Trang chủ    Thực tiễn    Thi hành án kinh tế trên địa bàn thành phố Hải Phòng: những vấn đề đặt ra
Thứ tư, 09 Tháng 9 2015 16:58
2032 Lượt xem

Thi hành án kinh tế trên địa bàn thành phố Hải Phòng: những vấn đề đặt ra

(LLCT) - Thực tiễn thi hành án dân sự trên địa bàn thành phố Hải Phòng những năm qua cho thấy: công tác thi hành án dân sự đã đạt được kết quả nhất định; nhiều vụ việc khó khăn, phức tạp, tồn đọng lâu năm, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội đã được chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo và tổ chức thi hành dứt điểm. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác này vẫn còn những tồn tại, khó khăn từ cả góc độ thể chế và thực tiễn thi hành.

Thi hành án là hoạt động đưa các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ra thi hành; đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, tổ chức, cá nhân và xã hội. Thực tiễn thi hành án dân sự trên địa bàn thành phố Hải Phòng những năm qua cho thấy: công tác thi hành án dân sự đã đạt được kết quả nhất định; nhiều vụ việc khó khăn, phức tạp, tồn đọng lâu năm, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội đã được chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo và tổ chức thi hành dứt điểm. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác này vẫn còn những tồn tại, khó khăn từ cả góc độ thể chế và thực tiễn thi hành.

- Theo quy định tại Điều 92 Luật Thi hành án dân sự thì Chấp hành viên có quyền kê biên vốn góp của người phải thi hành án vào doanh nghiệp và có nghĩa vụ cung cấp thông tin nơi nhận góp vốn của người phải thi hành án. Tuy nhiên, trên thực tế, Chấp hành viên khó xác định phần vốn góp và tài sản thuộc sở hữu của doanh nghiệp do khi người phải thi hành án đã góp vốn vào doanh nghiệp (có thể là tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác ghi trong Điều lệ) thì tài sản của người phải thi hành án trở thành tài sản của doanh nghiệp có tư cách pháp nhân được ghi nhận trong Điều lệ; cá nhân người góp vốn không còn quyền sở hữu đối với tài sản đã góp vốn. Do đó, Chấp hành viên kê biên phần vốn góp chưa có cơ sở thuyết phục. Hơn nữa, trường hợp kê biên phần vốn góp của người phải thi hành án vào doanh nghiệp thì pháp luật cũng chưa có quy định cụ thể về biện pháp xử lý “phần vốn góp”.

Việc thi hành án kinh tế có giá trị lớn nên người phải thi hành án thường trì hoãn, không hợp tác và việc xác minh điều kiện thi hành án gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với người phải thi hành án là doanh nghiệp.

Xác minh điều kiện thi hành án là việc làm rất khó không chỉ đối với người được thi hành án mà ngay cả đối với cơ quan thi hành án. Đối với doanh nghiệp phải thi hành án, nhiều trường hợp dù biết doanh nghiệp có điều kiện thi hành, hoạt động kinh doanh sản xuất vẫn diễn ra nhưng để xác minh được tài sản, tài khoản của doanh nghiệp rất khó khăn, do doanh nghiệp có thể mở nhiều tài khoản ở nhiều ngân hàng khác nhau; tài sản của doanh nghiệp có thể gửi, lưu kho, cất giữ ở nhiều địa điểm khác nhau. Khi thực hiện xác minh tài khoản ở các ngân hàng, tổ chức tín dụng thì Chấp hành viên cũng gặp khó khăn do các ngân hàng thường bảo vệ khách hàng; tài khoản không còn số dư hoặc có giá trị rất nhỏ.

Việc tổ chức thi hành án khó khăn, vướng mắc do nội dung bản án, quyết định tuyên không rõ hoặc không phù hợp với thực tế.

- Việc ủy thác thi hành án còn nhiều bất cập:

Theo quy định của Điều 55 Luật Thi hành án dân sự thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải uỷ thác thi hành án cho cơ quan thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án có tài sản, làm việc, cư trú hoặc có trụ sở. Cơ quan thi hành án dân sự nhận ủy thác không được trả lại quyết định ủy thác cho cơ quan thi hành án dân sự đã ủy thác mà phải tiếp tục thực hiện việc thi hành án theo quy định, trừ trường hợp quyết định ủy thác có sự nhầm lẫn, sai sót rõ ràng về thẩm quyền của cơ quan nhận ủy thác thi hành án, nội dung thi hành án. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều vụ án người phải thi hành án chỉ có trụ sở tại Hải Phòng và khi Cơ quan Thi hành án nhận ủy thác ra quyết định thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án thì không có tài sản để xử lý, vụ việc kéo dài không thể thi hành được.

Việc thi hành các bản án, quyết định về kinh tế gặp nhiều vướng mắc liên quan đến việc xử lý tài sản, vật kiến trúc, dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp có giá trị lớn và quyền sử dụng đất thuê của Nhà nước, đặc biệt là do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nên việc bán tài sản rất khó do: tài sản thế chấp của các doanh nghiệp cho ngân hàng chủ yếu là quyền sử dụng đất thuê của nhà nước và máy móc thiết bị, nhà xưởng lỗi thời, đã ngừng hoạt động trong thời gian dài, giá trị sử dụng không cao; tài sản bảo đảm có giá trị nhỏ so với thực tế, có khi mất tài sản thế chấp; một lô hàng thế chấp cho nhiều Ngân hàng để vay vốn khi cơ quan thi hành án xử lý tài sản thì phát sinh tranh chấp giữa nhiều tổ chức tín dụng.

Trong thi hành án kinh tế đã xuất hiện những trường hợp nghĩa vụ phải thi hành rất đặc thù, pháp luật chưa có quy định cụ thể về thủ tục thi hành, việc thi hành đòi hỏi phải có sự chỉ đạo, phối hợp đồng bộ của nhiều cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Ví dụ như thi hành nghĩa vụ: ghi sổ đăng ký cổ đông và thay đổi đăng ký kinh doanh để ghi nhận quyền sở hữu hợp pháp của cá nhân đối với cổ phần của doanh nghiệp; bản án, quyết định tuyên hủy nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông; công nhận công ty cổ phần được quyền sở hữu số cổ phiếu của cá nhân tại nhiều công ty…

- Pháp luật quy định trong trường hợp người phải thi hành án và những cá nhân, tổ chức trì hoãn, không chấp hành án, tẩu tán tài sản thi hành án…thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 304 (Tội không chấp hành án), Điều 306 (Tội cản trở việc thi hành án) và Điều 310 (Tội vi phạm niêm phong, kê biên tài sản) của Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, thực tiễn công tác thi hành án cho thấy: số lượng vụ việc các đương sự không chấp hành án rất nhiều, nhưng trên địa bàn thành phố Hải Phòng chưa có trường hợp nào bị xét xử về các tội phạm nêu trên do chưa có sự phối hợp giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc xử lý các hành vi không chấp hành án, chống đối, cản trở việc thi hành án và quy định pháp luật chưa rõ ràng, cụ thể. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng án tồn đọng, các bản án, quyết định không được chấp hành nghiêm chỉnh làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác thi hành án kinh tế.

Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trên cần tiến hành các giải pháp sau:

Một là, rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện pháp luật có liên quan đến thi hành án kinh tế, bảo đảm quy định rõ ràng, minh bạch và có tính khả thi.

Hai là, tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc phối hợp với cơ quan thi hành án để nghiêm chỉnh chấp hành các bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án và cơ quan có thẩm quyền.

Ba là, tiếp tục nghiên cứu, mở rộng xã hội hóa hoạt động thi hành án kinh tế, bảo đảm huy động tối đa các nguồn lực trong xã hội để bản án, quyết định đã có hiệu lực của tòa án và cơ quan có thẩm quyền được thực thi một cách nghiêm minh.

Bốn là, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác thi hành án.

 

ThS Bùi Đức Tiến

                                               Cục Thi hành án Dân sự TP. Hải Phòng

 

         

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền