Trang chủ    Thực tiễn    Một số giải pháp giảm nghèo bền vững ở tỉnh Bắc Kạn
Thứ tư, 11 Tháng 11 2015 11:25
4339 Lượt xem

Một số giải pháp giảm nghèo bền vững ở tỉnh Bắc Kạn

(LLCT) - Bắc Kạn là tỉnh miền núi, diện tích tự nhiên 4.859,4 km2; có 7 huyện, 1 thành phố, với 122 xã, phường, thị trấn; dân số 308.300 người (2014), gồm 7 dân tộc (Tày, Nùng, Kinh, Mông, Dao, Hoa, Sán Chay), đồng bào dân tộc chiếm trên 80% dân số. Tỉnh có độ che phủ rừng đạt 70,8% (cao nhất cả nước), có hồ Ba Bể là một trong 20 hồ nước ngọt lớn và đẹp nhất thế giới; tài nguyên khoáng sản phong phú; có nhiều hệ suối là đầu nguồn,...

(Thị xã Bắc Kạn, nguồn: internet)

Trong 5 năm 2011-2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 13,5%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, giảm tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng. Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 ước đạt 21 triệu đồng, tăng gấp 1,75 lần so với năm 2010. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh đạt 18 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước 8.300 tỷ đồng, vốn khu vực dân doanh 9.700 tỷ đồng. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện cơ bản và rõ rệt. Mạng lưới giao thông được kết nối với các tỉnh, nối trung tâm tỉnh lỵ với các huyện, tới các xã.

Công tác giảm nghèo đạt kết quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 32,13% năm 2010 xuống 15,39% năm 2013, đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện.

Khảo sát huyện Pắc Nặm, một trong 62 huyện nghèo (30a), đất nông nghiệp chỉ chiếm 7,85% (với 3.734,11ha); địa hình phức tạp; hạ tầng chưa phát triển, dân trí khôngđồng đều, quy mô sản xuất nhỏ lẻ. Huyện có 6.357 hộ, qua thực hiện các chính sách, các hộ nghèo, xã nghèo đã được thụ hưởng trực tiếp, có ý thức vươn lên thoát nghèo. Hộ nghèo giảm giảm từ 53,80% năm 2010 xuống còn 28,70% năm 2014.  Tại  xã Cao Tân (huyện Pắc Nặm), trong 5 năm (2010- 2014),  Chương trình 30a đã hỗ trợ mua trâu, bò sinh sản, xây dựng chuồng trại, cải tạo ao nuôi, khaihoang, phục hóa, tập huấn, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế với tổng số vốn 5 năm là 4,1 tỷ đồng. Chương trình 3PAD hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng với tổng sốvốn giải ngân là 2,47 tỷ đồng; Quỹ phát triển nông lâm nghiệp cho vay để chăn nuôi lợn là 1,75 tỷ đồng; hợp đồng cung cấp dịch vụ tổng số giải ngân là trên 902 triệu đồng, trong đó 14 hợp đồng về trồng trọt, 11 hợp đồng chăn nuôi, 2 hợp đồng lâm nghiệp. Nhờ đó, công tác xoá đói, giảm nghèo đạt kết quả tích cực, hằng năm số hộ nghèo giảm đáng kể. Đầu năm 2010 số hộ nghèo của xã là 353/594 hộ chiếm 62%, đến năm 2015 đã giảm còn 227/758 hộ, chiếm 29,92%.

Cácxã vùng sâu, vùng xa được Nhà nước quan tâm hỗ trợ vốn, tư liệu sản xuất để phát triển kinh tế gia đình với nhiều chương trình, dự án để đồng bào thoát nghèo như Chương trình 30a của Chính phủ, chương trình 3PAD và vận động các doanh nghiệp tài trợ, xã hội hoá công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế hộ cho đồng bào, cải thiện đời sống, từng bước giúp đồng bào thoát nghèo.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bắc Kạn vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững. Sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún; khả năng cạnh tranh của hàng nông sản không cao; giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác thấp. Nhiều lao động trong độ tuổi chưa có việc làm; chất lượng lao động được đào tạo nghề chưa đáp ứng yêu cầu; một bộ phận người dân có tư tưởng trông chờ ỷ lại, không muốn thoát nghèo. Một số nơi, còn nhiều phong tục, tập quán lạc hậu, dân trí thấp, khả năng tiếp cận với các dịch vụ văn hóa, y tế còn hạn chế; an ninh trật tự tiềm ẩn những yếu tố phức tạp.

Hệ thống giao thông nông thôn còn rất khó khăn, số thôn có đường xe ô tô lưu thông đến được còn thấp, chủ yếu là đường mòn, dốc đá cheo leo, mùa mưa không thể đi lại bằng xe máy, có những bản cách trung tâm xã hàng chục km. Chi phí vận chuyển nông sản hàng hóa cao. Hầu hết hộ nghèo đều thiếu đất sản xuất ổn định, kết cấu hạ tầng của huyện chưa phát triển; chính sách hỗ trợ của Nhà nước chưa thực sự đảm bảo thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Chất lượng, hiệu quả giáo dục còn thấp, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa được quan tâm đúng mức, lao động được đào tạo nghề thấp. Trình độ dân trí không đồng đều, tiếp thu kỹ thuật còn hạn chế, tâm lý trông chờ vào sự giúp đỡ của Nhà nước.

Là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, song tỷ lệ cán bộ dân tộc thấp, trình độ của cán bộ thôn, xóm còn hạn chế. Cán bộ làm công tác xóa đói, giảm nghèo ở xã vẫn kiêm nhiệm, trong khi các hoạt động của chương trình, dự án chủ yếu triển khai ở cấp xã. Do đó,công tác tuyên truyền chính sách phát triển kinh tế, giảm nghèo kém hiệu quả.

Với những địa phương như Bắc Cạn, giao thông nông thôn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công tác giảm nghèo. Mặc dù các xã đã có đường nhựa liên xã, nhưng khoảng cách từ trung tâm xã đến các thôn rất xa (khoảng 10km), chủ yếu là đường mòn, đi lại khó khăn, đặc biệt vào mùa mưa, cản trở khả năng vận chuyển nông, lâm sản và khả năng tiếp cận của người nghèo ở vùng xa đến các dịch vụ công và các dịch vụ xã hội. Do đất rộng, các hộ gia đình ở cách xa nhau nên đầu tư cho đường nông thôn rất tốn kém và không huy động được đóng góp của người dân.

Trong công tác giảm nghèo ở Bắc Cạn, cách làm vẫn chưa thực sự sáng tạo, chủ động. Các chỉ tiêu giảm nghèo từ trên giao cho các xã chưa có căn cứ cụ thể và chưa lý giải được tính khả thi của chỉ tiêu giảm nghèo.

Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả cao, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

- Đối với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương.

Chú ý tới địa phương có tỷ lệ che phủ rừng cao: Chính phủ cần nghiên cứu chính sách để giảm bớt thiệt thòi cho đồng bào những địa phương có tỷ lệ che phủ rừng cao, đang làm nhiệm vụ bảo vệ rừng, ngoài Chương trình 30a.

Thực tế cho thấy, với chính sách hiện nay, giao thông phát triển thì việc khai thác rừng là tất yếu vì người dân nghèo, không đất sản xuất nông nghiệp, không có thu nhập thì họ không thể chịu đói để giữ rừng. Do vậy, cần sớm có chính sách để khai thác, giữ rừng hợp lý trước khi rừng bị đốn hạ.

Tiêu chí nông thôn mới cần nghiên cứu, sửa đổi phù hợp với đặc điểm tình hình vùng cao. Thực tế cho thấy, vì vấn đề thành tích hoàn thành tiêu chí, một số địa phương có xu hướng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, thiếu quan tâm đến chất lượng cuộc sống thực sự của người dân, nhất là không tác động hiệu quả đến giảm nghèo.

Đối với Bắc Kạn nói chung và hầu hết các xã cùng cao nói riêng, nhiều tiêu chí nông thôn mới là không thể thực hiện được. Chẳng hạn tiêu chí về làm đường nông thôn: các thôn cách nhau rất xa, dân cư thưa thớt, dân cư chủ yếu còn nghèo nên chiều dài đường đến các cụm dân cư rất lớn. Người dân nghèo, sống vùng xa nhau hoàn toàn không có khả năng đóng góp cho làm đường.

Xác định đối tượng nghèo cần bảo trợ xã hội: Cần có chủ trương nghiên cứu đối tượng hoàn toàn không có khả năng thoát nghèo (tạm gọi là nghèo loại 1 như phân tích ở trên) thành đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội, Nhà nước sử dụng nguồn lực riêng biệt đối với đối tượng này. Không thể nhập vào đối tượng nghèo chung, vì nó tạo ra áp lực với địa phương trong nhiệm vụ giảm nghèo.

Chủ trương này cũng cần có quy định chặt chẽ, ngăn ngừa lợi dụng để đưa hộ nghèo vào đối tượng bảo trợ xã hội nhằm hưởng lợi từ chính sách.

Đối với chính quyền địa phương, đặc biệt là chính quyền xã:

 Những năm qua tốc độ giảm nghèo tương đối cao. Kết quả này là đáng khích lệ nhưng cần đi vào thực chất hơn vì nhìn chung giảm nghèo chưa thật bền vững, tuy không có số liệu chính thức về tỷ lệ tái nghèo nhưng thực tế cho thấy sự khác biệt giữa hộ nghèo và hộ mới thoát nghèo (cận nghèo) nhỏ, những hộ mới thoát nghèo vẫn có nguy cơ quay trở lại tình trạng nghèo.

Để thoát nghèo bền vững, với nguồn lực rất hạn chế của địa phương, cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải các nguồn lực. Cần lựa chọn từng nhóm một số ít hộ thực sự có khả năng thoát nghèo để đầu tư, hỗ trợ. Việc này đòi hỏi phải đánh giá chính xác và phân loại các hộ nghèo thành các nhóm khác nhau, như: nhóm yếu thế, không có khả năng lao động; nhóm có khả năng lao động nhưng thiếu vốn, thiếu tư liệu sản xuất; nhóm có khả năng lao động nhưng lười lao động, mắc các tệ nạn,v.v..)

Chú trọng tiếp cận địa bàn. Đảng uỷ, chính quyền xã cần tập trung chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể, các chi bộ, thôn xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công cán bộ, đảng viên phụ trách từng hộ nghèo để tư vấn, giúp đỡ về mọi mặt, nên đến từng hộ để khảo sát, tìm hiểu kỹ về gia cảnh, động viên, thuyết phục để họ nỗ lực phấn đấu vươn lên. Với xã có nhiều dân tộc sinh sống và các hộ nghèo chủ yếu là các dân tộc nên cán bộ tiếng dân tộc là rất quan trọng, đây là điều kiện để cán bộ trực tiếp vận động các hộ nghèo và thuyết phục, động viên hiệu quả hơn. Việc tập huấn, học tiếng dân tộc thì xã không có đủ nguồn lực để làm, nên huyện, tỉnh và Trung ương cần xây dựng chương trình đào tạo phù hợp. Tăng cường kiểm tra, giám sát, nắm bắt thông tin đối với các hộ mới thoát nghèo là rất quan trọng để giảm thiểu tái nghèo.

Nâng cao ý thức, ý chí phấn đấu thoát nghèo. Việc này không chỉ thực hiện bằng các biện pháp tuyên truyền, thuyết phục thông thường. Thực tế, một bộ phận người dân khi còn được hưởng nhiều lợi ích của hộ nghèo thì vẫn cứ muốn được ở diện hộ nghèo để tiếp tục thụ hưởng các hỗ trợ. Ngoài ra, có tình trạng hộ nghèo muốn tách hộ để trở thành nhiều hộ nghèo và được hưởng lợi nhiều hơn từ các chương trình giảm nghèo. Kinh nghiệm của một số địa phương để người dân thực sự muốn thoát nghèo là: đối với những hộ mới thoát nghèo, vẫn có chính sách để họ được hưởng các lợi ích có được của hộ nghèo trong một thời gian nhất định, coi đây là phần thưởng cho họ vì đã thoát nghèo.

Đồng thời, cần tăng cường tuyên truyền về các mô hình, tấm gương thoát nghèo để các hộ nghèo khác phấn đấu, và thấy được rằng việc thoát nghèo là đáng tự hào. Nếu làm tốt được việc này thì sẽ góp phần nâng cao ý thức của người dân và tạo động lực cả về vật chất và tinh thần để họ phấn đấu đi lên.

Cần đánh giá, rà soát phân loại hộ nghèo để có giải pháp cụ thể cho từng loại. Cụ thể:

Loại 1: các thành viên gia đình già yếu, bệnh tật, thiếu lao động, không có khả năng thoát nghèo. Đối với các hộ này, vận động xã hội và chính sách xã hội để bảo đảm an sinh xã hội. Về lâu dài, đưa ra khỏi diện nghèo, và xếp vào diện bảo trợ xã hội thường xuyên.

Loại 2: có nhân lực, có nhu cầu lao động nhưng thiếu tư liệu sản xuất, thiếu việc làm. Đây là nhóm có khả năng thoát nghèo cao nhưng do hoàn cảnh. Với các hộ này cần tập trung mạnh cho vay vốn, hỗ trợ tư liệu sản xuất, tạo việc làm để thoát nghèo. Tuỳ vào điều kiện địa phương có thể thực hiện các mô hình “2 hộ giàu giúp 1 hộ nghèo”, hay mỗi chi bộ, mỗi đoàn thể giúp 01 hộ thoát nghèo,…

Loại 3: không chịu lao động, không biết tổ chức cuộc sống, sa vào các tệ nạn, nghiện ngập, ỷ lại, trông chờ. Đây là nhóm khó chuyển biến nhất. Do vậy, cần tuyên truyền vận động chuyển hoá thành hộ nghèo loại 2 trước khi hỗ trợ vốn, tư liệu sản xuất. Nếu không các khoản hỗ trợ sẽ không có tác dụng, hiệu quả. Nếu hỗ trợ nhưng họ lại bán lấy để tiêu dùng lại nghèo.

Với những hộ có quá ít đất sản xuất, chủ yếu trồng ngô 01 vụ/năm, không có thu nhập khác, cần nghiên cứu, hướng dẫn để họ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, đưa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với thổ nhưỡng và điều kiện sản xuất dược liệu,v.v... Trong chuyển đổi cây trồng, cần phải có sự quan tâm của huyện, tỉnh với các đề án tổng thể và tầm nhìn dài hạn, phối hợp trên toàn địa bàn và thậm chí là phối hợp liên vùng.

Đối với những hộ nghèo, có lao động, nhưng không biết tiếng Kinh và không thể tự tìm việc, cần xây dựng kế hoạch dạy tiếng Kinh trong thời gian ngắn bởi đối tượng này cơ bản có nền tảng tiếng Kinh nên mất nhiều thời gian dạy. Chính quyền cần có kế hoạch hỗ trợ tìm kiếm, giới thiệu việc làm cho lao động nghèo. Cần vận động, tuyên truyền để lao động trẻ người dân sẵn sàng đi lao động ở xa. Thực tế có nhiều người xuất cảnh bất hợp pháp sang Trung Quốc làm thuê cho thấy, lao động trẻ sẵn sàng đi làm xa nếu có giải pháp tác động thích hợp

Chú trọng công tác cán bộ. Cốt lõi cho mọi kế hoạch giảm nghèo là đội ngũ cán bộ trực tiếp tổ chức thực hiện. Thực tế ở cơ sở cho thấy, năng lực của cán bộ còn yếu, sự nhiệt tình, quan tâm tới đời sống của người dân chưa cao; không nhiều cán bộ xã thông thạo tiếng các dân tộc là trở lực lớn trong công tác tuyên truyền, vận động. Do vậy, cần có kế hoạch cụ thể về vấn đề này. Một trong những giải pháp quan trọng là đào tạo cán bộ là người dân tộc để thuyết phục, dẫn dắt đồng bào mình. Ở Cao Tân, cán bộ người Mông còn rất ít, chủ yếu là ở bản nhưng khả năng nắm bắt chủ trương và vận động quần chúng cũng còn nhiều hạn chế.

______________                                                               

1. Báo cáo tiến độ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần XI, Tỉnh ủy Bắc Kạn số 341- BC/TCTU ngày 29/5/2015

2. Báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế xã hội 5 tháng đầu năm 2015 tỉnh Bắc Kạn, UBND tỉnh Bắc Kạn tháng 5/2015

3. Báo cáo tóm tắt tình hình phát triển kinh tế xã hội năm 2010 – 2015, Huyện ủy Pác Nặm ngày 1/6/2015

4. Báo cáo về đặc điểm, tình hình kinh tế xã hội, công tác xây dựng Đảng, chính quyền địa phương, Đảng ủy xã Cao Tân, ngày 2/6/2015

5. Kế hoạch xóa đói giảm nghèo năm 2015 xã Cao Tân, Ban xóa đói giảm nghèo xã Cao Tân, ngày 2/2/2015.

6. Báo cáo kết quả nghiên cứu khảo sát của Đoàn học viên nhóm 4 Lớp dự nguồn cán bộ cao cấp khóa 6tại xã Cao Tân, huyện Pắc Nặm, tỉnh Bắc Kạn, tháng 6-2015.

NGUYỄN TRỊNH

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền