Trang chủ    Thực tiễn    Nam Định phát triển nông nghiệp gắn với giải quyết các vấn đề xã hội nảy sinh
Thứ năm, 24 Tháng 5 2018 16:19
2238 Lượt xem

Nam Định phát triển nông nghiệp gắn với giải quyết các vấn đề xã hội nảy sinh

(LLCT) - Trong những năm qua, tăng trưởng nông nghiệp Nam Định đã bước đầu gắn với giải quyết các vấn đề xã hội nảy sinh trong sản xuất nông nghiệp, song vẫn còn một số vấn đề đặt ra như: thiếu việc làm, việc làm có thu nhập thấp không bảo đảm cuộc sống người nông dân; tỷ lệ nghèo cao và bất bình đẳng trong thu nhập. Do vậy, cần đẩy mạnh tăng trưởng dựa trên nâng cao chất lượng và chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, tạo việc làm bền vững; thúc đẩy xóa đói, giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho nông dân.

1. Tăng trưởng nông nghiệp và các vấn đề việc làm, thu nhập, xóa đói, giảm nghèo

Với định hướng tăng trưởng nông nghiệp dựa trên nâng cao chất lượng và chuyển dịch cơ cấu theo hướng hợp lý và tiến bộ, giai đoạn 2006-2016 ngành nông nghiệp Nam Định đã tập trung phát triển các sản phẩm có lợi thế về tự nhiên, thị trường, có giá trị gia tăng cao và thích ứng với biến đổi khí hậu. Do đó, việc làm tạo ra trong ngành nông nghiệp Nam Định có xu hướng gia tăng số việc làm trong ngành thủy sản, giảm số việc làm thuần nông và lâm nghiệp (Bảng 1).

Bảng trên cho biết, trong 11 năm (2006-2016), số việc làm tạo ra cho lao động trong độ tuổi của ngành thủy sản Nam Định tăng 4.331; ngành nông nghiệp thuần và lâm nghiệp giảm 305.596 và 385. Việc làm tạo ra trong lĩnh vực thủy sản có thu nhập cao hơn hẳn so với việc làm thuần nông và lâm nghiệp. Cụ thể, nếu năm 2007 năng suất lao động ngành nông nghiệp, lâm nghiệp đạt 5,81 triệu đồng/người thì ngành thủy sản đạt 23,12 triệu đồng/người, cao hơn 17,31 triệu đồng; năm 2010 năng suất lao động ngành nông, lâm nghiệp đạt 11,29 triệu đồng/người thì ngành thủy sản đạt 39,86 triệu đồng/người(3), cao hơn 28,57 triệu đồng. Giá trị sản phẩm 1 ha đất nông nghiệp năm 2006 thu được 38,16 triệu đồng thì 1 ha đất đất nuôi trồng thủy sản thu được 42 triệu đồng, cao hơn 3,84 triệu đồng, đến năm 2016 tương ứng là: 104,11 và 355,12 triệu đồng(4), cao hơn 251,01 triệu đồng/ha.

Ngoài ra, trong nội bộ từng ngành, việc làm cũng tăng lên ở những tiểu ngành có lợi thế về tự nhiên và thị trường, giảm việc làm có năng suất thấp. Chẳng hạn, ngành nông nghiệp thuần giảm việc làm trồng trọt, tăng việc làm chăn nuôi; trong trồng trọt, giảm việc làm trồng lúa tăng việc làm trồng hoa màu, cây cảnh...Sự mở rộng nghề nông theo hướng này đã tạo ra việc làm ổn định và bền vững, giảm thời gian thiếu việc làm trong nông thôn, qua đó giúp nâng cao thu nhập cho nông dân.

Bên cạnh tạo ra việc làm trực tiếp, tăng trưởng nông nghiệp theo hướng bền vững đã tạo động lực để phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, như: công nghiệp chế biến nông thủy sản, thức ăn chăn nuôi, đồ gỗ gia dụng; sản xuất và cung ứng phân bón, thuốc trừ sâu, cơ khí... Phát triển của các ngành kinh tế có liên quan này cũng đã tạo ra hàng nghìn việc làm cho lao động các huyện trong tỉnh, qua đó, giảm thời gian thiếu việc làm, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống cho nông dân trong tỉnh.

Cùng với tăng trưởng, giai đoạn 2006-2016, tỷ lệ hộ nghèo ở Nam Định giảm nhanh qua các năm: từ 9,2% năm 2006 xuống 5,99% năm 2009 và đến 2010 do chuẩn nghèo thay đổi nên tỷ lệ nghèo tăng lên 9,95% và tiếp tục giảm đến năm 2016 còn 3,1%(5). Theo đó, tỷ lệ nghèo nông nghiệp cũng giảm dần (bảng 2).

Bảng 2 cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo nông nghiệp Nam Định có xu hướng giảm qua thời gian mặc dù chuẩn nghèo qua từng giai đoạn được nâng cao hơn. Cụ thể, từ 15,94% năm 2006 xuống 14,48% năm 2011 và 7,99% năm 2016. Tỷ lệ hộ nghèo giảm đã làm tăng năng lực sản xuất cho chính bản thân nông hộ cũng như tạo ra mặt bằng xã hội phát triển tương đối đồng đều, bảo đảm an sinh xã hội trong toàn tỉnh nói chung và trong sản xuất nông nghiệp nói riêng.

Tăng trưởng nông nghiệp Nam Định giai đoạn 2006-2016 đã có tác động tích cực đến giảm nghèo. Hệ số co giãn của nghèo theo tăng trưởng nông nghiệp giai đoạn 2006 - 2016 có kết quả âm, chứng tỏ tăng trưởng nông nghiệp Nam Định trong giai đoạn này có tác động tích cực đến giảm nghèo. Trong đó, các năm 2006-2011 tăng trưởng nông nghiệp ít có tác động đến giảm nghèo hơn so với các năm 2011-2016. Cụ thể, các năm 2006-2011 tốc độ tăng thu nhập/người tăng gấp trên 3 lần so với các năm 2011-2016 nhưng hệ số co giãn của giảm nghèo với tăng trưởng chỉ bằng 1/16. Điều này cho thấy, tăng trưởng nông nghiệp Nam Định ngày càng có tác động tích cực đến giảm nghèo.

Trong giai đoạn 2006-2016, thu nhập bình quân/người/năm của nhân khẩu nông nghiệp tăng qua các năm: từ 3144 nghìn đồng năm 2006 lên 3427,2 nghìn đồng năm 2010(9) và 5078,4 nghìn đồng năm 2016(10). Cả giai đoạn tăng 1934,4 nghìn đồng, bình quân mỗi năm tăng 193,44 nghìn đồng/người/năm. Điều này cho thấy, tăng trưởng nông nghiệp của tỉnh đã có tác động đến thu nhập bình quân của nhân khẩu nông nghiệp.

Thu nhập bình quân/người/năm của nhân khẩu nông nghiệp gia tăng qua các năm góp phần tạo điều kiện để nông dân đầu tư học tập nâng cao trình độ bản thân cũng như con cái. Ngoài ra, thu nhập bình quân nhân khẩu nông nghiệp tăng, tạo điều kiện để người nông dân tích lũy mua sắm đồ dùng phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Năm 2015 có 100% hộ khu vực nông thôn Nam Định có đồ dùng lâu bền(11). Hơn nữa, thu nhập bình quân của nhân khẩu nông nghiệp tăng còn giúp nông dân nâng cao năng lực chủ thể xây dựng nông thôn mới, cùng với hỗ trợ từ phía Nhà nước, nhiều xã trong tỉnh đã thực hiện chương trình “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp đồng bộ. Đến cuối năm 2015, sau 5 năm triển khai, các huyện đã huy động trên 10 nghìn tỷ đồng, nhân dân góp 2.920 ha đất nông nghiệp và hiến gần 200 ha đất thổ cư để làm đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng. Đến 1-7-2016, Nam Định có 102 xã/194 xã (chiếm 52,58%) đạt chuẩn nông thôn mới, vượt 18,6% so với kế hoạch và cao hơn bình quân cả nước 29,5%(12).

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn không ít những vấn đề đặt ra:

Một là, tăng trưởng nông nghiệp chưa tạo ra nhiều việc làm ổn định, có năng suất cao. Tăng trưởng nông nghiệp Nam Định dựa chủ yếu vào ngành nông nghiệp thuần nên việc làm thuần nông - có thu nhập thấp vẫn chiếm tỷ lệ cao, năm 2016 là 94,36% (lao động trong độ tuổi), trong đó, việc làm trong ngành trồng trọt, nhất là trồng lúa là chủ yếu. Vì vậy, thời gian thiếu việc làm (nhàn rỗi) trong sản xuất nông nghiệp ở Nam Định rất lớn. Kết quả khảo sát cho biết, có tới 83,3% trong tổng số hộ nông dân được hỏi trả lời trong 12 tháng qua chỉ tham gia sản xuất nông nghiệp từ 2 - 3 tháng(14). Số việc làm tạo ra từ phát triển chăn nuôi, trồng hoa màu, cây cảnh, cây dược, ngành thủy sản ít. Việc làm tập trung quá nhiều trong nông nghiệp thuần - lĩnh vực có năng suất thấp nên dẫn đến thu nhập thấp, bấp bênh, gây lãng phí trong sử dụng lao động cũng như cản trở quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành theo hướng hợp lý và tiến bộ.  

Hai là, tăng trưởng nông nghiệp đã có tác động tích cực đến giảm nghèo, song tỷ lệ hộ nghèo trong nông nghiệp vẫn cao. Ở Nam Định có tới 90% hộ nghèo tập trung ở khu vực nông thôn và rơi vào những hộ thuần túy sản xuất nông nghiệp, có diện tích đất canh tác ít, lớn tuổi vàkhông có nghề phụ.

Ba là, thu nhập của người sản xuất nông nghiệp tuy gia tăng qua các năm, song nhỏ bé về số tuyệt đối và thấp về số tương đối nênkhoảng cách thu nhập bình quân nhân khẩu nông nghiệp với thu nhập bình quân của nhân khẩu phi nông nghiệp và thành thị của Nam Định ngày càng lớn. Cụ thể, nếu như năm 2006, thu nhập bình quân nhân khẩu nông nghiệp của Nam Định cao hơn 1,35 lần so với thu nhập bình quân nhân khẩu phi nông nghiệp thì đến năm 2008 lại thấp hơn 1,21 lần và đến 2016 mức chênh lệch này tăng lên 2,57 lần;  mức chênh lệch thu nhập bình quân của nhân khẩu nông nghiệp so với thành thị còn cao hơn và ngày càng tăng: từ 2,88 lần năm 2006 lên 8,5 lần năm 2016(15).

2. Một số giải pháp phát triển nông nghiệp gắn với giải quyết các vấn đề xã hội nảy sinh

Một là, tiếp tục đẩy mạnh phát triển dựa trên nâng cao chất lượng và chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hợp lý và hiện đại

Tăng trưởng nông nghiệp dựa trên hướng này sẽ tạo ra nhiều việc làm bền vững, có năng suất và giá trị gia tăng cao. Trong thời gian tới để tăng trưởng ngành nông nghiệp góp phần tạo ra nhiều việc làm bền vững, có năng suất và giá trị gia tăng cao, UBND tỉnh cùng ngành nông nghiệp và các Sở, ngành có liên quan cần phải:

- Tập trung phát triển các sản phẩm có lợi thế về điều kiện tự nhiên, thị trường tiêu thụ và có giá trị gia tăng cao như: thủy sản; chăn nuôi; gạo chất lượng cao, rau màu, dược liệu, cây cảnh. Cụ thể:

Trong thủy sản,mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản hàng hóa từ 15.500 ha hiện nay lên 19.000 ha (do chuyển 3.300 ha từ đất trồng lúa chân ruộng trũng, nhiễm mặn, phèn). Phát triển đa dạng các đối tượng nuôi theo quy trình thực hành tốt (GAP) có giá trị kinh tế cao như: ngao, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá song, cá vược ở vùng mặn, lợ; cá trắm đen, cá chép V1, cá lóc bông, cá diêu hồng ở vùng nước ngọt the; tăng cường năng lực, hiệu quả đánh bắt xa bờ và tiến tới giảm dần sản lượng khai thác gần bờ; phát triển các cơ sở chế biến thủy hải sản, khôi phục và phát triển các cơ sở chế biến thủy hải sản xuất khẩu.

Trong chăn nuôi: Tập trung phát triển chăn nuôi lợn (lợn thịt tiêu thụ trong nước và lợn sữa xuất khẩu); chăn nuôi gà (gà thịt, trứng). Để chăn nuôi hiệu quả, Nam Định phải phát triển chăn nuôi tập trung theo mô hình doanh nghiệp, trang trại, gia trại theo hình thức công nghiệp vừa tạo cơ hội sinh kế cho hộ nông dân vừa hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và tăng khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi. Khuyến khích áp dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất khép kín hoặc liên kết giữa các khâu trong chuỗi từ sản xuất giống, thức ăn, đến sản xuất, chế biến và bảo quản, tiêu thụ sản phẩm để nâng cao năng suất, cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng.

Trong trồng trọt:Mở rộng diện tích trồng lúa chất lượng cao ở tất cả các huyện trong tỉnh, lúa đặc sản ở Hải Hậu, lúa giống. Phát triển cây dược liệu, hoa màu ở những chân ruộng cao trước đây trồng lúa. Phát triển các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao. Khuyến khích và mở rộng cánh đồng liên kết từ đầu vào, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

- Đa dạng hóa ngành nghề nông nghiệp, nông thôn: Khuyến khích cáchuyện, xã trong tỉnh tập trung phát triển các ngành hàng mà các địa phương có tiềm năng, lợi thế gắn với giải quyết việc làm cho nông dân; đa dạng hóa các mô hình sản xuất nông nghiệpnhằm khai thác tiềm năng đất đai, mặt nước và nguồn lợi từ biển tạo việc làm ổn định, lâu dàinhư: mô hình Ngô Xuân - Đậu tương Hè Thu (lúa mùa chất lượng cao) - Rau Đông; mô hình Lạc xuân - đậu tương Hè Thu - rau Đông hoặc bí xanh Xuân - cà chua Hè (lúa mùa) - cà chua Đông (rau Đông); mô hình lúa - thủy sản; mô hình kết hợp giữa trồng rau màu chế biến xuất khẩu và nuôi thủy sản. Phát triển công nghiệp chế biếnnônghảisản, tiểu thủ công nghiệp trong các làng nghề, phát triển các ngành thâm dụng lao động nhằm chuyển dịch dần lao động sang lĩnh vực phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn.

Hai là, tạo mọi điều kiện để nông dân tiếp cận các cơ hội đẩy mạnh sản xuất vươn lên thoát nghèo

Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ nông dân, nhất là hộ nghèo của Tỉnh. Chất lượng đội ngũ nông dân nói chung và hộ nghèo nói riêng được nâng cao giúp người nông dân tiếp cận được nguồn vốn, tiến bộ kỹ thuật, đất đai đưa vào sản xuất, nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và thị trường...Qua đó, tạo cơ hội để các hộ nghèo từ khu vực nông, lâm, thủy sản, nhất là các hộ nghèo vùng ven biển tiếp cận các nguồn lực phát triển trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng và đánh bắtthủy, hảisản, đảm bảo sinh kế bền vữngvà từng bước thoát nghèo.Nhìn chung, trình độ học vấn nông dân Nam Định tương đối cao nên trước mắt cần đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật. Để hoạt động này hiệu quả cần phân loại cụ thể các đối tượng tham gia đào tạo, như: nông dân có tuổi đời cao, trình độ học vấn thấp; thanh thiếu niên con em nông dân; các lao động nông, lâm, thủy sản có tay nghề cao, trên cơ sở đó có các hình thức đào tạo cho phù hợp. 

Đẩy mạnh mối liên kết trong sản xuất nông nghiệp giúp cho sản xuất nông nghiệp của Nam Định hiệu quả và bền vững, qua đó, tăng trưởng ổn định, vững chắc, tạo điều kiện giảm nghèo bền vững. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Định cần tham mưu tư vấn các cấp chính quyền tỉnh và huyện tạo lập và đẩy mạnh mối liên kết này theo hướng: (1) Đa dạng hóa các hình thức liên kết trong sản xuất nông nghiệp, như:Nông dân với nông dân; doanh nghiệp chế biến nông sản + hợp tác xã; tư thương + nông hộ; doanh nghiệp + nông dân; hoặc các doanh nghiệp nhà nước về chế biến, cung ứng vốn, vật tư, tiêu thụ sản phẩm + hợp tác xã + hộ xã viên hợp tác xã; nông dân + các đơn vị nghiên cứu, chuyển giao khoa học và công nghệ;... (2) Tăng cường mối liên kết “5 nhà”: Nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà băng. (3) Đẩy mạnh mối liên kết vùng, như: Liên kết giữa các vùng sinh thái trong tỉnh; Liên kết giữa các tỉnh trong vùng;Liên kết với các thành phố lớn để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. (4) Liên kết với các viện nghiên cứu, trường đại học để tiếp thu, chuyển giao, ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật mới vào sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm. (5) Đẩy mạnh liên kết với các ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp...

Thực hiện bảo hiểm nông nghiệp, hỗ trợ kịp thời sản xuất nông nghiệp khi thiên tai xảy ra. Thực hiện bảo hiểm nông nghiệp góp phần giảm nhẹ thiệt hại cho người nông dân khi gặp rủi ro về thời tiết, thị trường giúp họ tái sản xuất, ổn định cuộc sống. Đối với những nơi hoặc nông sản chưa tham gia bảo hiểm, chính quyền các cấp Nam Định cần nhanh chóng thống kê thiệt hại và thực hiện hỗ trợ kịp thời giúp người nông dân vượt qua rủi ro.

Ba là, nâng cao thu nhập, giảm khoảng cách chênh lệch thu nhập giữa người sản xuất nông nghiệp, phi nông nghiệp và thành thị

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, qua đó, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuấtđể nâng cao thu nhập cho người sản xuất nông nghiệp.

Đa dạng hóa nguồn thu thông qua đa dạng hóa ngành nghề từ nông nghiệp, nông thôn, giảm khoảng cách chênh lệch thu nhập giữa người sản xuất nông nghiệp, phi nông nghiệp và khu vực thành thị.

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp gồm: hệ thống thủy lợi; hệ thống neo đậu tránh trú bão; các cơ sở chế biến, bảo quản nông hải sản; hệ thống máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất. Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp; thu hút các thành phần kinh tế vào đầu tư phát triển ngành nghề khu vực nông nghiệp, nông thôn. Nhờ đó, chất lượng cuộc sống người dân nông thôn từng bước được nâng cao, giảm dần chênh lệch mức sống giữa người sản xuất nông nghiệp với người dân thành thị.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2017

Tài liệu tham khảo:

1. Cục thống kê Nam Định: Kết quả tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011 tỉnh Nam Định, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2012.

2. Cục thống kê tỉnh Nam Định: Niên giám thống kê tỉnh Nam Định 2016, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2017.

3. Cục thống kê tỉnh Nam Định: Niên giám thống kê tỉnh Nam Định 2010, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2011, tr.52.

4. Cục thống kê tỉnh Nam Định: Niên giám thống kê tỉnh Nam Định 2016, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2017, tr.206.

5. Cục thống kê tỉnh Nam Định: Niên giám thống kê tỉnh Nam Định 2016, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2017, tr.371.

6, 9. Cục thống kê tỉnh Nam Định: Niên giám thống kê tỉnh Nam Định 2010, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2011.

7, 8, 10. Cục thống kê tỉnh Nam Định: Niên giám thống kê tỉnh Nam Định 2016, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2017.

11. Cục thống kê tỉnh Nam Định: Niên giám thống kê tỉnh Nam Định 2015, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2016, tr.376.

12. Ban chỉ đạo Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản Trung ương: Báo cáo sơ bộ kết quả điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2017, tr.92.

13. Kết quả khảo sát đề tài: Phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững ở tỉnh Nam Định, năm 2016.

14. Tính toán từ Niên giám thống kê tỉnh Nam Định 2016, Nxb Thống kê, Hà Nội.

 

ThS Nguyễn Thị Miền

Viện Kinh tế,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền