Trang chủ    Thực tiễn    Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh nâng cao chất lượng công tác kiểm tra đảng viên, tổ chức đảng có dấu hiệu vi phạm
Thứ hai, 13 Tháng 11 2017 09:26
1551 Lượt xem

Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh nâng cao chất lượng công tác kiểm tra đảng viên, tổ chức đảng có dấu hiệu vi phạm

(LLCT) - Kiểm tra, giám sát là một bộ phận quan trọng của công tác xây dựng đảng và là một phương thức thực hiện chức năng lãnh đạo của Đảng. Trong những năm qua, Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh làm tốt công tác kiểm tra, chú trọng công tác kiểm tra đảng viên, tổ chức đảng có dấu hiệu vi phạm, qua đó nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng.

Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh có 96.320 đảng viên, với hơn 500 tổ chức cơ sở đảng thực thuộc. Đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra có trên 130 người, trong đó có 32 người kiêm nhiệm (số liệu cuối năm 2016). Hầu hết đội ngũ cán bộ làm trong ngành từ tỉnh xuống huyện được đào tạo cơ bản, đúng chuyên ngành, thường xuyên được cập nhật kiến thức, tập huấn - bồi dưỡng nghiệp vụ theo quy định của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Từ việc nhận thức đúng vị trí, vai trò của công tác kiểm tra đảng viên, tổ chức đảng có dấu hiệu vi phạm đối với việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo Uỷ ban Kiểm tra các cấp quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát nói chung và kiểm tra đảng viên, tổ chức có dấu hiệu vi phạm nói riêng. Riêng trong các tháng đầu năm 2017, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai 5 cuộc kiểm tra đối với 10 đảng viên và 7 tổ chức đảng, 1 cuộc giám sát chuyên đề đối với 3 tổ chức đảng và 3 đảng viên; giúp Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện quy trình xem xét, thi hành kỷ luật 2 tổ chức đảng và 7 đảng viên vi phạm.

Ủy ban kiểm tra cấp huyện và cơ sở tham mưu giúp cấp ủy kiểm tra 608 tổ chức đảng và 464 đảng viên; giám sát chuyên đề 411 tổ chức đảng và 378 đảng viên. Thông qua kiểm tra, giám sát đã giúp cấp ủy các cấp nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hạn chế, khuyết điểm ngay tại cơ sở; phục vụ tốt yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng ở từng địa phương, đơn vị.

Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 1 tổ chức đảng và 11 đảng viên, trong đó có 2 đồng chí Tỉnh ủy viên, 9 đồng chí cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Giám sát chuyên đề đối với 2 tổ chức đảng và 3 đảng viên. Kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng đối với 10 tổ chức đảng cấp dưới. Tiếp nhận, phân loại, xử lý 55 đơn tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cán bộ, đảng viên và nhân dân; kiểm tra tài chính đảng đối với 1 đơn vị; xem xét, thi hành kỷ luật đối với 1 đảng viên vi phạm.

Ủy ban kiểm tra cấp huyện và cơ sở kiểm tra 81 đảng viên và 11 tổ chức đảng khi có dấu hiệu vi phạm. Kiểm tra 492 tổ chức đảng trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và 221 tổ chức đảng về việc thi hành kỷ luật trong Đảng. Giám sát chuyên đề đối với 331 tổ chức đảng và 249 đảng viên. Tiếp nhận và giải quyết 189 đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Kiểm tra 11 tổ chức đảng về công tác thu- chi, sử dụng ngân sách đảng.

Các tổ chức đảng có thẩm quyền đã thi hành kỷ luật 387 đảng viên và 6 tổ chức đảng với các hình thức: Khiển trách 303 đảng viên và 3 tổ chức đảng; cảnh cáo 64 đảng viên và 03 tổ chức đảng; cách chức 6 đảng viên; khai trừ ra khỏi Đảng 14 trường hợp[1].

Như vậy, công tác kiểm tra nói chung, công tác kiểm tra đảng viên, tổ chức đảng có dấu hiệu vi phạm nói riêng, của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng đi vào nền nếp, trực tiếp góp phần xây dựng tổ chức đảng ở cơ sở trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác kiểm tra, giám sát, trong việc phát hiện, xác định dấu hiệu vi phạm và quyết định kiểm tra dấu hiệu vi phạm, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh trong thời gian tới, trước hết cầnxuất phát từ những vấn đề nội tại trong nhiệm vụ xây dựng Đảng mà đặt ra yêu cầu, đòi hỏi phải đổi mới công tác kiểm tra, giám sát. Trên cơ sở xác định rõ các yêu cầu, công tác kiểm tra đảng viên và tổ chức đảng cần tập trung một số giải pháp chủ yếu để nâng cao chất lượng và hiệu quả là:

Một là, tiếp tục quán triệt nhằm nâng cao nhận thức của Tổ chức Đảng và đảng viên về vị trí, ý nghĩa, tác dụng, tầm quan trọng của việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Quan tâm chỉ đạo, tiến hành kiểm tra hoặc chấp hành nghiêm chỉnh khi được kiểm tra; tạo nhận thức mới trong cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, đội ngũ cán bộ đảng viên về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, nhất là kiểm tra dấu hiệu vi phạm, xác định kiểm tra, giám sát nhằm nhắc nhở, ngăn ngừa, chấn chỉnh hạn chế thiếu sót từ lúc mới phát sinh; tránh xảy ra sự việc, tổ chức đảng, đảng viên có sự mặc cảm, né tránh, không cộng tác.

Thực tế cho thấy, dù cấp uỷ có chỉ đạo sát sao đến mấy, nhưng Ủy ban kiểm tra, cán bộ kiểm tra thiếu bản lĩnh, thiếu quyết tâm, không có tính chủ động thì công tác kiểm tra chỉ hoạt động cầm chừng, chiếu lệ, hình thức, không hiệu quả. Ở những nơi đồng chí đứng đầu cấp ủy, Ủy ban kiểm nhận thức đúng, đầy đủ về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, có bản lĩnh, có trách nhiệm, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thì ở đó công tác kiểm tra, giám sát của Đảng phát huy hiệu quả cao.

Hai là, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, mở rộng kênh thông tin để xác định, phát hiện dấu hiệu vi phạm:

Để quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm được thực hiện một cách khoa học, đúng nguyên tắc thủ tục,... quy trình phải cụ thể hoá, lượng hoá được sự chỉ đạo của Ủy ban kiểm tra, những việc làm, những bước công việc cụ thể; cụ thể được quan hệ giữa chủ thể kiểm tra và đối tượng được kiểm tra; các nội dung công việc cần thực hiện cho một cuộc kiểm tra phải được sắp xếp theo trình tự thời gian, trong mối liên hệ chặt chẽ để khi hoàn thành một quy trình kiểm tra cũng là hoàn thành cuộc kiểm tra.

Nắm bắt thông tin qua nhiều kênh, ngoài những kênh theo hướng dẫn của nghiệp vụ, cần mở rộng hộp thư góp ý của quần chúng, cán bộ, đảng viên góp ý xây dựng đảng, công tác phản biện xã hội theo Quyết định 217, 218 của Ban Bí thư; phân công cán bộ theo dõi địa bàn và chịu trách nhiệm về những việc xảy ra tại địa bàn nếu cán bộ được phân công chưa kịp thời phản ánh; xây dựng đội ngũ nòng cốt ở các địa bàn, nhằm kịp thời phản ảnh thông tin, dư luận ở địa phương, đơn vị để làm kênh thông tin về dấu hiệu vi phạm; thực hiện tốt công tác phối hợp giữa Ủy ban kiểm tra với các tổ chức đảng, cơ quan liên quan. Qua công tác phối hợp sẽ tạo được nhiều kênh thông tin, giúp Uỷ ban kiểm tra nắm bắt tình hình liên quan đến tổ chức đảng, đảng viên, làm cơ sở cho việc phát hiện, xác định và quyết định kiểm tra, giám sát được trọng tâm, chặt chẽ.

Ba là, coi trọng và nâng cao chất lượng công tác thẩm tra, xác minh

Hoạt động thẩm tra, xác minh là quá trình tìm kiếm, phát hiện, thu thập bằng chứng; nghiên cứu, đánh giá, sử dụng các bằng chứng; phân tích mối liên hệ của bằng chứng và sự phù hợp giữa các bằng chứng với các sự việc, hiện tượng từ đó chứng minh sự thật, bản chất của sự việc, hành vi nhằm tạo cơ sở và điều kiện cho việc kết luận rõ đúng, sai của các thông tin về hành vi vi phạm hay không vi phạm của cán bộ, đảng viên được kiểm tra. Chất lượng, hiệu quả của công tác kiểm tra tuỳ thuộc rất lớn vào việc đánh giá, kết luận chính xác nội dung kiểm tra. Vì vậy, ngoài việc dựa vào tổ chức đảng và đảng viên, quần chúng nhân dân, các cơ quan chức năng, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các ban ngành có liên quan thì việc thẩm tra, xác minh phải hết sức coi trọng.

Bốn là, Uỷ ban kiểm tra các cấp phải chủ động phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đảng và các ban, ngành chức năng; phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ và quần chúng nhân dân nơi có đảng viên được kiểm tra trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm

Kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành và nhiều lĩnh vực. Dấu hiệu vi phạm của đảng viên hầu hết là cán bộ, đảng viên có chức, có quyền và có mối quan hệ rộng. Do vậy, các cấp uỷ và tổ chức đảng, các cơ quan tư pháp, thanh tra, các đoàn thể chính trị - xã hội và mọi cán bộ, đảng viên phải có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban kiểm tra và cán bộ kiểm tra trong quá trình tiến hành kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm trên cơ sở quy chế phối hợp từ khâu tiếp cận, phát hiện dấu hiệu vi phạm đến việc xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra, thẩm tra, xác minh làm rõ đúng, sai, kết luận và xử lý vi phạm.

Năm là, xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra ngang tầm đòi hỏi của thời kỳ mới

Xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra ngang tầm với nhiệm vụ chính trị là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, toàn hệ thống chính trị. Nó đặt ra vấn đề vừa cơ bản, vừa cấp bách cần phải được nghiên cứu nghiêm túc và giải quyết kịp thời một cách đồng bộ.

Người cán bộ kiểm tra phải đổi mới cách làm, nhằm tạo nhận thức mới trong công tác kiểm tra của Đảng. Cán bộ kiểm tra luôn nêu cao trách nhiệm, chủ động phát hiện dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên để tiến hành kiểm tra làm rõ đúng - sai, nhằm củng cố tổ chức đảng, giáo dục, rèn luyện đảng viên có sai phạm, góp phần làm trong sạch nội bộ Đảng.

Sáu là, đẩy mạnh sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, tăng cường sinh hoạt chuyên đề

Để công tác kiểm tra, giám sát của Đảng nói chung, kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm nói riêng thực hiện được ngày càng tốt hơn, chất lượng hơn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ kiểm tra, giám sáttrong giai đoạn mới, uỷ ban kiểm tra các cấp phải hết sức coi trọng công tác sơ kết, tổng kết, thường xuyên tổ chức giao ban, sinh hoạt chuyên đề về công tác kiểm tra dấu hiệu vi phạm, trao đổi kinh nghiệm giữa Uỷ ban kiểm tracác cấp, tìm ra những khó khăn, vướng mắt, kinh nghiệm trong thực tiễn gắn với những quy định của Đảng, tìm ra giải pháp để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm này tốt hơn trong thời gian đến, rút ra những kinh nghiệm hay, những việc làm được, đồng thời đây cũng là dịp để đội ngũ làm công tác kiểm tra của đảng có điều kiện tự chỉnh đốn, tự kiểm điểm, tự phê bình một cách nghiêm túc, nâng cao chất lượng kiểm tra, đáp ứng yêu cầu công tác xây dựng Đảng trong giai đoạn mới.

                                           Hà Huy Trinh

Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh

 

 

 


[1] http://hatinh.dcs.vn/detail/open/id/10638

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền