Trang chủ    Thực tiễn    Tư tưởng Hồ Chí Minh về công nghiệp hóa và sự vận dụng của Đảng bộ tỉnh Bình Dương trong thời kỳ đổi mới
Thứ hai, 18 Tháng 9 2017 10:10
13268 Lượt xem

Tư tưởng Hồ Chí Minh về công nghiệp hóa và sự vận dụng của Đảng bộ tỉnh Bình Dương trong thời kỳ đổi mới

(LLCT) - Tư tưởng về công nghiệp hóa là một bộ phận quan trọng trong hệ thống tư tưởng của Hồ Chí Minh về kinh tế. Tư tưởng công nghiệp hóa của Hồ Chí Minh là cơ sở lý luận hết sức quan trọng để Đảng ta vận dụng vào phát triển các lĩnh vực kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Quán triệt tư tưởng đó, Đảng bộ tỉnh Bình Dương đã vận dụng sáng tạo vào thực tiễn địa phương nhằm khai thác các tiềm năng, lợi thế để phát triển công nghiệp trong thời kỳ đổi mới.

1. Tư tưởng của Hồ Chí Minh về công nghiệp hóa

- Tính tất yếu của công nghiệp hóa

Nắm bắt nội dung cốt lõi của quan niệm duy vật về lịch sử, Hồ Chí Minh nhận thức rất rõ vai trò đòn bẩy của sản xuất công nghiệp trong quá trình vận động của xã hội loài người. Quan niệm của Người về công nghiệp hóa gắn chặt với quan niệm chung về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Ngay từ những năm 20 thế kỷ XX, Hồ Chí Minh, đã nhận thấy rất rõ rằng, đối với Việt Nam sau khi hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân phải tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Hồ Chí Minh khẳng định: “muốn có nhiều nhà máy phải mở mang các ngành công nghiệp làm ra máy, gang, thép, than, dầu…đó là con đường phải đi của chúng ta, con đường công nghiệp hóa nước nhà”(1). Ngày 12 - 07 - 1946, khi trả lời các nhà báo nước ngoài về các đặc trưng bản chất của chủ nghĩa xã hội với tư cách là một chế độ xã hội và một trình độ phát triển của nền văn minh hiện đại, Hồ Chí Minh đã nhận định gắn gọn và sáng rõ: “Muốn cho chủ nghĩa cộng sản thực hiện được, cần phải có kỹ nghệ, nông nghiệp và tất cả mọi người đều được phát triển hết khả năng của mình. Ở nước chúng tôi, những điều kiện ấy chưa có đủ”. Kỹ nghệ được Hồ Chí Minh xem đó là một trong ba điều kiện quyết định sự thắng lợi của chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản. Do đặc thù riêng, Việt Nam chưa có được các tiền đề đó, đặc biệt là kỹ nghệ. Mà đặc điểm lớn nhất của nước ta khi bước vào thời kỳ quá độ chi phối các đặc điểm khác là “Nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội không phải kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa”. Chính đặc điểm này quy định tính gián tiếp của quá độ lên chủ nghĩa xã hội xét về mặt tính chất và nội dung của những hình thức, bước đi và biện pháp. Nó cho phép nước ta thực hiện theo con đường “phát triển rút ngắn”. Ở đây, “ bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa”,là về mặt chính trị chúng ta bỏ qua sự thống trị của giai cấp tư sản, còn về mặt kinh tế, chúng ta vẫn kế thừa những thành tựu mà chủ nghĩa tư bản đạt được về lực lượng sản xuất, cơ sở kinh tế. Vì vậy, sự nghiệp “phát triển rút ngắn” khôngcho phép chúng ta đốt cháy giai đoạn, duy ý chí, vi phạm quá trình lịch sử tự nhiên.

Như vậy, luận chứng của Hồ Chí Minh về tính tất yếu của công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa vừa phản ánh những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin về công nghiệp hóa nói chung, vừa thể hiện bước phát triển mới trong nhận thức và tư duy lý luận về tính tất yếu của công nghiệp hóa trong điều kiện một nước nông nghiệp, lạc hậu quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

- Vị trí, vai trò của công nghiệp hóa

Vị trí của công nghiệp hóa đã được trình bày tại Đại hội III của Đảng (1960): “Công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của thời kỳ quá độ ở nước ta. Thực hiện công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa là nhằm xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, tạo điều kiện cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi”(2).

Việc xác định công nghiệp hóa là nhiệm vụ trung tâm của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội,là một trong những nội dung kinh tế chủ yếu nhằm xây dựng lực lượng sản xuất mới, hiện đại. Hồ Chí Minh còn chỉ rõ vai trò tiến bộ lịch sử của công nghiệp hóa; đó là quá trình thúc đẩy sản xuất xã hội phát triển, giải phóng sức lao động, giải phóng con người,tạo ra những bước đột phá mới trong nền văn minh công nghiệp. Như vậy, công nghiệp hóa có khả năng đem đến một năng suất lao động xã hội mới cao - nhân tố quyết định để chủ nghĩa xã hội có thể chiến thắng chủ nghĩa tư bản.

Mục đích của công nghiệp hóa

Khi nói về mục đích của chủ nghĩa xã hội, HồChí Minh đã nhiều lần khẳng định: “Nói một cách tóm tắt, mộc mạc, chủ nghĩa xã hội trước hết nhằm làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn, việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc”. Có khi Ngườinói một cách trực tiếp: “Mục đích của chủ nghĩa xã hội là không ngừng nâng cao mức sống của nhân dân”.

Muốn đi tới chủ nghĩa xã hội, theo Hồ Chí Minh, phải trải qua một thời kỳ quá độ để biến nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành một nước công nghiệp. Đã nhiều lần Người khẳng định vai trò của nông nghiệp, coi nông nghiệp là gốc, nhưng Người vẫn nhấn mạnh công nghiệp hóa mới là con đường cơ bản để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của nhân dân. Người nêu rõ: “Hiện nay, chúng ta sản xuất nông nghiệp làm chính. Vì muốn mở mang công nghiệp thì phải có đủ lương thực, nguyên liệu. Nhưng công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa vẫn là mục tiêu phấn đấu chung, là con đường no ấm thực sự của nhân dân ta”(3).

Nói chuyện với Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội, Người chỉ rõ:“Muốn bảo đảm đời sống sung sướng mãi mãi phải công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, phải xây dựng công nghiệp nặng. Như thế phải vừa cải thiện đời sống, vừa tích lũy. Cải thiện đời sống từng bước theo khả năng, đồng thời phải tích lũy để kiến thiết”(4).

Mục đích cuối cùng của công nghiệp hóa xã hội chủnghĩalàđem lại “đời sống dồi dào”, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Đâychính làbản chất xã hội củaquá trình công nghiệp hóa do giai cấp công nhân lãnh đạo, làranh giới để nhận diện công nghiệp hóa trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội với công nghiệp hóa trong chế độ tư bản chủ nghĩa. Bản chất giai cấp sẽ chi phối cách lựa chọn bước đi, phương thức tiến hành và các động lực thực hiện quá trình công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa.

- Nội dung của công nghiệp hóa

Nội dung của công nghiệp hóa được Hồ Chí Minh đề cập trên một số bình diện:

Một là,theo Hồ Chí Minh, trọng tâm của quá trình công nghiệp hóa ở Việt Nam vẫn là phát triển công nghiệp nặng, phát triển ngành sản xuất ra tư liệu sản xuất, trang bị kỹ thuật mới cho nền kinh tế quốc dân. Người nhấn mạnh vai trò và sự cần thiết phát triển công nghiệp nặng. Trong bài báo thế nào là công nghiệp hóa với bút danh C.K đăng trên báo Nhân Dân, ngày 22-1-1960, Hồ Chí Minh đã định nghĩa: Các ngành công nghiệp làm ra máy móc, gang, thép, than, hóa chất… gọi chung là công nghiệp nặng. Đồng thời, Người nói về vai trò công nghiệp nặng: “Công nghiệp nặng là đầu mối để mở mang các ngành công nghiệp khác cung cấp máy móc cho nông nghiệp. Cho nên, chưa có công nghiệp nặng thì chưa thể có một nền kinh tế tự chủ và giàu mạnh được”(5). Như vậy, trong quan niệm của Hồ Chí Minh, công nghiệp nặng tạo tiền đề cho việc xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và giàu mạnh.

Tại Hội nghị của Bộ Công nghiệp nặng ngày 31-12-1964, Hồ Chí Minh lại nhấn mạnh hơn nữa vai trò của công nghiệp nặng: “Nhiệm vụ của công nghiệp nặng rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. Để nâng cao không ngừng đời sống của nhân dân, để xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội, chúng ta phải quyết tâm phát triển tốt công nghiệp nặng… Công nghiệp nặng phải cung cấp đầy đủ máy móc cho các loại công nghiệp nhẹ và thủ công nghiệp phát triển nhanh chóng”(6).

Hai là,Bên cạnh việc nhấn mạnh phát triển công nghiệp nặng, Hồ Chí Minh cũng đã chú trọng đến công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp. Vì nó phục vụ trực tiếp của đời sống người dân lao động. Ngày 16-05-1965, phát biểu tại Hội nghị ngành công nghiệp nhẹ, Người khẳng định “ngành công nghiệp nhẹ quan hệ rất khăng khít với đời sống hàng ngày của nhân dân. Vì vậy, nhiệm vụ của công nghiệp nhẹ là rất quan trọng”(7). Cần khuyến khích phát triển đúng hướng một số ngành nghề thủ công nghiệp cần thiết cho đời sống nhân dân.

Ba là,đề cập nội dung của công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn,Người cho rằng, công nghiệp hóa nông nghiệp là trang bị máy móc cho nông nghiệp, cơ khí hóa sản xuất.Trong dịp nói chuyện với cán bộ, công nhân nhà máy cơ khí Duyên Hải (Hải Phòng),Hồ Chí Minh khẳng định: “muốn no thì phải sản xuất nhiều gạo, muốn ấm thì sản xuất nhiều vải, muốn có gạo, có vải thì nông nghiệp không thể để mãi như hôm nay mà phải có máy móc, phải có nhiều máy và máy tốt. Máy móc là do quá trình công nghiệp đem lại”(8). Hơn nữa, phát triển công nghiệp tạo điều kiện cho nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất lớn. Trong thư chúc tết nhân dân Hải Phòng,Người nhắn nhủ: “trong công nghiệp phải ra sức đẩy mạnh hợp lý hóa sản xuất, cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng, nâng cao năng suất lao động, làm đúng khẩu hiệu nhiều, nhanh, tốt, rẻ”(9).

2. Bình Dương vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công nghiệp hóa vào phát triển công nghiệp trong thời kỳ đổi mới

Tư tưởng Hồ Chí Minh về công nghiệp hóa là nền tảng quan trọng để Đảng bộ tỉnh Bình Dương vận dụng vào điều kiện hoàn cảnh địa phương mình, phát triển công nghiệp theo đúng định hướng của Đảng, đề ra chủ trương, chính sách phù hợp,thúc đẩy công nghiệp phát triển trong thời kỳ mới.

Điểm độc đáo trong sự lựa chọn cách tiến hành công nghiệp hóacủa Hồ Chí Minh là xuất phát từ một nước nông nghiệp lạc hậu. Với sự nhạy cảm chính trí đặcbiệt và tầm nhìn xa, trông rộng, Người đã đi đến những quyết định rất đúng đắn về công nghiệp hóa trong thời kỳ quá độ. Quan điểm này của Hồ Chí Minh đang được Đảng, Nhà nước ta quán triệt vận dụng vào thực tiễn.

Bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tình hình thế giới và khu vực có những biến đổi rất sâu sắc. Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, đặc biệt công nghệ thông tin và công nghệ sinh học tiếp tục có những bước nhảy vọt, ngày càng trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế tri thức, làm chuyển nhanh cơ cấu kinh tế và biến đổi sâu sắc các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.

Công nghiệp là lĩnh vực quan trọng hàng đầu trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là ngành sản xuất ra một khối lượng của cải vật chất rất lớn cho xã hội, có vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân. Ngay từ khi mới tái lập tỉnh, Đảng bộ tỉnh Bình Dương đã nhận thức rõ muốn phát triển kinh tế - xã hội, muốn giữ và tăng tốc độ phát triển, thực hiện thành công tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì con đường duy nhất và nhanh nhất đó là phát triển một ngành công nghiệp tiên tiến. Bên cạnh đó phải có ngành dịch vụ phụ trợ, đáp ứng các yêu cầu phát triển công nghiệp. Đảng bộ tỉnh Bình Dương chú trọng môi trường kinh doanh, những lợi thế riêng của mình để phát triển như; vị trí địa lý, nguồn nhân lực…mà không phải là tài nguyên thiên nhiên, nguồn nguyên liệu như các Đại hội Đảng bộ tỉnh Sông Bé trước đây xác định. Đảng bộ tỉnh Bình Dương đã chứng tỏ một cách nhìn, cách đi, một tư duy kinh tế hoàn toàn mới. Phát triển không chỉ dựa vào những lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, điều kiện tự nhiên mà quan trọng hơn chính là những lợi thế mang tính nhân văn. Đó là cơ chế chính sách thông thoáng, môi trường thuận lợi để huy động, thu hút mọi nguồn lực, mọi thành phần kinh tế, mọi nguồn vốn vào phát triển.

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI chủ trương “ưu tiên phát triển công nghiệp sạch, kỹ thuật cao, ít ô nhiễm; chú trọng phát triển các ngành dịch vụ mũi nhọn phục vụ công nghiệp, tăng nhanh tỷ trọng khu vực công nghiệp và dịch vụ, hình thành một cơ cấu hợp lý đa dạng ngành nghề, quy mô sản xuất, các dịch vụ tiên tiến làm nền tảng thúc đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh”(10).

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII chủ trương “Đẩy mạnh công nghiệp theo hướng đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị, công nghệ tiên tiến, hiện đại, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm; tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu GDP”(11).

 Đó chính là hướng đi cho sự phát triển bền vững. Thực hiện chủ trương này, Đại hội cũng đưa ra một số giải pháp như:  Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển công  nghiệp. Có biện pháp ưu đãi cho các doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Hỗ trợ, duy trì và phát triển các làng nghề, ngành truyền thống của địa phương. Tiếp tục tạo mọi điều kiện, môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp.

Đại hội lần thứ VIII của Đảng bộ tỉnh Bình Dương tiếp tục chủ trương: “phát huy và tập trung mọi điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp toàn diện, vừa đẩy mạnh tăng trưởng về quy mô, đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng phát triển theo hướng bền vững. Phát triển công nghiệp gắn với phát triển đô thị và bảo vệ môi trường...”(12).

Thực hiện chủ trương phát triển công nghiệp nhanh và bền vững theo quan điểm của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII, ngày 27 - 4 - 2007, Tỉnh ủy đề ra Chương trình phát triển công nghiệp nhanh và bền vững giai đoạn 2006 – 2010, xác định: “Phát triển công nghiệp nhanh và bền vững là định hướng nhất quán nhưng cần có bước đi và giải pháp thích hợp cho từng thời kỳ. Trong thời kỳ từ nay cho đến năm 2010, công nghiệp phát triển theo hướng vừa tăng trưởng về lượng, vừa tăng trưởng về chất, đảm bảo hiệu quả, ổn định và bảo vệ môi trường. Từ sau năm 2010, chuyển mạnh từ phát triển về lượng sang chất và gắn với những điều chỉnh căn bản về môi trường”(13).

Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ IX (2010), chủ trương tiếp tục “đẩy mạnh công tác tiếp thị đầu tư đối với những ngành công nghiệp kỹ thuật cao nhằm cơ cấu lại nội bộ ngành công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế”(14). Nhằm giúp các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vượt qua khó khăn do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế, Đại hội chủ trươnghỗ trợ các doanh nghiệp thuộc các thànhphần kinh tế đầu tư đổi mới công nghệ, kỹ thuật; chú trọng phát triển côngnghiệp phụ trợ, tạo nguồn nguyên liệucơ bản trong nước nhằm nâng cao giá trị gia tăngvà hiệu quả trong sản xuất kinh doanh. Triển khai các cụm công nghiệp đã được phê duyệt,đồng thời “cóchính sách hỗ trợ nâng cao chất lượng, hiệuquả hoạt động của các doanh nghiệpvừa và nhỏ, các hợp tác xã trên cáclĩnh vựctạođiều kiện chuyển biến mạnh về chất trong ngành công nghiệp” [5, tr. 102].

Chủ trương của Bình Dương là phát triển đồng bộ các ngành công nghiệp nhằm thực hiện tốt khẩu hiệu của Hồ Chí Minh trong sản xuất công nghiệp là “nhiều, nhanh, tốt, rẻ” để đáp ứng nhu cầu của nhân dân và xuất khẩu. Đảng bộ tỉnh đã nhấn mạnh phải: “đa dạng hóa sản xuất công nghiệp; hình thành nhiều ngành công nghiệp trên cơ sở sử dụng nguyên liệu trong và ngoài tỉnh, vừa tập trung phát triển mạnh công nghiệp chế biến …vừa phát triển mạnh công nghệ kỹ thuật cao..., công nghiệp phụ trợ cung cấp nguyên liệu thay thế nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu; phát huy cao khả năng các nguồn lực, kể cả nước ngoài đầu tư phát triển công nghiệp”(16).

Bình Dương không có lợi thế về công nghiệp như các tỉnh thành khác, nên ngay từ đầu những năm 90, Đảng bộ tỉnh đã chọn con đường phát triển công nghiệp là hình thành các khu công nghiệp để thu hút đầu tư. Khác với nhiều địa phương trong cả nước, Bình Dương bước vào xây dựng và phát triển công nghiệp ở điểm xuất phát thấp, là một tỉnh nông nghiệp, gần như chưa có cơ sở hạ tầng về công nghiệp. Điều này bắt buộc Bình Dương phải có bước đột phá, đi tắt đón đầu bằng sự kết hợp giữa những yếu tố: Đường lối, chính sách đổi mới của Ðảng; đất đai, vị trí địa lý thuận lợi và người Bình Dương hào hiệp, năng động, đoàn kết, mà hạt nhân là sự lãnh đạo của Ðảng bộ, đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở luôn đồng sức, đồng lòng.

Từ khu công nghiệp Sóng Thần I được hình thành đầu tiên vào tháng 9-1995, đến nay Bình Dương đã phát triển được 28 khu công nghiệp có hạ tầng đồng bộ, có tính kết nối cao với diện tích rất lớn; trong đó có 26 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy 65%. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có các cụm công nghiệp được đầu tư phát triển; hiện đã có 6/8 cụm hoạt động với diện tích gần 600 ha và tỷ lệ lấp đầy 45%. Nhờ đó, công nghiệp của Bình Dương tiếp tục phát triển ổn định, giữ vững vai trò mũi nhọn đột phá. Năm 2015 đạt 217.527 tỷ đồng; bình quân giai đoạn 2011-2015, tăng 15,7%/năm.

Đến nay, đã có 39 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Bình Dương. Nhờ đó, từ tỉnh nghèo, thuần nông, chỉ có vài doanh nghiệp vừa và nhỏ, đến nay Bình Dương đã quy tụ nhiều tập đoàn, thương hiệu lớn trong và ngoài nước đầu tư.

Công nghiệp Bình Dương đã tạo mũi nhọn đột phá quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, trở thành một trong 5 tỉnh, thành của cả nước thu hút được trên 20 tỷ USD.

Sự phát triển của công nghiệp Bình Dương trong những năm qua có một nguyên nhân hết sức quan trọng, đó là sự gia tăng mạnh các nguồn vốn của nước ngoài. Bên cạnh việc thúc đẩy công nghiệp phát triển nó còn tiềm ẩn yếu tố không ổn định. Cơ cấu ngành công nghiệp Bình Dương đang có sự chuyển dịch nhưng những ngành có hàm lượng công nghệ và chất xám còn ít, cơ bản vẫn còn lạc hậu về công nghệ, cơ sở vật chất kỹ thuật còn nghèo nàn…mức độ cơ giới hóa, tự động hóa chưa cao, hệ số đổi mới thiết bị và công nghệ còn thấp. Các sản phẩm công nghiệp vẫn chủ yếu là hàng gia công, chế biến… và đây cũng là những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Bình Dương, đồng thời là những ngành còn sử dụng rất nhiều lao động, trình độ công nghệ không cao nên sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước cũng hạn chế.

3. Giải phápphát triển công nghiệp Bình Dương trong thời gian tới theo quan điểm của Hồ Chí Minh

Một là, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và sự cần thiết của công nghiệp trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Từ việc nhận thức tầm quan trọng của công nghiệp, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bình Dương tập trung mọi nguồn lực thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ đề ra. Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, hội nhập kinh tế với vùng và khu vực; biến tiềm năng lợi thế so sánh để thu hút đầu tư; chú trọng phát triển công nghệ hiện đại, sản xuất hàng hóa có sức cạnh tranh cao; giữ vững và nâng cao vai trò vị trí của tỉnh trong vùng kinh tế động lực.

Hai là, đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp có lợi thế cạnh tranh.

Hồ Chí Minh tửng nhấn mạnhvai trò cửa phát triển công nghiệp, song song với phát triển nông nghiệp, “công nghiệp phát triển thì nông nghiệp mới phát triển. Ngoài yếu tố kinh tế, sự phát triển thể hiện mạnh về chính trị”. Đó là cơ sở cho việc đảm bảo một nền kinh tế độc lập. Tuy nhiên, phát triển công nghiệp nói chung công nghiệp nặng hoặc công nghiệp nhẹ nói riêng, không được tiến hành tràn lan; mà phải có mục tiêu gắn với từng thời đỉểm cụ thể. Phát triển công nghiệp cần “phải căn cứ vào khả năng của địa phương về nguyên liệu, vật liệu, máy móc, cán bộ và công nhân kỹ thuật”. Hay nói cách khác, đó là ưu tiên phát triển những ngành công nghiệp có ưu thế. Trong giai đoan tiếp theo, tỉnh cần ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp cơ khí, điện tử, hóa chất, chế biến nông, lâm sản, thực phẩm để hướng mạnh vào xuất khẩu, các ngành công nghiệp sử dụng công nghệ cao, đẩy nhanh tốc độ phát triển của các ngành công nghiệp chủ lực của địa phương.

Ba là, ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật hiện đại, phát huy mọi nguồn lực vào phát triển kinh tế công nghiệp

Cơ sở vật chất - kỹ thuật là một trong những điều kiện cần thiết để phát triển công nghiệp. Trong quá trình lãnh đạo, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Bình Dương luôn tranh thủ nguồn vốn của Trung ương, nguồn ngân sách của địa phương và nguồn đóng góp của nhân dân để tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế nói chung, công nghiệp nói riêng.

Bốn là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh phát triển công nghiệp

Trong tiến trình công nghiệp hóa, Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh“phải coi con người là vấn đề số một”, “vấn đề con người làhết sức quan trọng. Nhà máy cũng rất cần có thêm, có sớm, nhưng cần hơn làcon người, là sự phấn khởi của quần chúng. Làm tất cả là con người”. Ngay từ khi mới tái lập, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bình Dương đã quan tâm vấn đề phát triển nguồn nhân lực, coi đó là nhân tố then chốt cho sự phát triển của địa phương.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về công nghiệp hóa đến nay vẫn giữ nguyên giá trị và được Đảng ta vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt, đồng thời phát triển những tư tưởng ấy lên một tầm cao mới phù hợp với xu thế của thời đại và gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực.

Quán triệt tư tưởng công nghiệp hóa của Hồ Chí Minh, căn cứ vào thực tế địa phương, Đảng bộ tỉnh Bình Dương luôn có những chủ trương đúng đắn, phù hợp, kịp thời, nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp. Bình Dương đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành một điểm nhấn trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, năm 2015, công nghiệp tỉnh Bình Dương đã vươn lên đứng đầu trong cơ cấu kinh tế, trở thành ngành kinh tế chủ lực của địa phương và là một trong những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế công nghiệp cao nhất nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp với tỉ trọng tương ứng là 60% - 37,3% -2,7%(17).

Những thành tựu của quá trình phát triển công nghiệp ở Bình Dươngcho thấy chủ trương đúng đắn, bước đi sáng tạo của Đảng bộ và chính quyền tỉnh Bình Dương trong quá trình vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh. Càng khẳng định những quan điểm của Hồ Chí Minh về phát triển công nghiệp còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

__________________

(1), (3), (4), (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.445, 445, 604-605.

(2)http://dangcongsan.vn/tu-lieu-van-kien/c-mac-angghen-lenin-ho-chi-minh/ho-chi-minh/nghien-cuu-hoc-tap-tu-tuong-ho-chi-minh/doc-210820153475656.h

(6), (7), (9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.14, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 439, 445, 15.

(8)  Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.13, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.449-450.

(10), (16) Đảng bộ tỉnh Bình Dương:Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ VI, 1997, tr.35, 38..

(11) Đảng bộ tỉnh Bình Dương:Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ VII, 2001, tr.40.

(12) Đảng bộ tỉnh Bình Dương:Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ VIII, 2005, tr.96..

(14), (15) Đảng bộ tỉnh Bình Dương:Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ IX, 2010, tr.101-102, 102..

(13) Tỉnh ủy Bình Dương: Nghị quyết về phương hướng nhiệm vụ năm 1997, Số 05/NQ-TU, 1997.

(17) Đảng bộ tỉnh Bình Dương:Văn kiện trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ X, 2015, tr.44.

 

ThS Nguyễn Văn Linh

                                                                                    Trường Đại học Thủ Dầu Một

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền