Trang chủ    Thực tiễn    Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo qua mười năm thực hiện
Thứ sáu, 30 Tháng 10 2015 17:27
3197 Lượt xem

Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo qua mười năm thực hiện

(LLCT) - Việc ra đời của Pháp lệnh số 21/2004/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tín ngưỡng, tôn giáo được ban hành (ngày 18-6-2004)thể hiện sự đổi mới về quan niệm tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam và cũng thể hiện sự quan tâm của Nhà nước với nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Từ năm 1990 đến năm 2003 đã có 13 văn kiện của Đảng được ban hành liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có điểm đổi mới căn bản khi khẳng định: “Tôn giáo là vấn đề còn tồn tại lâu dài. Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu của một bộ phận nhân dân. Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới”(1).

 

Sau khi Pháp lệnh số 21/2004/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tín ngưỡng, tôn giáo được ban hành (ngày 18-6-2004), Chính phủ đã ban hành 2 nghị định hướng dẫn là Nghị định 22/2005/NĐ-CP năm 2005 và mới đây là Nghị định 92/2012/NĐ-CP.

Việc ra đời của Pháp lệnh thể hiện sự đổi mới về quan niệm tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam và cũng thể hiện sự quan tâm của Nhà nước với nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Từ năm 1990 đến năm 2003 đã có 13 văn kiện của Đảng được ban hành liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có điểm đổi mới căn bản khi khẳng định: “Tôn giáo là vấn đề còn tồn tại lâu dài. Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu của một bộ phận nhân dân. Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới”(1).

Pháp lệnh tạo điều kiện pháp lý thông thoáng cho sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân.

Pháp lệnh đã phân biệt tín ngưỡng với tôn giáo (Chương II), tạo điều kiện cho lễ hội có liên quan tới tôn giáo, tín ngưỡng được phục hồi. Hiện nay, cả nước có hơn 8 nghìn lễ hội, trong đó lễ hội cách mạng có 4%, tôn giáo 16%, 80% là lễ hội dân gian. Bình quân mỗi ngày có hơn 30 lễ hội.

Sau Pháp lệnh, các tôn giáo được Nhà nước công nhận đã tăng lên nhanh chóng. Trước đây chỉ có 6 tôn giáo lớn được thừa nhận thì nay Nhà nước đã công nhận 13 tôn giáo với 36 tổ chức và 1 pháp môn được đăng ký hoạt động, gồm 24 triệu tín đồ (chiếm 27% dân số), 250 nghìn chức sắc, hơn 25 nghìn cơ sở thờ tự. Các tôn giáo có 46 cơ sở đào tạo từ trung cấp đến đại học. Rõ nhất là đạo Tin lành trước đây có 2 tổ chức, nay được công nhận 10 tổ chức, hệ phái, với hơn 1 triệu tín đồ, 436 mục sư, 306 mục sư nhiệm chức, 458 truyền đạo, 455 chi hội, 4.409 điểm nhóm, 351 nhà thờ và 1 Viện Thánh kinh thần học.

Nhiều nhu cầu về tôn giáo đã được chính quyền các cấp giải quyết thoả đáng. Hàng trăm ha đất đã được cấp cho các tôn giáo để xây dựng cơ sở thờ tự như tỉnh Quảng Trị đã cấp quyền sử dụng trở lại cho Thánh địa La Vang 15 hécta, tỉnh Đắk Lắk cấp 11 hécta cho Tòa giám mục Buôn Ma Thuột, thành phố Hải Phòng cấp 10 hécta cho Tòa giám mục…

Từ năm 2006 đến nay, các Nhà xuất bản đã cấp phép xuất bản 5.841 ấn phẩm, trong đó có 4.725 đầu sách với 14,5 triệu bản in, 1.118 đĩa với nhiều ngôn ngữ khác nhau. Các tôn giáo đều có tuần báo, tạp chí, website riêng như báo Giác ngộ, nghiên cứu Phật học Việt Nam,bản tinHiệp thông, tạp chí Hương Sen,…

Nhà nước đã tạo điều kiện cho nhiều chức sắc tôn giáo được du học ở nước ngoài bậc đại học. Hiện có 200 tăng ni sinh Phật giáo đang học ở nước ngoài, hơn 100 vị đã tốt nghiệp thạc sỹ, tiến sỹ về nước. Công giáo cũng có hàng nghìn người được gửi ra đào tạo bậc đại học. Hàng nghìn lượt chức ­sắc, tín đồ từ Việt Nam ra nước ngoài và hàng nghìn lượt đại biểu tôn giáo từ nước ngoài vào Việt Nam tham dự hội nghị, hội thảo. Các tôn giáo đã tổ chức thành công nhiều lễ hội lớn có quy mô quốc gia và quốc tế như Đại lễ Phật Đản 2008, 100 năm kỷ niệm đạo Tin lành đến Việt Nam (2011), kỷ niệm 50 năm hàng giáo phẩm Việt Nam, 350 năm thành lập Giáo phận Đàng Trong, Đàng Ngoài, Hội nghị Liên Hội đồng giám mục Á châu (2012)…

Việc chia tách, sáp nhập các tổ chức tôn giáo cũng được xem xét thuận lợi hơn. Chẳng hạn Công giáo trước đây có 25 giáo phận, 1.800 giáo xứ, nay đã có 26 giáo phận, hơn 3 nghìn giáo xứ, 6 nghìn giáo họ với hơn 9 nghìn cơ sở thờ tự, 7 đại chủng viện. Các chủng viện được chiêu sinh hằng năm.

Pháp lệnh đã tăng cường vai trò quản lý cho chính quyền cơ sở. Điều 35 Nghị định 92 quy định cấp xã được giải quyết việc sửa chữa, nâng cấp, cải tạo các công trình tôn giáo mà không phải xin giấy phép xây dựng. Việc đăng ký dự tu cũng dễ dàng, thông thoáng và có hướng dẫn rõ ràng. Vấn đề thủ tục, giấy tờ liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo cũng được quy định rõ ràng, đơn giản hơn trước rất nhiều, nhất là khi Ban Tôn giáo Chính phủ cung cấp bộ văn bản mẫu. Thời gian giải quyết cho từng vụ việc được quy định rõ ràng, không kéo dài như trước đây. Đặc biệt, trong Pháp lệnh nếu điều khoản nào mà Việt Nam đã ký kết với quốc tế thì được thi hành theo điều ước quốc tế, phù hợp với việc hội nhập quốc tế hiện nay.

Riêng với Công giáo đã đạt được nhiều bước tiến trong lộ trình xây dựng quan hệ Việt Nam - Vatican khi công nhận đại diện không thường trú của Vatican năm 2011 và tạo thuận lợi cho Tổng giám mục L.Girelli đi thăm và làm mục vụ tại 26 giáo phận. Việt Nam và Vatican đã duy trì đều đặn cuộc gặp gỡ hằng năm nhất là Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam - Tòa thánh trong 4 năm qua. Thông cáo chung của Nhóm Công tác hỗn hợp giữa Vatican và Việt Nam vòng 5 đã ghi nhận: “Phía Vatican đánh giá cao và cảm ơn sự quan tâm mà chính quyền các cấp của Việt Nam đã dành cho Giáo hội Công giáo Việt Nam thời gian qua để hoàn thành sứ mệnh của mình; ghi nhận những tiến bộ trong chính sách tôn giáo của Việt Nam, thể hiện trong Hiến pháp sửa đổi 2013”(2).

Bên cạnh những ưu điểm trên đây, qua thực tế 10 năm thực hiện, Pháp lệnh cũng bộc lộ một số điểm bất cập cần khắc phục.

Pháp lệnh chưa đề cập đến tư cách pháp nhân của các tôn giáo nên khi cần giải quyết một số vấn đề nào đó liên quan đến pháp luật, sẽ rất khó giải quyết. Chẳng hạn, giấy chứng nhận quyền sở hữu đất đai hiện nay vẫn ghi tên chủ sử dụng là linh mục xứ chứ không phải giáo xứ. Nhưng chỉ mấy năm là linh mục chuyển đi nơi khác theo quy định của giáo luật. Vậy là giáo xứ đó muốn xây sửa, cải tạo trên khu đất đó đều không được giải quyết vì chủ sử dụng công trình đã chuyển đi. Vấn đề giáo hội được tham gia các chương trình xã hội hóa giáo dục, y tế cũng khó khăn, làm hạn chế khả năng đóng góp của các tôn giáo. Các nhà tu hành không được phép mở trường, mở bệnh viện, nên nhiều nơi giáo hội phải mượn người đứng tên trường, bệnh viện.

Công tác tôn giáo được xác định là nhiệm vụ của các cấp, các ngành, của toàn bộ hệ thống chính trị, nhưng vì không quy trách nhiệm cụ thể cho ai nên rất dễ rơi vào chồng chéo, lấn sân nhau hoặc đùn đẩy, không ai chịu trách nhiệm. Ngay trong Pháp lệnh cũng chỉ quy định chức trách, quyền hạn của Ủy ban nhân dân và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp khi giải quyết nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân nhưng khi cán bộ vi phạm Pháp lệnh thì không có chế tài xử lý. Theo Nghị định 22/2004/NĐ-CP về kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác tôn giáo thuộc ủy ban nhân dân các cấp, Chính phủ đã bố trí hơn 3 nghìn cán bộ chuyên trách về quản lý tôn giáo các cấp nhưng thực tế chỉ ở Trung ương và tỉnh, thành là thực hiện được. Ở cấp huyện và xã vẫn là kiêm nhiệm. Ngay trong số cán bộ chuyên trách cũng chỉ có 10% là có chuyên môn, 60% là học ngành khác sang. Điều này hạn chế rất nhiều hiệu quả công tác. Khảo sát về nguyên nhân hạn chế trong công tác quản lý tôn giáo cho thấy: 73% ý kiến cho rằng do cán bộ trái chuyên môn đào tạo, 72% kiến nghị cần được bồi dưỡng chuyên môn, 60,7% cho rằng cán bộ không nắm vững văn bản pháp luật của Nhà nước, 56% ý kiến cho rằng có sự chồng chéo giữa các cơ quan(3).

Pháp lệnh quy định một số điều chưa phù hợp với thực tiễn. Thí dụ Điều 25 Pháp lệnh và Điều 31 Nghị định 92 quy định về các cuộc lễ diễn ra ngoài cơ sở tôn giáo. Hiện nay, do điều kiện giao thông thuận lợi nên người huyện này, tỉnh khác thậm chí là người nước ngoài đến giao lưu là sự thường. Họ đến tham quan và dự lễ mà cả phía tôn giáo lẫn chính quyền đều không biết trước. Vậy là vi phạm luật. Hay Điều 16 Pháp lệnh và Điều 8 trong Nghị định 92 về việc công nhận các tổ chức tôn giáo cũng chưa hợp lý. Một tổ chức tôn giáo vừa ra đời làm sao đã có đủ điều kiện hoạt động đủ 20 năm lành mạnh để được công nhận là tôn giáo hợp pháp? Việc phân cấp thẩm quyền công nhận tổ chức tôn giáo cũng chưa rõ ràng nên xảy ra tình trạng tôn giáo “mẹ” thì địa phương công nhận, tôn giáo “con” thì Trung ương công nhận.

Hiện nay, tình trạng khiếu kiện liên quan đến đất đai gia tăng, trong đó có hàng nghìn vụ liên quan đến tôn giáo vì các tổ chức tôn giáo cũng có số tài sản khá lớn. Theo thống kê, trong số  hơn 25 nghìn cơ sở thờ tự của các tôn giáo thì Phật giáo là 14.778 cơ sở, Công giáo là 9.003 cơ sở, Cao đài 1.284 cơ sở, Hòa Hảo là 552 cơ sở… Báo cáo của 22 tỉnh thành cho biết các tôn giáo đang sử dụng 6.260 ha đất. Tài sản của các tôn giáo ở nước ta đã trải qua quá trình lịch sử lâu dài với nhiều thay đổi về cách thức quản lý nên rất phức tạp. Vì vậy, việc khiếu kiện liên quan đến đất đai, tài sản tất yếu xảy ra và có nơi đã hình thành những điểm nóng… Tuy nhiên, Pháp lệnh lại không quy định quá trình hòa giải, đối thoại, xử lý và ai chịu trách nhiệm chính trong việc giải quyết những điểm nóng như vậy.

Cuộc sống luôn vận động và văn bản pháp luật cũng phải thay đổi cho phù hợp. Cùng với sự phát triển của xã hội thì việc mở rộng biên độ thông thoáng của Pháp lệnh, sát với trình độ dân trí, tình hình thực tế càng được chú ý và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân sẽ ngày càng được tôn trọng và chăm lo hơn.

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2014

(1)ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.45-46.

(2) Thông cáo chung của Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam - Tòa Thánh, TTXVN/Vietnam, ngày 11-9-2014.

(3) Dẫn theo PGS, TS Ngô Hữu Thảo: Công tác tôn giáo từ quan điểm Mác - Lênin đến thực tiễn Việt Nam, Nxb Chính trị - Hành chính, Hà Nội, 2012, tr.128-129.

 

Phạm Huy Thông

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền