Trang chủ    Thực tiễn    Một số giải pháp bảo đảm an ninh chính trị vùng biên giới Việt - Lào tỉnh Điện Biên
Thứ hai, 25 Tháng 9 2017 11:35
2447 Lượt xem

Một số giải pháp bảo đảm an ninh chính trị vùng biên giới Việt - Lào tỉnh Điện Biên

(LLCT) - Vùng biên giới Việt - Lào thuộc địa phận tỉnh Điện Biên là địa bàn xung yếu về an ninh chính trị vì đây là khu vực giáp ranh và có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống. Quán triệt quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, trong những năm qua, Tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên, các cấp ủy đảng, chính quyền vùng biên giới Việt - Lào của tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai có hiệu quả nhiều giải pháp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

 (Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tây Trang, ảnh: internet)

Công tác đảm bảo an ninh trật tự, nhất là an ninh chính trị trên địa bàn đã đạt nhiều kết quả quan trọng, hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng vững mạnh, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền được củng cố, giữ vững; an ninh chính trị nội bộ cơ bản ổn định, cán bộ, đảng viên và nhân dân đoàn kết, nhất trí, tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý của chính quyền; đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện; các hoạt động xâm hại an ninh chính trị kịp thời được phát hiện, ngăn chặn và xử lý... góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định trên địa bàn.

Tuy vậy, vẫn còn không ít những hạn chế, yếu kém như: trong nội bộ một số cơ quan, ban, ngành xuất hiện dấu hiệu mất đoàn kết nội bộ, thiếu dân chủ trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; tình trạng đơn thư nặc danh, mạo danh tố cáo sai sự thật vẫn còn xảy ra. Một bộ phận cán bộ, đảng viên lơ là, mất cảnh giác trước âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, sa sút ý chí chiến đấu. Một số cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật, mắc tệ nạn xã hội, thậm chí vi phạm pháp luật; cá biệt phát hiện một số trường hợp vi phạm quy định trong quan hệ, tiếp xúc với các cá nhân, tổ chức nước ngoài làm lộ, lọt thông tin nội bộ. Công tác quản lý, điều hành của một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan bộc lộ nhiều yếu kém, chưa coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng.

Bên cạnh đó, từ năm 2005 trở lại đây, lợi dụng chính sách mở cửa, hội nhập của Đảng, Nhà nước, các thế lực thù địch, phản động không ngừng gia tăng các hoạt động chống phá, triệt để khai thác những mâu thuẫn về an ninh, chính trị để thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, âm mưu “tôn giáo hóa vấn đề dân tộc” đối với vùng biên giới Việt - Lào có đông đồng bào DTTS; chúnglợi dụng chiêu bài dân chủ, nhân quyền, tạo cớ can thiệp vào nội bộ ta; tác động gây mâu thuẫn, chia rẽ dân tộc, gieo rắc tư tưởng ly khai, tự trị; tập hợp lực lượng gây rối, bạo loạn, lôi kéo đồng bào xuất cảnh trái phép sang Lào, Trung Quốc, Thái Lan... với quy mô ngày càng mở rộng, tính chất thâm độc, xảo quyệt.

Hoạt động chứa nhiều bất ổn nhất là truyền đạo Tin lành trái pháp luật, tập trung ở những địa bàn đạo Tin lành mới xâm nhập và có xu hướng lan rộng ra những bản đồng bào Mông chưa theo đạo. Phương thức truyền giáo chủ yếu thông qua các chương trình truyền giáo bằng tiếng Mông của đài Nguồn sống và qua việc lôi kéo, đào tạo một số người vượt biên trái phép ra nước ngoài lao động, học tập, tham quan... rồi đưa trở về địa bàn hoạt động, đặc biệt là người dân tộc Mông, từ đó hình thành lực lượng cốt cán trực tiếp tuyên truyền, phát tán kinh sách, lôi kéo đồng bào theo đạo. Kết hợp với sự viện trợ về vật chất, khuyến khích về tinh thần của các trung tâm truyền giáo, những nơi có đông đồng bào theo đạo Tin lành tiến hành thành lập hội, nhóm, xây dựng cơ sở thờ tự, đào tạo chức sắc trái pháp luật, tranh giành ảnh hưởng, công khai đối trọng với cấp ủy, chính quyền địa phương.

Hoạt động có ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh chính trị ở vùng biên giới Việt - Lào thời gian qua là âm mưu thành lập tổ chức phản động “Vương quốc Mông”. Các thế lực thù địch ra sức hậu thuẫn cho các tổ chức phản động là người Mông lưu vong như: “Đảng người Mông yêu người Mông”, “Đảng Cộng sản Mông”... thực hiện âm mưu thành lập, phát triển tổ chức “Vương quốc Mông tự trị” nhằm phát triển lực lượng, kích động gây rối, bạo loạn, khủng bố, chống phá chính quyền, Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Thực trạng an ninh chính trị vùng biên giới Việt - Lào tỉnh Điện Biên cho thấy, việc bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn đang tồn tại nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết, đó là:

Thứ nhất, sự yếu kém của hệ thống chính trị cơ sở; đặc biệt là sự hạn chế về trình độ, năng lực, suy thoái phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên

Hệ thống chính trị cơ sở mặc dù đã được quan tâm xây dựng, củng cố song chưa đủ mạnh, hiệu quả hoạt động chưa cao. Các tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền, đoàn thể ở vùng biên giới trong hoạt động thực tiễn còn quan liêu, xa rời quần chúng, ít chăm lo, cải thiện đời sống cho đồng bào, số lượng và chất lượng cán bộ DTTS ở các cấp, các ngành trên địa bàn thiếu và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu công tác. Vai trò của hệ thống chính trị cơ sở, nhất là của các tổ chức đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội còn mờ nhạt, chưa phát huy được hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo, tập hợp quần chúng; chức năng, nhiệm vụ của nhiều tổ chức Đảng, chính trị - xã hội chưa được xác định rõ ràng; nội dung và phương thức hoạt động chậm đổi mới. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng còn yếu, nhất là năng lực vận dụng các chủ trương, nghị quyết của Đảng và chính sách của Nhà nước vào tình hình thực tiễn... Tình trạng cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức xảy ra khá nghiêm trọng. Qua kiểm tra, đánh giá phát hiện có 2 đảng viên, 17 trưởng, phó bản, 17 thôn đội trưởng, 36 dân quân, 9 công an viên, 8 đại biểu Hội đồng nhân dân xã, 19 đại biểu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân xã bị ảnh hưởng hoạt động thành lập “Vương quốc Mông”; có 31 đảng viên, 68 cán bộ xã, 101 công an viên, 157 trưởng, phó bản, 85 người có uy tín theo tôn giáo(1).

Thứ hai, việc chỉ đạo và quản lý vấn đề dân tộc, tôn giáo trên địa bàn chưa chặt chẽ, triệt để, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn ảnh hưởng đến an ninh chính trị. Việc thực hiện các chính sách dân tộc, tôn giáo chưa kịp thời, chưa linh hoạt trong xử lý, giải quyết tình huống phát sinh trong thực tiễn.

Công tác quản lý nhà nước về an ninh chính trị đối với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở vùng đông đồng bào DTTS sinh sống còn một số bất cập, như chưa có quy định cụ thể về hoạt động tôn giáo của người nước ngoài tại địa bàn; vấn đề xây dựng thực lực chính trị, phong trào quần chúng trong vùng có đạo, trong các tổ chức tôn giáo chưa được quan tâm đúng mức, chưa thống nhất trong nhận thức và cách xử lý, giải quyết vấn đề truyền đạo. Ở một số nơi, công tác vận động, giáo dục quần chúng còn mang tính hình thức, nặng về xử lý hành chính; bị động, lúng túng trước những tình huống phức tạp phát sinh.

Thứ ba, công tác phối hợp trong bảo đảm an ninh chính trị chưa phát huy hiệu quả, việc phối hợp giữa các lực lượng còn nhiều bất cập,chưa thống nhất, rõ ràng trong cơ chế thực hiện và phân công trách nhiệm, dẫn đến hiệu quả tuyên truyền, giáo dục chưa cao, một số nơi do công tác phối hợp chưa được chú trọng dẫn đến hiệu quả đảm bảo an ninh còn thấp. Hoạt động hợp tác quốc tế, phối hợp với cấp ủy, chính quyền các huyện thuộc hai tỉnh Bắc Lào có chung đường biên giới với tỉnh Điện Biên chưa có cơ chế phối hợp thường xuyên, đồng bộ,chưa phát huy được hiệu quả hoạt động như mong muốn.

Thứ tư, việc nắm bắt tình hình, bảo đảm an ninh chính trị vùng biên giới của các lực lượng chức năng còn bị động. Mặc dù các lực lượng đã chủ động xây dựng nhiều chủ trương, kế hoạch, đối sách nhưng trong một số trường hợp, việc xử lý còn bị động, lúng túng. Nhiều vụ việc chậm được phát hiện, xử lý đã làm phát sinh mâu thuẫn, xung đột phức tạp.

Lực lượng chuyên trách làm công tác đảm bảo an ninh chính trị, nhất là lực lượng chuyên trách trong phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các hành vi gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị vùng biên giới còn mỏng, nhận thức của một bộ phận cán bộ, chiến sĩ về tầm quan trọng của công tác đảm bảo an ninh chính trị vùng DTTS còn chưa đầy đủ, sâu sắc, trình độ nghiệp vụ còn hạn chế nên chất lượng, hiệu quả hoạt động chưa cao. Tỷ lệ cán bộ là người DTTS trong tổ chức bộ máy chuyên trách bảo đảm an ninh còn mỏng, năng lực, trình độ chưa đáp ứng yêu cầu công tác.

Thứ năm, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, đồng bào các DTTS trên địa bàn còn hạn chế về nhận thức và khả năng xử lý thông tin nhận biết các vấn đề về an ninh, chính trị; cách nghĩ và lối sống. Đời sống vật chất - tinh thần của đồng bào còn gặp nhiều khó khăn, nhận thức và hiểu biết pháp luật còn hạn chế, nhiều hủ tục lạc hậu vẫn tồn tại... Lợi dụng đặc điểm này, các thế lực thù địch tập trung tuyên truyền, kích động, lôi kéo, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, làm mất ổn định an ninh trật tự trên địa bàn, gây nhiều khó khăn cho việc bảo đảm an ninh chính trị tại vùng biên giới Việt - Lào của tỉnh.

Như vậy, để đảm bảo an ninh chính trị vùng đông đồng bào DTTS nói chung, vùng DTTS biên giới Việt - Lào nói riêng cần hai yếu tố cơ bản: (1) Đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở có trình độ, có hiểu biết, cần thiết và quan trọng hơn là tận tâm với công việc và trong sáng về phẩm chất; (2) Làm cho đồng bào dân tộc thiểu số có đời sống vật chất, tinh thần ngày một tốt hơn, xây dựng và củng cố niềm tin của đồng bào DTTS với chính quyền, Đảng và Nhà nước.

Thực trạng trên đòi hỏi việc đảm bảo an ninh chính trị trên địa bàn cần tiếp tục có những đổi mới về mặt tổ chức, lực lượng, chỉ đạo, phối hợp trong hoạt động triển khai nhiệm vụ theo những hướng căn bản sau:

Một là, quan tâm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc

Giải pháp này vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài, có ý nghĩa sâu sắc trong việc ổn định, đoàn kết đồng bào tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Để thực hiện có hiệu quả, các ngành, các cấp cần rà soát, kịp thời bổ sung những chính sách đầu tư sát hợp với vùng dân tộc thiểu số; tổ chức thực hiện đồng bộ, chặt chẽ từ trung ương đến cơ sở, đảm bảo các loại vốn đầu tư thực sự có hiệu quả, tạo điều kiện để đồng bào phấn đấu vươn lên thoát nghèo một cách bền vững, hòa nhập với tiến trình đi lên của đất nước. Trong đó cần tập trung mọi nguồn lực để thực hiện tốt Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, phát huy tốt vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể quần chúng cùng các tổ chức xã hội tích cực vận động đồng bào các tôn giáo sống “tốt đời, đẹp đạo”, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Hai là, tập trung xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, thực sự là hạt nhân đoàn kết, lãnh đạo ở cơ sở

Phải gắn chặt việc kiện toàn tổ chức với xây dựng đội ngũ cán bộ,nhất là đội ngũ cấp ủy viên các cấp; nhạy bén, vững vàng về chính trị, tư tưởng; trong sạch về đạo đức, lối sống; giỏi về năng lực; chững chạc về phong cách lãnh đạo, sâu sát, gần gũi quần chúng. Trong lãnh đạo, các cấp ủy cơ sở phải quán triệt, thực hiện tốt chủ trương, nghị quyết của cấp ủy cấp trên, nắm vững tình hình địa bàn, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc để đề ra chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương trong từng thời điểm nhất định và có tính khả thi cao, nhằm phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, an ninh trật tự xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Các cấp ủy cần đề ra quy chế, chương trình và kế hoạch hoạt động cụ thể, không dập khuôn, máy móc, không ỷ lại vào cấp trên, nêu cao tính độc lập, sáng tạo trong việc vận dụng đường lối, nghị quyết của Đảng và cấp trên vào tình hình cụ thể của cơ sở. Các tổ chức đảng phải xây dựng được đội ngũ đảng viên có đủ phẩm chất và năng lực, tuyệt đối trung thành với Đảng và chế độ XHCN; tận tụy phục vụ nhân dân, luôn gần gũi, gắn bó với nhân dân, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cùng với việc tăng cường về số lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, cần chú ý chất lượng, cơ cấu của đội ngũ cũng như năng lực lãnh đạo, kinh nghiệm thực tiễn, đáp ứng tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

Ba là, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân

Trước hết, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục nhân dân thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là nhiệm vụ của địa phương. Thông qua hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng, củng cố, tăng cường “cầu nối” giữa “ý Đảng” với “lòng dân”, làm cho quan hệ giữa Đảng, chính quyền với đồng bào thêm gắn bó. Muốn vậy, phải đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng; thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và quy chế Dân chủ ở cơ sở; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động và tập hợp nhân dân tham gia vào các tổ chức đoàn thể: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân,... Phát huy tinh thần tự quản của cộng đồng dân cư, chú trọng vai trò của già làng, trưởng bản, trưởng thôn, những người có uy tín ở cộng đồng trong công tác vận động quần chúng.

Bốn là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, quán triệt quan điểm, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước

Thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước trong đồng bào các dân tộc, nhất là chính sách phát triển kinh tế - xã hội, chính sách dân tộc, tôn giáo. Đồng thời, tuyên truyền, giáo dục để đồng bào có nhận thức đúng, hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch để không bị lợi dụng; phổ biến pháp luật và giáo dục ý thức chấp hành pháp luật,thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân và đúng chính sách, pháp luật về dân tộc, tôn giáo, khơi dậy lòng tự tôn, tự hào dân tộc, truyền thống đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Năm là, chủ động làm tốt công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vụ việc về an ninh chính trị trên địa bàn

Các lực lượng chức năng, nòng cốt là công an cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, cơ quan chức năng khác trong vùng có đông đồng bào DTTS nhằm nắm chắc tình hình từ nhiều nguồn, nhiều kênh thông tin khác nhau. Trên cơ sở đó, tổng hợp, phân tích, đánh giá, kết luận chính xác bản chất, nguyên nhân của sự việc, dự báo diễn biến, quy mô, tính chất và khả năng ảnh hưởng của sự việc đó đối với an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn. Khi xảy ra sự việc, kịp thời xác định rõ có bàn tay của địch và các đối tượng phản động không? Từ đó, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xử lý “đúng, trúng, hiệu quả”. Trong giải quyết các tình huống, vụ việc, phải khéo léo, linh hoạt, nắm vững chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng lực lượng, không để ảnh hưởng đến nhiệm vụ trước mắt và lâu dài cũng như ảnh hưởng tới quan hệ giữa cán bộ với nhân dân.

______________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2017

(1) Tráng A Tủa:“Nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an ninh trật tự vùng dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên”, Đề tài khoa học cấp Bộ Công an, 2015.

 

ThS Đặng Thị Thanh Hoa

Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền