Trang chủ    Diễn đàn    Một số biến đổi trong văn hóa làng ở đồng bằng Bắc Bộ
Thứ hai, 26 Tháng 2 2018 15:45
6343 Lượt xem

Một số biến đổi trong văn hóa làng ở đồng bằng Bắc Bộ

(LLCT) - Trong quá trình xây dựng và triển khai các chiến lược, dự án phát triển nông thôn, các nhà hoạch định chính sách chú ý tới hai nhóm nhân tố mang tính văn hóa: nhân tố tĩnh, mang tính truyền thống, thường chậm thay đổi; nhân tố động dễ thay đổi và có thể thay đổi nhanh(1). Theo đó, văn hóa làng thuộc về các loại nhân tố tĩnh, chậm thay đổi. Văn hóa làng bao gồm những giá trị, những chuẩn mực đã được cộng đồng lựa chọn, được thử thách qua thời gian, được bảo tồn có ý thức hoặc thậm chí, trong một vài trường hợp, là vô thức. Do vậy, những đặc trưng của văn hóa làng Việt ở đồng bằng Bắc Bộ cho đến nay tuy có một vài biến đổi nhưng không hề đứt đoạn với quá khứ, trái lại, có sự tiếp nối bền bỉ và sống động cách sống, cách nghĩ, những hội hè, đình đám, những tập tục, tín ngưỡng của các thế hệ đi trước.

Sự biến đổi nhất định của văn hóa làng Việt truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ thể hiện rõ trong thiết chế gia đình, dòng họ; thành tố tín ngưỡng, lễ hội và hương ước.

1. Gia đình là một đơn vị sinh hoạt, đơn vị kinh tế, đơn vị giáo dục, là tế bào xã hội. Gia đình là cộng đồng đầu tiên tạo lập con người từ nhân cách, lối sống đến nghề nghiệp và là cơ sở để thiết lập kỷ cương xã hội. Do đó, người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ rất coi trọng gia đình. Trong tâm thức của người dân vùng đồng bằng sông Hồng, gia đình hết sức gần gũi, thân thương. 57,5% người dân nơi đây thỏa mãn với gia đình của mình, coi gia đình mình giống như những gì mình mong muốn(2). Quan niệm “tề gia” rồi mới “trị quốc” hiện vẫn còn khá phổ biến. Nhiều gia đình người Việt vùng đồng bằng Bắc Bộ đã xây dựng gia phong, nhằm giáo dục con cháu “giữ lấy nếp nhà”.

Đến nay, gia đình hạt nhân vẫn là mô hình phổ biến nhất. Gia đình chủ yếu sống hai thế hệ (cha mẹ và con cái) chiếm 70% đến 75%. Ông bà già ít ở chung với con cái. Cùng với cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch, tốc độ tăng dân số chậm, mỗi gia đình chỉ sinh 1 - 2 con nên quy mô hộ gia đình nhỏ đi, phổ biến gia đình có từ 3 đến 5 người.

Xét về mặt hôn nhân, xu hướng không kết hôn hay kết hôn muộn đang phát triển. Nữ từ 20 - 23 tuổi mới lấy chồng, nam từ 23 đến 27 tuổi mới lấy vợ, tỷ lệ kết hôn hàng năm giảm. Nam nữ lập gia đình lại có xu hướng sinh con đầu lòng muộn và sinh ít con để có điều kiện làm việc, họ chọn chất lượng con cái thay cho số lượng. Tỷ lệ tử vong trẻ em ngày càng giảm nhờ thực hiện tốt công tác chăm sóc bà mẹ trẻ em. Do đó, quy mô gia đình có xu hướng ngày càng giảm đi và số con ổn định.

Cấu trúc gia đình biến động, đa dạng, phức tạp, xuất hiện nhiều loại hình. Không phải gia đình nào cũng tập hợp đủ cha mẹ, con cái, ông bà. Bên cạnh các gia đình 2 thế hệ chiếm số đông và gia đình 3 thế hệ chiếm tỷ lệ nhỏ hơn, có nhiều gia đình đơn thân, chỉ có bố hay có mẹ sống với con. Ly hôn tăng thì việc tái kết hôn diễn ra nhiều hơn, nhanh hơn, hình thành những gia đình, vợ và chồng mới ở với con cái do cuộc hôn nhân trước để lại và con cái sinh ra từ cuộc hôn nhân sau. Đây là gia đình “kiểu mở rộng đặc biệt” với những quan hệ phức tạp giữa bố dượng với con riêng của vợ, dì ghẻ với con riêng của chồng.

Sự phát triển nhiều ngành nghề phi nông nghiệp ở vùng đồng bằng Bắc Bộ khiến các gia đình 2 thế hệ cũng có những hình thức khác nhau. Không phải chỉ có gia đình cả hai vợ chồng làm nông nghiệp mà nay chỉ có vợ hay chồng ở nông thôn làm nông nghiệp, còn người kia đi làm ăn trên thành phố lớn. Vì vậy, gia đình không phải lúc nào vợ chồng cũng sống cùng nhau. Nhiều trường hợp chồng ở một nơi, vợ ở một nơi, do một người phải đi làm ăn xa, thỉnh thoảng mới về thăm gia đình. Người ở nhà phải lo toan mọi việc, làm cả trách nhiệm người bố và người mẹ đối với con cái. Ngay trường hợp gia đình cả hai vợ chồng cùng sống một nơi, nhưng do tính chất, nghề nghiệp khác nhau, nên sinh hoạt gia đình cũng khác trước.

Gia đình 3 hế hệ chung sống cũng có sự biến đổi. Không phải bố mẹ già làm chủ gia đình (gắn với việc nắm nguồn thu, chi, tổ chức đời sống gia đình) mà chính vợ chồng người con là chủ, quyết định công việc làm ăn sinh sống của gia đình. Bố mẹ già sống phụ thuộc, làm một số việc nhẹ giúp con cái.

Gia đình 1 thế hệ cũng tăng lên do tuổi thọ của người dân Việt Nam tăng cao hơn. Điều kiện nhà ở chật chội họ không thể sống chung một nhà với con cháu, nên tách ra sống thành một hộ riêng để sinh hoạt thuận lợi hơn. Thường ở nông thôn con cái làm nhà gần cha mẹ già để đi lại giúp đỡ.

Tóm lại, tính đa khuôn mẫu của loại hình gia đình ở nông thôn đồng bằng sông Hồng là đặc điểm của xã hội văn minh công nghiệp hiện đại, đã thay thế cho tính đồng nhất về khuôn mẫu gia đình truyền thống của xã hội văn minh nông nghiệp trước đây. Nhưng chức năng của gia đình, vai trò, vị trí của gia đình trong xã hội vẫn còn nguyên ý nghĩa.

2. Dòng họ ở nông thôn là tổ chức có tính huyết thống và xã hội, bảo hiểm cho các thành viên khi gặp khó khăn về kinh tế, trở ngại về xã hội. Kết cấu dòng họ người Việt ở làng xã truyền thống thường có ba thành tố cơ bản: gia phả, từ đường và ruộng họ hay quỹ họ.

Dòng họ có kết cấu nghiêm ngặt với những ứng xử được quy định chặt chẽ theo kiểu: “đầu xanh con nhà bác, đầu bạc con nhà chú”, “bé bằng củ khoai cứ vai mà gọi”... Nhiều dòng họ còn lưu giữ được gia phả hoặc tiếp tục viết gia phả. Một số dòng họ còn biên soạn “tộc lệ” để khuyên răn con cháu trong họ giữ gìn nếp sống có văn hóa, tương trợ, đùm bọc lẫn nhau, khuyến khích việc học hành, thi cử. Quan niệm “một người làm quan, cả họ được nhờ”, hiện nay là “chi bộ họ ta”, “chính quyền họ ta” vẫn tồn tại. GS Phan Đại Doãn cho rằng: “đây là mặt âm tính của liên kết này (dòng họ - theo tác giả), làm mềm yếu các quan hệ nhà nước, quan hệ pháp quyền”(3).

Tín ngưỡng của gia đình và dòng họ là thờ cúng tổ tiên. Nhiều dòng họ ở làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ có nhà thờ họ. Việc quyên góp xây dựng từ đường trở nên phổ biến. Việc cắt đặt người trông nom, tu bổ nhà thờ họ khá quy củ. Nhà thờ họ gắn kết những người có cùng dòng máu về mặt tâm linh. Con cháu đi xa về không quên đến nhà thờ họ thắp một nén nhang. Ngày giỗ họ, cả dòng tộc quây quần thực hiện các nghi lễ thờ cúng, bày tỏ lòng biết ơn tổ tiên. Gần đây, việc quy tập và xây cất nghĩa trang dòng họ cũng khá phổ biến. Tục thờ cúng tổ tiên đã góp phần tích cực củng cố mối quan hệ dòng họ, củng cố quan niệm uống nước nhớ nguồn của người Việt. Tục thờ cúng cùng với những quy định về gia lễ, gia huấn và những quy định về ứng xử khiến cho dòng họ góp phần không nhỏ điều chỉnh hành vi của con người, tạo ra một kiểu quản lý xã hội. Gia đình và dòng họ, trên một mặt nào đó góp phần giữ gìn an toàn và ổn định xã hội.

3. Tín ngưỡng đa thần phổ biến ở các làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ. Hầu như làng nào cũng có nghi lễ thờ cúng thần đất, thần nước hoặc các vị thần tự nhiên liên quan đến nông nghiệp, như: mây, mưa, sấm, cây cối... cùng các vị nhân thần. Hiện tượng tín ngưỡng dung hợp này phản ánh tư duy bao dung, cởi mở của người Việt. Các vị thần trên, trong tư tưởng và tình cảm của người dân là những đấng siêu nhiên luôn giúp đỡ, phù trợ, che chở cho cuộc sống của dân cư trong làng.

Văn hóa tín ngưỡng đáp ứng nhu cầu tâm linh của con người, biểu hiện tình cảm tri ân tổ tiên, uống nước nhớ nguồn, một lối sống hướng thiện, đậm chất nhân văn, đồng thời cũng là phương thức giải trí, bồi dưỡng cả thể chất và tinh thần thông qua việc giao cảm với lực lượng siêu nhiên và cả giao lưu, tiếp xúc với thế giới tự nhiên, danh lam thắng cảnh trong mối quan hệ cộng cảm với đồng loại. Là một xã hội nông nghiệp, nằm trong vùng văn hóa Á Đông đậm tính chất siêu linh, xã hội nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ truyền thống cũng như hiện tại đã sản sinh ra các hình thức tín ngưỡng tại cộng đồng cũng như gia đình. Hệ thống các hình thức tín ngưỡng này là sự phản ánh quan niệm của người dân về vũ trụ quan, nhân sinh quan.

Hiện nay, với chính sách tự do về tôn giáo, tín ngưỡng, các hình thức tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống và các sinh hoạt cúng lễ tại đình, chùa, đền... được phục hồi, đáp ứng nhu cầu tâm linh của cộng đồng dân cư sở tại và khách thập phương. Tuy nhiên, trước sự tác động của các yếu tố khách quan và chủ quan, sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng nơi làng quê cũng bộc lộ không ít những mặt hạn chế, bất cập như: biến nơi thờ cúng thiêng liêng thành nơi mua thần bán thánh, mê tín dị đoan, thu lợi bất chính, gây mất an ninh trật tự...

4. Lễ hội làng là một đặc trưng nổi bật của văn hóa làng ở đồng bằng Bắc Bộ. Lễ hội truyền thống của người Việt là hội làng, lễ hội nông nghiệp hoặc mùanhằm biểu dương những giá trị văn hóa tinh thần của cộng đồng dân tộc.

Vùng đồng bằng Bắc Bộ có mật độ lễ hội đậm đặc. Chỉ tính riêng trên địa phận tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang hàng năm có khoảng 500 lễ hội được tổ chức. Hội làng là nơi diễn ra các sinh hoạt tôn giáo, nghệ thuật, thể thao truyền thống của cộng đồng làng, là nét đặc sắc trong văn hóa làng Việt. Hội làng vùng đồng bằng Bắc Bộ gắn bó mật thiết với việc canh tác lúa nước, với nhịp điệu thời gian được tính theo mùa vụ. Mùa màng bội thu, nông nhàn... là thời gian thích hợp để mở hội. Xuất phát từ nhu cầu của cuộc sống, từ sự tồn tại và phát triển, từ mong ước bình yên cho từng cá nhân và gia đình, sự vững mạnh của dòng họ, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi nảy nở ... mà tinh thần của hội làng được duy trì và mở rộng. Lễ hội là nơi thể hiện một cách rõ ràng và đặc sắc tinh thần cộng cảm, cộng mệnh của cư dân trong làng. Mặc dù có tính ổn định tương đối, nhưng cũng giống như các thành tố khác của văn hóa làng, lễ hội cũng chịu sự tác động và biến đổi của các điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, lịch sử. Lễ hội làng hiện nay đã có nhiều biến đổi cả về quy mô, chất lượng cũng như hình thức, chức năng.

Trong xã hội cổ truyền, lễ hội được tổ chức bởi phe giáp ở làng xã với sự phân công mang tính cộng đồng, luân phiên từ giáp này tới giáp khác trong mỗi năm hoặc kỳ lễ hội. Ngày nay, việc tổ chức lễ hội có thể do chính quyền trực tiếp tổ chức, huy động cộng đồng tham gia hoặc cộng đồng trực tiếp tổ chức dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của chính quyền địa phương.

Về tiêu chuẩn lựa chọn người tham gia lễ hội. Trước đây, khi làng xã tổ chức lễ hội, mọi người tham gia một cách tự nguyện, vừa là nghĩa vụ và trách nhiệm đối với cộng đồng. Tùy vào những công việc khác nhau trong diễn trình của lễ hội, mỗi làng định ra một số tiêu chuẩn để lựa chọn người tham gia. Các tiêu chí chọn lựa chủ yếu xoay quanh về trình độ học vấn, chức tước, sức khỏe, ngoại hình đẹp, đạo đức tốt, gia đình song toàn... Ngày nay, tuy đã có nhiều thay đổi trong quan hệ cộng đồng, chuẩn mực xã hội, nhưng việc chọn lựa các thành viên tham gia những phần việc quan trọng trong lễ hội vẫn bảo đảm một số giá trị truyền thống và phù hợp với giá trị mới.

Biến đổi về thời gian, không gian tổ chức lễ hội. Lễ hội trước đây được tổ chức trong không gian làng xã nhưng không gian này hiện nay có nhiều thay đổi, biến dạng. Nhiều công trình di tích đình, đền, miếu... và những địa điểm là môi trường nảy sinh được các hoạt động hội, nay đã không còn hoặc đã được sử dụng vào mục đích khác. Vì vậy, nhiều lễ hội đã không thể khôi phục được các trò diễn, cuộc rước như xưa.

Biến đổi về nghi lễ. Trong lễ hội cổ truyền, nghi lễ là một khâu quan trọng, được thực hiện tuần tự theo quy định của cộng đồng. Lễ hội làng hiện nay đã bổ sung hoặc thay đổi nhiều hoạt động, có xu hướng hiện đại hơn, từ việc trang hoàng khung cảnh di tích, khu nội tự và các nghi vật, nghi trượng trong đám rước. Các lễ vật dâng cúng trong lễ hội có sự thay đổi theo hướng trần tục hóa. Trong một số lễ hội, những thành tố hay những chi tiết nghi lễ trong từng thành tố bị “đẽo gọt”, thậm chí cắt bỏ, cách làm này đã dẫn đến sự biến dạng lễ hội, thậm chí suy vong.

Cùng với sự biến đổi về nghi lễ, các trò chơi, trò diễntrong lễ hội cũng được biến đổi theo. Trong các lễ hội cổ truyền, trò chơi, trò diễn là một bộ phận quan trọng cấu thành lễ hội, được tổ chức với mục đích khác nhau, như: trò mang tính thiêng, trò vui, đấu trí, đua tài thi khéo. Ngày nay, nhiều trò diễn mang tính nghi lễ trong lễ hội không còn được tổ chức. Các trò chơi, trò diễn dân gian đã thất truyền khá nhiều.

Đối tượng tham dự và công tác tổ chức, quản lý lễ hội. Việc tổ chức và quản lý lễ hội truyền thống của làng xưa kia thường không bị chi phối nhiều bởi lượng khách thập phương, mà chủ yếu là “người của làng mình”. Ngày nay khách thập phương đi lễ hội tăng cao, thậm chí, trong nhiều trường hợp, các cộng đồng địa phương tổ chức lễ hội truyền thống chủ yếu phục vụ khách thập phương chứ không hướng đến cộng đồng cư dân địa phương như trước. Nhiều địa phương, kinh doanh các dịch vụ trong lễ hội đã mang lại một nguồn thu tương đối lớn, giải quyết công ăn việc làm cho một số người dân. Vì vậy, bên cạnh các chức năng truyền thống của lễ hội, chức năng kinh tế xuất hiện và được đề cao.

5. Hương ước là một bộ luật của làng. Hương ước thành văn quy định chuẩn mực ứng xử của mọi thành viên trong làng, nghĩa vụ đối với làng và đối với nhau, được tuân thủ một cách nghiêm ngặt và tự nguyện. Hương ước có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội làng Việt. Bằng cách trực tiếp tác động đến từng thành viên của cộng đồng qua việc kiểm soát hành vi ứng xử của mỗi cá nhân, hương ước tạo ra sự ràng buộc, sự áp đặt và cả sự cưỡng chế của cộng đồng đối với mỗi con người trong làng. Hương ước là biểu tượng cho tính tự trị ở trong các ngôi làng Việt truyền thống.

Hương ước truyền thống một mặt duy trì nền nếp trong làng theo những khuôn mẫu nhất định, tạo nên một môi trường sống ổn định cho các thành viên trong làng nhưng mặt khác, nó cũng bộc lộ rất nhiều hạn chế. Thể chế hóa nghĩa vụ và quyền lợi cả phần xác lẫn phần hồn của mỗi người dân trong cộng đồng, hương ước làm nảy sinh tư tưởng bè phái, cục bộ địa phương; tư tưởng địa vị, ngôi thứ, chi phối đời sống làng xã và để lại hậu quả nặng nề. Hương ước làm trầm trọng những hủ tục gây phí tổn sức lực, tiền của, thời gian, gia tăng phân hóa giàu nghèo, ngôi thứ và những mâu thuẫn trong nội bộ làng xã, truyền bá mê tín dị đoan.

GS Trần Quốc Vượng nhận xét: Văn hóa Việt Nam cổ truyền, về bản chất, là một nền văn hóa xóm làng. Vừa là sức mạnh, vừa là điểm yếu của truyền thống Việt Nam(4). Vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để bảo tồn và phát huy được sức mạnh của văn hóa làng, đồng thời hạn chế được điểm yếu của nó.

6. Bảo tồn, phát huy văn hóa làng trong xây dựng nông thôn mới hiện nay

Mặc dù có những biến đổi nhất định về cơ cấu, chức năng, quy mô... nhưng các yếu tố như gia đình, dòng họ, lễ hội, tín ngưỡng... vẫn là những hằng số văn hóa trong đời sống tinh thần của cư dân nông thôn. Chính những hằng số văn hóa này đã gắn kết các cá nhân trong không gian làng xã thành một cộng đồng “cộng sinh, cộng mệnh, cộng cảm”. Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới ở nước ta hiện nay, văn hóa làng là nguồn lực nội sinh quan trọng, có vai trò to lớn để phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Những giá trị văn hóa làng không chỉ có ý nghĩa về phương diện tinh thần mà còn là động lực trực tiếp thúc đẩy nông thôn phát triển. Nếu coi nhẹ những giá trị văn hóa làng sẽ mang đến nhiều hệ lụy, từ việc mai một những di sản văn hóa đến việc mất ổn định xã hội... Bài học từ một số địa phương, như: Thái Bình, Hà Nội, Hưng Yên là những minh chứng cụ thể. Thực tế chỉ ra rằng, muốn phát triển bền vững nông thôn, cần phải xây dựng mô hình kinh tế - xã hội sao cho đồng thời đáp ứng hai mục tiêu: tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội (trong đó vấn đề cốt lõi là dân chủ, công bằng xã hội) và có chiều sâu từ bản sắc văn hóa làng.

Phát huy giá trị văn hóa làng có thể xem vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp để xây dựng nông thôn mới ở nước ta. Tuy nhiên, để có thể phát huy được vai trò của văn hóa làng trong phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành cùng cộng đồng dân cư, sự thực hiện đồng bộ các giải pháp từ nhận thức đến hành động.

Để văn hóa làng trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở nước ta hiện nay, cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Thứ nhất, phát huy nhân tố tích cực của gia đình, dòng tộc.Những giá trị tốt đẹp của văn hóa gia đình, dòng họ: đoàn kết, tương thân tương ái, hiếu học... cần được bảo tồn và phát huy trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Ở các làng quê, các gia đình, dòng họ không chỉ giữ vai trò quan trọng trong sản xuất, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, mà còn tăng cường mối gắn kết trong gia tộc, dòng họ. Nhiều dòng họ tích cực thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang lễ, bài trừ tệ nạn xã hội, bảo tồn và phát huy các công trình thờ các danh nhân của gia tộc, dòng họ. Nhiều tộc họ đã đăng ký và phấn đấu trở thành dòng họ không có tệ nạn xã hội. Đặc biệt, phong trào khuyến học trong các gia đình, dòng họ phát triển rộng khắp và có hiệu quả lớn. Nhiều dòng họ hiếu học, gia đình hiếu học với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, như: xây dựng quỹ khuyến học, hỗ trợ các gia đình khó khăn nhằm tạo điều kiện cho con em học tập, hằng năm tổ chức phát thưởng cho con em có thành tích xuất sắc trong học tập, lập sổ vàng ghi danh những người đạt học vị Tiến sỹ, Giáo sư; tổ chức học tập, tuyên dương những gương điển hình của dòng họ về hiếu học và khoa bảng... Nhờ đó, môi trường văn hóa nói chung ở nông thôn được cải thiện. Đây là những nhân tố thiết thực góp phần xây dựng nông thôn giàu đẹp, văn minh.

Thứ hai, phát huy tính tích cực của phong tục, tập tục, hương ước trong sinh hoạt văn hóa ở nông thôn hiện đại.Ảnh hưởng của phong tục, tập quán, hương ước đến hiệu quả xây dựng nông thôn mới rất lớn, có khi mang tính quyết định. Do đó, cần nhận diện những yếu tố tích cực và tiêu cực của các phong tục, tập quán để có sự tác động phù hợp. Việc hướng dẫn người dân bảo tồn và phát huy những giá trị tích cực của các phong tục tập quán trong quá trình xây dựng nông thôn mới; tôn vinh một số tục đẹp, phù hợp với truyền thống sinh hoạt và văn hóa truyền thống, như: lễ mừng thọ, lễ cúng gia tiên, tục lên lão, thờ thành hoàng, lệ khuyến học...; loại bỏ dần những hủ tục, đặc biệt là hủ tục trong cầu cúng, tang ma, cưới xin, lễ hội là việc làm cần thiết. Đây là cơ sở để vừa bảo tồn, phát huy giữ gìn bản sắc văn hóa vừa xây dựng nông thôn mới thành công.

Thứ ba, khôi phục các hoạt động lễ hội truyền thống phù hợp. Lễ hội truyền thống là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa của làng quê. Việc khôi phục, tổ chức hiệu quả các lễ hội này có ý nghĩa lớn trong phát triển kinh tế và giữ gìn bản sắc. Do vậy, cần xây dựng kế hoạch, chiến lược về lễ hội truyền thống trên từng địa bàn; tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về lễ hội, tự do tín ngưỡng tôn giáo, xây dựng ý thức trách nhiệm tham gia lễ hội, chống mê tín dị đoan, bảo đảm hoạt động lễ hội thực sự văn hóa, văn minh, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả; bảo đảm nguồn lực đề bảo tồn và phát triển, đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa. Đặc biệt, lựa chọn một số lễ hội truyền thống tiêu biểu để phát triển thành sản phẩm du lịch - văn hóa đặc thù.

Thứ tư, tiếp tục thực hiện hiệu quả phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.Đây là giải pháp quan trọng để huy động sức mạnh tổng hợp của các nguồn lực cho sự phát triển văn hóa nông thôn, động viên được sức mạnh của nhân dân tham gia vào quá trình xây dựng nông thôn mới. Theo đó, cần tiếp tục phát huy những thuần phong mỹ tục, những truyền thống tốt đẹp của từng làng quê; xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; chăm lo sự nghiệp giáo dục; chăm sóc sức khỏe, thực hiện dân số kế hoạch hóa gia đình; phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Tương thân tương ái”.Bên cạnh đó, cần chú trọng việc xây dựng con người mới, đó là một nội dung hết sức cần thiết để người nông dân vừa biết tiếp thu khoa học kỹ thuật để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại; vừa không ngừng học tập nâng cao kiến thức văn hóa, có khả năng làm chủ ruộng đồng, làm chủ nông thôn. Họ chính là người phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, kết hợp với những giá trị văn hóa tiên tiến của thời đại.

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính tri số 8-2017

(1) UNESCO, UNDP: Báo cáo “Các khía cạnh văn hóa trong phát triển - một cách tiếp cận thực tiễn”, Paris, 1995.

Các loại nhân tố tính mang tính truyền thống, chậm thay đổi theo quan niệm của UNESCO bao gồm:

Truyền thống, đức tin, các hệ thống giá trị, các chuẩn mực, thước đo về mặt đạo đức, tinh thần, gia đình và xã hội; các cơ cấu về mặt tổ chức quyền lực hình thành mang tính tự giác của cộng đồng địa phương, từ nhiều đời để lại;

Phong cách lối sống, lối tư duy, phương thức sản xuất truyền thống của địa phương, phong tục tập quán, phân công lao động theo giới và tuổi tác, thói quen ăn uống và dinh dưỡng;

Các sinh hoạt văn hóa thiêng liêng mang tính cộng đồng như: lễ hội, các nghi thức, tín ngưỡng;

Những vấn đề về ngôn ngữ (quốc ngữ, thổ ngữ).

(2) Lê Thị Thanh Hương (Chủ biên): Ứng xử của người dân vùng đồng bằng sông Hồng trong gia đình, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2009, tr.156.

(3) Phan Đại Doãn: Mấy vấn đề về văn hóa làng xã Việt Nam trong lịch sử, Nxb Chính trị quốc gia,
Hà Nội, 2004, tr.47.

(4) Trần Quốc Vượng: Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm, Nxb. Văn hóa dân tộc, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật,Hà Nội, 2000, tr.80

 

TS Vũ Thị Phương Hậu

Viện Văn hóa và phát triển,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền