Trang chủ    Tin tức    Hội thảo khoa học cấp quốc gia “60 năm tác phẩm "Đạo đức cách mạng" của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn đối với công tác xây dựng Đảng hiện nay”
Thứ bảy, 22 Tháng 12 2018 22:11
2525 Lượt xem

Hội thảo khoa học cấp quốc gia “60 năm tác phẩm "Đạo đức cách mạng" của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn đối với công tác xây dựng Đảng hiện nay”

(LLCT) - Sáng 21-12-2018, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “60 năm tác phẩm "Đạo đức cách mạng" của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn đối với công tác xây dựng Đảng hiện nay".

(Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính Trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu khai mạc Hội thảo)

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS, TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đồng chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có đồng chí Phạm Văn Linh, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương, đồng chí Hoàng Thị Ái Nhiên, Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; đồng chí Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; đồng chí Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam... cùng đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài Học viện.

Tháng 12-1958, trước tình hình mới của cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm "Đạo đức cách mạng" với bút danh Trần Lực. Tác phẩm được đăng trên Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản) và là một trong những bài viết của Người có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, GS, TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: 60 năm đã trôi qua, nhưng tác phẩm “Đạo đức cách mạng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn quý báu, tiếp tục mang tính thời sự, đi vào cuộc sống và trở thành tư tưởng chỉ đạo cho công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ và là phương châm hành động, tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên. Hội thảo là dịp để chúng ta tiếp tục nghiên cứu, nhận thức sâu sắc hơn nữa ý nghĩa lịch sử to lớn và giá trị của tác phẩm, của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, đối với công tác xây dựng Đảng và công tác cán bộ hiện nay.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã thảo luận, làm sáng tỏ những nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, tác phẩm “Đạo đức cách mạng” là chỉ dẫn quý báu trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người cán bộ, đảng viên. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang.

PGS, TS Phạm Hồng Chương nêu rõ: Việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức của cán bộ, đảng viên là nhiệm vụ hết sức quan trọng, nhằm xây dựng Đảng vững mạnh; ngăn chặn, đẩy lùi và làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực phản động, thù địch. Trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, phẩm chất đạo đức cách mạng đầu tiên phải là“Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng”. Hai là, phải “Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng”.Ba là,phải “Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình.Bốn là,“Ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ”.

Thứ hai, tác phẩm là vũ khí sắc bén trong nhận diện và đấu tranh phòng, chống chủ nghĩa cá nhân.

Theo PGS, TS Lê Quốc Lý: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra tác hại, nguy hiểm của chủ nghĩa cá nhân trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng”. Người nêu rõ, cán bộ, đảng viên phải cương quyết chống chủ nghĩa cá nhân; để làm được điều đó đảng viên cần thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng, thấm nhuần đạo đức cách mạng, không tự mãn, kiêu ngạo, chủ quan.

Bên cạnh nhận diện và chỉ ra những tác hại của chủ nghĩa cá nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nêu lên những chỉ dẫn quan trọng nhằm phòng, chống chủ nghĩa cá nhân một cách hiệu quả. Theo Người, thật thà tự phê bình và thành khẩn phê bình là “vũ khí sắc bén”, góp phần phát hiện sớm những biểu hiện của nghĩa cá nhân, những sai lầm, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên để kịp thời chỉnh đốn, sửa chữa.

Thứ ba, tác phẩm “Đạo đức cách mạng” có ý nghĩa giáo dục to lớn trong công tác xây dựng Đảng và công tác cán bộ hiện nay.Có thể thấy, các chỉ dẫn về xây dựng đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị và có tính thời sự sâu sắc. Các cán bộ, đảng viên cần ý thức được trách nhiệm học tập một cách nghiêm túc và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.

PGS, TS Trần Văn Phòng cho rằng: Đạo đức cách mạng giúp người cán bộ, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp khó khăn, gian khổ; trong đó có cuộc đấu tranh chống đạo đức cũ, xây dựng đạo đức mới; đây là cuộc chiến nội tâm, tự chuyển hóa trong bản thân mỗi cá nhân.

Phát biểu tại Hội thảo, GS, TS Hoàng Chí Bảo khẳng định: Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân là chủ đề xuyên suốt, nổi bật, nhất quán của giá trị di sản Hồ Chí Minh. Tác phẩm “Đạo đức cách mạng” chính là sự phát triển nhất quán của tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề đạo đức.

Thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng lý luận Mác - Lênin về chủ nghĩa duy vật lịch sử, về học thuyết hình thái kinh tế - xã hội để  làm rõ mối quan hệ cá nhân và xã hội , trên cơ sở đó nhận thức mối quan hệ giữa đạo đức cá nhân và đạo đức xã hội. Đạo đức của con người trong xã hội có tính giai cấp, đạo đức cách mạng là đạo đức của giai cấp công nhân, do đó là đạo đức hành động hướng vào sự nghiệp cách mạng cộng sản chủ nghĩa để xây dựng xã hội tương lai.

Thứ hai, bằng quan điểm duy vật lịch sử ứng dụng vào đạo đức học, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra triết học xã hội về đạo đức, nêu bật những biểu hiện và tác hại của chủ nghĩa cá nhân, đồng thời khẳng định bản chất, vai trò và tác động của đạo đức cách mạng. Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong.

Thứ ba, trong tác phẩm, Người đã thẳng thắn chỉ ra những yếu kém của một số cán bộ đảng viên, phê phán nghiêm khắc thực trạng suy thoái đạo đức trong đảng, trong xã hội với căn bệnh chủ nghĩa cá nhân.

Thứ tư, Người nêu bật tầm quan trọng của việc học tập lý luận Mác - Lênin trong trau dồi, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Học tập chủ nghĩa Mác - Lênin là nắm lấy tinh thần chủ nghĩa Mác để ứng xử với con người và công việc, là học tập những nguyên lý phổ biến của chủ nghĩa Mác để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta

Thứ năm, tác phẩm "Đạo đức cách mạng" của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa chỉ đạo to lớn đối với Đảng ta hiện nay trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quyết tâm làm cho Đảng thực sự trong sạch.

Phát biểu tổng kết Hội thảo, GS, TS Nguyễn Xuân Thắng trân trọng cảm ơn các đại biểu, các nhà khoa học đã có những ý kiến trao đổi tâm huyết cho chủ đề Hội thảo; khẳng định các ý kiến trao đổi, thảo luận, đánh giá, phân tích của các nhà khoa học đã góp phần làm sáng tỏ hơn những nội dung trong tác phẩm, đặc biệt là những giá trị của tác phẩm với vấn đề xây dựng đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay.

Thùy Linh

       

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền