình và tự phê bình. Mỗi phương pháp trên có vị trí, vai trò khác nhau nhưng có quan hệ biện chứng với nhau cùng tác động tổng hợp góp phần tạo nên nhân cách đạo đức của người cách mạng.

Đối với cán bộ hậu cần, phải đi sâu vận dụng phương pháp nêu gương và phương pháp phê bình và tự phê bình. Vì “Lấy gương tốt việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”(8). Để phương pháp nêu gương thực sự phát huy tác dụng trong giáo dục đạo đức cách mạng ở cơ quan, phân đội hậu cần, đòi hỏi mỗi cán bộ hậu cần phải làm gương trước quần chúng, cấp trên phải làm gương cho cấp dưới, nhất là cán bộ chủ trì. Việc làm gương của cán bộ hậu cần phải toàn diện, từ việc nhỏ đến việc lớn, trong mọi lúc, mọi nơi. Đồng thời, phải thể hiện bằng hành động, tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho cán bộ, chiến sĩ nhân viện cấp dưới bằng hành động cụ thể như: quản lý, sử dụng có hiệu quả vật chất, tài chính, trang bị hậu cần; kiên quyết phê bình, xử lý những biểu hiện tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, đơn vị. Đây là phương pháp cơ bản để xây dựng đạo đức cách mạng cho người cán bộ hậu cần.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn: con người không phải là thần thánh, vì thế trong hoạt động của mình việc mắc sai lầm, khuyết điểm là lẽ bình thường, vấn đề là: “Chúng ta không sợ có khuyết điểm, chúng ta chỉ sợ không có quyết tâm sửa đổi”(9). Ở cơ quan, đơn vị hậu cần, để tự phê bình và phê bình có chất lượng nhằm nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ hậu cần, nhất thiết phải thực hành dân chủ rộng rãi, phát huy vai trò tích cực của quần chúng; vai trò của mọi cán bộ, đảng viên thẳng thắn góp ý xây dựng đôi ngũ cán bộ hậu cần. Thực hành phê bình và tự phê bình luôn phải xuất phát từ lợi ích chung của Đảng của quân đội và của ngành hậu cần, phải loại trừ được động cơ lợi ích cá nhân, dẫn đến bao che cho nhau “xử lý nội bộ” hoặc ngược lại, lợi dụng phê bình để “thanh trừ” lẫn nhau. Kết quả của tự phê bình và phê bình phải tích cực góp phần, nâng cao đạo đức cách mạng, ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, ăn chặn, ăn bớt tiêu chuẩn của bộ đội.

Hai là, nâng cao chất lượng tự giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ hậu cần các cấp trong quân đội

Phẩm chất đạo đức là giá trị riêng có của từng người, là kết quả của quá trình phấn đấu rèn luyện lâu dài gian khổ của mỗi cán bộ. Phát huy vai trò tích cực, chủ động của người cán bộ trong quá trình giáo dục, rèn luyện đạo đức, biến quá trình giáo dục thành quá trình tự giáo dục có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Khi đó, hiệu quả giáo dục sẽ cao hơn, chắc chắn hơn. Bởi vì, xét đến cùng thì bao giờ việc tu dưỡng đạo đức của người đảng viên cũng là do ý thức chủ động tự giác của từng người quyết định.

Thực tiễn thực hiện nhiệm vụ bảo đảm hậu cần ở các đơn vị trong toàn quân luôn vận động biến đổi theo yêu cầu xây dựng quân đội trong tình hình mới. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, người cán bộ hậu cần phải tự mình vươn lên, nhất là tự giáo dục, rèn luyện đạo đức để phát triển và hoàn thiện nhân cách cán bộ hậu cần.

Trong những năm qua, công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức ở các đơn vị hậu cần đã được Tổng cục Chính trị và Tổng cục Hậu cần phối hợp thực hiện tốt. Ngoài những nội dung chương trình do Tổng cục Chính trị quy định, Tổng cục Hậu cần đã chủ động biên soạn những tài liệu chuyên đề về giáo dục truyền thống, giáo dục phẩm chất đạo đức của người làm công tác hậu cần theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, hoạt động tự giáo dục đạo đức của cán bộ hậu cần chưa được quan tâm toàn diện, đúng mức, còn biểu hiện hình thức. Nghĩa là, người cán bộ hậu cần mới chỉ được xác định là đối tượng của giáo dục. Tự giáo dục đạo đức mới chỉ thấy ở ý thức của cán bộ hậu cần, chưa thấy biểu hiện nhiều ở hoạt động thực tiễn. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến đạo đức, lối sống của một số cán bộ hậu cần còn hạn chế.

Để tự giáo dục đạo đức đạt kết quả tốt, người cán bộ hậu cần phải được giáo dục, bảo đảm hoạt động tự giáo dục đạo đức đúng định hướng, có cơ sở khoa học. Họ phải xây dựng cho mình lòng tin vào bản thân, vào khả năng tự học, tự rèn luyện, tự vượt qua mọi sự cám dỗ, lôi kéo, mua chuộc của các lực lượng từ môi trường bên ngoài và sự trỗi dậy của chủ nghĩa cá nhân từ bên trong, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Biến tự giáo dục đạo đức thành hoạt động tự giác trong cuộc sống và công tác hậu cần, trong đó “tự giáo dục mình thành người cộng sản”(10)là yêu cầu không thể thiếu của người cán bộ hậu cần quân đội.

Để tự giáo dục tốt, cán bộ hậu cần cần phải lập kế hoạch tự giáo dục, đặt ra mục đích phấn đấu rèn luyện trong từng thời gian phù hợp với bản thân và điều kiện của đơn vị. Vận dụng các phương pháp tự thuyết phục, tự rèn luyện, tự kiềm chế, tự điều chỉnh, tự phê bình. Nêu cao tinh thần tự tu dưỡng về đạo đức lối sống, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, chấp hành nghiêm túc điều lệ Đảng, pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội, gương mẫu gìn giữ phẩm chất người cán bộ.

Ba là, phát huy vai trò của các cấp ủy Đảng, cơ quan chức năng trong rèn luyện đạo đức của cán bộ hậu cần quân đội

Tổ chức Đảng, trực tiếp là chi ủy, chi bộ, đảng bộ cơ sở có vai trò đặc biệt quan trọng góp phần giáo dục, rèn luyện đạo đức cán bộ hậu cần quân đội. Vì vậy, tổ chức Đảng các cấp cần xây dựng chủ trương, biện pháp lãnh đạo giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cả đội ngũ cán bộ tại đơn vị nói chung và đối với cán bộ hậu cần nói riêng. Trong đó, cần xác định rõ tiêu chuẩn rèn luyện đạo đức của cán bộ hậu cần theo Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Xây dựng và tổ chức thực hiện tốt chương trình hành động của tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị; chương trình tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ hậu cần. Lấy kết quả học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một trong những tiêu chuẩn đánh giá, bình xét, phân loại đảng viên hằng năm. Thông qua đó, tạo ra môi trường thuận lợi để người cán bộ hậu cần phấn đấu vươn lên.

Cơ quan quản lý cán bộ các cấp có vai trò quan trọng trong rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ hậu cần. Do đó, cơ quan cán bộ cần làm tốt công tác tham mưu cho các cấp ủy Đảng có biện pháp quản lý chặt chẽ cán bộ hậu cần về nhận thức, tư tưởng, đạo đức, lối sống và các mối quan hệ. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, luân chuyển đảm nhiệm chức trách thực quyền tại đơn vị để thử thách, rèn luyện đạo đức cách mạng ở người cán bộ hậu cần. Việc bố trí và sử dụng cán bộ phải đúng lúc, đúng người, đúng việc,để tạo động lực kích thích cán bộ hậu cần tích cực, tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng. Đánh giá cán bộ hậu cần nhất thiết phải do tập thể cấp uỷ công khai đánh giá và kết luận, không được lấy ý kiến của người chỉ huy để áp đặt, lấn át cấp uỷ. Trong quá trình thực hiện, các cấp ủy Đảng cần lắng nghe ý kiến của cấp trên, cấp dưới, đồng cấp, đồng nghiệp, quần chúng. Thực hiện đúng quy chế, quy định về đánh giá cán bộ, trên tinh thần khách quan và toàn diện. Đánh giá đúng năng lực, phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ hậu cần tạo cho họ một niềm tin, phấn khởi, kích thích họ tự phấn đấu rèn luyện đạo đức, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Rèn luyện đạo đức cán bộ hậu cần quân đội theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là nhiệm vụ chính trị quan trong, đã và đang được các cấp ủy Đảng trong Quân đội tổ chức thực hiện có hiệu quả. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm hậu cần quân đội trong tình hình mới, đòi hỏi người cán bộ hậu cần phải tự giác rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, vượt qua mọi cám dỗ về vật chất, sẵn sang nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Thông qua đó, góp phần xây dựng ngành hậu cần quân đội vững mạnh, chính quy, hiện đại, trước hết là vững mạnh về chính trị.

_______________

 (1), (9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.255, 263.

(2), (6) Sđd, t.9, tr.285, 293

(3), (4), t.6, tr.296, 297

(5) Quân đội Nhân dân Việt Nam, Tổng cục Chính trị: Thông báo số 62/TB-CT ngày 9-1-2015 về Kết quả học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh – Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” năm 2014; phương hướng, nhiệm vụ năm 2015

(7) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương  khoá VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.84.

(8) Hồ Chí Minh:toàn tập, Sđd, t.12, tr.558.

(10) V.I.Lênin: Toàn tập, t.41, Nxb Tiến bộ, Maxcơva, 1978, tr. 60

                                                       Đại úy, ThS Đỗ Anh Vinh

                                                           Học viện Hậu cần – Bộ Quốc phòng

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền