Trang chủ    Tin tức    Hội thảo khoa học: “Những khuyến nghị chính để xây dựng hệ thống đánh giá hiệu quả chính phủ” tại Việt Nam
Thứ ba, 29 Tháng 5 2018 15:54
2677 Lượt xem

Hội thảo khoa học: “Những khuyến nghị chính để xây dựng hệ thống đánh giá hiệu quả chính phủ” tại Việt Nam

(LLCT) - Nằm trong khuôn khổ các hoạt động nghiên cứu hợp tác giữa Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (HCMA) và Viện Hành chính công Hàn Quốc (KIPA), ngày 18-5-2018, Đoàn nghiên cứu tổ chức Hội thảo khoa học: “Những khuyến nghị chính để xây dựng hệ thống đánh giá hiệu quả chính phủ” tại Việt Nam. TS Bùi Phương Đình, Viện trưởng Viện Xã hội học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và TS Yoon Su Jae, Trưởng KhoaNghiên cứu đánh giá, Viện Hành chính công Hàn Quốc chủ trì Hội thảo.

(Các đại biểu dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm)

Tham dự Hội thảo có PGS, TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Học viện, các nhà khoa học trong nhóm nghiên cứu hợp tác chung HCMA – KIPA, đại diện lãnh đạo các đơn vị cùng đông đảo các nhà khoa học, giảng viên trong Học viện.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS, TS Nguyễn Duy Bắc nhận định, Hàn Quốc có nhiều kinh nghiệm trong điều tra, công bố và sử dụng kết quả điều tra Chính phủ của Hàn Quốc, đặc biệt là Viện Hành chính công Hàn Quốc. Đây là những kiến thức, kinh nghiệm rất hữu ích cho Việt Nam trong bối cảnh đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hiệu quả. Trong bộ máy Nhà nước Việt Nam, chính phủ vừa là cơ quan tham gia vào quá trình hoạch định, xây dựng chính sách, vừa là cơ quan tổ chức và giám sát việc thực hiện chính sách. Do đó rất cần có sự đánh giá, xem xét bằng các hệ thống công cụ, phương pháp đánh giá khách quan, khoa học. Hiện tại Việt Nam chưa có bộ chỉ số tổng hợp để đánh giá hiệu lực, hiệu quả của chính phủ mà mới chỉ có các chỉ số đánh giá riêng rẽ với từng phân cấp, việc xây dựng hệ thống đánh giá Chính phủ mới chỉ bắt đầu ở điểm đề xuất. Trước thực trạng đó, Hội thảo khoa học Những khuyến nghị chính để xây dựng hệ thống đánh giá hiệu quả chính phủ tại Việt Nam được xem là tiền đề choviệc xây dựng mô hình đánh giá Chính phủ hiệu quả, phù hợp với yêu cầu đổi  mới, xây dựng Nhà nước Việt Nam kiến tạo, liêm chính và phục vụ.

Phát biểu tại Hội thảo, TS Yoon Su Jae giới thiệu các kết quả nghiên cứu đạt được trong chương trình nghiên cứu hợp tác chung giữa HCMA và KIPA về việc xây dựng mô hình đánh giá chính phủ hiệu lực, hiệu quả. Trên cơ sở đó, đồng chí xác định đối tượng cơ quan và phạm vi đánh giá Chính phủ Việt Nam, đồng thời đề xuất phương hướng xây dựng, sửa đổi luật về đánh giá các mặt hoạt động của Chính phủ Việt Nam; xây dựng hệ thống triển khai đánh giá Chính phủ Việt Nam gắn với các cơ quan chuyên trách, trong đó có Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Chia sẻ những kinh nghiệm trong đánh giá hiệu quả Chính phủ Hàn Quốc, TS Hwang Hie Shin, Viện Hành chính công Hàn Quốc trình bày lịch sử quá trình xây dựng và thực hiện các mô hình quản lý kết quả thực thi của Chính phủ Hàn Quốc, đồng thời chỉ rõ các đặc điểm chính trong hệ thống đánh giá của Chính phủ Hàn Quốc: (1) Các đặc điểm về quản lý quốc gia và thể chế là: Giữa cơ quan lập pháp và cơ quan hành chính, cơ quan hành chính có quyền đánh giá công tác chính phủ; Trong nội bộ cơ quan chính phủ, giữa Văn phòng điều phối Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Tài chính thì Văn phòng điều phối Chính phủ có quyền thực hiện đánh giá công tác chính phủ; Nội bộ cơ quan hành chính ngoại trừ Văn phòng điều phối Chính phủ thì Bộ Kế hoạch và Tài chính, Bộ Hành chính và An ninh, Cơ quan Đổi mới nhân sự có thầm quyền nhất. (2) Phương pháp, công cụ đánh giá gồm hệ thống các chương trình, kế hoạch, báo cáo giám sát quá trình thực hiện và các ý kiến phản hồi của các đối tượng liên quan; các hệ thống điện tử như E-ipes; tiêu chuẩn hóa so sánh trong các trường hợp tự đánh giá như: các loại hình chỉ tiêu, biểu mẫu báo cáo... (3) Áp dụng các quy định trong sử dụng kết quả đánh giá: bắt buộc phải báo cáo trong phiên họp chính phủ và báo cáo với Ủy ban thường vụ Quốc hội; bắt buộc thực hiện và liên kết của các cơ quan, ngân sách, nhân sự và hệ thống bảo trì...

Phát biểu tại Hội thảo, TS Bùi Phương Đình chỉ rõ những bài học kinh nghiệm từ hệ thống đánh giá Chính phủ Hàn Quốc có thể áp dụng trong đánh giá hiệu quả Chính phủ Việt Nam như: (1) Đánh giá hiệu quả chính phủ cần liên tục hoàn thiện với các quá trình: phân tích báo cáo - đánh giá chính sách - đánh giá thể chế - quản lý thực thi. (2) Yêu cầu về cơ sở pháp lý cao. Năm 2001, việc đánh giá hoạt động chính phủ đã được luật hóa bằng đạo luật cơ bản về đánh giá hoạt động chính quyền. Năm 2006, luật sửa đổi thành Luật cơ bản về đánh giá thực thi chính phủ. Theo Luật này, tất cả các cơ quan nhà nước trung ương và địa phương, các tổ chức công lập đều phải áp dụng quản lý thực thi. (3) Thiết lập tổ chức chịu trách nhiệm có thẩm quyền cao với việc thành lập Ủy ban đánh giá thực thi chính phủ với cơ chế đồng chủ tịch: Thủ tướng và một công dân đại diện cho Tổng thống bổ nhiệm. Cơ quan thường trực là văn phòng điều phối chính sách quốc gia. Các thành viên bao gồm bộ trưởng ba bộ: Chiến lược và tài chính; Nội vụ và an ninh; Văn phòng điều chỉnh chính sách quốc gia; các tổ chức tư nhân và xã hội.(4) Chú trọng tính độc lập, khách quan của đánh giá. Luật đánh giá thực thi chính phủ 2006 yêu cầu mỗi Ủy ban đánh giá của cơ quan chính quyền Trung ương phải có ít nhất 2/3 thành viên là người bên ngoài như các nhà khoa học, chuyên gia, đại diện các tổ chức xã hội hoặc hiệp hội doanh nhân. Kết quả đánh giá phải được nộp lên Ủy ban đánh giá và công bố trên website cho công chúng biết. (5) Xác lập các chỉ báo đánh giá ngay trong các chương trình kế hoạch tương ứng với các mục tiêu hoạt động. (6) Thực hiện khảo sát sự hài lòng của người dân.

Đề xuất khuyến nghị chính cho hệ thống đánh giá hiệu quả Chính phủ Việt Nam, TS Lee Hwan Seong, Viện Hành chính công Hàn Quốc chỉ rõ phương hướng xây dựng hệ thống triển khai đánh giá chương trình mục tiêu quốc gia của Việt Nam là cần: xây dựng tổ chức chuyên trách quản lý chung về đánh giá chương trình mục tiêu quốc gia là Văn phòng Chính phủ Việt Nam. Trong đó cần thiết lập Ủy ban Đánh giá chương trình mục tiêu quốc gia của Thủ tướng có nhiệm vụ đảm trách các công việc có liên quan đến xây dựng kế hoạch đánh giá trên lập trường của chính phủ, lập kế hoạch, quản lý những công việc liên quan đến báo cáo, sử dụng các kết quả đánh giá; Xây dựng Cục Đánh giá thẩm định có nhiệm vụ đảm nhận các chức năng thẩm định như: kiểm tra, phân tích quá trình thực hiện công tác Chính phủ và các chức năng đánh giá từ chính sách quan trọng đến chương trình mục tiêu quốc gia và năng lực thể chế. Xác định vai trò của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là cần thiêt lập và cải tiến hệ thống đánh giá chương trình mục tiêu quốc gia; bồi dưỡng và đào tạo cán bộ đảm đương việc đánh giá ; tích cực tham gia khi thực hiện đánh giá; đảm đương công việc nhất khi thực hiện đánh giá như: phân tích sâu các quá trình thực hiện và kết quả thực thi của chương trình mục tiêu quốc gia; điều tra mức độ hài lòng của người dân khi áp dụng các chương trình, chính sách...

Nguyễn Thị Lan

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền