Trang chủ    Thực tiễn    Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cấp cơ sở ở Tây Nguyên
Thứ sáu, 30 Tháng 10 2015 17:04
3829 Lượt xem

Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cấp cơ sở ở Tây Nguyên

(LLCT) - Việc xây dựng và củng cố hệ thống chính trị cơ sở ở Tây Nguyên tuy đạt được nhiều thành công song còn chuyển biến chậm. Bộ máy Đảng, chính quyền, Mật trận, đoàn thể chất lượng thấp; năng lực lãnh đạo, trình độ quản lý chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều nơi không sát dân, không nắm được dân, chưa đáp ứng được yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện ở cấp xã trong tình hình hiện nay... Do đó, Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cấp cơ sở ở Tây Nguyên là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết.

1. Thực trạng tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở ở Tây Nguyên hiện nay

Theo tổng hợp của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, đến năm 2011, các tỉnh Tây Nguyên có 3.824 tổ chức cơ sở đảng, trong đó có 722 tổ chức cơ sở đảng xã, phường, thị trấn; với 7.012 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở được tổ chức tại các thôn, tổ dân phố. Có 604 thôn, tổ dân phố chưa thành lập chi bộ, chiếm 7,93% và 51 thôn, buôn chưa có đảng viên, chiếm 0,67%. Tổng số đảng viên toàn vùng có 156.761 người, trong đó số đảng viên sinh hoạt tại các đảng bộ xã, phường, thị trấn có 95.869 người, chiếm 61,15%; đảng viên là người dân tộc thiểu số có 27.404 người, chiếm 17,48%; đảng viên là người có đạo 4.117 người, chiếm 2,63%(1).

Chất lượng hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị (HTCT) ở cơ sở Tây Nguyên từng bước được nâng lên. Theo số liệu của Vụ Xây dựng HTCT, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, chất lượng của các tổ chức chính trị trong HTCT cơ sở ở Tây Nguyên như sau:

Về chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở đảng, có 68% đạt tiêu chuẩn trong sạch vững mạnh; 29% đạt loại khá; 2,8% loại yếu kém.

Hoạt động của chính quyền có 47,5% số HĐND, 44,5% số UBND xếp loại khá và vững mạnh; khoảng 10% số HĐND và UBND hoạt động yếu kém.

Mặt trận và các đoàn thể quần chúng cơ sở có 45,5% tổ chức Mặt trận; 30,4% tổ chức Đoàn Thanh niên; 46% tổ chức Hội Phụ nữ; 40,5% tổ chức Hội Nông dân; 51,55% tổ chức Cựu chiến binh được xếp loại khá và vững mạnh; 10 - 20% tổ chức Mặt trận và các đoàn thể hoạt động yếu kém(2).

Để thực hiện quyền bình đẳng về chính trị của đồng bào các tộc người, ngoài việc phát huy vai trò dân chủ đại diện, các tỉnh Tây Nguyên chú trọng phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường dân chủ trực tiếp ở cơ sở. Việc xây dựng quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với xây dựng chính quyền xã, phường, thị trấn ở các tỉnh Tây Nguyên đã góp phần quan trọng vào ổn định chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng; tạo ra sự chuyển biến tích cực về ý thức và phong cách làm việc của cán bộ, công chức theo hướng gần dân, tôn trọng và trách nhiệm với dân hơn; những nội dung nhân dân bàn và quyết định trực tiếp, giám sát và tham gia ý kiến được chú ý thực hiện.

Những nội dung công khai để dân biết, dân bàn, giải quyết và tham gia ý kiến quyết định, giám sát được niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn, phát thanh trên đài truyền thanh của xã, thông qua các buổi sinh hoạt, các cuộc họp thôn, buôn, tổ dân phố hoặc niêm yết tại nơi công cộng, các đợt tiếp xúc cử tri, các hình thức sinh hoạt của các đoàn thể… Thực hiện “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” thường tập trung vào những vấn đề bức xúc, gắn liền với thực tế cuộc sống của nhân dân trên địa bàn dân cư. Các lĩnh vực liên quan đến đời sống nhân dân như chuyển đổi cây trồng, con vật nuôi, xây dựng công trình phúc lợi xã hội tại cơ sở... đều được nhân dân bàn bạc, góp ý trước khi chính quyền quyết định và triển khai thực hiện; do vậy, nhiều công trình phúc lợi đã được nhân dân tham gia tích cực, đóng góp tiền, của, ngày công lao động theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” mang lại hiệu quả thiết thực. Nhiều địa phương đã biết kết hợp chặt chẽ việc triển khai thực hiện Quy chế dân chủ gắn với đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống ở khu dân cư”,phòng chống tệ nạn xã hội, phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Theo báo cáo của Bội Nội vụ, đến năm 2012, có trên 95% thôn, buôn, bon, tổ dân phố đã xây dựng hương ước, quy ước, qua đó đã góp phần phát huy được thuần phong mỹ tục và hỗ trợ tích cực cho lĩnh vực quản lý nhà nước bằng pháp luật, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Đồng thời, góp phần đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống ở khu dân cư” tại các thôn, buôn, bon, tổ dân phố.

Triển khai thực hiện cải cách hành chính, có khoảng 95% xã, phường, thị trấn trên toàn vùng thực hiện cơ chế “một cửa”, tạo điều kiện cho người dân thực hiện giao dịch với chính quyền một cách thuận tiện, qua đó xây dựng tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở và đã có nhiều thay đổi theo hướng gần dân, sát dân và phục vụ nhân dân tốt hơn.

Các tỉnh đều chỉ đạo tổ chức lấy tín nhiệm hàng năm đối với chức danh chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn đạt hiệu quả tốt, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Qua đó, đã giúp cho cấp ủy đảng có thêm cơ sở đánh giá năng lực, phẩm chất, tín nhiệm đối với lãnh đạo chính quyền cấp cơ sở.

Kết quả thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng, công tác quản lý, điều hành, lề lối làm việc của chính quyền và đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở theo hướng dân chủ, công khai, sát dân. Công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư tố cáo, khiếu nại của nhân dân được quan tâm, tập trung giải quyết, từ đó không để xảy ra các điểm nóng, tình hình an ninh chính trị được giữ vững.

Để nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở vùng Tây Nguyên, việc xây dựng đội ngũ cán bộ cả về số lượng và chất lượng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, quản lý quá trình phát triển kinh tế ở nông thôn. Theo số liệu của Bộ Nội vụ, đến cuối năm 2012, các tỉnh Tây Nguyên có 15.125 cán bộ chuyên trách và công chức xã, phường, thị trấn; trong đó nữ có 2.767 người, chiếm 18,3%; cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số có 3.957 người, chiếm 26,2%.

Đội ngũ cán bộ chuyên trách có 7.952 người, trong đó có 1.272 nữ, chiếm 16%; cán bộ dân tộc thiểu số có 2.575 người, chiếm 32,4%. Về trình độ chuyên môn: cao đẳng và đại học có 1.807 người, chiếm 22,7%; trung cấp có 2.632 người, chiếm 33,1%; sơ cấp và chưa qua đào tạo 3.513 người, chiếm 44,2%. Về trình độ lý luận chính trị: cao cấp lý luận chính trị có 435 người, chiếm 5,5%; trung cấp lý luận chính trị có 4.312 người, chiếm 54,2%; sơ cấp và chưa qua đào tạo 3.205 người, chiếm 40,3%. Về trình độ quản lý nhà nước: trình độ trung cấp trở lên có 655 người, chiếm 8,2%; chưa qua đào tạo 6.518 người, chiếm 91,8%.

Đội ngũ cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, buôn, tổ dân phố có 65.902 người; trong đó ở cấp xã 13.082 người; số chưa qua đào tạo chuyên môn: 9.680 người, chiếm 74%; ở thôn buôn 52.820 người(3).

Đội ngũ công chức cấp xã có 7.173 người; trong đó, nữ 1.392 người, chiếm 19,4%; công chức là người dân tộc thiểu số có 1.382 người, chiếm 19,3%. Về trình độ chuyên môn: cao đẳng và đại học có 2.095 người, chiếm 29,2%; trung cấp có 4.575 người, chiếm 63,8%; sơ cấp và chưa qua đào tạo 503 người, chiếm 7%. Về trình độ lý luận chính trị: Cao cấp lý luận chính trị có 15 người, chiếm 0,2%; trình độ trung cấp có 1.449 người, chiếm 20,2%; sơ cấp và chưa qua đào tạo 5.709 người, chiếm 79,6%. Về trình độ quản lý nhà nước: 166 người có trình độ trung cấp trở lên, chiếm 2,3%; chưa qua đào tạo 7.007 người, chiếm 97,7%.

Có được những kết quả trên là do các tỉnh Tây Nguyên quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Trong gần 10 năm (2003 - 2011), đã mở được 137 lớp cho các đối tượng là cán bộ, công chức cấp xã; trong đó, có 11 lớp đại học, 126 lớp trung cấp chuyên môn, với 11.955 người tham gia bao gồm các chuyên ngành đào tạo như: Luật, kinh tế phát triển, kinh tế nông - lâm, hành chính văn phòng, địa chính, kế toán, quản lý văn hóa, quản lý hành chính nhà nước, quân sự, công an, phụ vận, thanh vận. Đào tạo trung cấp lý luận chính trị cho 17.336 người và bổ túc văn hóa cho 2.178 người là cán bộ chuyên trách cấp xã(4).

Tuy nhiên, sự yếu kém của hệ thống chính trị ở cơ sở hiện nay vẫn là vấn đề bức xúc của các tỉnh Tây Nguyên.

- Việc xây dựng và củng cố hệ thống chính trị cơ sở ở Tây Nguyên còn chuyển biến chậm.Bộ máy Đảng, chính quyền, Mật trận, đoàn thể chất lượng thấp; năng lực lãnh đạo, trình độ quản lý chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều nơi không sát dân, không nắm được dân, chưa đáp ứng được yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện ở cấp xã trong tình hình hiện nay. Những yếu kém bất cập tồn tại từ nhiều năm trước trong vấn đề xây dựng bộ máy, đào tạo, sử dụng, bố trí, tạo nguồn cán bộ dân tộc thiểu số... chưa khắc phục được. Chưa xây dựng được đội ngũ cán bộ cốt cán đủ mạnh.

- Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị hoạt động còn yếu, khả năng tập hợp, đoàn kết nhân dân không cao, công tác tuyên truyền vận động quần chúng chưa có hiệu quả.Cơ cấu và tổ chức bộ máy dân vận chưa được quan tâm xây dựng, củng cố, phát triển và đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ nên thiếu kinh nghiệm tuyên truyền vận động nhân dân. Đoàn Thanh niên ở cơ sở đến nay hầu như chưa phát huy được vai trò của mình, chưa có khả năng vận động, tập hợp thanh niên.

- Một bộ phận cán bộ, đảng viên còn chủ quan, mất cảnh giác; nhiều trường hợp giảm sút ý chí chiến đấu, không hoạt động tích cực, khi có vụ việc phức tạp xảy ra thì hoang mang, né tránh, trông chờ, ỷ lại vào cấp trên.

- Tình trạng nhiều thôn, bản còn trắng đảng viên vẫn chưa được khắc phục...Cán bộ, đảng viên một số nơi chưa thể hiện vai trò hạt nhân hoạt động chính trị ở cơ sở, nhất là về an ninh chính trị chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa tập trung xây dựng cơ sở, cốt cán để làm nòng cốt cho phong trào. Do trình độ của một số cán bộ lãnh đạo cấp xã còn thấp nên khi gặp phải những vấn đề mới và phức tạp thì tỏ ra lúng túng. Một số cán bộ, đảng viên ở những điểm nóng hoạt động cầm chừng, có nơi bị khống chế, thậm chí có trường hợp cán bộ chủ chốt của tổ chức đảng tham gia làm cơ sở ngầm cho tổ chức “Nhà nước Đê ga”. Vai trò cán bộ tự quản ở buôn, làng hoạt động còn yếu, có một số ít bị lũng đoạn, hoạt động hai mặt.

Nguyên nhân của tình hình trên, về khách quan là do sự phức tạp của vấn đề dân tộc và tôn giáo ở Tây Nguyên; âm mưu của các lực lượng thù địch chống phá, xuyên tạc, dụ dỗ, lôi kéo, kích động nhân dân, gây mâu thuẫn giữa đồng bào Kinh với đồng bào các dân tộc; chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân, làm mất ổn định chính trị - xã hội, chống phá sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước của nhân dân ta.

Về chủ quan, trước hết, do một số chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là các chính sách về đất đai, dân số, xóa đói giảm nghèo, các vấn đề về dân tộc và tôn giáo chưa được quán triệt, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện tốt; nhiều vấn đề bức xúc của nhân dân ở các địa phương chưa được giải quyết dứt điểm.

Trong nhiều năm chúng ta chưa nhận thức đầy đủ về vị trí của buôn, làng nên chưa tập trung đầu tư xây dựng buôn, làng về nhiều mặt. Việc đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên chưa tập trung giải quyết có trọng tâm, trọng điểm, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Một số chủ trương, chính sách triển khai thực hiện chậm làm đồng bào thiếu niềm tin. Chưa gắn đầu tư nguồn lực với việc tổ chức lại sản xuất để hướng dẫn, giúp đỡ đồng bào tự vươn lên, nên sản xuất chuyển biến chậm, đời sống còn nhiều khó khăn, tạo kẽ hở để các thế lực phản động kích động, chia rẽ, lôi kéo quần chúng. Việc thể chế hóa một số chủ trương, chính sách còn chậm và chưa đồng bộ; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa chặt chẽ, các giải pháp điều hành kế hoạch chậm đưa vào thực hiện đến tận cơ sở. Chính điều này đã làm cho giữa yêu cầu và kết quả thực hiện luôn có khoảng cách lớn.

Nhận thức của các cấp, các ngành về lịch sử, truyền thống văn hóa và đặc thù vùng Tây Nguyên, nhất là đối với đồng bào các dân tộc tại chỗ những năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đảng và Nhà nước đã quan tâm đầu tư sức người, sức của với những chính sách đặc biệt, các địa phương chỉ đạo quyết liệt. Tuy vậy, chưa tạo được chuyển biến về tâm lý và ý thức dân tộc trên lĩnh vực kinh tế, đời sống và chính trị nên dễ bị các thế lực phản động kích động, lừa gạt, lôi kéo.

Công tác xây dựng hệ thống chính trị tuy đã được quan tâm nhưng chưa thật đúng mức. Nhiều tổ chức đảng và đảng viên không thực hiện tốt vai trò lãnh đạo, giảm sút sức chiến đấu, xa rời nhân dân; chính quyền chưa làm tốt chức năng quản lý nhà nước ở cơ sở; nhiều đoàn thể nhân dân hoạt động hình thức, hành chính hóa, việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở có làm nhưng còn nặng về hình thức.

Trước diễn biến phức tạp, HTCT nói chung và các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở nói riêng không nhận thức được đầy đủ tình hình; lúng túng, thiếu biện pháp đối phó kịp thời. Nhiều cán bộ, đảng viên ở các cấp, các ngành, kể cả ở cơ sở đã mắc bệnh quan liêu, xa dân, chủ quan, mất cảnh giác để cho các lực lượng thù địch hoạt động phi pháp, lôi kéo được một bộ phận nhân dân biểu tình, chống đối.

Công tác phát triển đảng viên, nhất là phát triển đảng viên trong các dân tộc thiểu số và vùng đồng bào có đạo còn yếu và chưa được quan tâm đúng mức. Một số khó khăn như vấn đề chính trị, xã hội từ thời kỳ chiến tranh và những năm có FULRO chống phá còn để lại khá phức tạp. Nhận thức quan điểm về phát triển đảng viên trong các dân tộc thiểu số và vùng đồng bào có đạo còn những vướng mắc chưa được giải quyết thông suốt. Tỷ lệ đảng viên là người các dân tộc thiểu số còn thấp; nhiều thôn, buôn, làng chưa có đảng viên. Có những xã từ sau ngày giải phóng đến nay chưa phát triển được đảng viên nào là người dân tộc tại chỗ.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt ở cơ sở chưa được quan tâm đúng mức, thiếu các biện pháp có hiệu quả để xây dựng đội ngũ cán bộ tại chỗ; số cán bộ là người dân tộc thiểu số ở cơ sở còn ít, chưa tương xứng với vị trí và khả năng của các dân tộc đó.

Sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp thiếu sâu sát cơ sở; công tác kiểm tra, đôn đốc, phát huy ưu điểm, uốn nắn những sai sót ở cơ sở không kịp thời; có nơi khi xảy ra tình hình phức tạp thì lúng túng và bị động đối phó; nội dung và phương thức lãnh đạo chậm đổi mới, hiệu quả hoạt động thấp.

2. Giải pháp đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở ở Tây Nguyên hiện nay

Quan điểm

Việc củng cố và tăng cường HTCT cơ sở ở Tây Nguyên hiện nay cần quán triệt 4 quan điểm mà Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị đã nêu:

- Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh ở Tây Nguyên phải quán triệt sâu sắc chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước; kết hợp đồng bộ cả về kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số tại chỗ; các giải pháp phải phù hợp với đặc thù Tây Nguyên về địa lý, lịch sử, văn hoá, xã hội với đặc điểm của cộng đồng dân cư trên địa bàn.

- Phát triển kinh tế - xã hội ở Tây Nguyên phải trên cơ sở chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và của cả vùng; thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch toàn diện, đồng bộ, cụ thể, chi tiết cho từng vùng, từng địa phương, từng ngành và lĩnh vực, không để tình trạng phát triển tự phát.

- Phát triển kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội. Tăng cường sự chỉ đạo, đầu tư của Nhà nước, đồng thời phát huy tinh thần nỗ lực phấn đấu của đồng bào các dân tộc tại chỗ, tạo sức mạnh tổng hợp, tránh sự thụ động và ỷ lại.

- Phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với xây dựng và củng cố hệ thống chính trị vững mạnh, trước hết là ở cơ sở, thực sự gắn với dân; tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, thế trận lòng dân. Xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc trên từng địa bàn, xem đây là nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh trên toàn vùng Tây Nguyên. Thường xuyên đề cao cảnh giác, chủ động ngăn chặn và làm thất bại mọi âm mưu thủ đoạn “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, đặc biệt là của FULRO và của bọn lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để lừa mị, kích động chia rẽ dân tộc ngay từ khi còn mới manh nha ở cơ sở(5).

Các giải pháp

- Căn cứ đầy đủ các yếu tố địa - kinh tế, địa - chính trị và các điều kiện đặc thù của Tây Nguyên (như sự tồn tại các thiết chế chính trị, xã hội cổ truyền) đến xây dựng mô hình, thiết chế của HTCT phù hợp. Coi trọng vai trò của các thiết chế tự quản ở buôn, thôn trong hệ thống chính quyền cơ sở. Tập trung xây dựng thôn, buôn vững mạnh vì đây là nơi trực tiếp gắn bó với dân. Phải làm cho cán bộ, đảng viên nhận thức, quán triệt đầy đủ, sâu sắc vị trí, tầm quan trọng của cấp xã là cấp tiếp thu và tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, hàng ngày quan hệ trực tiếp với nhân dân. Phải hướng mạnh về thôn, buôn; tỉnh phải nắm xã, huyện phải nắm thôn và xã phải nắm hộ, nắm dân. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền; đẩy mạnh việc tổ chức thực hiện các phong trào của Mặt trận và các đoàn thể; phát huy vai trò của chi bộ, trưởng buôn, làng, tranh thủ già làng và xây dựng đội ngũ cốt cán nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tạo sự chuyển biến từ cơ sở, chống lại sự phá hoại của các thế lực thù địch.

- Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng bộ phận cấu thành của HTCT và phương thức hoạt động của từng bộ phận cho phù hợp.

Xây dựng tổ chức đảng ở cơ sở phải gắn liền với xây dựng hệ thống chính trị là vấn đề cơ bản và cấp bách hiện nay.

Chăm lo xây dựng, củng cố tổ chức đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở có tầm quan trọng đặc biệt. Cần tăng cường, luân chuyển cán bộ của tỉnh và huyện về cơ sở, vừa rèn luyện và nâng cao kiến thức, năng lực hoạt động thực tiễn; tạo sự “đan xen” đội ngũ cán bộ, giúp cán bộ cơ sở phương pháp làm việc khoa học, chú trọng đào tạo bồi dưỡng cán bộ là người địa phương,...

Tăng cường hiệu lực lãnh đạo của tổ chức đảng và tổ chức thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trên địa bàn Tây Nguyên. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên ở cơ sở.

Nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. Chính quyền các cấp tổ chức thực hiện bằng các chính sách, chương trình, dự án cụ thể phù hợp với điều kiện “đặc thù” của Tây Nguyên. Các cấp, các ngành phải cử cán bộ về cơ sở, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân, nhất là thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Đối với đồng bào các tộc người thiểu số thì tổ chức thực hiện, hướng dẫn cách làm cụ thể là quan trọng nhất để thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

- Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, phẩm chất đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên của các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp ở Tây Nguyên; xây dựng và nâng cao năng lực lãnh đạo của đội ngũ cán bộ là người các tộc người bản địa trong hệ thống chính trị ở Tây Nguyên. Xây dựng chiến lược về đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ khoa học và quản lý, đáp ứng yêu cầu phát triển trước mắt và lâu dài ở các tỉnh Tây Nguyên trên tất cả các lĩnh vực. Xác định rõ về nội dung đào tạo, quy mô học sinh đối với trường dân tộc nội trú hiện nay, nhằm tạo ra một thế hệ cán bộ có trình độ văn hóa đáp ứng nhu cầu phát triển của đồng bào các tộc người thiểu số. Chú trọng xây dựng hệ thống trường mẫu giáo công lập và có chế độ bán trú để con em đồng bào các tộc người thiểu số được chăm sóc, giáo dục ngay từ khi còn nhỏ nhằm nâng cao dân trí.

Xây dựng đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị cơ sở và cán bộ cốt cán buôn làng có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực và trình độ, tâm huyết với công việc, sát dân, miệng nói tay làm, vững vàng trước khó khăn, thử thách. Cán bộ phải sâu sát cơ sở, phải gần dân, những gì hứa với dân phải có tính khả thi cao; đã hứa phải thực hiện đầy đủ, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”.

- Rà soát lại các phong tục, tập quán trong quản lý xã hội của đồng bào các tộc người thiểu số để xác định cái nào cần loại bỏ, cái nào cần phải cải biến, phát huy trong điều kiện mới.Ví dụ, kinh nghiệm của đồng bào các tộc người thiểu số trong việc lựa chọn thủ lĩnh, các luật tục trong quản lý xã hội. Nghiên cứu để xây dựng nội dung quy chế dân chủ riêng cho vùng đồng bào các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên, sử dụng đúng các thiết chế xã hội truyền thống của đồng bào các tộc người thiểu số trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

Tăng cường các mối quan hệ giữa cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể với đồng bào dân tộc trên cơ sở thực hiện tốt quy chế dân chủ trực tiếp ở cơ sở, thực hiện tốt hơn nữa công khai hóa, dân chủ hóa, tạo không khí cởi mở trong cộng đồng; phát huy tính năng động, sáng tạo trong đồng bào các tộc người; tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về các quan điểm, chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước để củng cố và nâng cao niềm tin với Đảng và chính quyền các cấp trong nhân dân nói chung và đồng bào dân tộc nói riêng.

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2014

(1), (3), (4) Bộ Nội vụ: Báo cáo tổng kết 7 năm thực hiện Quyết định số 253/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Một số giải pháp củng cố, kiện toàn chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên” giai đoạn 2002 - 2010,2012.

(2) Ban Chỉ đạo Tây Nguyên - Vụ Xây dựng hệ thống chính trị: “Báo cáo kết quả thực hiện các chuyên đề năm 2013 và đăng ký chương trình công tác năm 2014”,Buôn Ma Thuột, ngày 4-11- 2013.

(5) ĐCSVN: Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 18-1-2002 của Bộ Chính trị Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001 -  2010, tr.3.

 

PGS, TS Trương Minh Dục

Học viện Chính trị Khu vực III

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền