Trang chủ    Thực tiễn    Đánh giá công chức phường ở Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh
Thứ sáu, 10 Tháng 9 2021 08:53
3155 Lượt xem

Đánh giá công chức phường ở Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

(LLCT) - Đánh giá là khâu có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác cán bộ. Thời gian qua, ủy ban nhân dân các phường của Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh luôn thực hiện nghiêm túc các quy định trong đánh giá công chức phường, góp phần vào xây dựng đội ngũ này đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Bài viết phân tích ưu điểm, hạn chế trong hoạt động đánh giá công chức các phường của Quận 12, từ đó đề ra giải pháp thực hiện tốt hơn công tác này.

Ảnh: minh họa

Hiện nay ở phường có 7 chức danh công chức, gồm: Trưởng Công an, Chỉ huy trưởng quân sự, văn phòng - thống kê, địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường, tài chính - kế toán, tư pháp - hộ tịch, văn hóa - xã hội. Việc nâng cao chất lượng công chức phường là yếu tố trọng yếu trong công tác xây dựng đội ngũ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Đánh giá là khâu có vai trò quan trọng trong công tác cán bộ, là tiền đề, cơ sở để lựa chọn, bố trí, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm và thực hiện chính sách cán bộ. Đánh giá đúng sẽ là cơ sở phát huy được khả năng của cán bộ. Ngược lại, đánh giá sai sẽ dẫn đến hàng loạt các khâu khác của công tác cán bộ thiếu chính xác, gây nên những hệ lụy tiêu cực đối với đơn vị, tập thể. Bản thân người cán bộ được đánh giá không đúng thực chất có thể sinh ra chủ quan, tự cao, tự đại hoặc trái lại trở nên tự ti, nhụt chí phấn đấu, làm cho tổ chức mất đi những cán bộ tốt.

Nhận thức việc đánh giá công chức là hết sức quan trọng trong công tác cán bộ, thời gian qua, tập thể cấp ủy, ủy ban nhân dân phường ở Quận 12 đã thực nghiêm túc các quy định của Đảng, Nhà nước về đánh giá cán bộ, nhờ đó, công tác đánh giá công chức phường ở Quận 12 ngày càng được đổi mới, có nhiều chuyển biến về nội dung, phương pháp; góp phần vào xây dựng đội ngũ công chức phường đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ. 

Một là, hầu hết công chức phường ở Quận 12là những người được trưởng thành từ địa phương và được đào tạo, bồi dưỡng cơ bản nên luôn thể hiện lập trường, tư tưởng vững vàng, có bản lĩnh chính trị, chấp hành nghiêm đường lối của Đảng,chính sách, pháp luật Nhà nước. Chính vì vậy, trong thời gian qua, không có công chức nào vi phạm kỷ luật, các công chức đều được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

Hai là,đa số công chức phường ở Quận 12 có phẩm chất đạo đức, lối sống tốt, có ý thứcphấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, có ý thức tổ chức kỷ luật, giữ gìn sự đoàn kết, có lối sống giản dị, trong sạch. Đạo đức cách mạng của công chức phường được thể hiện trong hành động cụ thể, đó là đấu tranh với chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, với tham nhũng và các tệ nạn xã hội.Có ýthức phấn đấu vươn lên, tích cực tu dưỡng, rèn luyện; có tinh thần trách nhiệm trong công việc, từng bước cải tiến lề lối làm việc, khắc phục khó khăn; thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Một số công chức đã không ngừng miệt mài, nỗ lực học tập, công tác, thể hiện bản lĩnh, uy tín trong công việc đã nhanh chóng trưởng thành, được đề bạt, bổ nhiệm giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý của phường hoặc được luân chuyển công tác đến các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân Quận 12.

Ba là, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của công chức phường ở Quận 12 không ngừng được nâng lên. Đa số công chức có trình độ từ đại học trở lên với 383/530 người (72,27%), trong đó 359 người (67,74%) có trình độ đại học và 24 người (4,53%) có trình độ thạc sĩ, tập trung ở phường Hiệp Thành, Tân Chánh Hiệp, Thạnh Xuân và Tân Thới Nhất. Những phường có số lượng công chức có trình độ đại học cao là phường Tân Thới Hiệp, An Phú Đông, Thạnh Xuân(1); tập trung ở các chức danh: địa chính - xây dựng - đô thị; tư pháp - hộ tịch; văn hóa - xã hội; tài chính - kế toán.

Bốn là, đa số công chức phường ở Quận 12 đã xây dựng cho mình phong cách làm việc khoa học, dân chủ, luôn tôn trọng và lắng nghe ý kiến của người dân, luôn xuất phát từ lợi ích của tập thể, vì quyền lợi chung, vì dân vì nước; có tinh thần trách nhiệm cao và có sự phối hợp chặt chẽ, chuyên nghiệp trong công việc.Nhiều công chức phường đã có tư duy sáng tạo, năng động, có nhiều sáng kiến, giải pháp mang lại hiệu quả cao trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Năm là, có ý thức trách nhiệm, nhiệt tình trong công tác,chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn,những việc công chức không được làm trong khi thực thi công vụ. Luôn chấp hành tốt sự phân công, điều động củatổ chức; có ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành tốt nộiquy, quy chế của cơ quan; không sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà đối vớicáccơquan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong giải quyết công việc; bảo đảm các hoạt động thực thi công vụ công khai, minh bạch, giữ vững phẩmchất đạođức công vụ. Nhờ đó, chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ ngày càngnâng cao, cơ bản đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới.

Tuy nhiên, việc đánh giá công chức nói chung, công chức phường ở Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng vẫn còn là khâu khó, khâu yếu. Kết quả đánh giá chưa thật sự phản ánh hết phẩm chất, năng lực của từng cá nhân, “việc nhận xét, đánh giá cán bộ, công chức ở một số nơi vẫn còn mang tính hình thức, thiếu chặt chẽ, chưa phản ánh đúng thực chất những ưu, khuyết điểm của cán bộ, công chức; tinh thần tự phê bình và phê bình chưa cao, còn nể nang, ngại va chạm; một số trường hợp năng lực yếu, thiếu tinh thần trách nhiệm, nhưng vẫn được đánh giá hoàn thành, hoàn thành tốt nhiệm vụ, cá biệt có nơi được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”(2).

Một số ít côngchức còn chưa thực sự gương mẫu, chấp hành chưa tốt đường lối,chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật Nhà nước dẫn tới vi phạm pháp luật, quychế chuyên môn. Tình trạngtự phê bình và phê bình xuôi chiều, “dĩ hòa vi quý”, hạn chế trong công tác đấu tranh xây dựng  nội bộ, “một số ít cán bộ, công chức ý thức, phẩm chất, năng lực yếu, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, thậm chí có biểu hiện sách nhiễu, tiêu cực gây khó khăn, bức xúc cho doanh nghiệp và công dân, thậm chí vi phạm kỷ luật phải xử lý”(3). Tác phong làm việc trì trệ, luộm thuộm, không đi làmđúng giờ, dẫn đến sự tùy tiện trong giải quyếtcông việc và chấp hành nội quy, quy chế làm việc. Nhiều khi trụ sở khôngcó trực tiếp dân hoặc giải quyết công việc, vẫn còn công chức giải quyết công việc tại nhà.

Nguyên nhân của những hạn chế trên là do: (i) Những quy định làm cơ sở pháp lý cho công tác đánh giá côngchức còn chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ. Văn bản quy định các nội dung tiêu chí đánh giá còn chungchung, khó định lượng được kết quả, hiệu suất công tác của công chức; (ii) Nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác đánh giá cánbộ, công chức của một số cán bộ đứng đầu, tập thể lãnh đạo và đội ngũ công chức tại ủy ban nhân dân phường ở Quận 12 chưa được coi trọng đầy đủ và sâu sắc; tinh thần tự phê bình và phê bình của nhiều công chức chưa cao; (iii) Sự tham gia của các chủ thể còn hạn chế, chưa thật sự phát huy dân chủ trong tập thể, phát huy vai trò giám sát,tham gia của nhân dân vào tácđánh  giácông chức; bệnh thành tích trong đánh giá công chức vẫn còn tồn tại ở một số ít phường; phương pháp, quy trình đánh giá chưa khoa học, còn qua loa, chiếu lệ.

Để tiếp tục phát huy được những ưu điểm và khắc phục hạn chế, yếu kém trong công tác đánh giá công chức phường, cần quán triệt tốt quan điểm của Đại hội XIII của Đảng là“coi trọng đánh giá chất lượng, hiệu quả, sản phẩm thực tế theo chức trách, nhiệm vụ được giao và đề cao trách nhiệm người đứng đầu”(4); quan điểm của Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh “đổi mới nội dung, phương pháp đánh giá cán bộ, công chức”(5); đồng thời thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất,nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đảng ủy, người đứng đầu, đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân về đánh giá công chức phường. Cấp ủy,chính quyền cấp  trên trực tiếp quán triệt sâu sắc cho mọi công chức, đảng viên và các cấp ủy, chính quyền cấp cơ sở nắm rõ ýnghĩa, tầm quan trọng của công tác đánh giá công chức phường. Việc đánh giáphải thực hiện nghiêm túc theo quy định của cấp trên, bảo đảm đúng nguyên tắc,đúng quytrình, đúng thời gian; phải lấy kết quảhoàn thành nhiệm vụ được giaolàm thước đo đánh giá. Lãnh đạo công tác đánh giá công chức phải đặt trong mối quan hệ tổng thể các khâu của công tác cán bộ, từ đánh giá, quyhoạch, đào tạo đến sử dụng cán bộ, bảo đảm tiêu chuẩn, quytrình, dân chủ, khách quan.Nâng cao công tác chỉ đạo của các đảng ủy phường trong công tác đánh giá công chức, phải hướng đến việchiểu đúng và thực hiện nghiêm quy định trong công tác đánh giácán bộ, đảng viên. Nâng cao trách nhiệm của chủ tịch ủy ban nhân dân phường trong việc nhận xét, đánh giá. Cụ thể hóa văn bản của Trung ương thành cơ chế để nhân dân tham gia tích cực vào quá trình đánh giá, phân loại công chức phường. Tiếp tục mởrộng dân chủ, tự phê bình và phê bình, bảo đảm công khai, minh bạch, kháchquan. Phát huy vai trò chủ động, tích cực của Mặt trận Tổ quốc trong giám sát công chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyềnphường.

Thứ hai, tích cực đổi mới công tác đánh giá cán bộ, công chức cấp cơ sở gắn với thực hiện tốt các nghị quyết,chương trình,chỉ thị,quy định của cấp ủy đảng các cấp. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 18-3-2002 của BanChấp hành Trung ương Đảng khóa IX về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn; Nghị quyết Đại hội đại  bộ Thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Bảo đảm kết quả đánh giá giúp công chức xác định được năng lực,trình độ chuyên môn,  nghiệp vụ đang ở mức độ nào và khả năng đáp ứng đối với yêu cầucủa công việc. Kết quả đánh giá là căn cứ quan trọng để bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng ngạch hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp, quy hoạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chính sách khác đối với công chức.

Thứ ba,tiếp tục thực hiện tốt các khâu trong công tác cánbộ tạo tiền đề cho nâng cao chất lượng, hiệu quả đánh giá công chức phường ở Quận 12. Thực hiện nghiêm công tác nhận xét, đánh giá công chức; ràsoát, sắp xếp, kiện toàn đội ngũ công chức các phường bảo đảm tiêu chuẩn, đủ số lượng theo vị trí việc làm, có trình độ và năng lực thực tiễn; từng bước thực hiện tốt tinh giản biên chế,cơ cấu lại đội ngũ công chức bảo đảm cơ cấu hợp lý về độ tuổi, giới tính, dân tộc. Chú trọng tạonguồn cán bộ tại chỗ, trẻ hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; lựa chọn cán bộ cótrình độ, năng lực, nhiệt tình và có triển vọng phát triển để tăng cường, luânchuyển về cơ sở. Rà soát các quy định, hướng dẫn xây dựng, bổ sung tiêu chíđánh giá, phân loại công chức phường phù hợp theo Nghị định số90/2020/NĐ-CPngày13-8-2020về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác nhận xét, đánh giá công chức phường.

Thứ tư, đề cao vai trò tự đánh giá của công chức phường.Vào cuối năm, mỗi công chức phải tự kiểm điểm, đánh giá về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Bản tự nhận xét đánh giá giúp công chức tự đánh giá, nhìn nhận lại quá trình làm việc của bản thân, thành thật với những khuyết điểm của mình, từ đó tìm ra giải pháp để phát huy ưu điểm, khắc phục yếu kém của bản thân.Kết quả đánh giá giúp công chức xác định được năng lực, trình độ của mình đang ở mức độ nào và khả năng đáp ứng yêu cầu công việc.Người đứng đầu cấp ủy, chủ tịch ủy ban nhân dânphường phải gương mẫu, đi đầu trong tự đánh giá việc lãnh đạo, quản lý của cấp ủy và ủy ban nhân dânphường một cách nghiêm túc, khách quan, công tâm, không thổi phồng thành tích, không che giấu khuyết điểm, hạn chế trong lãnh đạo, quản lý, không đổ lỗi cho khách quan; đồng thời, gương mẫu trong tự đánh giá phẩm chất, năng lực của bản thân để cấp dưới học tập, noi gương. Căn cứ vào các tiêu chí đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức được quy định tại Nghị định 90/2020/NĐ-CP, từng cấp ủy, chủ tịch ủy ban nhân dânphường phải cụ thể hóa các tiêu chí đánh giá, xếp loại công chức phù hợp với đặc điểm tình hình ở phường mình. Các tiêu chí đánh giá, xếp loại phải cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu, không trái với quy định của Nhà nước. Trong trường hợp cấp ủy, chủ tịch ủy ban nhân dânphường chưa xây dựng được hệ thống tiêu chí đánh giá, xếp loại công chức phường thì cấp ủy, ủy ban nhân dân quận phải hướng dẫn, giúp đỡ phường xây dựng bộ tiêu chí. Chủ tịch ủy ban nhân dân phường phải đánh giá, xếp loại từng công chức do mình quản lý một cách khách quan, công tâm, chính xác, không thiên vị, không thể hiện thù oán cá nhân, đánh giá thiên lệch.

__________________

(1), (2), (3) Ủy ban nhân dân Quận 12: Báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, 2018, tr.5, 10, 7.

(4) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr.242.

(5) Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh: Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2020, tr.195.

Lưu Minh Đạt

Học viên cao học K25, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền