Trang chủ    Thực tiễn    Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa Khmer Nam Bộ
Thứ sáu, 25 Tháng 11 2016 17:23
4276 Lượt xem

Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa Khmer Nam Bộ

(LLCT) - Người Khmer chiếm khoảng 7,22% dân số vùng Tây Nam Bộ, sống tập trung tại các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang; trên 90% người Khmer là tín đồ Phật giáo Nam tông, do vậy Phật giáo Nam tông có ảnh hưởng rất sâu sắc trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào. Chùa Khmer không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo mà còn là nơi sinh hoạt văn hóa và lưu giữ các thư tịch cổ, các hiện vật văn hóa, lịch sử, kiến trúc...

Đồng bào Khmer Nam Bộ có một kho tàng văn hóa phong phú,đa dạng và rất độc đáo, như: ngôn ngữ,chữ viết, văn học dân gian, tục ngữ, ca dao, lễ hội, kiến trúc, văn hóa ẩm thực, nghệ thuật trình diễn dân gian, nghệ thuật ca, múa, nhạc,nghệ thuật tạo hình,... Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của người Khmer Nam Bộ là yêu cầu cấp bách.

1. Văn hóa Khmer

Ngôn ngữ và chữ viết. Người Khmer có chữ viếtvà ngôn ngữriêng ngay từ trước Công nguyên,hiệnnay sử dụng33 chữ cái, 24 nguyên âm, 15 nguyên âm độc lập, 33 phụ âm. Bên cạnh sự độc đáocủa chữ viết, tiếng nói,văn hóaKhmer chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ.

Văn học dân gian Khmer gồm các thể loại: thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười, tục ngữ, dân ca... phản ánh đời sống tinh thần, những phong tục tập quán của người Khmer.

Thần thoại Khmer phản ánh đời sống con người, giải thích các hiện tượng tự nhiên (mưa, gió, mặt trời và mặt trăng...).Truyền thuyết Khmer giải thích những đặc điểm địa lý,lịch sử... Điểm nổi bậc của truyền thuyết Khmer là gắn bó chặt chẽ với phong tục và lễ hội (sự tích lễ Chôl Chnăm thmây, Dolta, Ocomboc...).Thông qua các lễ hội, truyền thuyết Khmer được lưu truyền rộng rãi trong xã hội.

Truyện cổ tích Khmer thường mang màu sắc Phật giáo, phân biệt rõ giữa cái thiện cái ác, cái tốt - cái xấu; phản ánh cuộc đấu tranh giữa cái thiện với cái ác và đối lập nhau từ hình tượng đến tính cách (Hoàng tử Săng Sêl Chây, Hoàng tử Nhơ Doang Sâng, Sự tích địa danh Bãi Xàu). Đối với cổ tích Khmer có truyện cổ tích thần kỳ, truyện cổ tích thế sự (Chiếc cồng ngũ âm thần kỳ, Hai người bạn, Chàng Khố Chuối, Chàng Cá Cóc,...). Tuy phản ánh cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, giữa con người với lực lượng thần kỳ quái dị, nhưng truyện cổ tích cũng tập trung biểu lộ rõ nét hiện thực xã hội, tình cảm lành mạnh và đạo đức của những người lao động nghèo khổ.

Truyện cười Khmer được nhiều người yêu thích bởi nó mang lại tiếng cười vui tươi, hóm hỉnh, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Đề tài chủ yếu của truyện cười Khmer phản ánh mâu thuẫn giai cấp, quá trình đấu tranh trực diện với giai cấp phong kiến (Ả Lêu, Thơ Mênh Chây và Chấc Sờ Mốc).

Truyện ngụ ngôn Khmer (Rương Ca Tê), có nghĩa là những mẩu truyện kể về những bài học ở đời, thể hiện trí thông minh, lòng hào hiệp, sự chiến thắng của lẽ phải, của công lý.

Tục ngữ Khmer rất phong phú, phản ánh toàn diện các mặt sinh hoạt của nhân dân lao động, bao gồm: những kinh nghiệm trong sản xuất, trong mối quan hệ gia đình, lời khuyên trong cách cư xử, về đạo lý, cách sống, phê phán những bất công trong xã hội, thói hư tật xấu của con người,... Có nhiều thuật ngữ để chỉ những câu nói có nội dung nêu nhận xét, kinh nghiệm, lời khuyên răn cụ thể nào đó, nhưng thuật ngữ sôphiasit thường được sử dụng như một kho kinh nghiệm đặc biệt phong phú về nhiều mặt. Có rất nhiều truyện được sáng tạo ra để minh họa cho một câu sôphiasit và ngược lại, có khi truyện ngụ ngôn dùng sôphiasit để khái quát nội dung truyện. Đây là sự kết hợp sáng tạo rất độc đáo giữa các thể loại văn học dân gian Khmer.

Về nghệ thuật. Sân khấu Dù kê, Rô băm mang tính nghệ thuật điển hình, độc đáo và đầy sáng tạo, là di sản vô giá của người Khmer Tây Nam Bộ.

Sân khấu Dù kê(Dì kê hay Atrac Ty Bay, Lakhôn Bassc(1)ra đời vào những năm 1917-1921, tại Trà Vinh, Sóc Trăng. Đây là loại hình sân khấu kịch hát của người Khmer miền sông Hậu, tương tự cải lương Nam Bộ của người Việt. Hai loại hình nghệ thuật này như hai anh em song sinh cùng lớn lên và trở thành loại hình sân khấu có sức hấp dẫn.

Nghệ thuật Dù kê của người Khmer còn có tên gọi là Lakhôn Bassắc, có nghĩa là kịch hát của người Khmer ở vùng sông Bassắc (sông Hậu).

Loại hình sân khấu ca kịch Dù kê có cốt truyện được xây dựng trên nền nhạc ca hát, đối thoại và các hình thái diễn xuất dân gian. Tuồng tích biểu diễn của Dù kê cũng được rút ra từ các trường ca của Ấn Độ (Ramayana và Mahabharada), những truyền thuyết, huyền thoại dân tộc như “LinhThôn”, “Mapthiđongkeo”, “Sackinhni”... đồng thời còn sử dụng cả những tuồng tích, điển tích của người Kinh, như “Thạch Sanh”, “Tấm Cám”  hay “Phàn Lê Huê -Tiết Đinh San”, “Trụ Vương mê Đắc Kỷ”củangười Hoa...

Sân khấu Dù kê có nội dung rất phong phú và mang tính giáo dục cao. Các tích truyện diễn ra trên sân khấu Dù kê luôn đề cao đạo lý, tinh thần hướng thiện, ca ngợi cái tốt, cái đẹp; đồng thời lên án cái ác, cái xấu. Cốt truyện của các vở diễn thường được rút ra từ thần thoại, cổ tích và kết thúc có hậu.

Rô bămcòn gọi “Rom Rô băm” là loại kịch múa cổ điển sân khấu cung đình của người Khmer. Điệu Rô băm được các nghệ sĩ biểu diễn những động tác và tư thế của đôi bàn tay, phối hợp nhịp nhàng, uyển chuyển, uốn cong của toàn thân.

Ngoài động tác múa, còn dùng lời nói, lời hát để giải thích các tình tiết, sự kiện, hành động. Nội dung thường là tích cổ như vở Riêm kê trích từ anh hùng ca Ấn Độ Ramayana... Nhân vật trở thành mẫu người lý tưởng của người Khmer như nàng Sêđa xinh đẹp thuỷ chung, hoàng tử Rama tài giỏi nhưng gặp nhiều chuyện gian truân, khổ ải. Ngoài ra còn nhiều vở khác, như Ra Ta Na Vông, Linh Thôn... cũng đều thấm đượm tinh thần Phật giáo “Ở hiền gặp lành”, làm việc ác ắt phải đền tội.

Nghệ thuật sân khấu Dù kêvà Rô Bămđã góp phần làm phong phú thêm cho nghệ thuật sân khấu Việt Nam.Ngoài hailoại hình sân khấu Dù kê và Rô Băm, người Khmer còn cóâm nhạc, kiến trúc, điêu khắc...Thể loại ca nhạc gồm có dòng nhạc Mahôri, nhạc cưới, nhạc lễ, nhạc tang, các điệu ru; thể loại Aday đối đáp; thể loại Chà Pây Chom Riêng, nhạc cổ, nhạc dân gian,... Âm nhạc của người Khmer rất đặc sắc, nhạc cụ thì rất đa dạng và phong phú. Đặc biệt là dàn ngũ âm rất đậm nét sắc thái Khmer, khi phát ra âm thanh người ta khó quên được tiếng trống, tiếng nhạc rộn ràng, trầm bổng náo nức lòng người.

Kiến trúc Khmer chủ yếu là kiến trúcchùa Khmer. Ngôi chùa được xây cất khang trang và trang trí lộng lẫy, với những kiến trúc hết sức độc đáo.

Từ thiết kế, bố cục cho đến trang trí mỹ thuật đều tuân thủ theo quy tắc: Chính điện ở trung tâm khuôn viên chùa theo hướng Đông Tây, nóc nhọn mái công, chim đại bàng thân người đỡ mái. Nghệ thuật trang trí hoa văn ở chùa mang nhiều nét văn hóa độc đáo, chùa càng cổ thì mô típ rắn (pos) trang trí ở cột, bệ thờ,... càng gần với rắn hơn, các chùa xây mới hoặc trùng tu, phần lớn mô típ rắn chuyển thành rồng (neak).

Phong tục, tập quán, các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc được người dân, sư sãi Khmer chú trọng giữ gìn và phát huy như lễ cưới, lễ tang, lễ động thổ khởi công xây dựng, các lễ chúc phúc, chúc thọ, lễ mừng trúng mùa, con cái thành đạt...

Người Khmer gắn bó với đồng ruộng và đánh bắt cá tôm nên việc sử dụng và chế biến thức ăn cơ bản giống như người Việt. Món mắm (Brâhok) là loại thực phẩm quý của người Khmer, khi có khách quý hoặc có tiệc mới mang ra đãi khách. Quá trình sống đan xen và phát triển của người Khmer đã có nhiều biến đổi, nhưng hiện nay mắm vẫn được dùng để làm gia vị.

Trong gia đình người Khmer, mối quan hệ vợ, chồng và các con được xây dựng trên nền tảng triết lý đạo Phật. Giá trị đích thực trong cuộc sống được đánh giá qua việc làm thiện hay ác. Làm việc thiện sẽ là tích đức, được phúc về sau, còn làm việc ác sẽ bị quả báo. Trong mỗi gia đình của người Khmer, không phân biệt giàu nghèo, tầng lớp, theo nguyên tắc nhà Phật khi nam đến tuổi 12 mới được đi tu, nhưng thực tế có người đi tu thọ giới Sadi khi chưa đến 12 tuổi. Việc tu chỉ có nam giới, tu không phải để được thành Phật, lên thiên đàng, mà tu để thành người, tu để có cơ hội học chữ, để cho cuộc sống được tốt đẹp hơn, là một cách tích đức cho gia đình và bản thân.

Bên cạnh đó, người Khmer còn có nhiều lễ tục khác như: lễ trả ơn mụ (pithi boncok chhmop), lễ xúc hồn (pithi canhchot prô lung), lễ vào bóng mát (pithi chôl mlôp), lễ cất nhà mới, lễ cưới (pithi pipea), lễ chúc thọ (banh châm rơn praschanh), lễ tu thiền (smathi), lễ tang (banh sop), cầu siêu (banh bang skol), lễ ông bà (dol ta); lễ chúc thọ (banh châm rơn praschanh)... mỗi lễ mang đậm bản sắc Khmer và đều hướng đến chân - thiện - mỹ.

Về lễ hội truyền thống. Hằng năm, ngườiKhmer có rất nhiều ngày lễ,như Lễ Phật Đản, Lễ nhập hạ, Lễ xuất hạ, Lễ dâng y, Lễ an vị tượng Phật và Lễ kết giới... Lễ hội giữ một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh của đồng bào Khmer Nam Bộ. Các ngày lễ đã giải tỏa về mặt tâm linh, đồng thời giữ gìn truyền thống văn hóa tôn giáo, tạo không gian gắn kết cộng đồng sau những ngày lao động vất vả cũng như giáo dục thế hệ trẻ ý thức trách nhiệm đối với gia đình và xã hội.

2. Một số kết quả đạt được trong bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của người Khmer Nam Bộ

Được sự quan tâmcủa Đảng và Nhà nước, các địa phương trong khu vực đặc biệt quan tâm việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống Khmer Nam Bộ. Thông qua việc ban hành và triển khai Quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, đasốngười dân đã chấp hành tốt; các hoạt động mê tín đã dần được loại bỏ.

Cùng với hàng loạt dự án, đề án, chương trình được Trung ương đầu tư, cácđịa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội,nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Các lễ hội được quan tâm tổ chức ngày càng tốt hơn;trên truyền hình và đài phát thanh đều có chương trình tiếng Khmer để phụcvụ đồng bào, các sản phẩm văn hóa được tăng cường về số lượng và nâng cao một bước về chất lượng;hoạt động giao lưu văn hóa trong đồng bào dân tộc Khmer được triển khai một cách tích cực và hiệu quả, góp phần củng cố, tăng cường đoàn kết các dân tộc.

Chính quyền các địa phương đã tổ chức tốt Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch vùng đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ; lễ hội dân gian; tổ chức trưng bày triển lãm Văn hóa dân tộc Khmer tại thành phố Cần Thơ; Ngày hội văn hóa Oc Om Boc (lễ hội đua ghe ngo của tộc người Khmer vào ngày 14-15tháng 10 âm lịch hàng năm).

Các địa phương như: Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêuquan tâm, tạo điều kiện đẩy mạnh các loạihình nghệ thuật của người Khmer Nam Bộ, trong đó đặc biệt là đầu tư cho các đoàn nghệ thuật Khmer xây dựng chương trình phụcvụ bà connhân dịp tết, lễ hội, mở các lớp đào tạo nhạc công ngũ âm;hỗ trợ dàn nhạc ngũ âm cho các chùa (thành phố Cần Thơ, Sóc Trăng...), góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống khmer.

Các địa phương đã đầu tư cho việc dạy, học và in ấn, phát hành các ấn phẩm, sách học bằng tiếng Khmer. Ngôn ngữ, chữ viết của người Khmer đượcgìn giữ và phát triển qua cácphương tiện thông tin đại chúng, qua các cơ sở thờ tự Phật giáo Nam Tông Khmer...

Các thể loại văn học dân gian được quan tâm sưu tầm, dịch thuật,giới thiệu, nhất là các thể loại văn xuôi. Hiện nay, đã có một số công trình về tục ngữ, thành ngữ, truyện kể dân gian, lễ hội truyền thống, văn hóa phi vật thể Khmer được in ấn bằng song ngữ, giới thiệu rộng rãi trong công chúng.

Phong tục, tập quán, các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc được đồng bào, sư sãi Khmer chú trọng giữ gìn và phát huy. Các địa phương quan tâm hỗ trợ trùng tu, bảo vệ các di tích văn hóa, lễ nghi của chùa ngày càng tốt hơn.    

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc bảo tồn phát huy giá trị văn hóa của người Khmer có những hạn chế, bất cập. Việc tổ chức sưu tầm, biên soạn, giới thiệu chưa được quan tâm đúng mức, do thiếunhân sự chuyên nghiệp và kinh phí cho hoạt động này.

Một số loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ bị mai một(Dù Kê, Rô Băm) do lớp trẻ ngày càngtiếp nhận các loại hình nghệ thuật hiện đại.

Việc học tập, sử dụng và phát triển ngôn ngữ, chữ viết Khmer gặp nhiều khó khăn. Việc sử dụng ngôn ngữ, chữ viết Khmer trên các phương tiện thông tin đại chúng tuy có tăng về số lượng, nhưng chất lượng còn nhiều hạn chế. Việc dạy và học chữ Khmercòn nhiều bất cập cả về chương trình, tài liệu học tập, cách thức giảng dạy...

Trong các lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer, nhiều sắc thái văn hóa có giá trị chưa được chú ý khôi phục, thường chỉ chú trọng về hình thức và nghi lễ tôn giáo, nhưng chưa chú ý đúng mức đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trong lễ hội.

3. Một số giải pháp tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Khmer Nam Bộ

- Tăng cường công tác tuyên truyền về bảo tồn văn hóa phi vật thể cho người dân nhằm nâng cao nhận thức về truyền thống văn hóa của dân tộc,để từ đó mỗi cá nhân có ý thức bảo vệ di sản. Phát huy vai trò củacác phương tiện truyền thông đại chúng để người dân tiếp cận các thông tin bổ ích, phục vụ viêcbảo tồn và phát huy di sản văn hóa.

- Cần có chính sách khuyến khích các nghệ nhânmở các lớp đào tạotruyền nghề. Có cơ chế, chính sách tạo điều kiện chotổ chức, cá nhân nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ và giới thiệu văn hóa phi vật thể.

- Tăng cường đào tạo và tuyển dụng cán bộ trình độ chuyên môn,nghiệp vụ làm công tác bảo tồn văn hóa phi vật thể.

- Nhà nước cần đầu tư kinh phí cho các hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, mở rộng các hình thức xã hội hóa để mọi người dân có thể tham gia bảo vệ di sản văn hóa. Đầu tư, nghiên cứu phục dựng những di sản văn hóa đã mai một.

-Quan tâm phát triển kinh tế - xã hội,giảm dần sự chênh lệch về mức sống và hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, các dân tộc, gắn kết giữa phát triển kinh tế với bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc.

- Phát huy vai trò của nhà chùa, các vị sư sãi và cả tín đồ của Phật giáo Nam tông Khmer. Ban Quản trị chùa cần có sự phối hợp chặt chẽ với các nhà sư trong việc tổ chức các hoạt động lễ hội, nhằm hạn chế những tập tục lạc hậu, thực hành tiết kiệm, tránh lãng phí. Bên cạnh đó, cần xây dựng mối quan hệ tình làng nghĩa xóm, giúp nhau làm kinh tế gia đình, nâng cao đời sống, làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa. Duy trì và tổ chức các lễ hội truyền thống vừa đúng phong tục tập quán của dân tộc, vừa bảo đảm sự văn minh, hiện đại, giữ gìn an ninh trật tự ở khu dân cư.

Sư sãi, Achar, những người có uy tín trong cộng đồng dân tộc Khmercần phát huy hơn nữa vai trò, vị thế của mình trong việc tuyên truyền, vận động tín đồ xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; xây dựng gia đình văn hóa mớivà gìn giữ các di sản văn hóa, phong tục truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Khmer lưu truyền cho hậu thế.

Tín đồ Phật giáo Nam tông Khmer cần ý thức hơn nữa trong việc học tập nâng cao trình độ; duy trì, nuôi dưỡng truyền thống văn hóa trong đời sống cộng đồng dân tộc. Tích cực tham gia các phong trào thi đua xây dựng kinh tế, văn hóa; phong trào đảm bảo trật tự an toàn xã hội, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Khmer Nam Bộ là một công việc thường xuyên, lâu dài và luôn đòi hỏi ý thức trách nhiệm, sự tham gia tích cực to lớn của Đảng, Nhà nước, các tổ chức có liên quan, và đặc biệt là ý thức trách nhiệm của cả cộng đồngr

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2-2016

(1) Dì kê vốn có nguồn gốc từ Campuchia, trong khi đó Dù kê lại ra đời ở mảnh đất Nam bộ mà người Khmer Campuchia gọi là La khon Bassac (sân khấu vùng Bassac).

 

ThS Nguyễn Văn Sỹ

Học viện Chính trị khu vực IV

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền