Trang chủ    Thực tiễn    Phát triển đô thị trong điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Thứ hai, 19 Tháng 9 2016 16:02
5009 Lượt xem

Phát triển đô thị trong điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa

(LLCT) - Trong thời kỳ đổi mới, kinh tế phát triển, đô thị hóa nhanh, ra đời nhiều thành phố trực thuộc tỉnh. Cho đến tháng 12-2013, Việt Nam đã có khoảng 770 đô thị, với tỷ lệ đô thị hóa đạt hơn 33%, có nghĩa là khoảng 30 triệu người dân Việt Nam đang sống tại khu vực đô thị. Trung bình mỗi tháng Việt Nam lại có thêm một đô thị mới.Sự phát triển và quản lý đô thị tuy có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn ở tình trạng thiếu kiểm soát và bền vững,làm nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội.

1. Phát triển đô thị ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay

Trước năm 1986, Việt Nam có 3 thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh và 11 thành phố trực thuộc tỉnh: Thái Nguyên, Việt Trì, Nam Định,  Vinh, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Biên Hòa, Cần Thơ và Mỹ Tho.

Trong thời kỳ đổi mới, kinh tế phát triển, đô thị hóa nhanh, ra đời nhiều thành phố trực thuộc tỉnh(1). Cho đến tháng 12-2013, Việt Nam đã có khoảng 770 đô thị, với tỷ lệ đô thị hóa đạt hơn 33%, có nghĩa là khoảng 30 triệu người dân Việt Nam đang sống tại khu vực đô thị. Trung bình mỗi tháng Việt Nam lại có thêm một đô thị mới(2).

Từ khi đổi mới đến nay, hệ thống đô thị Việt Nam đã có sựphát triển nhanh cả về số lượng lẫn chất lượng. Nhiều đô thị cũ được cải tạo, nâng cấp, phát triển mở rộng về diện tích đất đai, quy mô dân số. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật như đường sá, cầu cống, cấp điện, cấp nước, vệ sinh môi trường...được đầu tư xây mới, nâng cấp. Quy hoạch, kiến trúc đô thị được quan tâm và quản lý. Mạng lưới đô thị cả nước đã được xây dựng và phân bố tương đối hợp lý trên các vùng lãnh thổ. Trong mỗi vùng đều có các đô thị hạt nhân đóng vai trò là cực tăng trưởng thúc đẩy sự phát triển của vùng. Việc phát triển đô thị ngày càng được quản lý một cách chủ động, chặt chẽ, có định hướng, chiến lược rõ ràng lâu dài, bền vững. Căn cứ vào quy định hiện hành và kết quả phát triển của đô thị, hệ thống đô thị Việt Nam hiện nay có 6 cấp từ loại đặc biệt đến loại I, II, III, IV, V. Quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến 2025 tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng phê duyệt ngày 7-4-2009, sau đó là Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012 - 2010 xác định đến năm 2020 tại Quyết định số 10/1998/QĐ-TTg ngày 23-1-1998 của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 7-4-2009, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định phê duyệt điều chỉnh định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định rõ đến năm 2015, “tổng số đô thị cả nước đạt khoảng 870 đô thị, trong đó, đô thị đặc biệt là 2 đô thị; loại I là 9 đô thị, loại II là 23 đô thị, loại III là 65 đô thị, loại IV là 79 đô thị và loại V là 687 đô thị”. Đến năm 2025, “tổng số đô thị cả nước khoảng 1.000 đô thị, trong đó đô thị từ loại I đến đặc biệt là 17 đô thị, đô thị loại II là 20 đô thị; đô thị loại III là 81 đô thị; loại IV là 122 đô thị, còn lại là các đô thị loại V”. 

2. Ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế - xã hội do thụ động chia tách, sáp nhập khu vực nông thôn phụ cận để mở rộng đô thị

Sự phát triển và quản lý đô thị tuy có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn ở tình trạng thiếu kiểm soát và bền vững,làm nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội.

Do sự phát triển nóng, quá tập trung vào một số vùng kinh tế trọng điểm và đô thị lớn cũng như việc thiếu mô hình, cơ chế,chính sách quản lý phát triển các vùng đô thị hóa dẫn đến sự phát triển mất cân đối giữa các vùng, giữa đô thị và nông thôn, giữa phát triển và bảo vệ môi trường. Tình hình đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển cân đối,hài hòa giữa các vùng, khu vực, phá vỡ các quy hoạch về giao thông, sử dụng đất... cũng như quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Dân cư sống ở thành thị tăng đột biến với mật độ dày đặc,gây mất cân đối giữa thành thị và nông thôn, đồng thời đặt ra những vấn đề nan giải về giải quyết công ăn việc làm, thất nghiệp, nhà ở và tệ nạn xã hội làm cho trật tự xã hội ven đô ngày càng thêm phức tạp. Nhiều nghiên cứu cho thấy, người di cư nông thôn chiếm tới 1/3 dân số của TP. Hồ Chí Minh và 1/10 dân số của Hà Nội và làn sóng này vẫn đang tiếp tục. Dự kiến dân số đô thị của Hà Nội đến năm 2020 vào khoảng 8 - 8,5 triệu người; còn với TP Hồ Chí Minh đến năm 2025 là khoảng 16-17 triệu người.

Đói nghèo, an toàn xã hội là vấn đề đặt ra trong quá trình đô thị hóa. Người dân đô thị cần có trình độ học vấn,tay nghề cao để tiếp cận khoa học-công nghệ,đáp ứng nhu cầu sửdụng lao động. Thực tế cho thấy,ở các đô thị và các vùng ven đô,những người thất nghiệpchủ yếu là những lao động trẻ không có tay nghề, di cư từ khu vực nông thôn vàothành thị tìm công việc giản đơn trong các khu công nghiệpở gần thành thị, một số khác phải tìm kiếm công việc trong nội thị với thu nhập ít ỏivà thường không ổn định. Tại các thành phố lớn có các khu công nghiệp có các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài, tỷ lệ lao động ngoại tỉnh cũng chiếm đa số thậm chí lên tới 70-80%. Vấn đề đói nghèo và thất nghiệp, an toàn xã hội đáng lo ngại. Do thất nghiệp, lại phải chịu nhiều sức ép và sự cám dỗ của cuộc sống đô thị, các quan hệ cá nhân đa dạng, phức tạp nhưng lại thiếu các thiết chế gia đình, anh em, bạn bè bền vững, nên số lao động di cư này dễ nảy sinh những bất đồng và có những hành động thiếu kiềm chế, dễ sa vào các tệ nạn xã hội. Đây thực sự là một thách thức đối với việc phát triển xã hội đô thị công bằng, ổn định và văn minh.

Nhìn chung, hầu hết ở các đô thị hiện nay đều xảy ra tình trạng thiếu nhà ở. Đặc biệt là dân nghèo đô thị và những người mới nhập cư. Thống kê của UNFPA cho thấy, hiện 25% cư dân thành thị Việt Nam không đủ tiền để mua nhà ở, 20% nhà ở thành thị bị xếp vào loại không đạt tiêu chuẩn, TP Hồ Chí Minh còn có 300 nghìnngười sống trong các nhà ổ chuột, 30% dân số Hà Nội phải sống trong môi trường chật chội với diện tích ở không quá 3m2/người. Vì thế,một số người đã bất chấp những quy định về quản lý đô thị, tự ý san lấp, lấn chiếmđể xây nhà một cách tạm bợ, tuỳ tiện không theo quy hoạch gây ảnh hưởng đến mỹ quan của các đô thị, tình trạng hỗn độn, tối tăm, chật chội, gây khó khăn cho công tác quản lý trật tự an toàn xã hội.

Giao thông đô thị cũng bị ảnh hưởng lớn bởi quá trình đô thị hóa tự phát. Dân số đô thị tăng nhanh, nhu cầu đi lại, làm ăn gấp gáp nên số lượng các phương tiên giao thông cá nhân và sự lưu thông của các phương tiện này trên đường là rất lớn, dẫn tới nạn ách tắc giao thông, tai nạn xảy ra thường xuyên, gây ra những thiệt hại rất lớn về người và kinh tế.

Vấn đề ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước tại các đô thị cũng hết sức gay gắt. Việc chiếm dụng đất côngvà xây dựng trái phép diễn ra làm cản trở đến việc tiêu, thoát nước. Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng không đáp ứng đủ, giao thông tắc nghẽn, nguồn nước ngầm và các dòng sông bị đe dọa nhiễm bẩn nghiêm trọng vì chất thải, không khí ngày càng ô nhiễm nặng nề. Nhiều nghiên cứu gần đây(3)cho thấy, chất lượng không khí tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thuộc vào loại tồi nhất khu vực. Phần lớn hệ thống nước thải không được xử lý, khối lượng chất thải rắn đang gia tăng nhanh chóng và chỉ có một phần nhỏ lượng chất thải công nghiệp nguy hại được xử lý an toàn.

Sự phát triển nóng của các đô thị không chỉ tạo ra các ảnh hưởng tiêu cực về kinh tế - xã hội mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới đội ngũ cán bộ, công chức, làm tha hóa một bộ phận cán bộ, công chức.

3. Một số công việc cần làm trong quản lý, phát triển hệ thống đô thị nhằm hạn chế bất ổn kinh tế - xã hội, tạo điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Trong chiến lược phát triển đô thị của Ngân hàng Thế giới có đề ra các tiêu chí: thứ nhất là an cư - làm thế nào để sống tốt; thứ hai là tính cạnh tranh - đô thị có khả năng cạnh tranh với các đô thị trong khu vực và quốc tế; thứ ba là quản trị tốt; thứ tư là tài chính vững chắc. Căn cứ vào tình hình và chủ trương của Nhà nước đối với phát triển đô thị của Việt Nam, tham khảo các tiêu chí trong chiến lược phát triển đô thị của Ngân hàng thế giới, để việc phát triển hệ thống đô thị diễn ra một cách hài hòa trong mối quan hệ vừa là điều kiện vừa là kết quả của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong thời gian tới cần làm tốt những việc sau đây.

- Việc phát triển đô thị cần phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, vùng, miền, góp phần bảo đảm sự quản lý ổn định, thống nhất.

Quá trình đô thị hóa trước hết phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của từng vùng, miền, phục vụ mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đồng thời, cũng phải bám sát định hướng phát triển hệ thống đô thị quốc gia bao gồm tổ chức hạ tầng kỹ thuật đô thị quốc gia, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, giữ gìn cân bằng sinh thái, định hướng về kiến trúc cảnh quan đô thị, bảo đảm thực hiện mục tiêu đã được đề ra trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050(4)là:“Từng bước xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đô thị Việt Nam phát triển theo mô hình mạng lưới đô thị; có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phù hợp, đồng bộ, hiện đại; có môi trường và chất lượng sống đô thị tốt; có nền kiến trúc đô thị tiên tiến, giàu bản sắc; có vị thế xứng đáng, có tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế xã hội quốc gia, khu vực và quốc tế, góp phần thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng xã hội chủ nghĩa và bảo vệ Tổ quốc”.

Với định hướng Quy hoạch như trên, việc xác lập đơn vị hành chính đô thị trong thời gian tới, ít nhất có 2 vấn đề rất đáng lưu ý là: (1) Việc xác lập đơn vị hành chính đô thị có thể không nhất thiết phải theo trình tự thông thường là thành lập thị trấn, thúc đẩy đô thị hóa, mở rộng địa giới hành chính để nâng cấp đơn vị hành chính thành thị xã, nâng loại đô thị (loại III) để thành lập thành phố, mà có thể căn cứ định hướng Quy hoạch để thành lập các thành phố công nghiệp, chẳng hạn như Chu Lai, Dung Quất, Nghi Sơn...hoặc thành phố biển Phú Quốc, Côn đảo...; (2) Không nhất thiết phải nâng cấp một tỉnh trở thành một thành phố trực thuộc Trung ương (như kế hoạch của tỉnh Thừa Thiên - Huế) vì như vậy sẽ dẫn đến 2 thành phố trực thuộc Trung ương liền kề nhau; hơn nữa, nếu như vậy thành phố Huế hiện thời phải trở thành mộtquận hoặc được phân chia thành các quận, sẽ khó khăn cho việc quy hoạch phát triển một thành phố văn hóa, du lịch vốn có truyền thống và thương hiệu. 

- Việc phát triển đô thị phải góp phần tạo động lực thúc đẩy sự phát triển cân đối, hài hòa của các vùng lãnh thổ.

Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, các đơn vị hành chính lãnh thổ của đất nước có điều kiện thuận lợi sẽ phát triển nhanh hơn,làm cho mức độ phân hóa giữa các đơn vị hành chính, các vùng, miền ngày càng sâu sắc. Hệ thống đô thị - trung tâm vẫn chưa hình thành đều khắp các vùng. Thế cân bằng chiến lược giữa 3 vùng Bắc - Trung - Nam chậm được hình thành, khu vực miền Trung vẫn chưa có nhiều trung tâm kinh tế lớn cân đối với các vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc và miền Nam. Ở miền núi, trung du và hải đảo còn thiếu các đô thị - trung tâm là cực tăng trưởng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của vùng đó.

Do đó, việc xác lập đơn vị hành chính đô thịphải góp phần tạo động lực thúc đẩy sự phát triển cân đối, hài hòa của các vùng lãnh thổ, chú trọng xây dựng một hệ thống đô thị hoàn chỉnh trong cả nước, phát triển hợp lý trên địa bàn cả nước, từng vùng, miền, khu vực lãnh thổ... từ đó, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Mạng lưới đô thị cả nước được hình thành và phát triển trên cơ sở các đô thị trung tâm và được phân theo các cấp, được phân bố hợp lý trên cơ sở 6 vùng kinh tế - xã hội quốc gia là: trung du và miền núi phía Bắc; đồng bằng sông Hồng; Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung; Tây Nguyên, Đông Nam Bộ; đồng bằng sông Cửu Long và khác nhau về quy mô, vai trò.

Mặt khác, giữa các đô thị cần có sự liên kết hợp lý, hỗ trợ nhằm khai thác tốt các tiềm năng và thế mạnh của mỗi một vùng, miền. Sự liên kết và hòa nhập giữa các đô thị trên cơ sở các bên cùng có lợi sẽ góp phần phát huy các thế mạnh của từng đô thị để phát triển hài hòa, hiệu quả và bền vững, khai thác triệt để các lợi thế, tiềm năng của tất cả các vùng, liên kết hỗ trợ nhau làm cho các vùng cùng phát triển.

- Phát triển đô thị cần phải dựa trên cơ sở kết hợp giữa cải tạo và xây dựng mới các đô thị; giữa đẩy mạnh đô thị hóa nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Thực tế cho thấy trong thời gian qua, hệ thống các đô thị Việt Nam phát triển khá nhanh, nhưng về chất lượng vẫn còn nhiều vấn đề bất cập. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị nhìn chung yếu kém, tình trạng thiếu nhà ở khá trầm trọng. Do đó,trong thời gian tới, đối với những đô thị hiện có cần đầu tư phát triển theo hướng cải tạo, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng kỹ thuật như đường sá, giao thông, cấp thoát nước, xử lý rác thải..., cải thiện điều kiện môi trường sống cho người dân đô thị.

Bên cạnh đó, cần chú trọng tạo lập, xây dựng các khu đô thị mới tập trung theo hướng hiện đại, tạo ra được sự chuyển biến rõ rệt trong việc giải quyết nơi ở, nơi làm việc, nghỉ ngơi, đảm bảo cơ sở hạ tầng thiết yếu cho đời sống dân cư đô thị và vệ sinh môi trường. Trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trên địa bàn một số vùng đã hình thành những đô thị và khu công nghiệp mới, giữ vai trò là hạt nhân thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của mỗi vùng. Tuỳ theo vị trí và trình độ phát triển, từng bước xây dựng các đô thị mới đó trở thành các đô thị trung tâm chuyên ngành của một tỉnh hoặc một vùng lãnh thổ.

Bên cạnh đó, cần có những tác động tích cực đến khu vực nông thôn và làm cho khu vực này ngày càng phát triển. Các khu vực nông thôn, nhất là các vùng ven đô, vùng gần trục đường chính nơi có địa bàn cơ động thường có hoạt động dịch vụ, buôn bán, thoát ly khỏi kinh tế nông nghiệp, do tác động của kinh tế thị trường dẫn đến chuyển dịch mạnh cơ cấu ngành nghề, hình thành các thị trấn, thị tứ công nghiệp - dịch vụ và nông nghiệp. Các đô thị này nếu được chú trọng hình thành phát triển sẽ làm điểm tựa để phát triển kinh tế - xã hội các vùng nông thôn, tạo nên nhiều công ăn việc làm cho một bộ phận dân cư, tạo nên nếp sống văn minh đô thị tại khu vực nông thôn. Cùng với đô thị hóa nông thôn, cần phải chú trọng công tác xây dựng nông thôn mới, góp phần làm giảm bớt sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội giữa thành thị và nông thôn. Hạn chế việc di dân từ nông thôn vào các đô thị lớn bằng các biện pháp kinh tế, phát triển ngành nghề trên địa bàn, tạo điều kiện để cư dân không làm nông nghiệp nhưng vẫn sống ở nông thôn.

- Tiến hành đô thị hóa cần phải bảo đảm phát triển bền vững, bảo vệ môi trường; cân đối hài hòa giữa cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Quá trình đô thị hóa ở nhiều nước cũng như ở nước ta hiện nay đang đặt ra những yêu cầu cấp thiết đối với công tác bảo vệ môi trường. Tại các vùng đô thị hóa nhanh, những vành đai xanh như hệ thống công viên, vườn hoa, hồ nước... không được quy hoạch và có biện pháp phát triển, bảo vệ;tài nguyên thiên nhiên sử dụng không hợp lý. Tình trạng ô nhiễm đất, nước và không khí ở một số đô thị, nhất là khu công nghiệp đang ở mức nghiêm trọng. Chính vì vậy, việc xác lập đơn vị hành chính đô thị cần giải quyết hợp lý mối quan hệ giữa tăng trưởng đô thị và bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, phải lồng ghép vấn đề môi trường trong quy hoạch xây dựng đô thị, kiểm soát ô nhiễm và quản lý môi trường đô thị theo hướng bền vững. Quan niệm bền vững ở đây phải xuất phát từ sự tổng hòa phát triển bền vững giữa kinh tế, xã hội, ổn định môi trường sinh thái và bảo đảm cho một tổ chức liên kết không gian chặt chẽ giữa đô thị - nông thôn.

Xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo yêu cầu khai thác, sử dụng và chiến lược phát triển của mỗi đô thị;phải chú trọng các vấn đề như: giao thông đô thị, cấp thoát nước đô thị, xử lý nước thải, rác thải... vàcần đảm bảo đầy đủ, ổn định các vấn đề như nhà ở đô thị; cây xanh đô thị; các công trình giáo dục đào tạo, công trình chăm sóc sức khoẻ, công trình vui chơi giải trí, các cơ sở sinh hoạt văn hóa, mở mang trí tuệ...

- Quá trình đô thị hóa phải đảm bảo tính ổn định, thống nhất, phù hợp với trình độ quản lý của bộ máy chính quyền đô thị; đồng thời đảm bảo củng cố an ninh, quốc phòng và an toàn, trật tự kỷ cương xã hội.

  Việc xác lập đơn vị hành chính đô thị luôn đòi hỏiphải có tầm nhìn dài hạn, hướng tới bảo đảm sự ổn định trong hoạt động quản lý của bộ máy chính quyền địa phương cũng như sự ổn định và phát triển kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia và các vùng lãnh thổ. Việc xác lập địa giới đô thị cũng phải phù hợp với trình độ quản lý cũng như cơ chế quản lý của bộ máy hành chính nhà nước hiện nay. Nếu xác lập đô thị quá nhỏ về diện tích và dân số sẽ dẫn đến bộ máy và chi phí quản lý quá lớn, còn nếu hình thành đô thị quá lớn sẽ vượt quá trình độ, năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ, công chức địa phương dẫn đến không quản lý nổi, dễ gây mất ổn định.

Sự hình thành các đơn vị hành chính ở Việt Nam trong lịch sử luôn gắn với yếu tố quân sự, đảm bảo an ninh, quốc phòng. Các đô thị, nhất là các đô thị ở biên giới, hải đảo phải là những căn cứ vững chắc để bảo vệ biên giới và giữ vững chủ quyền quốc gia.

Để các đô thị thực sự an ninh, việc xác lập đô thị cũng phải tính toán chặt chẽ về các vấn đề như quy mô dân số, vấn đề cư trú và đi lại của dân cư đô thị, vấn đề trật tự giao thông, thông tin liên lạc, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng chống cháy nổ... 

- Phát triển đô thị phải gắn chặt với yêu cầu quản lý tốt đô thị.

Quản lý đô thị là tổng thể các hoạt động nhằm huy động mọi nguồn lực vào công tác quy hoạch, hoạch định các chương trình phát triển và duy trì các hoạt động đó để đạt các mục tiêu phát triển của chính quyền đô thị. Quản lý đô thị phải bảo đảm sự kết hợp hài hòa giữa quản lý hành chính đô thị và quản lý nghiệp vụ trên mọi lĩnh vực ở đô thị  như quản lý kinh tế, tài chính, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, môitrường đất và nhà,quy hoạch xây dựng đô thị.

Thực tế phát triển đô thị trong những năm gần đây cho thấy, nhược điểm lớn nhất Việt Nam đang phải khắc phục là sự yếu kém của quản lý đối với phát triển đô thị. Tại các vùng ven đô, dọc các trục lộ, tình trạng phát triển tự phát các đô thị, không theo quy hoạch và pháp luật là rất phổ biến. Do đó, cần tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong đổi mới chính sách, cơ chế quản lý đô thị. Trước hết cần làm tốt công tác quy hoạch đô thị bao gồm các khâu từ lập, điều chỉnh và xét duyệt quy hoạch, chấm dứt việc phát triển đô thị theo hình thức riêng lẻ, manh mún, tự phát. Tiếp theo đó, cần rà soát, bổ sung và ban hành hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị; hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn về xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị và bảo vệ môi trường, an toàn xã hội, đổi mới cơ chế chính sách trong đó có cơ chế, chính sách quản lý, chính sách tạo vốn, chính sách thu hút đầu tư, quản lý nhà đất, bảo vệ môi trường, cải cách thủ tục hành chính và các chính sách xã hội khác... Đồng thời, từng bước thiết lập trật tự kỷ cương, đảm bảo cho các đô thị xây dựng theo đúng quy hoạch và pháp luật. Xây dựng và tổ chức thực hiện cương quyết quy trình kiểm soát sự phát triển đô thị, tập trung xử lý dứt điểm những tồn tại lịch sử trong quản lý nhà, đất.

Cần tiếp tục kiện toàn các cơ quan chuyên môn về quản lý đô thị của các bộ ngành,đáp ứng yêu cầu công tác quản lý, phát triển đô thị trong tình hình mới. Đẩy mạnh công tác phối hợp của các cơ quan này trong việc nghiên cứu tham mưu cơ chế chính sách trình các cấp có thẩm quyền. Nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý đô thị ở tất cả các cấp.

- Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền trong quá trình phát triển đô thị.

Cùng với các giải pháp đã nêu ở trên, một giải pháp hết sức quan trọng đó là việc tuyên truyền về sự phát triển đô thị. Các hoạt động tuyên truyền cần phải hướng tới nâng cao nhận thức của người dân đô thị về nếp sống văn minh, gia đình văn hóa mới, hạn chế những hành vi xấu làm ảnh hưởng đến lối sống văn minh lịch sự của cư dân đô thị. Hạn chế và quản lý tốt hơn đối với dân nhập cư, góp phần lập lại trật tự xã hội bảo đảm cho việc xây dựng xã hội đô thị ổn định, bền vững.

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2015

(1) Quy Nhơn (1986), Vũng Tàu (1991), Hạ Long (1993), Thanh Hóa (1994), Buôn Ma Thuột (1995), Hải Dương (1997), Long Xuyên, Phan Thiết, Cà Mau, Pleiku, (1999), Lạng Sơn, Yên Bái (2002), Điện Biên Phủ (2003), Lào Cai, Đồng Hới, Thái Bình (2004), Bắc Giang, Rạch Giá, Tuy Hòa, Quảng Ngãi (2005), Bắc Ninh, Hòa Bình, Tam Kỳ, Vĩnh Yên (2006), Cao Lãnh, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Phan Rang - Tháp Chàm, Sóc Trăng (2007), Phủ Lý, Hội An, Móng Cái, Sơn La (2008), Bến Tre, Hưng Yên, Kon Tum, Tân An, Đông Hà, Vĩnh Long (2009), Bạc Liêu, Hà Giang, Vị Thanh, Cam Ranh, Bảo Lộc, Trà Vinh, Tuyên Quang (2010), Uông Bí (2011), Bà Rịa, Thủ Dầu Một, Cao Bằng, Cẩm Phả (2012), Châu Đốc, Sa Đéc, Lai Châu, Tây Ninh (2013).

(2) Cổng thông tin Chính phủ.

(3) Thực trạng ô nhiễm không khí đô thị ở Việt Nam. GS, TSKH Phạm Ngọc Đăng. Cổng thông tin điện tử Tổng cục môi trường. Trên trang mạng có bài viết cho thấy chỉ số chất lượng không khí (Air Quality Index - AQI), trong ngày 26-2, tại Hà Nội đo được là 152, và lên tới 156 vào lúc 18h hôm 27-2, nằm trong ngưỡng báo động (100-200).

(4) Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 07-4-2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050.

 

TS Hà Quang Ngọc

Đại học Nội vụ

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền