Trang chủ    Tin tức    Hội thảo Khoa học quốc tế “Quản lý nhà nước bằng pháp luật thích ứng với bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam và Lào”
Thứ tư, 27 Tháng 3 2019 09:22
2375 Lượt xem

Hội thảo Khoa học quốc tế “Quản lý nhà nước bằng pháp luật thích ứng với bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam và Lào”

(LLCT) - Ngày 22-3-2019, tại Hải Phòng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Lào, Viện Khoa học xã hội quốc gia Lào và Thành ủy Hải Phòng tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế: “Quản lý nhà nước bằng pháp luật thích ứng với bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở Việt Nam và Lào”.

Các đồng chí: GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Hải Phòng; GS,TS Nguyễn Quang Thuấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; PGS, TS Thongsalith Mangnomek, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Lào; TS Sonethanou Thammavong, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội quốc gia Lào, đồng Chủ trì Hội thảo.

Khai mạc Hội thảo, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ: Việt Nam và Lào là hai quốc gia đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã mở ra cho hai nước Việt Nam và Lào nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ công nghệ, năng lực sản xuất và cạnh tranh. Tuy nhiên, cả hai nước sẽ phải đối phó với nhiều khó khăn, thách thức như: sự tụt hậu về công nghệ, sự rối loạn thị trường lao động truyền thống, khả năng mất an toàn, an ninh thông tin, thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ cao, xâm phạm bản quyền, sở hữu trí tuệ...

Để thích ứng với bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam và Lào phải đổi mới phương thức quản lý nhà nước bằng pháp luật hướng tới một nền quản trị mở dựa trên nền tảng công nghệ thông tin. Đó phải là nền quản trị đáp ứng các yêu cầu: 1/Sự minh bạch trong hoạt động của bộ máy nhà nước; 2/ Sự tuân thủ các giá trị đạo đức, nguyên tắc và chuẩn mực chung để duy trì và ưu tiên lợi ích công cộng; 3/ Trách nhiệm giải trình trước người dân về các quyết định của Nhà nước và sự chịu trách nhiệm về những quyết định đó); 4/ Sự tham gia của các chủ thể trong xã hội vào quá trình hoạch định, triển khai chính sách và cung cấp dịch vụ.

Tại Hội thảo, các đại biểu, các nhà khoa học đã tập trung thảo luận những nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, làm rõ những yêu cầu đặt ra đối với quản lý nhà nước bằng pháp luật trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế.

Thứ hai, phân tích thực trạng quản lý nhà nước bằng pháp luật ở Việt Nam và Lào trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên các lĩnh vực: kinh tế, xã hội, tài nguyên, môi trường, văn hóa, an ninh chính trị và phân cấp Trung ương - địa phương...

Thứ ba, đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật thích ứng với bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0.

Tào Thị Quyên

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền