Trang chủ    Thực tiễn    Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân
Thứ năm, 29 Tháng 12 2016 09:39
9073 Lượt xem

Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân

(LLCT) - Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 sẽ được tiến hành vào cuối tháng 5-2016; cả nước đang triển khai mạnh mẽ công cuộc đổi mới, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam theo quy định của Hiến pháp năm 2013.

Theo quy định của pháp luật, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có quyền và trách nhiệm tham gia, góp phần bảo đảm để cuộc bầu cử tiến hành được dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật. Nhiệm vụ của Mặt trận trong bầu cử, gồm: Tham gia thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử; Tổ chức các hội nghị hiệp thương; Tổ chức hội nghị cử tri; Tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử; Công tác tuyên truyền; Tổ chức hoạt động giám sát. Bài viết tập trung làm rõ ba nhiệm vụ chính của Mặt trận trong công tác bầu cử.

1. Tổ chức các hội nghị hiệp thương

Cuộc bầu cử diễn ra kể từ ngày Quốc hội công bố ngày bầu cử đến khi có danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH và HĐND, được thực hiện theo quy định của Luật Bầu cử ĐBQH và HĐND, trải qua một quy trình với nhiều bước lựa chọn, giới thiệu người ứng cử, với ba lần hiệp thương bầu cử có đại diện của các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo...

Theo Luật Bầu cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có trọng trách tổ chức hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu những người ứng cử, thể hiện sự dân chủ của quá trình bầu cử.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hiệp thương để lựa chọn, giới thiệu những người ứng cử ĐBQH và HĐND theo một quy trình dân chủ và công khai.

Trước hết, căn cứ vào số lượng đại biểu được bầu trong nhiệm kỳ 2016-2021 theo quy định của Luật Bầu cử, Mặt trận Tổ quốc đề xuất việc phân bổ số lượng cho các cơ cấu được bầu làm ĐBQH của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương để bảo đảm tỷ lệ đại diện hợp lý, của các tầng lớp nhân dân.

Hai là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triệu tập và chủ trì Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng người ứng cử của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị với cơ cấu hợp lý thể hiện cho khối đại đoàn kết toàn dân. Số lượng người được dự kiến giới thiệu ra ứng cử phải nhiều hơn số lượng ĐBQH được bầu để lựa chọn dần đến Hội nghị hiệp thương lần thứ ba quyết định danh sách chính thức.

Ba là, Mặt trận Tổ quốc triệu tập và chủ trì Hội nghị hiệp thương lần thứ hai để thống nhất việc lập danh sách sơ bộ những người ứng cử ĐBQH và HĐND và gửi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú; Hội nghị hiệp thương lần thứ hai căn cứ vào ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi công tác để lập danh sách sơ bộ người ứng cử ĐBQH và HĐND.

Bốn là, tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử ĐBQH. Việc tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú do Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn chủ trì phối hợp với UBND cùng cấp. Ở hội nghị này, cử tri bày tỏ sự tín nhiệm của mình bằng cách biểu quyết, hoặc bằng cách bỏ phiếu kín (do hội nghị cử tri quyết định). Đây cũng là quyền lựa chọn trực tiếp của cử tri. Bước lựa chọn của cử tri nơi công tác và nơi cư trú rất quan trọng, vì cử tri những nơi này là những người sâu sát nhất, có đầy đủ thông tin nhất về đạo đức, phẩm chất chính trị cũng như năng lực và trình độ của người ứng cử.

Năm là, Mặt trận Tổ quốc triệu tập và chủ trì Hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn và lập danh sách những người ứng cử ĐBQH (bao gồm cả những người tự ứng cử). Hội nghị hiệp thương lần thứ ba dựa trên kết quả việc lấy ý kiến và sự tín nhiệm của cử tri nơi công tác, nơi cư trú để lựa chọn và lập danh sách những người ứng cử ĐBQH. Sau đó, Mặt trận Tổ quốc gửi danh sách đó đến Hội đồng bầu cử Quốc gia. Số người trong danh sách ứng cử ở mỗi đơn vị bầu cử nhiều hơn số đại biểu được bầu ở đơn vị đó. Không chấp nhận “bầu tròn” (không có số dư) là một bước tiến quan trọng trong tư duy về quyền lựa chọn của cử tri và của pháp luật về bầu cử.

Qua các hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc cử tri với người ứng cử, người ứng cử tiến hành vận động bầu cử, cử tri căn cứ vào chương trình hành động của từng ứng cử viên để bầu ra những ĐBQH xứng đáng nhất trong số những người ứng cử có tên trong danh sách chính thức.

Như vậy, danh sách những người ứng cử do Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc hiệp thương giới thiệu thể hiện một quy trình lựa chọn, giới thiệu thực sự dân chủ, công khai và chặt chẽ dựa trên ý kiến, nguyện vọng của cử tri, của nhân dân.

2. Tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử

Trong vận động bầu cử, Mặt trận Tổ quốc có vai trò, trách nhiệm rất quan trọng, đó là tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri cho người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND, được quy định tại Khoản 3 Điều 62 Luật bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND.

Vận động bầu cử của người ứng cử đại biểu dân cử là hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc cử tri hoặc thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để người ứng cử báo cáo với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình và trao đổi những vấn đề mà cử tri quan tâm nhằm thực hiện trách nhiệm đại biểu nếu được bầu làm đại biểu dân cử. Người có tên trong danh sách ứng cử ĐBQH và HĐND, có quyền vận động bầu cử, dù là ứng cử viên được giới thiệu hoặc ứng cử viên tự ứng cử.

Nội dung vận động bầu cử của người ứng cử bao gồm: Người ứng cử trình bày dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu dân cử; trình bày ý kiến của mình về vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của đại biểu dân cử; Người ứng cử và cử tri trao đổi những vấn đề cùng quan tâm; Người ứng cử trả lời các câu hỏi của cử tri.

Trong vận động bầu cử, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội... các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện cho người ứng cử tiếp xúc với cử tri ở cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình và bảo đảm cho việc tổ chức vận động bầu cử được tiến hành công khai, dân chủ, bình đẳng. Các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương có trách nhiệm đưa tin về tình hình vận động bầu cử trong phạm vi cả nước, về hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc cử tri của ứng cử viên một cách bình đẳng, đúng pháp luật, công bằng giữa những người ứng cử.

Với tư cách là chủ thể có trách nhiệm tổ chức vận động bầu cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri. Việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri của người ứng cử đại biểu dân cử bao gồm các công tác sau:

-Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp giới thiệu những nội dung cơ bản về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để người ứng cử xây dựng dự kiến chương trình hành động của mình. Người được Trung ương giới thiệu ứng cử ở địa phương cần nghiên cứu, tìm hiểu tình hình địa phương đó và tình hình chung để xây dựng dự kiến chương trình hành động của mình.

 -Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì phối hợp với chính quyền địa phương ở đơn vị bầu cử tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri, thành phần gồm đại diện các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cử tri ở địa phương.

 -Trong chương trình hội nghị tiếp xúc cử tri, đại diện Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc chủ trì cuộc tiếp xúc cử tri giới thiệu và đọc tiểu sử tóm tắt của từng người ứng cử để sau đó từng người ứng cử báo cáo với cử tri về dự kiến việc thực hiện trách nhiệm của người đại biểu nếu được bầu làm đại biểu dân cử; và cử tri nêu ý kiến, đề đạt nguyện vọng của mình với người ứng cử. Cử tri và những người ứng cử trao đổi dân chủ, thẳng thắn và cởi mở những vấn đề cùng quan tâm.

- Sau hội nghị tiếp xúc cử tri, Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập báo cáo tình hình tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri, ý kiến của cử tri về từng người ứng cử gửi đến Hội đồng bầu cử và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Thi hành Điều 62 Luật bầu cử, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ư­ơng cần chủ động xây dựng các kế hoạch tiếp xúc cử tri; hư­ớng dẫn các ứng cử viên xây dựng chư­ơng trình hành động; tổ chức tập huấn về kỹ năng cho những ngư­ời chủ trì các hội nghị tiếp xúc; tổ chức gặp mặt giữa các ứng cử viên với Thư­ờng trực HĐND, Ủy ban nhân dân, Ủy ban bầu cử, lãnh đạo Ban bầu cử, lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện để thống nhất việc tổ chức tiếp xúc cử tri. Trước khi tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri, cần tiến hành thông báo rộng rãi trên các phư­ơng tiện thông tin đại chúng ở khu vực tổ chức hội nghị về địa điểm, thời gian v.v.. để đông đảo cử tri có điều kiện đến dự. Đồng thời, gửi chương trình hành động của các ứng cử viên tới thôn, bản để các cử tri không trực tiếp đến dự các hội nghị cũng có thể hiểu về các ứng cử viên, để bầu những ngư­ời xứng đáng.

Rút kinh nghiệm kỳ tiếp xúc cử tri trong các cuộc bầu cử ĐBQH và HĐND trư­ớc đây, để phát huy hơn nữa dân chủ, việc tổ chức các cuộc tiếp xúc cần dành khoảng thời gian dài hơn, tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc hơn, thu hút đư­ợc nhiều cử tri tham dự hơn, bảo đảm các hội nghị diễn ra công khai, dân chủ, bình đẳng, xây dựng, theo đúng quy định của pháp luật; tạo không khí trao đổi cởi mở, chân thành, thẳng thắn và mang tính xây dựng. Việc tổ chức tiếp xúc tốt sẽ phát huy quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân ở cơ sở, góp phần không nhỏ vào kết quả bầu cử.

Qua thực tiễn các kỳ bầu cử trước, để nâng cao chất lượng vận động bầu cử, cần quy định thống nhất về tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử như­­: số l­­ượng cuộc tiếp xúc đối với mỗi người ứng cử; số lượng tối thiểu cử tri tham dự ở một cuộc tiếp xúc; nội dung, hình thức và thời gian ứng cử viên trình bày chư­­ơng trình hành động tr­­ước hội nghị tiếp xúc cử tri; trách nhiệm cụ thể của chính quyền, cơ quan, tổ chức có liên quan trong công tác vận động bầu cử. Cần có quy định số d­­ư ở mỗi đơn vị bầu cử tương đương với số người sẽ trúng cử tại đơn vị bầu cử đó và ở Trung ương cũng cần quy định giới thiệu có số dư so với đại biểu đ­­ược bầu ở Trung ­­ương; quy định rõ về tiêu chuẩn và điều kiện đối với người tự ứng cử.

Những người có tên trong danh sách ứng cử, không phân biệt chức vụ, địa vị công tác đều có quyền vận động bầu cử và được bảo đảm các điều kiện như nhau, từ kinh phí vận động bầu cử tới việc tiếp xúc cử tri hoặc thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

3. Tổ chức hoạt động giám sát

Luật Bầu cử (2015), quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện quyền giám sát của nhân dân đối với bầu cử ĐBQH và HĐND:

-Giám sát việc thành lập và hoạt động của các tổ chức phụ trách bầu cử (nhất là ở địa phương) bảo đảm đúng pháp luật, như: về cơ cấu, thành phần, số lượng thành viên, bảo đảm có đại diện các tổ chức chính trị - xã hội tham gia. Trong đó, việc tham gia của đại diện Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một số tổ chức thành viên vào các tổ chức phụ trách bầu cử là điều kiện để Mặt trận Tổ quốc thực hiện tốt hoạt động giám sát của mình trong cuộc bầu cử nói chung cũng như giám sát việc thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử nói riêng.

-Giám sát việc giới thiệu người ra ứng cử và thủ tục làm hồ sơ ứng cử; giám sát việc tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử; giám sát việc tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi công tác của người được cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu ứng cử ĐBQH; giám sát việc hướng dẫn thủ tục hoàn tất hồ sơ, thời hạn nộp hồ sơ (kể cả với những người tự ứng cử), việc chuyển hồ sơ; số lượng người giới thiệu ứng cử so với số lượng đại biểu được bầu; thành phần, số lượng cử tri lấy ý kiến ở nơi cư trú.

- Giám sát việc lập danh sách cử tri, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về danh sách cử tri và việc niêm yết danh sách những người ứng cử. Đối với danh sách những người ứng cử phải bảo đảm danh sách người ứng cử được niêm yết là danh sách chính thức do Hội nghị hiệp thương lần thứ ba của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh chuyển đến, bảo đảm những người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp đã có trong danh sách chính thức,nhưng trong thời gian Hội đồng bầu cử chưa công bố danh sách mà người ứng cử bị khởi tố về hình sự, phạm tội quả tang, bị mất năng lực hành vi dân sự, chết thì phải có đề nghị của Ủy ban Mặt trận xóa tên người đó trong danh sách niêm yết để bảo đảm trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu phải bị xóa tên trong danh sách niêm yết.

- Giám sát việc vận động bầu cử, việc tiếp xúc giữa cử tri với người ứng cử vận động bầu cử. Cụ thể là: giám sát thành phần, số lượng cử tri, cách bố trí, sắp xếp nơi diễn ra hội nghị tiếp xúc cử tri, giám sát việc người ứng cử trình bày dự kiến chương trình hành động, ý kiến về thực hiện nhiệm vụ của người ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp nếu trúng cử; giám sát việc vận động bầu cử bằng phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền về bầu cử, bảo đảm công bằng giữa những người ứng cử khi sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử; trách nhiệm của các cơ quan thông tin đại chúngnơi diễn ra vận động bầu cử; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có người ứng cử đang vận động bầu cử bằng phương tiện thông tin đại chúng; trách nhiệm của người ứng cử; tình hình chung về tuyên truyền công tác bầu cử ở địa phương.

- Giám sát trình tự bầu cử, thể thức bỏ phiếu trong ngày bầu cử.

Qua giám sát, nếu phát hiện có sai sót, lệch lạc trong các hoạt động trên thì kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền để điều chỉnh cho phù hợp với pháp luật bầu cử. Mặt trận Tổ quốc không tự ý xử lý vấn đề không thuộc thẩm quyền và chức năng của mình.           

Về hình thức, Mặt trận Tổ quốc các cấp phối hợp với các tổ chức phụ trách bầu cử để cùng giám sát hoặc chủ động thực hiện nhiệm vụ giám sát. Các hình thức giám sát trực tiếp qua việc tổ chức các hội nghị hiệp thương, hội nghị cử tri nơi cư trú, hội nghị gặp gỡ tiếp xúc giữa ứng cử viên với cử tri để vận động bầu cử; hoặc các hình thức gián tiếp như: tiếp dân và xử lý đơn thư khiếu nại của công dân, phản ánh ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; tuyên truyền, vận động cử tri thực hiện quyền bầu cử; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua hoạt động của các tổ chức phụ trách bầu cử, và các hình thức phù hợp khác.

Thực tế các cuộc bầu cử ĐBQH và HĐND, hoạt động giám sát bầu cử đều được Mặt trận Tổ quốc các cấp quan tâm và chú trọng thực hiện. Cùng với hướng dẫn về công tác giám sát bầu cử, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn cử nhiều đoàn công tác đến hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước để vừa hướng dẫn, kiểm tra vừa theo dõi, giám sát các giai đoạn bầu cử; đồng thời, cử đại diện tham gia các đoàn đi giám sát bầu cử của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia.

Ở các địa phương, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cũng ban hành các kế hoạch, hướng dẫn Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp thực hiện công tác giám sát bầu cử; nhiều nơi đã tổ chức hội nghị tập huấn, quán triệt công tác này cho cán bộ Mặt trận cơ sở và Ban Thanh tra nhân dân cấp xã nhằm phát huy vai trò của các tổ chức này trong giám sát chặt chẽ các giai đoạn trong cuộc bầu cử. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành còn phối hợp với Uỷ ban bầu cử và các tổ chức thành viên để thành lập các đoàn đi giám sát tất cả các khâu trong cuộc bầu cử từ cấp huyện tới cơ sở; hoặc trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo và giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ trong bầu cử. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giám sát cuộc bầu cử, ở nhiều nơi, Mặt trận Tổ quốc đã kịp thời phát hiện những sai sót như: hồ sơ ứng cử chưa đúng quy định, phiếu bầu, danh sách cử tri không đóng dấu của Uỷ ban nhân dân xã, cử tri đi bầu hộ... và đã nhanh chóng đề xuất với các tổ chức phụ trách bầu cử để xử lý kịp thời; góp phần để cuộc bầu cử diễn ra an toàn và đúng luật.   

Để thực hiện tốt việc giám sát bầu cử, Mặt trận các cấp đã dựa vào dân, lắng nghe ý kiến của dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, của các thành viên của Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng và phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận trong việc xử lý kịp thời những vấn đề nảy sinh theo chức năng, quyền hạn của mình.

Với cơ chế giám sát toàn diện đối với mọi hoạt động bầu cử của nhân dân và của Mặt trận Tổ quốc như vậy, quá trình tổ chức thực hiện cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 bảo đảm được các thủ tục, trình tự tiến hành bầu cử thực sự dân chủ và đúng luật để bầu ra những ĐBQH và HĐND xứng đáng, đúng tiêu chuẩn, đủ cơ cấu, thành phần, số lượng đại diện cho khối đại đoàn kết toàn dân, gánh vác trọng trách nặng nề của một Quốc hội và của các cấp HĐND trên toàn quốc trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2016

 

ThS Nguyễn Thanh Bình

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền