Trang chủ    Thực tiễn    Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện mô hình bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân phường, xã
Thứ ba, 22 Tháng 9 2015 11:04
2727 Lượt xem

Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện mô hình bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân phường, xã

(LLCT) - Thực hiện Thông báo số 223/TB-TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 22 – NQ/TW ngày 2-2-2008 của Ban Chấp hành Trung ương về thực hiện thí điểm chủ trương nhất thể hóa hai chức danh cán bộ chủ chốt ở cơ sở, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng Kế hoạch số 23-KH/BTCTU ngày 25-9-2008 về “thực hiện thí điểm bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn”. Tính đến nay, thành phố Hồ Chí Minh đã có 62 phường, xã đã thực hiện thí điểm chủ trương này. Qua quá trình thực hiện, Thành ủy đã sơ kết rút ra một số ưu điểm và hạn chế.

1. Ưu điểm

Thứ nhấttạo được sự đồng bộ, thống nhất, kịp thời trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các mặc công tác ở địa phương, đẩy nhanh việc thực hiện đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các nhiệm vụ trọng tâm ở cơ sở

Khi thực hiện mô hình này, bí thư đảng ủy đồng thời chủ tịch ủy ban nhân dân sẽ nắm được thông tin cả công tác đảng và công tác chính quyền nên chỉ đạo xây dựng các dự thảo vừa đáp ứng yêu cầu của cấp ủy cấp trên, vừa bao quát được tình hình thực tế ở cơ sở, vừa đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân.

Trong tổ chức thực hiện nghị quyết, với mô hình  bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân, thì sau khi các nghị quyết, kế hoạch, chương trình công tác của đảng ủy hoặc ban chấp hành đảng bộ được thông qua, bí thư cũng là người trực tiếp điều hành, chỉ đạo UBND, công an, quân sự, các ban, ngành của phường cụ thể hóa và tổ chức thực hiện. Vì vậy, mọi công việc đều được tiến hành nhanh, kịp thời hơn vì không phải chờ triển khai qua nhiều tầng nấc, không thể viện dẫn lý do gì để chậm trễ trong việc cụ thể hóa nghị quyết của đảng ủy và triển khai thực hiện.

Thứ hai, đề cao tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, đồng thời khắc phục tình trạng không thống nhất quan điểm chỉ đạo và điều hành giữa bí thư và chủ tịch, tạo sự đồng thuận trong sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của chính quyền

Trong thực tế, có lúc, có khi do bất đồng về nhận thức trong quá trình xử lý, giải quyết công việc, cho nên giữa bí thư và chủ tịch có những ý kiến trái chiều, cản trở việc thực hiện nhiệm vụ chính trị; cá biệt, có trường hợp do không thống nhất, nảy sinh mâu thuẫn, mất đoàn kết. Thực hiện nhất thể hóa cán bộ, mọi công việc đều tập trung vào một đầu mối, vì vậy, người đứng đầu có thể chủ động trong mọi hoạt động, không nảy sinh tình trạng bất đồng quan điểm giữa bí thư, chủ tịch. Hơn nữa, là người đứng đầu cấp ủy, đứng đầu chính quyền sẽ khắc phục được tình trạng bí thư chỉ nắm được công tác đảng mà không nắm vững hoạt động của chính quyền và ngược lại. Khi đảm nhiệm “hai vai” vừa công tác đảng, vừa tác chính quyền, đòi hỏi người bí thư phải sâu sát, nắm chắc thực tế, nắm từng công việc cụ thể; đồng thời bao quát toàn diện, kết hợp tốt giữa khả năng lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý, điều hành. Bí thư đồng thời là chủ tịch sẽ nâng cao tính chủ động, sáng tạo, có điều kiện sử dụng và phát huy cả hai bộ máy vào một công việc cụ thể, tránh sự đùn đẩy, hoặc không phân định rõ trách nhiệm.

Thứ batạo sự thống nhất, liên thông trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ giữa tổ chức đảng, UBND, các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở, khắc phục tình trạng cấp ủy lấn sân, bao biện làm thay chính quyền hoặc buông lỏng vai trò lãnh đạo

Giữa tổ chức đảng với chính quyền, mặt trận là mối quan hệ giữa lãnh đạo và chịu sự lãnh đạo, chấp hành. Nhưng thực tế ở cơ sở không phải khi nào cũng phân định rạch ròi. Do vậy, một số nơi bí thư cấp ủy can thiệp, làm thay việc chính quyền, nhưng cũng có nơi buông lỏng lãnh đạo, thậm chí khoán trắng cho chính quyền, thiếu định hướng, kiểm tra, tổng kết. Với mô hình này, vai trò, quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức đảng và chính quyền thống nhất trong một người, tạo nên sự thống nhất cao trong mọi hoạt động, bảo đảm việc gì đến đảng ủy là tới UBND, khắc phục được tình trạng thiếu đồng bộ, thống nhất giữa chủ trương lãnh đạo và tổ chức thực hiện.

Thứ tưnâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng ở phường, xã

Bí thư đồng thời là chủ tịch có điều kiện sâu sát, nắm vững công việc, trực tiếp tiếp nhận, tổng hợp, xử lý các thông tin, điều hành bộ máy chính quyền giải quyết những công việc hàng ngày nên gần dân, nắm được dư luận, tâm tư, kiến nghị, đề xuất của nhân dân. Đây cũng là cơ sở để đảng ủy đề ra nghị quyết phù hợp, vai trò lãnh đạo của bí thư đồng thời là chủ tịch quyết đoán, rõ nét hơn, tạo sức mạnh chỉ huy thống nhất trong hệ thống chính trị, tạo sức bật mới trong đảng bộ. Đảng viên được biết, được bàn nhiều vấn đề khi bí thư nắm vững tất cả những thông tin ở địa phương, nắm tâm tư nguyện vọng của quần chúng, từ đó có những định hướng đúng để đảng viên trong tổ chức cơ sở đảng đóng góp ý kiến xây dựng tổ chức đảng, xây dựng nghị quyết, xây dựng đội ngũ đảng viên.

Thứ năm, lãnh đạo hoạt động của các tổ chức chính trị- xã hội sâu sát, kịp thời, hiệu quả

Tất cả mọi hoạt động của Mặt trận và đoàn thể nhân dân muốn được triển khai thực hiện trước hết phải xin ý kiến của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy; sau đó, phải trực tiếp gặp đồng chí chủ tịch để xin kinh phí hoạt động. Khi áp dụng mô hình này giúp cho các tổ chức chính trị - xã hội triển khai các hoạt động nhanh hơn vì đồng chí bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch sẽ trực tiếp tiếp thu đề xuất, ý kiến, kiến nghị của các đoàn thể và xem xét, giải quyết ngay các vấn đề đặt ra.

Thứ sáutạo được sự đoàn kết nội bộ giữa Đảng - chính quyền - đoàn thể

Do một người lãnh đạo, điều hành thống nhất trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở cho nên nội bộ tổ chức đảng - chính quyền - đoàn thể có điều kiện thuận lợi hơn để thực hiện đoàn kết thống nhất, hạn chế nguy cơ xung đột giữa người đứng đấu tổ chức đảng với người đứng đấu chính quyền.   

Thứ bảy, mô hình nhất thể hóa cán bộ phù hợp với chủ trương cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy của Đảng, đảm bảo tiết kiệm về cơ sở vật chất, kinh phí

Mô hình này góp phần tinh gọn bộ máy, giảm bớt cồng kềnh, chồng chéo về tổ chức, có lợi cho cải cách hành chính và thực hành tiết kiệm.giảm bớt được một biên chế ở mỗi địa phương, làm cho tổ chức bộ máy gọn nhẹ. Chỉ tính riêng ở các phường, xã tại Thành phố Hồ Chí Minh nếu áp dụng mô hình này, sẽ giảm đi hàng trăm định biên. Riêng khoản tiền lương mỗi năm nếu thực hiện nhất thể hóa cán bộ sẽ tiết kiệm được 50 triệu đồng/năm cho một phường; nhiều chi phí sẽ giảm theo như phòng làm việc, bàn ghế, điện thoại, tiết kiệm thời gian, ngân sách do giảm hội họp...có nơi giảm tới 30% các buổi họp, hội ý. Tổ chức bộ máy tinh gọn, trách nhiệm cá nhân rõ ràng, đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả hơn.

Thứ támgóp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân

Đây là một kết quả thực tế được ghi nhận. Tại một số cơ sở trước đây do thiếu cán bộ có năng lực, nội bộ mất đoàn kết dẫn tới vai trò lãnh đạo của Đảng mờ nhạt, chính quyền yếu kém. Sau một thời gian thực hiện mô hình này, nhìn chung hoạt động mọi mặt của địa phương có nhiều chuyển biến tích cực, không còn trì trệ, yếu kém, có sự khởi sắc, phát triển. 

2. Hạn chế

Bên cạnh những ưu điểm, qua thực tiễn áp dụng thí điểm cho thấy mô hình này cũng có một số hạn chế:

Một làbí thư đồng thời là chủ tịch,“một người phải gánh hai vai” vì vậy khối lượng công việc rất nhiều  rất dễ dẫn đến “quá tải” công việc

Bí thư đồng thời là chủ tịch phải làm việc với hiệu suất rất lớn, không chỉ làm việc giờ hành chính, mà phải làm thêm ngoài giờ và cả ngày nghỉ thì mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Khối lượng công việc nhiều dẫn đến khó thực hiện hài hòa giữa công tác đảng và công tác chính quyền, dễ buông lỏng một mặt công tác. Công việc của chủ tịch phường thường trực tiếp, cụ thể, khẩn trương, đa dạng và phức tạp dễ lôi cuốn bí thư đồng thời là chủ tịch tập trung cho công tác chính quyền, ít giành thời gian công sức cho công tác đảng hoặc khoán trắng cho phó bí thư chuyên trách. Quỹ thời gian giải quyết công việc cụ thể chiếm phần lớn, nên ít có thời gian đề giành cho việc suy nghĩ đề xuất những chủ trương kế hoạch lớn của địa phương, đơn vị.  Khối lượng công việc nhiều, nên thời gian giành cho đi thực tế cơ sở còn hạn chế

Hai làbí thư đồng thời là chủ tịch, “quyền lực tập trung” ở một người, sẽ dễ nảy sinh sự lạm quyền, lộng quyền, độc đoán, mất dân chủ

Theo quy chế, trong công tác cán bộ của phường, việc đề xuất nhân sự để bổ nhiệm, đề bạt là do chủ tịch UNND phường, xã; sau đó, thông qua ý kiến của ban chấp hành. Với mô hình nhất thể này, ý kiến của đồng chí bí thư trong thực tế gần như có tính quyết định. Việc kiểm tra, giám sát giữa hai chức vụ bí thư và chủ tịch UBND cùng cấp không còn. Bên cạnh đó, hoạt động giám sát của Mặt trận tổ quốc có lúc, có nơi chưa đủ khả năng, bản lĩnh và dũng khí để thực hiện vai trò giám sát của mình đối với bí thư đồng thời là chủ tịch, vì vậy trong thực tế, việc giám sát đối với chức danh này còn nhiều hạn chế.

Ba là, ranh giới giữa bí thư đồng thời là chủ tịch trong một con người cụ thể là rất mong manh, nếu không phân định rõ chức năng, nhiệm vụ trong quá trình lãnh đạo, quản lý thì rất dễ lẫn lộn

Thực tế, có người không rõ khi nào thì mình ở “vai bí thư” giải quyết công việc theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; khi nào ở “vai chủ tịch” giải quyết theo nguyên tắc thủ trưởng quyết định.

Bốn làviệc hội họp của bí thư đồng thời là chủ tịch ở cơ sở giảm nhiều, song phải tham dự nhiều cuộc họp do cấp ủy cấp trên và UBND triệu tập

Nhiều cuộc họp do quận ủy và UBND triệu tập đích danh, các phó bí thư, phó chủ tịch không được họp thay, bí thư đồng thời là chủ tịch phải đi họp cả hai nơi mất rất nhiều thời gian. Nhiều khi do lịch họp của cấp trên mà đảo lộn lịch làm việc. Khi bí thư đồng thời là chủ tịch đi công tác vắng mặt thì có những công việc về công tác đảng, công tác chính quyền phải chờ xin ý kiến.

Năm là, thực tế ở cơ sở hiện nay đặt ra khi thực hiện mô hình này là khó tìm cán bộ có khả năng đảm nhận cả hai chức vụ bí thư đồng thời là chủ tịch

Mô hình này đặt ra yêu cầu cao về trình độ, năng lực, phẩm chất của cán bộ để hoàn thành nhiệm vụ, trong khi nhiều cán bộ xã, phường chưa đủ chuẩn, chưa đủ khả năng đáp ứng.

Thực tế cho thấy, mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn tại thành phố Hồ Chí Minh đã khẳng định ưu điểm, tính khả thi, nhưng cũng bộc lộ những hạn chế. Vì vậy, để thực hiện mô hình này có hiệu quả trong thực tiễn trước hết cần xây dựng và lựa chọn cán bộ có đủ khả năng đảm đương nhiệm vụ; nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cán bộ; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu có chất lượng. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của bí thư đồng thời là chủ tịch; xây dựng quy chế họat động giữa Đảng, chính quyền, xây dựng chương trình, kế hoạch công tác của người đứng đầu; đồng thời cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền cấp trên đối với những địa phương thực hiện thíđiểm mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã, phường.

ThS Trần Thị Hà Vân

Học viện Cán bộ thành phố Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền