Trang chủ    Thực tiễn    Tác động của mạng xã hội đến lối sống của công nhân
Thứ hai, 28 Tháng 11 2016 08:58
2942 Lượt xem

Tác động của mạng xã hội đến lối sống của công nhân

(LLCT) - Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt là truyền thông đại chúng đã giúp các thành viên của xã hội có thể liên hệ với nhau một cách dễ dàng tạo nên hệ thống các mạng lưới quan hệ xã hội dày đặc của mỗi cá nhân. Các quan hệ xã hội (mạng lưới xã hội) có tác động không nhỏ tới  đời sống trong xã hội nói chung và đời sống của giai cấp công nhân (GCCN) nói riêng, đặc biệt là lối sống.

Dưới giác độ tiếp cận của xã hội học “mạng lưới xã hội” là tổng hợp các quan hệ của con người trong một hệ thống xã hội nhất định, trong các quan hệ đó con người có những mục đích nhất định. Các quan hệ xã hội đan xen nhau từ gia đình, dọng họ, láng giềng đến các tổ chức, đoàn thể xã hội khác... Đối với người công nhân, mạng lưới của họ là tổng hợp các quan hệ trong hệ thống xã hội nhất định bao gồm các quan hệ đan xen chằng chịt lẫn nhau từ gia đình đến các quan hệ trong nhà máy, truyền thông đại chúng, các tổ chức xã hội... mà họ tham gia.

Lối sống là sự tổng hợp những quan hệ kinh tế, văn hóa, tư tưởng, đạo đức... Lối sống của công nhân thể hiện trên nhiều lĩnh vực hoạt động, từ lao động, sản xuất kinh doanh, đến đời sống sinh hoạt trong gia đình, cộng đồng và các hoạt động chính trị -  xã hội của công nhân cũng như được thể hiện qua mạng lưới quan hệ xã hội của mỗi cá nhân. Đặc trưng bản chất của lối sống công nhân là hoạt động lao động sản xuất công nghiệp. Lối sống của công nhân chịu nhiều yếu tố tác động từ ngay trong quá trình lao động sản xuất, từ các mối quan hệ trong gia đình, nơi cư trú, từ cộng đồng xã hội và các hoạt động chính trị khác của người công nhân. Các yếu tố này tác động đến việc hình thành lối sống của GCCN không có ranh giới rõ ràng mà luôn đan xen, ràng buộc lẫn nhau tạo thành một mạng lưới (mạng lưới xã hội).

Khi bàn về vấn đề xây dựng GCCN nước ta lớn mạnh trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước không đơn thuần chỉ là sự tăng lên về số lượng, hay chất lượng nguồn lao động, mà nó còn thể hiện trong cách thức lao động, làm ăn, kinh doanh; các phong tục tập quán; cách thức giao tiếp, ứng xử của con người; quan niệm về đạo đức và nhân cách... Nói cách khác, sự phát triển không ngừng của GCCN còn được thể hiện trong việc GCCN cần phải xây dựng cho được một lối sống mới, tiên tiến, hiện đại, khoa học, phù hợp với truyền thống của dân tộc và điều kiện của lịch sử. 

1. Một số tác động của mạng lưới xã hội đến lối sống của công nhân Việt Nam hiện nay

Tác động của nhóm bạn, đồng nghiệp đến lối sống của công nhân:Nhóm bạn và đồng nghiệp nơi làm việc có tác động mạnh đến lối sống của mỗi cá nhân. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã tạo điều kiện cho việc kết nối mạng lưới xã hội nói chung trong đó có mạng lưới của các nhóm bạn một cách dễ dàng hơn. Đặc biệt là trong môi trường sinh sống, làm việc tập trung thì sự tác động, gắn bó của những người xung quanh có tác động mạnh mẽ tới lối sống và quá trình hình thành khuôn mẫu hành vi của mỗi cá nhân. Tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong công việc và trong cuộc sống là một biểu hiện của lối sống, trong môi trường sống mà tính cộng đồng cao như các khu sinh sống tập trung của công nhân (nơi làm việc, các khu nhà trọ, khu tập thể công nhân) thì đòi hỏi tinh thần đoàn kết và tương trợ nhau càng cao. Thực tế hiện nay ở các khu sinh hoạt tập trung của công nhân cơ bản công nhân có tinh thần đoàn kết tốt. Theo kết quả khảo sát của đề tài KX.03.15 có tới 58% công nhân trả lời họ thường xuyên đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau.

Nhóm bạn có tác động mạnh mẽ đến lối sống của mỗi cá nhân nói chung và lối sống của giai cấp công nhân nói riêng. Tục ngữ Việt Nam có câu “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”điều đó muốn nhấn mạnh đến môi trường xã hội của quan hệ và mức độ của quan hệ xã hội tác động tới việc hình thành lối sống, nhân cách của mỗi cá nhân. Nếu cá nhân tiếp xúc với các thành viên trong nhóm bạn của mình thân mật hơn, trực tiếp hơn thì ảnh hưởng của phong cách sinh hoạt của các thành viên trong nhóm đó sẽ có tác động mạnh mẽ tới việc hình thành lối sống của mỗi cá nhân. Đối với công nhân, nhóm bạn không chỉ đơn thuần là những cá nhân trong cùng nhóm tuổi mà bao gồm cả những người thuộc nhiều độ tuổi khác nhau nhưng họ cùng chung và cùng hướng tới hệ giá trị, mục tiêu nào đó đối với cá nhân.

Tác động của gia đình, dòng họ tới lối sống của công nhân

Hiện nay, điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước đã và đang tác động không nhỏ đến cấu trúc và đặc trưng của gia đình, một số chức năng của gia đình cũng có sự biến đổi, và vai trò của gia đình, dòng họ trong việc tham gia hình thành lối sống của cá nhân cũng có phần thay đổi. Nếu trước đây, mô hình gia đình truyền thống nhiều thế hệ là phổ biến thì việc tham gia sinh sống chung trong gia đình nhiều thế hệ có ảnh hưởng không nhỏ tới việc hình thành lối sống của mỗi cá nhân.

Đối với công nhân, gia đình, dòng họ là môi trường có vai trò quan trọng trong việc hình thành lối sống của họ. Tuy nhiên, mức độ ở từng bộ phận thì ảnh hưởng của gia đình, dòng họ tới việc hình thành lối sống có thể khác nhau. Có thể chia công nhân thành hai nhóm cơ bản sau: (1) nhóm công nhân có điều kiện làm việc, điều kiện sinh hoạt gần với gia đình, với những người trong dòng họ (nhóm bản địa); (2), nhóm những người phải xa quê để làm ăn, mức độ tiếp xúc với gia đình, dòng họ và những người thân bị hạn chế (nhóm ngụ cư).

Đối với nhóm công nhân bản địa, hàng ngày điều kiện sinh hoạt gần gũi với gia đình, những người cùng chung huyết thống, cội nguồn thì lối sống chịu ảnh hưởng bởi lối sống của tập quán nơi họ sinh ra và lớn lên. Lối sống trong nhóm này bị ảnh hưởng nhiều bởi lối sống của gia đình, của cộng đồng nơi họ sinh ra và lớn lên. Quan hệ xã hội ở nhóm công nhân bản địa là quan hệ xã hội hỗn hợp, ngoài các mối quan hệ theo nghề nghiệp (quan hệ công việc) thì nhóm công nhân bản địa còn duy trì mối quan hệ truyền thống (quan hệ gia đình, hàng xóm, họ hàng). Các quan hệ xã hội của nhóm công nhân bản địa nhiều khi không phân biệt rõ ràng về mặt ranh giới, ngay cả khi trong quan hệ công nghiệp của nhóm công nhân bản địa cũng bao hàm trong đó là quan hệ tình cảm gia đình, quan hệ họ hàng. Ví dụ như một người công nhân làm việc trong nhà máy, làm việc cùng họ có nhiều công nhân khác trong đó có cả những người thân trong gia đình, trong dòng tộc thì việc ứng xử của người công nhân cũng phải bao gồm cả quan hệ nghề nghiệp, cả quan hệ gia đình... đòi hỏi người công nhân phải giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa công việc và tình cảm. Đó cũng là một biểu hiện tác động của gia đình, dòng họ tới lối sống của đội ngũ công nhân. Hoặc ở nơi làm việc, một người có thể quản lý, là cấp trên của một số công nhân khác trong cùng địa phương, nhưng khi về gia đình thì người quản lý lại đứng ở thứ bậc thấp hơn so với những công nhân khác mà mình quản lý thì việc ứng xử và giải quyết hài hòa mối quan hệ trong công việc và trong tình cảm phải hài hòa, và cũng phần nào ảnh hưởng tới lối sống của công nhân. Những người công nhân không thể tự do sống theo lối sống hiện đại, với những tiêu chí không phù hợp với môi trường, với truyền thống gia đình, dòng họ và quê hương vì họ còn bị các thành viên khác trong gia đình, họ hàng giám sát. Ví dụ trong cách ăn mặc, những người công nhân bản địa, đặc biệt là công nhân nữ không thể ăn mặc đến mức phản cảm theo lối sống hiện đại, hoặc đi chơi về quá khuya, hoặc sống thử so với nhóm công nhân khác sống xa nhà vì bên cạnh họ còn có các thành viên khác trong gia đình, trong dòng họ, cộng đồng làng xã giám sát…

Ở nhóm thứ hai (nhóm công nhân ngụ cư) đây là nhóm công nhân sống xa gia đình, họ hàng nên nhóm này ít chịu ảnh hưởng của những người thân xung quanh nên họ nhanh chóng tiếp nhận những lối sống, những nét văn hóa mới. Do phải sống xa gia đình, nguồn thu nhập thấp, không có nơi ở cố định nên họ phải sống tạm bợ trong các ngôi nhà trọ của người dân địa phương nên phải chịu nhiều áp lực trong cuộc sống, ngoài thời gian làm việc theo quy định thì những người công nhân sống xa gia đình còn phải tích cực làm thêm giờ để có thêm thu nhập. Mặt khác do không bị lệ thuộc bởi thiết chế gia đình, dòng họ nên trong nhóm công nhân này cũng nhanh chóng hình thành các thói quen, cách sống mới. Biểu hiện đó là việc có thể tự do tiếp thu các giá trị mới, các cách thức ứng xử mà không bị ràng buộc bởi các quy định của thiết chế gia đình và dòng họ như trong cách ăn mặc, nói năng, sinh hoạt hàng ngày…Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận vai trò của gia đình, dòng họ trong việc hình thành lối sống của nhóm công nhân xa nhà đó là truyền thống, văn hóa, thói quen của gia đình đã ăn sâu trong tiềm thức, trong hành động của mỗi cá nhân. Đối với những người công nhân xuất thân trong điều kiện gia đình kinh tế có phần hạn chế, thường xuyên lao động trong điều kiện vất vả thì trong họ hình thành tinh thần chịu khó, tiết kiệm trong sinh hoạt. Hoặc những người sống trong môi trường gia đình có truyền thống văn hóa, có điều kiện được học hành thì trong cách ứng xử, giao tiếp của họ có sự khác biệt so với những người ít có điều kiện được học hành hoặc ít nhận được sự quan tâm của gia đình. Đó cũng là lý do tại sao trong cùng nhóm công nhân nhưng lại có sự khác biệt về lối sống giữa các cá nhân.

Tác động của cộng đồng xã hội tới lối sống của công nhân: Nếu như trước đây, con người chỉ quan hệ với nhau một cách trực diện, trực tiếp thì nay với sự phát triển của công nghệ thông tin đã làm cho con người nói chung và công nhân nói riêng mở rộng các mối quan hệ. Ngoài các mối quan hệ truyền thống, trực tiếp thì nay công nhân còn có các mối quan hệ gián tiếp. Chính việc mở rộng các mối quan hệ đó phần nào làm cho đội ngũ công nhân tiếp thu thêm được các giá trị xã hội mới. Những tác động của cộng đồng xã hội tới lối sống của công nhân trong điều kiện công nghiệp hóa ngày nay biểu hiện trên một số khía cạnh sau:

Các yếu tố của cộng đồng xã hội phản ánh tính chất của hoạt động xã hội. Công nhân cũng như các cá nhân khác đều là thành viên của một cộng đồng xã hội nhất định, do đó tính chất hoạt động của cộng đồng có ảnh hưởng mạnh mẽ tới lối sống của nhóm công nhân. Nếu cộng đồng xã hội gắn kết, đoàn kết được các thành viên với nhau, mà trước hết là các nhóm sẽ tạo nên mạng lưới quan hệ của các thành viên trong nội bộ nhóm với nhau và với các nhóm khác. Các yếu tố của cộng đồng để gắn kết các cá nhân chính là thông qua các hoạt động thực tiễn của cộng đồng như hoạt động xây dựng cộng đồng, hoạt động của nhà văn hóa, hoạt động vui chơi giải trí có tính chất cộng đồng.

Có sự chênh lệch trong việc tham gia các hoạt động cộng đồng của công nhân giữa nơi làm việc và nơi sinh sống. Theo khảo sát của đề tài KX.03.15 có tới 45,5% công nhân trả lời có tham gia các hoạt động nhà văn hoa, thể thao của doanh nghiệp. Trong khi đó, sự tham gia hoạt động này ở các khu dân cư nơi công nhân sinh sống chỉ là 15,8%. Số công nhân tham gia sinh hoạt tập thể cộng đồng chiếm 28,9%. Số công nhân trả lời ở nơi sinh sống có tổ chức các hoạt động lễ hội chiếm 33%; hoạt động văn nghệ quần chúng là 38%; hoạt động giao lưu bóng đá, cầu lông, bóng bàn là 45,1% trong khi đó số công nhân tham gia các hoạt động này tại cộng đồng nơi sinh sống chỉ chiếm 15,8%(1). Quan hệ xã hội và mức độ các quan hệ của từng công nhân với nhóm của mình và nhóm khác quy định lối sống của công nhân. Những công nhân có mạng lưới xã hội rộng, cường độ các quan hệ xã hội càng mạnh thì càng có sự phong phú và đa dạng trong lối sống vì họ chịu ảnh hưởng bởi các giá trị, chuẩn mực, hành vi của các nhóm xã hội trong mạng lưới quan hệ xã hội của người công nhân.

Các yếu tố của cộng đồng xã hội phản ánh cơ cấu xã hội: Bất kỳ xã hội nào cũng đều được cấu thành từ các nhóm xã hội. Công nhân cũng là những thành viên của các nhóm xã hội, một bộ phận của cơ cấu xã hội. Các nhóm cơ bản mà công nhân tham gia đó là gia đình, dòng họ, giai cấp, dân tộc... Lối sống của đội ngũ công nhân chịu tác động mạnh mẽ bởi lối sống của các thành viên trong nhóm mà họ tham gia. Nếu các thành viên trong nhóm thể hiện lối sống tích cực thì sẽ tác động và hình thành nên lối sống tích cực năng động trong công nhân. Vì trong quá trình tham gia sinh hoạt, con người tham gia tương tác với các thành viên các trong nhóm, qua đó họ lĩnh hội các giá trị, mô hình, hành vi, chuẩn mực trong đó có các giá trị của lối sống. Mặt khác, công nhân không chỉ tương tác trong cộng đồng nơi mình cư trú, sinh sống mà còn trực tiếp, hoặc gián tiếp tương tác với các cộng đồng khác, thông qua đó mà tiếp nhận các giá trị lối sống của cộng đồng khác. Ví dụ một nhóm công nhân làm việc trong một nhà máy mà người quản lý là người nước ngoài, trong quá trình làm việc, người công nhân thường xuyên tiếp xúc, tương tác với người quản lý của mình. Trong quá trình tương tác đó, người quản lý thường xuyên thể hiện các giá trị văn hóa, thói quen, cách thức làm việc theo phong cách của cộng đồng nơi họ sinh ra và lớn lên thì quá trình đó hình thành ở công nhân một số nét trong lối sống cộng đồng người quản lý của họ như cách thức giao tiếp, cách thức làm việc...

Các yếu tố phản ánh mức độ thịnh suy của xã hội (phát triển hay ngừng trệ, hội tụ hay phân rã...): Thể chế xã hội quy định các cách thức, hành vi của con người trong đó có lối sống. Một xã hội phát triển, đời sống dân chủ hóa được chú trọng thì các cá nhân trong xã hội được bảo đảm thì có cơ hội, điều kiện phát triển lối sống lành mạnh trong xã hội đó. Ngược lại, nếu xã hội mất ổn định, các giá trị, chuẩn mực trong xã hội không được đưa về một hệ quy chiếu chung cũng tác động đến lối sống của đội ngũ công nhân và thường mang tính tiêu cực. Đó là bối cảnh cho sự tồn tại và phát triển của lối sống thực dụng, trọng vật chất...

2. Một số hàm ý về chính sách xây dựng lối sống của công nhân Việt Nam hiện nay

Trong điều kiện nền kinh tế thị trường, các giá trị truyền thống, chuẩn mực xã hội truyền thống đang dần bị mai một. Đặc biệt là ở các đô thị, các khu công nghiệp hiện nay, lối sống cá nhân, thực dụng, thị trường, toan tính vật chất đang có xu hướng lấn át và chi phối nhiều. Xây dựng lối sống giai cấp công nhân trong điều kiện CNH, HĐH và hội nhập quốc tế đang là một đòi hỏi cấp bách đối với các cấp, các ngành. Để có những chính sách, giải pháp phù hợp định hướng và xây dựng lối sống lành mạnh, bảo đảm kết nối giữa giá trị tốt đẹp của truyền thống và các giá trị hiện đại trong bối cảnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế cần thực hiện một tốt số nội dung cơ bản sau:

Một là, xây dựng mạng lưới các quan hệ giữa các thành viên gia đình, dòng họ. Sự chuyển đổi từ mô hình gia đình truyền thống sang gia đình hiện đại đã ảnh hưởng không nhỏ tới các giá trị của lối sống trong mỗi con người nói chung và công nhân nói riêng. Măt khác, gia đình là một trong bốn môi trường xã hội hóa cơ bản của mỗi con người trong đó có xã hội hóa về mặt lối sống. Do đó, để xây dựng lối sống công nhân trong điều kiện CNH, HĐH cần xây dựng gia đình là môi trường tốt trong việc hình thành lối sống của giai cấp công nhân.

Hai là, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh tại nơi cư trú và nơi làm việc, tăng cường giáo dục ý thức pháp luật cho công nhân. Môi trường là một trong những yếu tố quan trọng trong việc hình thành lối sống và nhân cách sống của mỗi cá nhân cũng như của đội ngũ công nhân. Môi trường sinh hoạt, làm việc tốt sẽ góp phần trong việc hình thành cách sống đẹp của đội ngũ công nhân. Môi trường xã hội lành mạnh gắn liền với hiệu lực hoạt động của các nhóm xã hội bằng hệ thống các giá trị chuẩn mực của nhóm đòi hỏi các thành viên trong nhóm phải thực hiện một cách nghiêm túc. Cần tăng cường xây dựng lối sống, ý thức làm việc cho công nhân theo Hiến pháp và pháp luật. Thông qua đó để hình thành tư duy và xây dựng lối sống cho công nhân trong điều kiện CNH, HĐH.

Ba là, phát huy vai trò của cộng đồng xã hội trong việc xây dựng lối sống công nhân. Mỗi cá nhân nói chung và công nhân nói riêng luôn gắn bó chặt chẽ với cộng đồng, với tổ chức. Con người bao giờ cũng vẫn là bản chất của tất cả những tổ chức xã hội ấy, nhưng những tổ chức này lại cũng thể hiện ra tính phổ biến hiện thực của con người, do đó cũng là cái chung của mọi người. Các phẩm chất lối sống cơ bản của con người được hình thành ngay trong tổ chức, trong cộng đồng xã hội mà cá nhân sinh ra và lớn lên. Tuy nhiên, khi họ trưởng thành thì với việc mở rộng các mối quan hệ thì phạm vi và tính chất của tổ chức, cộng đồng công nhân cũng được mở rộng ra. Ngoài phạm vi nơi người công nhân sinh ra lớn lên và cư trú thì tính cộng đồng còn được thể hiện ở việc người công nhân tham gia làm việc ở các môi trường xã hội, phạm vi giao tiếp và thực hiện các quan hệ xã hội của mình... Do đó, phát huy vai trò chủ đạo, chủ động và tích cực của cộng đồng xã hội trong việc hình thành và xây dựng lối sống cho đội ngũ  công nhân là một vấn đề rất quan trọng trong điều kiện hiện nay.

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2-2016

(1) Nguyễn Văn Huyên “Lối sống người Việt Nam dưới tác động của toàn cầu hóa hiện nay” Tạp chí Triết học 12/2003.

(2) Tô Duy Hợp - Nguyễn Thị Thu Hoài, Đề tài KX.03.14/06-10: Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam trong đổi mới và hội nhập, Chuyên đề: Mối quan hệ cộng đồng/ cá nhân - các giá trị truyền thống và những thách thức trước xã hội hiện đại.

 

TS Đặng Ánh Tuyết

Viện Xã hội học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền