Trang chủ    Thực tiễn    Mặt trận Tổ quốc Việt Nam – thiết chế chính trị có khả năng phản biện xã hội
Thứ ba, 03 Tháng 12 2013 09:19
8490 Lượt xem

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam – thiết chế chính trị có khả năng phản biện xã hội

(LLCT) - Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) được thông qua tại Đại hội XI của Đảng (2011) khẳng định: “Đảng tôn trọng tính tự chủ, ủng hộ mọi hoạt động tự nguyện, tích cực, sáng tạo và chân thành lắng nghe ý kiến đóng góp của Mặt trận và các đoàn thể. Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội”(1). Từ góc độ vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong cơ cấu quyền lực chính trị ở nước ta, bài viết này đề cập đến nội dung và cách thức để hiện thực hóa quan điểm này.

 

 

1. Phản biện xã hội - một trong những cách thức, công cụ để nhân dân tham gia vào quá trình xây dựng và thực hiện các quyết sách chính trị ở Việt Nam hiện nay

Nghiên cứu về chính trị, V.I.Lênin khẳng định: chính trị là công việc nhà nước và những gì liên quan đến công việc của nhà nước. Đi sâu nghiên cứu chính trị trên quan điểm duy vật biện chứng, các nhà kinh điển mácxít cho rằng, đằng sau những hoạt động nhà nước, những hoạt động tham gia vào công việc nhà nước là vấn đề quyền lực và suy cho cùng là vấn đề lợi ích của các tập đoàn người đông đảo trong xã hội: “những tập đoàn người có địa vị khác nhau trong một hệ thống sản xuất xã hội nhất định, trong quan hệ với tư liệu sản xuất xã hội, trong việc tổ chức và quản lý nền sản xuất xã hội, và do đó khác nhau trong mức độ hưởng thụ từ sự phân phối của cải và phương thức sống. Những tập đoàn đó được gọi là giai cấp”(2).     

Như vậy, việc tham gia vào chính trị, hoạt động chính trị, suy cho cùng là tham gia vào cuộc đấu tranh vì lợi ích của một giai cấp này hay giai cấp kia mà thôi. C.Mác, Ph.Ăngghen viết: “Lịch sử tất cả các xã hội cho đến ngày nay - Tức là toàn bộ lịch sử thành văn (lời chú thích của Ăngghen năm 1888) - chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp. Người tự do và người nô lệ, quý tộc và bình dân, chúa đất và nông nô, thợ cả của phường hội và thợ bạn, nói tóm lại, những kẻ áp bức và những người bị áp bức,...”(3).    

Việc vạch ra sự thật về bản chất, nguồn gốc của chính trị là đóng góp rất to lớn của tư tưởng chính trị Mác - Lênin vì nó đem lại cái nhìn khoa học, khách quan về chính trị. Việc làm đó không chỉ có ý nghĩa về nhận thức lịch sử, mà điều quan trọng hơn là nó vạch ra cho giai cấp công nhân một mục tiêu đấu tranh rõ ràng của mình - chiếm lấy nhà nước, tự tổ chức nên một hình thức cai trị phù hợp với quyền lợi chính đáng của mình, phù hợp với sự phát triển của trình độ sản xuất của loài người.

Những thành quả hay những bất cập của CNXH hiện thực thế kỷ XX đã kiểm chứng, khẳng định tầm quan trọng và chỉ ra những việc cần phải hoàn bị lý thuyết về một thể chế chính trị, thể chế nhà nước dân chủ cũng như cách thức, công cụ để hiện thực các ý tưởng về một thể chế nhà nước hợp lý, có hiệu quả.        

Đành rằng, một nhà nước lý tưởng không thể không phụ thuộc vào yếu tố bản chất giai cấp của giai cấp cầm quyền, nhưng nếu chỉ quan niệm giản đơn về tính ưu việt của “nhà nước kiểu mới” do một lực lượng tiến bộ nắm giữ mà không thực sự quan tâm đúng mức đến việc hoàn thiện về mặt kỹ thuật pháp lý - với tính cách là thành quả văn minh chính trị của nhân loại, thì rút cục nhà nước vẫn có thể bị biến chất. Do đó, tạo lập một nhà nước pháp quyền là biểu hiện tập trung nhất trong việc hình thành một thể chế chính trị dân chủ, đương nhiên đã là dân chủ XHCN thì nhà nước pháp quyền phải đầy đủ hơn, hoàn thiện hơn. Và, để đạt được điều đó trên thực tế đòi hỏi ít nhất phải có: 1) Các nhánh quyền lực trong bộ máy nhà nước không chỉ làm tròn phận sự của nó mà cần phải đảm nhận tốt việc kiểm tra, kiểm soát lẫn nhau bằng và theo luật định; 2) Công việc của các cơ quan công quyền phải công khai và minh bạch trước dân; 3) Dân có quyền tham gia vào công việc của nhà nước, của xã hội như: xây dựng các quyết sách liên quan đến quốc kế dân sinh; xây dựng pháp luật và giám sát hay kiểm soát quyền lực nhà nước bởi những cách thức và cơ chế xác định, trong đó phản biện xã hội là một trong những cách thức, công cụ cần thiết, hữu dụng.       

Với những tiêu chí đã xác định, có thể nói, để hoạt động phản biện xã hội được thực hành trong thực tế, tất yếu phải xây dựng một thể chế chính trị dân chủ, nhà nước pháp quyền. Chỉ có thể chế dân chủ mà trụ cột là nhà nước pháp quyền với những yếu tố đầy đủ của nó, mới có thể tạo ra môi trường cho sự tranh luận, bàn thảo một cách dân chủ những vấn đề liên quan đến lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng.            

Với lôgich đó, có thể khẳng định, thể chế chính trị dân chủ XHCN sẽ là thể chế có khả năng tạo lập môi trường xã hội - chính trị rộng rãi nhất để mọi tầng lớp nhân dân tham gia đối thoại, trình bày những ý kiến, quan điểm của mình trước những vấn đề liên quan đến quốc kế, dân sinh. Phản biện xã hội chính là một trong những cách thức, công cụ để các tầng lớp xã hội, quần chúng nhân dân tham gia vào quá trình xây dựng và thực hiện các quyết sách chính trị ở Việt Nam hiện nay; là cách thức và công cụ để hiện thực hóa nguyên tắc pháp lý mỗi hay mọi công dân đều có thể tham gia vào công việc của nhà nước - trực tiếp hoặc thông qua các tổ chức đại diện.  

2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với việc thực hiện vai trò phản biện xã hội trong thể chế nhất nguyên chính trị ở Việt Nam           

 Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo, được thành lập ngày 18-11-1930. Từ khi có Đảng là có Mặt trận, và ngay sau khi nhân dân giành được chính quyền, Mặt trận đã trở thành một bộ phận cấu thành của hệ thống chính trị. Trải qua các thời kỳ hoạt động với những tên gọi khác nhau, Mặt trận không ngừng phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết dân tộc Việt Nam - một nhân tố góp phần quan trọng trong thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.       

Tuy vị trí, vai trò, chức năng và phương thức hoạt động của từng bộ phận cấu thành trong hệ thống chính trị ở Việt Nam có khác nhau, nhưng từ tổ chức đảng đến các tổ chức quần chúng - tập hợp trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đều là công cụ thực hiện và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nhằm một mục đích chung là: xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh, có vị trí xứng đáng trên trường quốc tế. Vì lẽ đó, Điều 9, Hiến pháp năm 1992 đã xác định: "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân"(4).          

Quan hệ giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các cơ quan nhà nước là quan hệ phối hợp để thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Quan hệ phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Nhà nước được thực hiện theo quy chế phối hợp công tác do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan nhà nước hữu quan ở từng cấp ban hành.

Trong quan hệ với nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp mở rộng và đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, phát huy vai trò người tiêu biểu, xây dựng cộng đồng dân cư tự quản hoạt động trên cơ sở hương ước, quy ước; động viên nhân dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp và pháp luật, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức nhà nước; thường xuyên tập hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng và Nhà nước; chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.            

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể thành viên có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đó là: củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân, thắt chặt mối liên hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Từ khi khởi xướng và thực hành đổi mới đến nay, xã hội Việt Nam nói chung và hệ thống tổ chức quyền lực chính trị ở nước ta nói riêng đã biến đổi theo chiều hướng ngày càng dân chủ hơn. Đối thoại trong hệ thống chính trị đã được hình thành và dần dần trở thành một nguyên tắc vận hành của cả hệ thống. Thông qua đổi mới và dân chủ hóa, mọi người, mọi cấp độ chủ thể quyền lực đều hiểu ra rằng, chân lý đến từ quá trình tìm tòi, suy ngẫm, phân tích và tiếp nhận thông tin liên tục của cuộc sống; rằng, sự mở cửa giao lưu với thế giới bên ngoài, sự hội nhập ngày càng sâu của nền kinh tế không cho phép bất cứ ai bảo thủ, trì trệ.           

Như vậy, từ lịch sử đến hiện tại, có thể khẳng định: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức đại diện của các tầng lớp nhân dân, vừa tồn tại độc lập, vừa là bộ phận hợp thành của hệ thống chính trị nhất nguyên do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Tính nhất nguyên của hệ thống chính trị ấy có ưu điểm tạo nên sự thống nhất, sự ổn định của hệ thống, nhưng nếu không có cơ chế điều chỉnh hợp lý và kịp thời, đôi khi có thể khiến cho hệ thống rơi vào trì trệ, thậm chí dẫn đến nguy cơ độc đoán từ phía bộ phận cầm quyền. Cho dù trên thực tế, Đảng, Nhà nước ta đã và đang chứng tỏ là tổ chức biểu hiện tập trung quyền lợi của nhân dân, nhưng trong quá trình vận hành của hệ thống chính trị ngày nay, tất cả hoạt động của các tổ chức quyền lực, về phương diện kỹ thuật pháp lý, đều phải được giám sát bởi một thiết chế quyền lực có tính độc lập tương đối. Trong thể chế nhất nguyên chính trị ở nước ta, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là thiết chế như vậy và có thể đảm đương chức năng phản biện các quyết sách và giám sát hoạt động của các cơ quan quyền lực của Đảng và Nhà nước.  

Chung quanh việc tìm kiếm cách thức, cơ chế nhằm tạo nên tính độc lập tương đối của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (cũng như các tổ chức chính trị - xã hội) ở nước ta hiện nay đã có nhiều ý kiến, nhiều cách làm khác nhau; hiệu quả có, nhưng kém hiệu quả, mang tính hình thức cũng không ít... Hiện vẫn còn nhiều việc phải làm để tạo lập cơ chế đó, nhưng liên quan đến sửa đổi và bổ sung Hiến Pháp 1992 hiện nay, phải chăng cần và có thể làm được ít nhất các việc sau:   

Thứ nhất, xác định rõ địa vị pháp lý của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam như là một tổ chức đại diện lợi ích của các tầng lớp nhân dân trong mối quan hệ với tất cả các tổ chức còn lại cấu thành hệ thống chính trị nhất nguyên do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo để giảm thiểu tính “lưỡng dụng”- không rành mạch trong mối quan hệ với Nhà nước của Mặt trận như hiện nay.       

Thứ hai, trên cơ sở đó thể chế hoá về mặt ngân sách kèm theo là việc kiện toàn tổ chức bộ máy để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đủ ngân sách hoạt động mà không phụ thuộc cơ chế  “xin - cho” từ phía cơ quan nhà nước.

Thứ ba, tạo dựng cách thức, cơ chế để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp địa phương tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tuyến dọc nhằm bảo đảm tính độc lập tương đối so với các cơ quan quyền lực khác cùng cấp.

Thứ tư, thiết kế một chính sách cán bộ để quá trình lựa chọn thủ lĩnh cho các phong trào, các tổ chức đoàn thể, vừa thể hiện vai trò lãnh đạo của Đảng nhưng lại thực sự phản ánh nguyện vọng của chính các thành viên của phong trào và các tổ chức đó.           

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý  luận chính trị số 9-2012

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.87.          

(2) V.I. Lênin: Toàn tập, t.33, Nxb Tiến bộ, Matxcơva, tr.9.

(3) C.Mác - Ph.Ăngghen: Tuyển tập, t.I, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1980, tr.540.          

(4) Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1992, Nxb Pháp lý, Hà Nội, 1992, tr.15.

PGS, TS Hồ Tấn Sáng

Học viện Chính trị - Hành chính khu vực III

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền