Trang chủ    Thực tiễn    Đảng bộ tỉnh Tiền Giang thực hiện công tác tuyên giáo
Thứ hai, 31 Tháng 8 2015 14:44
2105 Lượt xem

Đảng bộ tỉnh Tiền Giang thực hiện công tác tuyên giáo

(LLCT) - Trong các thời kỳ cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Tiền Giang đã phát huy truyền thống yêu nước, kiên cường bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm và cần cù, sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần viết nên những trang sử hào hùng.

 

Trong những năm qua, Tiền Giang đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trong công cuộc CNH, HĐH, đặc biệt là phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo. Đó là kết quả sự lãnh đạo của Đảng với các chủ trương đúng và sự chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy, sự nỗ lực của các tầng lớp nhân dân. Một trong những nhân tố góp phần quan trọng vào những kết quả đó là Đảng bộ tỉnh Tiền Giang luôn chú trọng công tác tuyên giáo. Cụ thể là:

Một là, công tác học tập, quán triệt nghị quyết được Đảng bộ tổ chức triển khai sâu sắc từ trong Đảng đến các tầng lớp nhân dân. Việc học tập được các chi, đảng bộ tiến hành phù hợp với từng nhóm đối tượng, tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên, hội viên tham dự học tập thuận lợi. Các đợt học tập, quán triệt đều có trên 99% đảng viên và hàng trăm nghìn lượt quần chúng dự.

Hình thức học tập, quán triệt có sự đổi mới, chú trọng học tập quán triệt trực tuyến từ tỉnh đến huyện, xã, nên cán bộ, đảng viên được tiếp thu đầy đủ nội dung quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện, đồng thời tiết kiệm được nguồn lực, thời gian, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đón nhận và đồng tình thực hiện.

Hai là, hoạt động sơ kết, tổng kết quá trình quán triệt, triển khai nghị quyếttrên các lĩnh vực được thực hiện bảo đảm chất lượng, như: Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”; 15 năm Chỉ thị 17 của Ban Bí thư về “Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới”; 25 năm Chỉ thị 05 về “Xây dựng gia đình văn hoá, bảo đảm hạnh phúc gia đình” và Thông tri 12 của Tỉnh ủy tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 gắn với Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá,...

Qua tổng kết, sơ kết giúp các cấp ủy đút kết được kinh nghiệm, biện pháp, phương pháp chỉ đạo, tổ chức thực hiện, từ đó có những quyết sách mới, đưa ra những giải pháp sát hợp lãnh đạo đạt hiệu quả cao hơn trong phát triển kinh tế, văn hoá-xã hội, chăm lo tốt hơn đời sống của nhân dân.

Ba là, trên lĩnh vực an ninh tư tưởng,các cấp ủy đều xây dựng Chương trình hành động và triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 34-TB/TW của Ban Bí thư về “Tăng cường cuộc đấu tranh chống âm mưu, hoạt động "diễn biến hoà bình" trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa”; từ đó nêu cao tinh thần cảnh giác, đoàn kết thống nhất ý chí và hành động nhằm bảo vệ, đấu tranh giữ vững an ninh chính trị.

Bốn là, triển khai Chỉ thị 03-CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các cấp uỷ đảng đã lãnh đạo, thường xuyên kiểm tra, động viên, biểu dương những điển hình tiên tiến.

Nét nổi bật là đã đưa việc học tập và làm theo Người trở thành việc làm thường xuyên, ngày càng đi vào chiều sâu, thành nền nếp. Tỉnh ủy đã đưa nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào chương trình học tập lý luận chính trị và bản tin Thông báo nội bộ, Thông tin thời sự; thành nội dung sinh hoạt chi bộ hàng tháng. Đã gắn việc học tập và làm theo gương Bác với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, đề cao vai trò nêu gương của cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu, do vậy có sức lan tỏa rộng. Tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ, đảng viên có chuyển biến tích cực, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức, thực hiện đã xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo và hiệu quả.

Năm là, các cấp ủy, các ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan truyền thông, tích cực tuyên truyền đậm nét các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế, văn hoá- xã hội; thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí; xây dựng nông thôn mới; chủ quyền biển đảo; phê phán, phản bác những luận điệu sai trái, phản động, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Sáu là, quan tâm công tác giáo dục, đào tạo, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.Thực hiện có hiệu quả Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn,góp phần quan trọng vào tuyên truyền chính sách pháp luật, phương hướng nhiệm vụ. Đồng thời, giúp cán bộ cơ sở nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng làm việc.

Nhu cầu học tập của nhân dân được đáp ứng tốt hơn. Quy mô và mạng lưới cơ sở giáo dục phát triển nhanh; cơ sở vật chất, trường lớp được đầu tư, kiên cố hóa, hiện đại hóatheo chuẩn quốc gia (76,2% số phòng học được xây dựng kiên cố, 21,3% bán kiên cố), có 116 trường đạt chuẩn quốc gia; 98,7% giáo viên đạt chuẩn, trong đó 32% trên chuẩn. Năm 1996, Tiền Giang đã hoàn thànhphổ cập giáo dục tiểu học; năm 2004 phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và năm 2006 phổ cập trung học cơ sở; một số huyện đã thực hiện phổ cập giáo dục trung học. Kết quả phổ cập được duy trì, củng cố.

Chất lượng nguồn nhân lực đã có chuyển biến, tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 32% năm 2009 đã tăng lên trên 39% vào năm 2012. Lao động qua đào tạo của một số ngành nghề cơ bản đã đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế. Đã xuất hiện một số mô hình đô thị xanh, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất xanh, mô hình kinh tế sinh thái.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền, quán triệt chủ trương, chính sách ở một số tình huống có liên quan đến an ninh tư tưởng, văn hóa và vấn đề nhân quyền chưa được chỉ đạo kịp thời; nhất là công tác nắm bắt thông tin, xử lý “điểm nóng” còn chậm và hiệu quả chưa cao. Công tác giải quyết những vấn đề bức xúc liên quan đến thực hiện chính sách đất đai, giải tỏa, đền bù chưa triệt để, còn để kéo dài dẫn đến khiếu kiện vượt cấp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội.

Một số cơ quan, ban ngành chưa chú trọng công tác tư tưởng; công tác quản lý văn hóa, truyền thông, nhất là trên lĩnh vực internet, phương tiện kỹ thuật, trình độ quản lý chưa theo kịp; tình trạng tán phát tài liệu có nội dung xấu, phản động vẫn diễn ra.

Từ thực tiễn cho thấy, để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, đưa chủ trương, chính sách vào cuộc sống có hiệu quả, cần tập trung làm tốt một số nội dung sau:

(1) Các cấp ủy cần tiếp tục gắn nội dung nâng cao nhận thức với xây dựng chương trình, kế hoạch, biện pháp thực hiện. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện quy trình, các bước triển khai thích hợp với từng loại nghị quyết: nghị quyết đại hội, nghị quyết trung ương,... phù hợp với từng đối tượng cụ thể.

(2) Quán triệt nghị quyết, chủ trương chính sách cần coi trọng cung cấp hệ thống tài liệu tham khảo phong phú gồm tư liệu phục vụ nghiên cứu sâu dành cho giảng viên chuẩn bị bài giảng; tài liệu học tập cho cán bộ chủ chốt ở cơ sở; tài liệu “hỏi và đáp” ngắn gọn, súc tích, phục vụ đông đảo đảng viên, nhân dân.

(3) Báo cáo viên là nhân tố quyết định trực tiếp kết quả quán triệt nghị quyết.Báo cáo viên phải nắm vững quan điểm của Đảng, hiểu biết thực tiễn sâu sắc của ngành, lĩnh vực, địa phương theo chuyên đề, có nghiệp vụ sư phạm, đáp ứng những yêu cầu mang tính đặc thù về nội dung, phương pháp giảng...

(4) Đội ngũ báo cáo viên cần được thiết lập, bổ sung kịp thời từ cấp tỉnh đến cơ sở, được tạo điều kiện để nghiên cứu học tập một cách toàn diện và đầy đủ các nội dung của nghị quyết, đồng thời được bồi dưỡng về phương pháp, bảo đảm trình bày đúng các quan điểm trong nghị quyết.

(5) Tổ chức đều đặn, nền nếp công tác thông tin lý luận, thông báo tình hình chính trị, kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại... kịp thời thông báo, định hướng tư tưởng và dư luận xã hội, góp phần ổn định chính trị tư tưởng, kịp thời đấu tranh với những luận điệu sai trái, xuyên tạc, bóp méo sự thật của các thế lực thù địch.

                                                              ThS Nguyễn Út

                                                 Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền