Trang chủ    Thực tiễn    Hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ về quốc phòng và giải quyết vấn đề “di sản” chiến tranh Việt Nam từ năm 1995 đến nay
Thứ sáu, 25 Tháng 11 2016 17:20
3948 Lượt xem

Hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ về quốc phòng và giải quyết vấn đề “di sản” chiến tranh Việt Nam từ năm 1995 đến nay

(LLCT) - Sau 20 năm bình thường hóa quan hệ, Việt Nam và Hoa Kỳ đã trở thành “bạn” và từ năm 2013 đến nay là Đối tác toàn diện. Trên cơ sở này, mặc dù phát triển chậm, song quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia lại có những bước tiến vững chắc, ngày càng mở rộng và khởi sắc trên nhiều lĩnh vực, trong đó có hợp tác quốc phòng và các hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh.

1. Hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ trên lĩnh vực quốc phòng

Tháng 7-1995 trở thành cột mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ khi Tổng thống Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao sau 20 năm gián đoạn kể từ khi kết thúc chiến tranh Việt Nam. Sự kiện này mở ra một trang mới trong quan hệ giữa hai nước.

- Giai đoạn 1995 - 2005

Các mối quan hệ quân sự giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được chính thức khởi xướng vào tháng 11-1996. Ngay khi hai bên tiến hành trao đổi đại sứ (5-1997), Đại sứ quán Hoa Kỳ thành lập Văn phòng Tùy viên Quân sự (DAO). Văn phòng DAO đi tiên phong trong việc hình thành nên mối quan hệ song phương ngày càng mạnh mẽ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam dựa trên nền tảng hữu nghị, tôn trọng lẫn nhau, trung thực cũng như các cam kết chung trong việc bảo đảm một khu vực châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và an toàn. Ban đầu, các hoạt động hợp tác giữa hai quốc gia phần lớn tập trung vào chương trình giải quyết “di sản” của thời kỳ chiến tranh Việt Nam, nhất là vấn đề tù binh và tìm kiếm người Mỹ mất tích (POW/MIA), hậu quả chất độc da cam thông qua các cuộc hội thảo và hội nghị đa phương sử dụng nguồn vốn TITLE 10 của Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Hoa Kỳ.

Khởi điểm cho quan hệ song phương về quốc phòng là chuyến thăm Việt Nam của Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách các vấn đề châu Á - Thái Bình Dương vào tháng 3-1997 và sự xuất hiện của Tùy viên Quốc phòng Việt Nam đầu tiên tại Washington. Tiếp đó, từ ngày 30-9 đến ngày 2-10-1998, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm thăm Lầu Năm góc và chuyến thăm của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Trần Hanh tới Hoa Kỳ cũng trong tháng này. Tháng 4-1999, chuyến thăm đầu tiên của nhóm các học viên thuộc Đại học Không quân Hoa Kỳ tới Việt Nam và khởi xướng cho một chương trình huấn luyện về rà phá bom mìn của các kỹ sư quân đội Hoa Kỳ; đồng thời Việt Nam cử sĩ quan đầu tiên tham dự khóa học của Trung tâm Nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương (APCSS). Hợp tác quốc phòng giữa hai nước có bước tiến đáng kể với chuyến thăm lần đầu tiên của người đứng đầu Lầu Năm góc William Cohen đến Việt Nam (3-2000) kể từ sau khi kết thúc chiến tranh. Trong chuyến thăm này, hai bên thảo luận về việc tìm kiếm quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh và bàn về hợp tác quân sự giữa hai nước.

Đặc biệt, chuyến thăm của Tổng thống Bill Clinton tới Việt Nam vào tháng 11-2000 đã tạo đà cho các hoạt động hợp tác rà phá bom mìn, hợp pháp hóa các thảo luận cấp cao và quản lý các vấn đề liên quan tới hậu quả chiến tranh giữa hai nước. Kể từ năm 2003, các tàu chiến của Hải quân Hoa Kỳ được phép ghé thăm Việt Nam hằng năm(1). Trên cơ sở những thuận lợi ban đầu, từ ngày 9 đến ngày 12-11-2003, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phạm Văn Trà có chuyến thăm Hoa Kỳ sau 28 năm kể từ khi kết thúc chiến tranh, đánh dấu mốc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa hai quân đội. Đây là “chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử, mang nặng tính biểu tượng của một giai đoạn mới trong quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam”(2). Trong cuộc hội đàm, Bộ trưởng Phạm Văn Trà cùng người đồng cấp Donald Rumsfeld đã đồng ý tiến hành các cuộc gặp gỡ, trao đổi cấp Bộ trưởng Quốc phòng 3 năm một lần trên cở sở luân phiên giữa hai nước.

- Giai đoạn 2005 - 2015

Hợp tác quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ có bước tiến quan trọng đánh dấu bằng Thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa hai quốc gia vào năm 2005 thông qua một cơ quan Giáo dục và Đào tạo Quân sự Quốc tế (IMET). Theo đó, sau hai năm Hoa Kỳ cho phép bán các thiết bị quân sự không sát thương cho Việt Nam và cho phép cán bộ Việt Nam được đào tạo tiếng Anh tại Hoa Kỳ(3). Theo thống kê của IMET, tổng số ngân sách đào tạo theo chương trình tính từ năm 2005 đến 2012 lên tới 2,232 triệu USD(4). Hơn nữa, các cuộc đối thoại quốc phòng song phương cũng được bắt đầu từ năm 2005 giữa hai quốc gia do Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ chủ trì(5). Quan trọng hơn, ngày 29-12-2006, chính quyền G.W.Bush tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm vận buôn bán vũ khí đối với Việt Nam. Theo đó, các công ty Hoa Kỳ có quyền xuất khẩu sang Việt Nam một số hàng hóa và dịch vụ quốc phòng; nhập khẩu hàng hóa tương tự ở Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ và được cấp giấy phép chế tạo vũ khí loại không sát thương cho các công ty của Việt Nam(6). Sự kiện này là một chuyển biến mới trong quan hệ hai nước, mở ra cơ hội mở rộng hợp tác về công nghiệp quốc phòng.

Tháng 6-2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có chuyến thăm cấp cao tới Hoa Kỳ. Trong chuyến thăm này, hai bên thống nhất việc tổ chức các cuộc đối thoại an ninh - chiến lược cấp thứ trưởng hằng năm. Đối thoại chính trị - an ninh quốc phòng đầu tiên giữa hai nước được tổ chức vào tháng 10-2008 tại Washington.

Khi chính quyền của Tổng thống B.Obama trực tiếp lãnh đạo Hoa Kỳ, quan hệ quốc phòng hai nước tiếp tục nâng cao thêm một bước khi hai bên tham gia nhiều hơn vào các hoạt động mang tính biểu tượng để tăng cường sự tham vấn quốc phòng. Tháng 4-2009, lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam tham quan hoạt động trên tàu sân bay USS John D.Stennis (CVN - 74) đang hoạt động trên khu vực Biển Đông. Tháng 12-2009, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh có chuyến thăm chính thức đến Hoa Kỳ. Giới truyền thông Hoa Kỳ cho rằng, chuyến thăm lần này có ý nghĩa quan trọng nhằm tiếp tục tăng cường hơn nữa quan hệ quốc phòng giữa hai nước trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có nhiều biến động(7). Trên đường đến Washington, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh ghé thăm Bộ tư lệnh Hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương ở Hawaii. Trong cuộc gặp với người đồng cấp Donald Rumsfeld, Bộ trưởng đề nghị phía Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí sát thương đối với Việt Nam.

Nhân kỷ niệm 15 năm bình thường hóa quan hệ (1995 - 2010), hai nước có những hoạt động thiết thực, mở ra một thời kỳ mới trong hợp tác quốc phòng bằng việc lần đầu tiên tổ chức các hoạt động hợp tác đào tạo phi chiến tranh tại Đà Nẵng cũng như hải quân hai nước tiến hành cuộc tập trận chung trên Biển Đông kéo dài một tuần. Tháng 8-2010, lần đầu tiên, Việt Nam và Hoa Kỳ tổ chức đối thoại về chính sách quốc phòng cấp thứ trưởng. Cuộc đối thoại thẳng thắn và cởi mở này là kết quả của thỏa thuận giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh nhằm thành lập một diễn đàn cấp cao để trao đổi quan điểm chiến lược về các vấn đề an ninh và quốc phòng song phương, khu vực và toàn cầu mà hai bên cùng quan tâm. Cuộc đối thoại thể hiện một bước tiến quan trọng mang tính lịch sử trong quan hệ quốc phòng ngày càng mạnh mẽ giữa hai nước, dựa trên sự tin tưởng, hiểu biết và tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau. Ngoài việc thảo luận về các vấn đề di sản chiến tranh như quân nhân mất tích, bom mìn chưa nổ và chất độc màu da cam, các nhà lãnh đạo quốc phòng cấp cao cũng thảo luận cách thức hai nước có thể hợp tác tốt hơn về hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế và an ninh hàng hải(8).

Trong Đối thoại chính sách quốc phòng lần thứ 2 được tổ chức vào tháng 9-2011 tại Washington, hai bên đã ký biên bản ghi nhớ chính thức về thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương (MOU). Biên bản ghi nhớ đề cập đến 5 vấn đề ưu tiên trong quan hệ quốc phòng hai nước bao gồm: Đối thoại chính sách cấp cao thường xuyên, an ninh hàng hải, tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, gìn giữ hòa bình(9). Đến tháng 8-2012, Leon Panetta trở thành Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của Hoa Kỳ đến thăm vịnh Cam Ranh kể từ khi kết thúc chiến tranh Việt Nam. Trong chuyến thăm, Bộ trưởng Panetta đã đề xuất thành lập một văn phòng hợp tác quốc phòng tại Đại sứ quán Hoa Kỳ để tăng cường hơn nữa các hoạt động hợp tác quốc phòng. Trong cuộc hội đàm với ông Panetta, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh tiếp tục nhắc lại yêu cầu của Việt Nam về việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương. Cũng trong năm 2012, lần đầu tiên Việt Nam gửi quan sát viên đến tham dự cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới RIMPAC-2012.

Chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tháng 7-2013 càng thúc đẩy hợp tác quốc phòng hai quốc gia nâng tầm cao mới khi Việt Nam - Hoa Kỳ ra tuyến bố chung “mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ song phương” bằng việc thiết lập quan hệ “đối tác toàn diện”. Trên cơ sở này, tháng 10-2014, chính quyền Washington ra thông báo tiến hành gỡ bỏ một phần lệnh cấm bán các vũ khí sát thương cho Việt Nam, mở đường cho hợp tác thương mại quốc phòng. Đây là “một động thái lịch sử sau 40 năm kết thúc chiến tranh, bước tiến rất quan trọng tạo đà hợp tác đầy triển vọng trong tương lai, giúp Việt Nam có khả năng tự bảo vệ mình trước diễn biến tình hình tại Biển Đông”(10). Trước đó, trong chuyến thăm Việt Nam tháng 12-2013 của Ngoại trưởng John Kerry, Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ 18 triệu USD cho Việt Nam (trong số 32,5 triệu USD cho các quốc gia Đông Nam Á tăng cường khả năng thực thi luật pháp trên biển), bắt đầu với việc đào tạo và cung cấp 5 tàu tuần tra cao tốc, góp phần nâng cao năng lực an ninh hàng hải.

Năm 2015 ghi nhận bước tiến quan trọng trong quan hệ hợp tác quốc phòng theo chiều hướng ngày càng sâu rộng hơn vì lợi ích của hai nước và khu vực bằng sự kiện ngày 7-7-2015, tại Washington, Bản ghi nhớ về gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ được ký kết. Nội dung chính của Bản ghi nhớ là thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng song phương trên các lĩnh vực tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc như tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và kỹ năng hoạt động tại các phái bộ Liên Hợp quốc, nâng cao năng lực của cá nhân và đơn vị trong huấn luyện tiền triển khai, hỗ trợ trang bị kỹ thuật cho lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc, giải ngân gói hỗ trợ xây dựng Trung tâm gìn giữ hòa bình Việt Nam và nâng cao khả năng tiếng Anh... Với việc ký kết Bản ghi nhớ này, quan hệ hợp tác quốc phòng song phương đã được đẩy lên một tầng cao mới; khi mà hai nước cùng cam kết hơn vì mục tiêu khắc phục hậu quả xung đột vũ trang, vì hòa bình, ổn định của một quốc gia thứ ba, vì trách nhiệm chung trên cương vị là những quốc gia có trách nhiệm của Liên Hợp quốc.

2. Hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ trong giải quyết vấn đề “di sản” chiến tranh Việt Nam

- Vấn đề chất độc da cam/dioxin

Một “di sản” lớn của chiến tranh Việt Nam mà hai bên vẫn tiếp tục hợp tác khắc phục sau 20 năm bình thường hóa quan hệ là những thiệt hại của chất độc da cam/dioxin. Theo ước tính, tại chiến trường Việt Nam, quân đội Mỹ đã rải khoảng 11 - 12 triệu lít chất độc da cam từ năm 1961 đến năm 1971. Một nghiên cứu khoa học khác cho thấy có khoảng 5 triệu người Việt Nam (ba thế hệ) đã bị nhiễm chất độc này(11).

Trong quá khứ, vấn đề trên chưa được coi trọng trong các cuộc đàm phán. Khi quan hệ hai nước đã bình thường hóa, đây là nội dung quan trọng và là chủ đề thường xuyên trong các cuộc đàm phán song phương cũng như sự quan tâm từ các nghị sĩ Quốc hội Hoa Kỳ. Trong chuyến thăm Hà Nội của Bộ trưởng Quốc phòng William Cohen (3-2000), ngoài việc thảo luận về việc tìm kiếm quân nhân Hoa Kỳ mất tích, ông còn cam kết hợp tác chặt chẽ hơn với Việt Nam về vấn đề chất độc da cam. Tiếp đó, trong chuyến thăm của Tổng thống Bill Clinton đến Việt Nam vào tháng 11-2000, hai bên đồng ý thiết lập một trung tâm nghiên cứu chung về ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin. Từ kết quả của chuyến thăm lịch sử trên, từ ngày 3 đến ngày 6-3-2002, Hội nghị khoa học Việt Nam - Hoa Kỳ đầu tiên về chất độc da cam/dioxin được tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của hàng trăm nhà nghiên cứu của 2 nước. Hai bên cùng ký một biên bản ghi nhớ (MOU) quy định hợp tác nghiên cứu về sức khỏe con người và những ảnh hưởng môi trường trong tương lai từ chất độc da cam/ dioxin cũng như thành lập một Hội đồng tư vấn (JAC) để giám sát sự hợp tác này.

Trong nhiệm kỳ của Tổng thống G.Bush, vấn đề giải quyết nạn nhân da cam cũng như khắc phục hậu quả môi trường tại Việt Nam được phía Hoa Kỳ lưu tâm nhiều hơn. Trong cuộc gặp gỡ nhân chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (6-2007), hai bên thống nhất tăng cường hoạt động quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giúp đỡ những nạn nhân chất độc da cam/dioxin và làm sạch môi trường ở những khu vực ô nhiễm. Tổng thống G.Bush khẳng định rằng: “Hoa Kỳ và Việt Nam đồng ý cần phải có nhiều nỗ lực hơn nữa để làm sạch môi trường tại những nơi trụ sở quân đội Hoa Kỳ đóng quân và các vùng phụ cận ở chiến trường miền Nam. Điều này sẽ là một đóng góp quý báu tiếp tục cho sự phát triển trong quan hệ song phương giữa hai nước chúng ta”(12).

Trên thực tế, Hoa Kỳ cam kết thể hiện trách nhiệm và sẵn sàng hỗ trợ ngân sách nhiều hơn cho việc khắc phục. Tháng 5-2007, Quốc hội Hoa Kỳ chi gần 3 triệu USD khắc phục hậu quả chất độc dioxin và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, y tế có liên quan tại căn cứ quân sự ở Đà Nẵng (được sử dụng như một trung tâm phân phối chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam)(13). Thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế và Quỹ các nạn nhân chiến tranh, Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ tài chính cần thiết tại Việt Nam cho người tàn tật do bom mìn và vật liệu chưa nổ gây ra(14). Điều này nhận được sự ủng hộ và đồng tình của nhiều nghị sĩ Quốc hội. Thượng nghị sĩ John McCain trong một bài phát biểu trước Quốc hội vào tháng 4-2008 cũng khẳng định: “Tôi tin rằng chất độc da cam vẫn còn ảnh hưởng và có lẽ nhiều hơn thế đối với người dân Việt Nam. Tôi nghĩ rằng, chúng ta cần phải tiếp tục giải quyết vấn đề kể cả việc bồi thường cho nạn nhân cũng như làm sạch môi trường khu vực bị nhiễm độc”(15).

Trên cơ sở này, tháng 9-2008 tại Hà Nội, cuộc họp của JAC lần thứ 3 được tiến hành(16) nhằm tập trung vào những nỗ lực của hai bên trong việc xử lý môi trường ở Việt Nam. Trong phiên họp, JAC đồng ý thành lập hai lực lượng thực hiện nhiệm vụ: một là tập trung vào các vấn đề môi trường, hai là các vấn đề sức khỏe. Theo đó, tháng 12-2008, một khoản kinh phí trị giá 3 triệu USD được hỗ trợ cho các hoạt động này (một nửa trong số đó dùng để xử lý môi trường ô nhiễm tại sân bay Đà Nẵng). Từ năm 2009 đến nay 2011, tổng số ngân sách dùng cho việc khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin theo sự phân bổ của Quốc hội Hoa Kỳ tăng lên đáng kể.

Theo Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), tháng 6-2012, USAID phân bổ 8,34 triệu USD cho Công ty CDM Smith phối hợp với Bộ Quốc phòng Việt Nam thực hiện hợp đồng quản lý và giám sát các dự án xử lý ô nhiễm tại Đà Nẵng. Phát biểu của Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ngài David B.Shear, trong lễ khởi công Dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng như là một cam kết cho những nỗ lực không mệt mỏi của hai bên trong việc hàn gắn vết thương chiến tranh: “Chúng ta đã cùng nhau sát cánh và làm việc trong nhiều năm trên tinh thần hợp tác và tôn trọng lẫn nhau. Dioxin trong đất ở đây là một di sản của quá khứ đau thương mà chúng ta cùng trải qua, nhưng dự án khởi động hôm nay là một dấu hiệu của tương lai đầy hy vọng mà chúng ta đang cùng nhau xây dựng. Cả hai nước chúng ta đang di chuyển đất và tiến hành những bước đầu tiên để chôn vùi những di sản của quá khứ”(17).

Cùng với các hoạt động làm sạch môi trường, Hoa Kỳ cũng thường xuyên hợp tác với Văn phòng Ban Chỉ đạo 33 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (thành lập năm 1999) để phối hợp các chính sách và chương trình của Việt Nam về chất da cam. Thông qua các cuộc họp hằng năm của Hội đồng Tư vấn Hỗn hợp với sự chủ trì của Văn phòng và Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ, hai bên tiến hành tìm kiếm các giải pháp dựa trên cơ sở khoa học cho các vấn đề phức tạp về môi trường và sức khỏe liên quan đến chất da cam. Ngoài ra, Quỹ Bill và Melinda Gates và Tổ chức Atlantic Philanthropies cũng tài trợ một phòng thí nghiệm trị giá 6 triệu USD giúp Việt Nam có khả năng phân tích dioxin với độ phân giải cao. Từ năm 2008 đến 2012, ba đối tác của USAID - Tổ chức Đông Tây Hội ngộ (East Meets West), Tổ chức cứu trợ trẻ em (Save the Children) và Hội trợ giúp người khuyết tật Việt Nam (Vietnam Assistance for the Handicapped) - đã cung cấp hỗ trợ về y tế, phục hồi chức năng, việc làm cho hơn 11 nghìn người khuyết tật ở Đà Nẵng, không phân biệt nguyên nhân khuyết tật. Quan trọng hơn tháng 7-2013, trong một nỗ lực khắc phục hậu quả cuộc chiến, Hoa Kỳ cam kết tiếp tục chi 84 triệu USD cho dự án làm sạch môi trường tại các sân bay, dự kiến hoàn thành trong năm 2016.

Tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA)

Hợp tác MIA vì mục đích nhân đạo đã dần xóa nhòa khoảng cách, từng bước xích lại gần nhau, chất keo gắn kết tình cảm của hàng nghìn người dân Hoa Kỳ với đất nước và con người Việt Nam, thật sự là cây cầu đầu tiên nối lại quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, minh chứng cho sự trưởng thành trong quan hệ song phương.

Hợp tác MIA được bắt đầu từ thập niên 80 và đẩy mạnh toàn diện từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ. Năm 1988, thỏa thuận hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ về MIA được ký kết. Tháng 4-1991, Tổng thống G.H. Bush tuyên bố “lộ trình” cho việc bình thường hóa, trong đó bao gồm sự hợp tác nhiều hơn trong việc định vị và trả lại hài cốt của khoảng 2.200 binh sĩ Mỹ và dân thường vẫn còn mất tích tại thời điểm đó. Tiếp đó, tháng 7-1991, hai bên nhất trí mở văn phòng của Chính phủ Hoa Kỳ ở Hà Nội (Văn phòng MIA) và chính thức đi vào hoạt động để giải quyết các vấn đề về MIA. Phía Hoa Kỳ cam kết viện trợ nhân đạo 1 triệu USD đến Việt Nam và được chuyển giao vào cuối năm tài chính 1991. Từ đó đến nay, quy mô tìm kiếm quân nhân Hoa Kỳ ngày càng được mở rộng, tăng cường và đạt hiệu quả cao, trở thành hoạt động chung giữa các lực lượng hai nước với sự tham gia của hàng nghìn người.

Chính quyền Bill Clinton xem vấn đề MIA như một ưu tiên trong chính sách quan hệ với Việt Nam. Tháng 7-1996, chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Anthony Lake cùng những cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Việt Nam, đã coi vấn đề POW/MIA vẫn là ưu tiên hàng đầu trong quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam.

Tại buổi tiếp, Tổng thống G.Bush nhấn mạnh MIA vẫn là một vấn đề quan trọng trong quan hệ giữa hai nước. Chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (7-2013) và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (7-2015) tới Hoa Kỳ tiếp tục khẳng định hợp tác MIA sẽ là nhân tố quan trọng gắn kết sự khác biệt của hai quốc gia.

Vượt lên những đau thương, mất mát bởi chiến tranh, Việt Nam cho thấy thiện chí của mình trong chủ động đề xuất và phối hợp với Hoa Kỳ trong việc tìm kiếm với phương thức mới có hiệu quả hơn. Tháng 9-2010, USAID cùng với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam thỏa thuận chương trình hai năm, theo đó Hoa Kỳ sẽ tài trợ 1 triệu USD để giúp Việt Nam xác định vị trí của hàng nghìn quân nhân Việt Nam mất tích trong chiến tranh(18). Từ năm 2011, hai nước triển khai mô hình khai quật hỗn hợp thu gọn (VRT) do Việt Nam chủ trì tổ chức hiện trường với sự hỗ trợ của một số chuyên viên chủ chốt và nhân chủng học Hoa Kỳ, cho phép tàu Hải dương học của Hải quân Hoa Kỳ vào tham gia hoạt động MIA tại vùng biển Việt Nam.

Từ năm 1988 đến 2015, Việt Nam và Hoa Kỳ hoàn thành hơn 100 đợt hoạt động chung. Các đội quy tập của hai bên hoàn thành nhiều đợt hoạt động hỗn hợp với sự tham gia của hàng chục chuyên viên Hoa Kỳ và Việt Nam cùng các chuyên gia về điều tra và quy tập. Hai bên đã điều tra 4.241 lượt vụ (gồm 42 lượt vụ ngoài biển), khai quật hỗn hợp 685 lượt vụ (gồm 8 vụ ngoài biển), 53 đợt điều tra đơn phương (với 818 lượt vụ), 6 đợt khai quật đơn phương với 8 vụ tại các khu vực hạn chế, 61 đợt hợp tác điều tra 3 bên với Lào, Campuchia, sưu tầm hoặc nghiên cứu 27.035 thông tin liên quan đến MIA(19). Tính đến tháng 9-2013, đã có 945 bộ hài cốt quân nhân được trao trả cho Hoa Kỳ và đã nhận dạng được 700 trường hợp. Về phía Hoa Kỳ cũng cung cấp hơn 300 hồ sơ liên quan đến gần 1.000 trường hợp bộ đội Việt Nam mất tích trong chiến tranh và trao lại nhiều di vật quý báu.

Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ bắt đầu từ cuối thế kỷ XIX. Trong thập niên 40 thế kỷ XX, mối quan hệ ấy được Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc tiếp tục gieo hạt, khi Hoa Kỳ là nước duy nhất trong phe Đồng minh có phái bộ bên cạnh Việt Minh. Vì những lý do khách quan, hạt giống đó đã không nảy mầm và lại thành thù địch, đối kháng khi Hoa Kỳ tiến hành chiến tranh tại Việt Nam. Vượt qua chông gai, gác lại quá khứ với những nỗ lực không ngừng từ hai phía, từng bước xây dựng, củng cố lòng tin để đạt được thành quả “đối tác toàn diện” như ngày hôm nay càng khẳng định mối quan hệ lâu dài giữa hai nước thêm thực chất và hiệu quả.

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2-2016

(1) Ngày 19-11-2003, chiến hạm USS Vandergrift thuộc Hạm đội 7 Hải quân Hoa Kỳ cập cảng Việt Nam, trở thành con tàu hải quân đầu tiên của Hoa Kỳ cập bến ở Việt Nam kể từ sau khi chiến tranh.

(2) Đặng Đình Quý: “Quan hệ Việt - Mỹ 1995 - 2015: tiếp cận từ góc độ lợi ích của hai bên’’, Nghiên cứu Lịch sử, số 7 (471), 2015, tr.4.

(3) C.Jordan, M.Stern, W.Lohman: U.S.-Vietnam Defense Relations: Investing in Strategic Alignment, Backgrounder, No. 2707, July 18, 2012, p.6.

 (4) Cụ thể: năm 2005 là 50.000 USD, năm 2006: 49.000 USD, năm 2007: 274.000 USD, năm 2008: 181.000 USD, năm 2009: 191.000 USD, năm 2010: 400.000 USD, năm 2011: 476.000 USD, năm 2012: 611.000 USD. Xem: Murray Hiebert, Phuong Nguyen, Gregory B. Poling (2014), A New Era In U.S. - Vietnam Relations: Deepening Ties Two Decades after Nomalization, Center for Strategic & International Studies, Rowman & Littlefield, New York, p.15.

(5) Đối thoại quốc phòng song phương là một trong ba cơ chế đối thoại liên quan tới quốc phòng mà Việt Nam và Hoa Kỳ tổ chức hằng năm. Đó là các cuộc Đối thoại quốc phòng song phương (Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ chủ trì); Đối thoại Chính trị - an ninh quốc phòng (do Bộ Ngoại giao hai bên chủ trì bắt đầu từ năm 2008); và Đối thoại Chiến lược Quốc phòng (Bộ Quốc phòng hai bên chủ trì bắt đầu từ năm 2010).

(6) Nguyễn Mại: Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ hướng về phía trước, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2008, tr.215.

(7) Mark E. Manyin: U.S.-Vietnam Relations in 2010: Current Issues and Implications for U.S. Policy, Congressional Research Service, August 6, 2010, p.4.

(8) “Mỹ - Việt đối thoại lần đầu tiên về chính sách quốc phòng”, vietnamese.vietnam.usembassy.gov, cập nhật ngày 17-8-2010.

(9) C. Jordan, M.Stern, W.Lohman (2012), Tlđd, p.8.

(10) http://www.reuters.com, cập nhật ngày
2-10-2014.

(11) Michael F.Martin: Vietnamese victims of Agent Orange and U.S. -Vietnam Relations, Congressional Research Service, August 29, 2012, p.1.

(12) Joint Statement Between the Socialist Republic of Vietnam and the United States of America, Office of the Press Secretary, The White House, November 17, 2006.

(13) Michael F. Martin (2012), Tlđd, p.2.

(14) Theo Bộ Ngoại giao, Hoa Kỳ cung cấp 40 triệu USD hỗ trợ cho “Chương trình hành động của tôi” từ 1993 - 1997 và 43 triệu USD hỗ trợ cho người khuyết tật thông qua Quỹ các nạn nhân chiến tranh từ 1989 - 2007, tài trợ cho các dự án chất độc da cam tới năm 2007 là 2 triệu USD.

(15) Bao Van, “Agent Orange Victims Need More Support: McCain,” Thanh Nien News, April 8, 2008.

(16) Cuộc họp JAC lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 6-2006, Việt Nam đề xuất các chủ đề làm sạch môi trường, chăm sóc và điều trị nạn nhân dioxin. Tháng 8-2007, cuộc họp JAC lần thứ hai một lần nữa tổ chức tại Hà Nội. Hai bên đề xuất một “Ủy ban cố vấn khoa học” để cung cấp chuyên gia tham khảo ý kiến các chương trình có liên quan đến chất độc dioxin tại Việt Nam.

(17)Mark E. Manyin, U.S. -Vietnam Relations in 2014: Current Issues and Implications for U.S Policy, Congressional Research Service, June 24, 2014, p.25.

(18), (19) http: vov.vn, cập nhật ngày 25-9-2013.

 

TS Nguyễn Đức Toàn

Trường Đại học Quy Nhơn

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền