Trang chủ    Tin tức    Hội thảo khoa học: “Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CP-TPP): Thời cơ và thách thức đối với Việt Nam”
Thứ hai, 22 Tháng 4 2019 17:08
2244 Lượt xem

Hội thảo khoa học: “Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CP-TPP): Thời cơ và thách thức đối với Việt Nam”

(LLCT) - Ngày 19-4-2019, Viện Thông tin khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học: “Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CP-TPP): Thời cơ và thách thức đối với Việt Nam”.

 

(Toàn cảnh Hội thảo)

Chủ trì Hội thảo có PGS, TS Nguyễn Hữu Thắng, Phó Viện trưởng Viện Thông tin khoa học; PGS, TS Lê Văn Toan, Nguyên Viện trưởng Viện Thông tin khoa học , Giám đốc Trung tâm Ấn Độ. Tham dự Hội thảo có đông đảo các nhà khoa học, các giảng viên, nghiên cứu viên trong và ngoài Học viện.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS, TS Nguyễn Hữu Thắng khẳng định CPTPP là Hiệp định thương mại với những tiêu chuẩn cao, toàn diện và cân bằng với mục đích chủ yếu là mở cửa thương mại và hội nhập cho toàn khu vực. Việt Nam là nước thứ 7 phê chuẩn Hiệp định CPTPP  thông qua Nghị quyết số 82/2018/QH14 ngày 12/11/2018. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 121/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP với nhiều nội dung: tuyên truyền, phổ biến thông tin về CPTPP, xây dựng thể chế, biện phap nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn lực; chủ trương, chính sách đối với tổ chức công đoàn và người lao động tại cơ sở doanh nghiệp; các chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển biền vững. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Hiệp định CPTPP ở Việt Nam chưa thực sự tích cực. Nhiều cơ quan chức năng chưa quyết liệt trong việc thực hiên, nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng tìm hiểu, chưa chuẩn bị các điều kiện, tiền đề để thích ứng với CPTPP.

Với bối cảnh và những vấn đề đặt ra, Hội thảo tập trung thảo luận các vấn đề sau: 1) Những cam kết mới theo CPTPP và những tác động có thể có tới kinh tế - xã hội Việt Nam; 2) Những cơ hội nào đối với Việt Nam từ những cam kết trong Hiệp định CPTPP trong từng lĩnh vực khác nhau: Nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, khoa học – công nghệ...; 3) Đề xuất những biện pháp để khai thác, tận dụng cơ hội đồng thời hạn chế những khó khăn và thách thức do CPTPP mang lại cho Việt Nam.

3 tham luận được trình bày tại Hội thảo và 9 ý kiến đóng góp tại Hội thảo tập trung làm rõ những tác động của CPTPP đối với Việt Nam, các cơ hội và thách thức từ đó đề xuất các giải pháp cho Việt Nam. Với những cam kết vượt trội về tự do hóa thương mại, đầu tư, Hiệp định CPTPP tạo những điều kiện thuận lợi và cơ hội cho Việt Nam như: tạo động lực thúc đẩy cải cách thể chế, thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế, tạo động lực tăng trưởng, tiếp cận công nghệ hiện đại, tiếp cận nguồn lực, mô hình quản lý mới, mở rộng thị trường rộng lớn ở 3 châu lục (Mỹ, Á, Đại Dương),... Đặc biệt, CPTPP tạo cơ hội cho Việt Nam phát triển quốc phòng – an ninh thông qua việc thiết lập quan hệ và tăng cường hợp tác, củng cố quốc phòng – an ninh với các nước thành viên. Trong hợp tác kinh tế, Việt Nam tranh thủ tiếp nhận chuyển giao công nghệ lưỡng dụng từ các nước tiên tiến như Nhật Bản và Australia để phát triển tổ hợp công nghiệp quốc phòng trong nước.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định, bên cạnh những cơ hội, Việt Nam phải đối mặt với những thách thức đến từ sức ép cải cách thể chế để phù hợp với pháp luật quốc tế; thách thức từ khả năng thích ứng với CPTPP của Việt Nam còn ở mức thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn đặt ra như tiêu chuẩn về minh bạch hóa, các quy định về sở hữu trí tuệ,...; đối mặt với những áp lực cạnh tranh do sự xuất hiện các hình thức thương mại điện tử; các vấn đề về lao động, xã hội;... Từ đó, xuất hiện những thách thức về quản lý an ninh mạng, an ninh thông tin,... có nguy cơ gia tăng mạnh.

Trên cơ sở phân tích thời cơ và thách thức mang lại từ CPTPP, các chuyên gia, các nhà khoa học tại Hội thảo thống nhất, để CPTPP sớm đi vào cuộc sống và mang lại những kết quả quan trọng cho nền kinh tế, đòi hỏi sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân có trách nhiệm. Nhiệm vụ cấp bách hiện nay là tích cực nghiên cứu, tuyên truyền, phổ biến nội dung của Hiệp định CPTPP đến từng doanh nghiệp, từng ngành, lĩnh vực và người dân.

 

Lê Bảo Ngọc

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền