Trang chủ    Thực tiễn    Thực trạng và giải pháp phát triển mua bán, sáp nhập của ngân hàng thương mại Việt Nam
Thứ sáu, 30 Tháng 10 2015 17:08
4692 Lượt xem

Thực trạng và giải pháp phát triển mua bán, sáp nhập của ngân hàng thương mại Việt Nam

(LLCT) - Trong xu thế toàn cầu hóa kinh tế, các hoạt động kinh tế thế giới tác động vào Việt Nam là tất yếu, khách quan, trong đó có tác động đến hoạt động mua bán, sáp nhập (Mergers &Acquisitions - M&A) của các doanh nghiệp và ngân hàng. Để có những giải pháp thích hợp cho sự phát triển và quản lý hoạt động M&A trong ngành ngân hàng trong thời gian tới, cần đánh giá thực trạng hoạt động M&A tại thị trường Việt Nam nói chung và của ngành ngân hàng nói riêng.

1. Hoạt động M&A trên thế giới

Thị trường M&A xuất hiện lần đầu tiên tại Hoa Kỳ vào năm 1890 và bắt đầu phát triển vào thập niên 60 thế kỷ XX, phát triển mạnh vào cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI. Năm 1996, toàn thế giới có 22.729 thương vụ M&A, mức giao dịch của các xí nghiệp là 1.140 tỷ USD, tăng 32% so với năm 1995 và tăng lên 1.610 tỷ USD năm 1998. Tại Mỹ, từ năm 1993 đến 1997, có 4.492 trường hợp M&A (chủ yếu trong các ngành ngân hàng, thương mại, phát thanh - truyền hình, bảo hiểm). Năm 1998, Nhật Bản có 108 thương vụ, tăng 3 lần so với 1997.

Hoạt động M&A doanh nghiệp ở EU diễn ra sôi động nhất, giá trị mua bán lớn hơn nhiều so với Nhật Bản, các thương vụ ngày càng lớn hơn. Tháng 7-1998, Công ty dầu lửa BP của Anh và công ty AMOCO (Mỹ) giá trị mua bán lên tới 48,2 tỷ USD. Năm 1997, doanh thu của AMOCO là 36,29 tỷ USD với 43.451 nhân viên còn BP có doanh thu 71,78 tỷ USD với 55.650 nhân viên. Công ty mới BP-AMOCO có tổng giá trị tài sản là 110 tỷ USD, trở thành công ty dầu hỏa lớn thứ ba sau EXXON (Mỹ) và SHELL (Anh và Hà Lan).

Theo kết quả nghiên cứu của IMAA (Institute of Mergers, Acquisitions and Alliances), giá trị giao dịch của M&A trên toàn cầu đạt gần 5 nghìn tỷ USD vào năm 2007, mức cao nhất từ trước đến nay, với gần 50 nghìn giao dịch. Đây là năm bùng nổ của thị trường M&A, tuy nhiên, sự bùng nổ này vẫn chỉ tập trung ở những nền kinh tế phát triển, đứng đầu là châu Âu và Mỹ. Trong đó, thị trường châu Âu đã có sự tăng trưởng vượt bật về giá trị giao dịch, khoảng 1/3 tổng giá trị các vụ trên toàn cầu diễn ra ở thị trường này. Thị trường M&A cũng bắt đầu có xu hướng mở rộng về địa lý, các công ty lớn ở các nền kinh tế phát triển bắt đầu mua lại các công ty nhỏ ở những nước đang phát triển.

Một số vụ M&A kỷ lục trong năm 2010 và 2011 đã được ghi nhận, như United Airline hợp nhất với Continental tạo nên hãng hàng không lớn nhất thế giới, với giá trị lên đến 3,2 tỷ USD và mang lại doanh thu 30 tỷ USD/năm nhờ cung cấp dịch vụ hàng không tại 378 sân bay ở 10 thành phố, hoặc việc công ty tư nhân 3G của Brazil mua lại hãng thức ăn nhanh Burger King trị giá 3,3 tỷ USD. Gần đây là sự hợp nhất liên ngành trong lĩnh vực tin học và công nghệ thông tin giữa 2 tập đoàn khổng lồ Google và Motorolla.

Từ hoạt động M&A của các công ty xuyên quốc gia trong thời gian gần đây  (biểu đồ 1) cho thấy những đặc điểm mới: M&A trở thành xu thế diễn ra với quy mô lớn hơn trước rất nhiều lần; lan tỏa đến tất cả các ngành từ dịch vụ ngân hàng đến dịch vụ kỹ thuật, từ công nghệ cao truyền thống đến các ngành chế tạo; không chỉ trong cùng một ngành, một quốc gia mà có xu hướng mở rộng ra đa ngành và đa quốc gia; tạo nên các tập đoàn mạnh, với các chi nhánh bao trùm khắp các châu lục, hoạt động trên mọi lĩnh vực, có cơ cấu tổ chức hiệu quả, được vi tính hóa cao độ và chiếm thị phần quan trọng trên thị trường thế giới.

2. Hoạt động M&A tại Việt Nam hiện nay

Ở Việt Nam so với thế giới, hoạt động M&A chỉlà sự khởi đầu (biểu đồ 2).

Sau khi Việt Nam ra nhập WTO,số vụ M&A doanh nghiệp đã tăng mạnh cả về số lượng và quy mô. Một số thương vụ M&A điển hình như: tháng 12-2006, Citigroup Incđã ký một biên bản ghi nhớ về việc mua 10% cổ phần ở Ngân hàng thương mại Đông Á; tháng 5-2007, Công ty tài chính VinaCapital đã công bố khoản đầu tư 21 triệu USD vào khách sạn Omni Saigon, tương đương với 70% vốn của khách sạn...

Hoạt động M&A diễn ra ở nhiều lĩnh vực như tài chính-ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, phân phối. Trong đó, đáng chú ý là các tập đoàn ngân hàng, tài chính lớn trên thế giới mua lại cổ phần để trở thành các cổ đông chiến lược của các ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần Việt Nam: HSBC mua lại 20% cổ phần củaTechcombank; Deutsche Bank mua lại 20% cổ phần củaHabubank; ANZ mua lại 10% cổ phần củaSacombank; Standard Chartered Bank mua lại 15% cổ phần củaACB.

Theo trang thông tin mua bán, sáp nhập (www maf.vn), năm 2013 - 2014, có 10 thương vụ M&A tiêu biểu được bình chọn. Trong đó, các thương vụ hợp nhất & sáp nhập tiêu biểugồm có: HDBank và DaiA Bank, PVFC và WesternBank hợp nhất hình thành PVcombank, MBS và VITS, Đường Biên Hòa và Đường Ninh Hòa;  các thương vụ mua lại tiêu biểucó: HD Bank mua lại 100% Công ty Tài chính Việt SocieteGenerale (SGVF), Vinamilk mua 70% cổ phần của công ty Driftwood Dairy tại Hoa Kỳ, Pilmico International (thuộc Aboitiz Equity Ventures, Inc.) mua 70% Công ty cổ phần Thức ăn thủy sản Vĩnh Hoàn 1 (thuộc Công ty Vĩnh Hoàn), Pan Pacific mua Công ty Giống cây trồng Trung ương (NSC); các thương vụ phát hành riêng lẻ tiêu biểu: Sơn Kim Land bán cổ phần cho EXS Capital, Masan Agriculture bán cổ phần cho Quỹ đầu tư TPG của Mỹ (49%).

Nhìn chung, hoạt động M&A ở Việt Nam còn nhỏ lẻ, mang tính tự phát, thiếu thông tin cũng như không có nhiều tổ chức uy tín đứng ra thực hiện. Nhiều trường hợp trong số này không thật sự là M&A mà chỉ là đầu tư tài chính đơn thuần.

Trong nhiều trường hợp, chủ yếu mới chỉ thực hiện mua lại hoặc sáp nhập đối với các doanh nghiệp nhà nước yếu kém, khó tồn tại độc lập hoặc có nguy cơ phá sản vào một doanh nghiệp nhà nước khác, nên chưa phản ánh đầy đủ tính ưu việt của hoạt động này.

Một trong những hạn chế là tỷ lệ thành công của các thương vụ M&A hiện nay còn thấp và phần nhiều chưatạo ra giá trị tăng thêm, mà chỉ là việc cộng gộp của các đơn vị.

3. Hoạt động M&A của các ngân hàng thương mại Việt Nam

Từ năm 1986 đến 1990, các hợp tác xã tín dụng nông thôn và quỹ tín dụng phát triển ào ạt nhưng sau đó rơi vào tình trạng đổ bể, mất khả năng chi trả, phá sản, buộc phải sáp nhập. Đó chính là hoàn cảnh cho M&A đầu tiên trong ngành ngân hàng ra đời. Cụ thể, Ngân hàng phát triển kinh tế Gò Vấp sáp nhập với 3 Hợp tác xã tín dụng Tân Bình - Thành Công - Lữ Gia hình thành Ngân hàng Sacombank. Năm 1997, Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southernbank) sáp nhập với Ngân hàng TMCP Nông thôn Đồng Tháp. Năm 1999, Ngân hàng thương mại Đại Nam sáp nhập vào Southernbank, làm cho Southernbank ngày càng lớn mạnh, có hệ thống mạng lưới tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng... Sau khi sáp nhập, các chi nhánh của Ngân hàng hoạt động có hiệu quả, phát triển mạnh hơn.

Năm 2009, có hai ngân hàng nước ngoài đã trở thành đối tác chiến lược với ngân hàng trong nước đó là BNP Paribas nâng cổ phần tại OCB lên 15% và Maybank tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại Ngân hàng An Bình lên 20%.

Từ năm 2011 đến nay, làn sóng sáp nhập các ngân hàng tại Việt Namphát triển mạnh hơn, nổi bật là các thương vụ hợp nhất 3 ngân hàng SCB, Tín Nghĩa và Ficombank (cuối 2011), SHB mua lại Habubank và Doji mua TienPhongBank (năm 2012). Kết thúc năm 2013, ngoại trừ GPBank, các ngân hàng trong nhóm 9 ngân hàng yếu kém bắt buộc phải tái cấu trúc đã hoàn tất việc hợp nhất,sáp nhập với nhau.

Năm 2014, nhiều ngân hàng lớn, nhỏ cóý muốn sáp nhập. Theo Nghị quyết 15/2014/NQ-CP của Chính phủ, các ngân hàng quốc doanh có thể sẽ được “chỉ định” mua lại phần vốn thoái của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Như vậy, thời gian tới, rất có thể, các ngân hàng lớnnhư BIDV, VietinBank, Vietcombank... cũng sẽ tham gia hoạt độngM&A.

Xu hướng phát triển M&A trên thế giới cho thấy động cơ để thúc đẩy hoạt động này là sự cộng hưởng(Synergy). Lợiích mang lại từ sự cộng hưởng mà các công ty kỳ vọng sau mỗi thương vụ M&A thường bao gồm: đạt được hiệu quả dựa vào quy mô, giảm nhân viên và các chi phí, thực hiện đa dạng hóa và loại trừ rủi ro phi hệ thống, hiện đại hóa công nghệ, tăng cường khả năng thanh khoản, thị phần, hưởng những lợi ích từ thu, gia tăng năng lực cạnh tranh...

Để thúc đẩy M&A phát triển, giúp cho các ngân hàng thương mại Việt Nam gia tăng quy mô, năng lực cạnh tranh và hiệu quả trong quá trình hội nhập quốc tế cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, hoàn thiện hệ thống pháp lý

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần xây dựng một lộ trình cho việc M&A, từ việc hoàn thiện các quy định pháp lý cho hoạt động M&A đến tiêu chí rõ ràng về những đối tượng sẽ bị đưa vào diện M&A. Để thúc đẩy tiến trình thực hiện, NHNN cần quy định thời hạn tối đa cho phép các NHTM lên phương án sáp nhập, giải thể. Quá thời hạn đó, nếu những NHTM nào không tự nguyện thì NHNN sẽ có biện pháp “cưỡng chế” thực hiện theo phương án của NHNN.

Hai là, nâng cao năng lực và phát triển các công ty tư vấn M&A

Hình thành các công ty tư vấn M&A và đào tạo các chuyên gia tư vấn của Việt Nam một cách chuyên nghiệp. Đó là những nhà cung cấp các dịch vụ M&A với các khâu: dự báo, tìm kiếm, thăm dò đối tác; thẩm định đầy đủ các nội dung về pháp lý, tài chính; xác định loại giao dịch M&A dự định tiến hành; định giá ngân hàng, công ty mục tiêu; đàm phán và ký hợp đồng M&A trong từng trường hợp, yêu cầu cụ thể; giải quyết các vấn đề hậu M&A, các thủ tục với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau M&A. Đặc biệt, để cung cấp dịch vụ M&A ngân hàng đòi hỏi các công ty tư vấn, chuyên gia tư vấn M&A phải là hàng đầu về tài chính, ngân hàng và pháp luật, có kinh nghiệm thực tế về hoạt động M&A.

Ba là, xây dựng hệ thống thông tin

Cần xây dựng được kênh kiểm soát thông tin, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh. Trong hoạt động M&A, thông tin về giá cả, thương hiệu, thị trường, quản trị là rất cần thiết cho cả bên mua và bên bán. Nếu thông tin không được kiểm soát hay không minh bạch thì có thể gây nhiều thiệt hại cho cả bên mua, bên bán, đồng thời ảnh hưởng nhiều đến các thị trường khác như hàng hóa, chứng khoán, ngân hàng.

Bốn là, quyết tâm tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại

Với thực trạng nền kinh tế Việt Nam hiện nay, tái cấu trúc ngân hàng là giải pháp tốt nhất nhằm cải cách hệ thống ngân hàng, đưa nền kinh tế thoát khỏi giai đoạn khó khăn trước mắt và thúc đẩy nền kinh tế phát triển và tăng trưởng bền vững. M&A là một trong những biện pháp có thể được sử dụng trong chiến lược tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay. Xu hướng mua lại và sáp nhập ngân hàng là điều tất yếu sẽ xảy ra tại Việt Nam với quy mô và số lượng các vụ M&A ngày càng gia tăng. Chính vì vậy, hoạt động M&A ngân hàng cần được nghiên cứu đầy đủ và áp dụng một cách phù hợp với nền kinh tế và các điều kiện tại Việt Nam.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2014

Tài Liệu tham khảo:

(1) Isaac W.Isom, Merger and Acquisitions: The Art of the valuation, University Honors College, May 2002.

(2) Nguyễn Hòa Nhân: “M&A ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp cơ bản”,Tạp chí Khoa học công nghệ, Đại học Đà Nẵng - số 5 (34)-2009.

(3) Phan Ngọc Trung: Những nguyên nhân điều chỉnh của chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước và chủ nghĩa bảo hộ,Hội thảo tại Học viện Chính trị Khu vực II, 2000.

(4) Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 1-3-2012 phê duyệt đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015”.

(5) Thông tư số 04/2010/TT-NHNN ngày 11-2-2010 quy định việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng.

(6) Trần Tuấn Vinh, Hồ Việt Đức: “Mua bán sáp nhập doanh nghiệp - Xu hướng mới của nền kinh tế Việt Nam”, Tạp chíCông nghệ ngân hàng,số 37 tháng 4-2009.

(7) www maf.vn; www.sbv.gov.vn, www.vneconomy.vn, www.dddn.com, www.saga.vn, www.cafef.vn.

 

Phan Ngọc Trung

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền