Trang chủ    Thực tiễn    Yếu tố người lao động trong lực lượng sản xuất ở Việt Nam sau 30 năm đổi mới
Thứ ba, 29 Tháng 11 2016 15:43
8743 Lượt xem

Yếu tố người lao động trong lực lượng sản xuất ở Việt Nam sau 30 năm đổi mới

(LLCT) - Đảng ta luôn xác định con người là nhân tố quan trọng quyết định mọi thắng lợi. Vì vậy, để phát triển lực lượng sản xuất theo hướng hiện đại cần ưu tiên phát triển nhân tố con người nói chung và người lao động nói riêng. Sau gần 30 năm đổi mới, lực lượng lao động Việt Nam đã có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, những hạn chế cả thể lực, trình độ tay nghề và ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm và ý thức bảo vệ môi trường sinh thái của người lao động Việt Nam vẫn là cản trở đến sự phát triển của lực lượng sản xuất ở nước ta hiện nay.

1. Những mặt tích cực cơ bản của yếu tố người lao động trong lực lượng sản xuất

Thể lực, sức khỏe của người lao động đã được nâng cao đáng kể

Hiện nay, Việt Nam có quy mô dân số trên 90 triệu người, đứng thứ 13 thế giới, thứ 7 châu Á và thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Tính đến ngày 31-12-2014, cả nước có 69,3 triệu người từ 15 tuổi trở lên, trong đó có 53,7 triệu người tham gia vào lực lượng lao động, chiếm 77,7% dân số (cùng kỳ năm 2013 là 52,06 triệu người). Như vậy, hằng năm ở nước ta, trung bình có khoảng hơn 1 triệu thanh niên bước vào tuổi lao động. Lực lượng lao động Việt Nam tương đối trẻ, có 50,2% những người có độ tuổi từ 15 đến 39 tham gia vào lực lượng lao động(1). Với nguồn lao động trẻ dồi dào, dân số Việt Nam hiện nay đang ở trong thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”. Đây chính là một trong những ưu điểm nổi bật của nguồn lao động nước ta, từng bước đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nền sản xuất hiện đại trong việc mở rộng sản xuất và nâng cao hiệu quả của quá trình sản xuất. Nguồn lao động trẻ sẽ gặp nhiều thuận lợi trong việc tiếp thu những tiến bộ của khoa học, công nghệ vào sản xuất; thích ứng và bắt nhịp nhanh với quá trình sản xuất đòi hỏi công nghệ cao, áp lực lớn và thích ứng được việc thay đổi nghề nghiệp, điều kiện làm việc theo yêu cầu của quá trình sản xuất.

Trong những năm qua, thể lực và tầm vóc của người Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Chiều cao trung bình nam giới khoảng 1m65 - 1m68, trong đó có khoảng trên 10% nam giới cao trên 1m70; nữ cao trung bình từ 1m55 - 1m58, trong đó có khoảng 10% cao trên 1m60. Cân nặng trung bình nam giới khoảng từ 56 - 60 kg; nữ là 48 - 50kg(2). Đặc biệt, trong những năm gần đây, những chỉ số đó ở thế hệ trẻ ở nước ta đang có xu hướng ngày càng phát triển cao. Những cải thiện về thể lực và tầm vóc đã góp phần đáng kể trong việc tăng cường sức bền, độ dẻo dai, sự linh hoạt, nhanh nhẹn cho người lao động. Người lao động đã bước đầu đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của những dây chuyền sản xuất hiện đại, với cường độ cao.

Đây là một trong những tiền đề quan trọng để người lao động nước ta có thể tham gia ngày càng nhiều và có hiệu quả hơn vào quá trình sản xuất vật chất hiện đại với những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao.

Tri thức, kỹ năng của người lao động không ngừng được nâng lên

Không chỉ có sức khỏe, thể lực được cải thiện đáng kể, trong những năm qua, tri thức và trí tuệ của người lao động nước ta cũng không ngừng tăng lên. Điều đó thể hiện rõ nét nhất ở số lượng lao động đã qua đào tạo.

Năm 2014, trong tổng số 53,7 triệu người từ 15 tuổi trở lên thuộc lực lượng lao động của nước ta, có 9,99 triệu người đã qua đào tạo, chiếm 18,6% trong tổng số lao động trên cả nước(3). Trong những năm gần đây, tỷ lệ lao động có trình độ đại học không ngừng tăng lên: năm 2012, trung bình cả nước có 4,7%, năm 2013 là 5,8%, đến năm 2014, tỷ lệ này là 6,2%(4). Sự tăng lên không ngừng của đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn đã bước đầu đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của nền sản xuất hiện đại trong việc ứng dụng những thành tựu của khoa học, công nghệ vào việc cải tạo nền sản xuất theo hướng hiện đại.

Với chủ trương CNH, HĐH gắn với phát triển kinh tế tri thức, trong những năm qua, chất lượng nguồn lao động nước ta đã cải thiện đáng kể cả trong lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp.

Trong công nghiệp, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo, lao động có tay nghề tăng lên nhanh chóng. Để bắt nhịp với những dây chuyền sản xuất hiện đại và ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, công tác đào nghề cho lao động công nghiệp rất được chú trọng. Trong những năm gần đây, nhiều trường dạy nghề đã được mở rộng và phát triển. Ngoài các trường dạy nghề chung, hầu hết các tổng công ty, các tập đoàn kinh tế đều mở các trường dạy nghề để nâng cao chất lượng tay nghề cho người lao động. Hiện nay, cả nước có gần 200 cơ sở dạy nghề thuộc các doanh nghiệp. Cách thức tổ chức giáo dục nghề nghiệp cũng được đổi mới và ngày càng phù hợp hơn. Đó là việc giáo dục nghề nghiệp theo nhu cầu và xu hướng của xã hội, giảm tải thời gian học tập lý thuyết để học viên có nhiều điều kiện thực hành. Các hình thức đào tạo nghề cũng thường xuyên thay đổi. Các cơ sở dạy nghề trong các doanh nghiệp không chỉ đào tạo nghề cho lao động mới tuyển mà còn tổ chức đào tạo lại hoặc bồi dưỡng tay nghề cho người lao động. Nhờ đó, chất lượng và hiệu quả của công tác đào tạo nghề cho lao động trong các ngành công nghiệp ở nước ta được cải thiện đáng kể, nên tay nghề của người lao động đã không ngừng được nâng cao.

Trong nông nghiệp, nhờ quá trình cơ giới hóa sản xuất mà lao động nông nghiệp nước ta đã được trang bị những phương tiện sản xuất hiện đại, ứng dụng những tiến bộ của khoa học, công nghệ vào quá trình sản xuất nên giải phóng được đáng kể sức lao động cơ bắp, thủ công theo lối sản xuất truyền thống. Nhờ đó, trình độ của những người lao động nông nghiệp cũng được tăng lên đáng kể. Họ có thể sử dụng được những máy móc hiện đại như máy cày, máy gặt, máy làm đất, máy gieo hạt... để nâng cao năng suất lao động và giải phóng được phần nhiều sức lao động cơ bắp, thủ công.

Trong những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng bước đầu được chú trọng. Ngày 27-11-2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1956/QĐ-TTg  phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án 1956). Đề án 1956 đã đề ra mục tiêu tổng quát: “Bình quân hằng năm đào tạo nghề cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn, trong đó đào tạo, bồi dưỡng 100.000 lượt cán bộ, công chức xã”(5).

Triển khai từ năm 2010đến nay, các ngành, các địa phương đã có những hoạt động thiết thực, sáng tạo, đã đưa ra nhiều mô hình dạy nghề và hình thức dạy nghề thích hợp. Một số mô hình đã bước đầu triển khai có hiệu quả, như mô hình đào tạo nghề cho lao động ở các vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu cho các cây công nghiệp như thuốc lá, chè... (có sự phối hợp giữa địa phương và các doanh nghiệp); mô hình dạy nghề cho lao động trong các làng nghề (sự phối hợp giữa địa phương, các cơ sở dạy nghề và các làng nghề); mô hình dạy nghề ngắn hạn cho người nông dân ở cộng đồng (sự phối hợp giữa địa phương, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các trung tâm khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư)... Bản thân người nông dân và lao động nông thôn là những đối tượng được thụ hưởng chính sách cũng đã tích cực ủng hộ chủ trương của Chính phủ, từ việc xác định được nhu cầu học nghề của mình phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đến việc tham gia đầy đủ các khóa đào tạo. Nhìn chung, một bộ phận lao động nông thôn sau khi học nghề đã có việc làm mới tại các cơ sở công nghiệp, thủ công nghiệp, dịch vụ, được chuyển đổi nghề, có việc làm ngay tại địa phương, thực hiện “ly nông bất ly hương”.

Sự cần cù, sáng tạo; tính linh hoạt, tháo vát; khả năng thích ứng nhanh cũng là một trong những ưu điểm nổi bật của người lao động Việt Nam

Một trong những đặc điểm nổi bật của con người Việt Nam trong lịch sử là sự cần cù, linh hoạt, sáng tạo. Đó cũng chính là ưu điểm của người lao động nước ta hiện nay. Nhờ đó, người lao động có năng lực trong việc sản xuất những mặt hàng đòi hỏi sự khéo léo, tỷ mỷ, có độ tinh xảo cao. Nhiều ngành sản xuất nổi tiếng của nước ta, nhất là các ngành thủ công mỹ nghệ truyền thống như dệt, thêu ren, mộc, khảm đã và đang có những khởi sắc, sản xuất được những mặt hàng có độ tinh xảo cao, có hiệu quả kinh tế lớn, có khả năng xuất khẩu sang nước ngoài.

Người lao động của Việt Nam còn có sự linh hoạt, tính năng động, tháo vát. Điều đó góp phần đáng kể trong việc tạo ra khả năng thích ứng cho người lao động. Nếu như trước đây, với nền kinh tế bao cấp, người lao động Việt Nam phần lớn đều thụ động, ỷ lại, chờ thời thì ngày nay, người lao động nước ta đã biết thích ứng trước những thay đổi của nền sản xuất hiện đại. Lao động công nghiệp tự học hỏi để có thể bắt nhịp được những dây chuyền sản xuất hiện đại, thích ứng với đòi hỏi ngày càng cao về tính chuyên nghiệp, tính đồng bộ và áp lực của nền sản xuất. Lao động nông nghiệp biết cách thay đổi cách thức sản xuất cấy trồng, chăn nuôi theo mô hình tập trung, cánh đồng mẫu lớn, trang trại lớn, biết kết hợp với các nhà khoa học, nhà quản lý để phát triển theo hướng bền vững, tìm đầu ra cho sản phẩm. Ở một số địa phương, có nhiều người nông dân không chỉ biết áp dụng những thành tựu khoa học, công nghệ vào sản xuất mà còn biết tự tạo, phát minh ra các loại máy móc tiên tiến như máy gieo hạt, tách hạt, máy làm đất... góp phần giải phóng đáng kể sức  lao động và nâng cao năng suất.

2. Một số mặt hạn chế

Thể lực, sức khỏe của người lao động Việt Nam còn nhiều hạn chế

Mặc dù nềnkinh tế nước ta tăng trưởng và phát triển ở mức độ khá, đời sống kinh tế của nhân dân được nâng cao, nhưng trên thực tế, trong khi dân số đứng thứ 13 thế giới, kinh tế chỉ đứng vị trí 42 thế giới, thu nhập bình quân đầu người cũng chỉ ở mức “trung bình thấp”. Do đó, đời sống vật chất của người Việt Nam nói chung và người lao động nước ta nói riêng nhìn chung còn thấp. Điều đó ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe, thể lực cho người lao động.

Vì nền kinh tế của Việt Nam chưa thực sự phát triển nên việc đầu tư cho công tác y tế,chăm sóc sức khỏe nhân dân nhìn chung còn thấp: “Chi tiêu của Chính phủ cho công tácchỉ tương đương với 2,8% GDP. Hơn 50% chi tiêu cho y tế chính là chi tiêu từ túi tiền của bệnh nhân. Chi tiêu công cho y tế chiếm khoảng 8,7% chi tiêu công ở Việt Nam so với mức 14,1% ở Thái Lan và 9,9% ở Trung Quốc”(6). Mức đầu tư cho công tác y tế còn thấp cũng đã ảnh hưởng đáng kể đến việc khám chữa bệnh và công tác bảo hiểm y tế cho người lao động. Do đó, độ bền bỉ, dẻo dai về thể lực và “tuổi thọ nghề nghiệp” của người lao động Việt Nam nhìn chung còn thấp.

Ngoài ra, vấn đề an toàn, vệ sinh lao động cũng đang là một trong những yếu tố ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe, thể lực của người lao động cả trong lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp ở nước ta hiện nay.

Trong lĩnh vực công nghiệp, một số lĩnh vực luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động là các ngành xây dựng, khai khoáng, hóa chất... Trong số 540 nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nước ta hiện nay, có 66% cơ sở sản xuất bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, 30% cơ sở bị ô nhiễm tiếng ồn, 60% doanh nghiệp không tổ chức khám chữa bệnh cho người lao động đúng như cam kết. Năm 2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2014 trên toàn quốc đã xảy ra 6.709 vụ tai nạn lao động làm 6.941 người bị nạn, trong đó: số vụ tai nạn lao động chết người là 592 vụ, số người chết là 630 người, số người bị thương là 544 người(7).

Trong nông nghiệp, người nông dân cũng luôn phải đối mặt với những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do làm việc với những máy móc, thiết bị cũ kỹ, lạc hậu; thiếu thiết bị che chắn, bảo vệ, phòng hộ khi tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật, chất thải trong nông nghiệp. Môi trường lao động đó tiềm ẩn nhiều yếu tố gây tai nạn lao động. Theo thống kê, cứ trong 100 nghìn người lao động trong khu vực nông nghiệp thì có 799 người tai nạn khi sử dụng điện, 856 người bị tai nạn khi sử dụng máy nông nghiệp(8).

Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới

Một trong những yêu cầu quan trọng hàng đầu của sự phát triển lực lượng sản xuất hiện đại là tỷ lệ những người lao động đã qua đào tạo, lao động có tay nghề, có trình độ chuyên môn kỹ thuật chiếm đa số nhưng ở Việt Nam hiện nay, tỷ lệ còn khá thấp. Năm 2014, trong tổng số 53,7 triệu người từ 15 tuổi trở lên thuộc lực lượng lao động của cả nước, chỉ có hơn 9,99 triệu người đã được đào tạo, chiếm 18,6% tổng lực lượng lao động. Ngược lại, hiện cả nước có hơn 43,76 triệu lao động (chiếm 81,4% lực lượng lao động) chưa được đào tạo để đạt một trình độ chuyên môn kỹ thuật nào đó(9).

Trong Báo cáo giải trình và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ rõ: Tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ ở nước ta khoảng 18,2%, trong khi lao động qua đào tạo có chứng chỉ ở Xinhgapo là 61,5%. Nếu tính cả số đào tạo dưới 3 tháng của nước ta thì con số đó là 49% năm 2013, so với Malaixia là 62%, Philippin là 67%. Kỹ năng của người lao động trực tiếp nước ta nhìn chung không kém lao động các nước nhưng đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật được đào tạo cơ bản, có trình độ cao còn thiếu.

Không chỉ nguồn lao động phổ thông có trình độ chuyên môn kỹ thuật thuật thấp mà ngay cả đội ngũ lao động tốt nghiệp đại học cũng có trình độ chưa cao. Theo kết quả từ các cuộc điều tra của JICA về các doanh nghiệp chế tạo liên kết với Nhật cho thấy, tình trạng thiếu hụt lao động có kỹ năng ở Việt Nam nghiêm trọng hơn so với các nước trong khối ASEAN có cùng mức độ phát triển, khó khăn này đang có xu hướng gia tăng theo thời gian. Tổ chức này đã đưa ra những số liệu cụ thể để minh chứng cho điều này như sau: “Qua thực tế, Công ty Intel thuê kỹ sư làm việc cho nhà máy chế tạo tại thành phố Hồ Chí Minh, công ty thực hiện kiểm tra đánh giá tiêu chuẩn đối với 2.000 sinh viên công nghệ thông tin Việt Nam nhưng chỉ có 90 ứng viên, tương đương 5% vượt qua được kiểm tra, trong nhóm này chỉ có 40 ứng viên có đủ trình độ tiếng Anh”(10).

Trình độ dân trí, trình độ tay nghề, kỹ thuật của người lao động ở nông thôn đang là một trong những vấn đề lớn, tồn tại nhiều yếu điểm. Hiện nay, 70% dân số nước ta sinh sống ở nông thôn. Mặc dù trong những năm qua, xu hướng đô thị hóa đang gia tăng nhưng đến năm 2014, có 69,3% lực lượng lao động nước ta tập trung ở nông thôn(11). Hiện nước ta có 10 triệu hộ nông dân với hơn 30 triệu lao động trong độ tuổi nhưng chỉ có 17% trong số đó được đào tạo thông qua các lớp tập huấn khuyến nông sơ sài, còn lại 83% là lao động chưa qua đào tạo, chưa có trình đô chuyên môn trong sản xuất nông nghiệp(12).

Ngoài việc hạn chế về trình độ chuyên môn kỹ thuật, tay nghề, nguồn lao động nước ta còn thiếu các kỹ năng cơ bản trong giao tiếp, làm việc nhóm, trình độ tin học và ngoại ngữ còn nhiều hạn chế; đặc biệt là hầu như chưa được đào tạo về trình độ lý luận chính trị... Phần lớn lao động Việt Nam đều không có nhiều tri thức về hội nhập, về thị trường lao động nên chỉ quen lao động, làm việc trong những môi trường khép kín, gần với quê hương bản quán nên cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thay đổi điều kiện, môi trường làm việc, nhất là làm việc ở các nước khác trong khu vực.

Tính kỷ luật, ý thức đạo đức nghề nghiệp, ý thức bảo vệ môi trường sinh thái của người lao động Việt Nam còn nhiều hạn chế

Đặc trưng nổi bật nhất của lịch sử kinh tế Việt Nam là sự kéo dài hàng nghìn năm của công xã nông thôn dựa trên chế độ ruộng công và nền sản xuất nhỏ, lạc hậu, tự cấp, tự túc và kép kín. Thêm vào đó, do yêu cầu sống còn của dân tộc trong cuộc đấu tranh lâu dài, liên tục để chống lại thiên tai, địch họa đã tạo nên lối sống khép kín, lối làm ăn manh mún, tản mạn, “gặp chăng hay chớ”, “được đến đâu hay đến đó”, sống theo thói quen, tập quán nhiều hơn những quy định của pháp luật. Điều đó đã ảnh hưởng đáng kể đến lối sản xuất nhỏ lẻ, tùy tiện, thiếu quy củ, thiếu tính chiến lược của người lao động Việt Nam. Vì vậy, nhiều người lao động tuy có việc làm nhưng lại chỉ hay nghĩ đến lợi ích trước mắt, dễ dao động, dễ thay đổi công việc có lợi cho mình, ít có sự gắn bó lâu dài với công việc.

Ngoài ra, do sống chủ yếu trong làng xã nên người lao động Việt Nam mỗi năm dành quá nhiều thời gian xả hơi trong các dịp lễ hội, đình đám... gây lãng phí rất lớn nguồn lao động. Công nhân nước ta phần lớn xuất thân từ nông dân nên họ cũng dễ bị ảnh hưởng bởi lối sống tùy tiện, ý thức tổ chức kỷ luật kém, coi trọng kinh nghiệm sản xuất mà ít có ý thức tự học tập để nâng cao trình độ tay nghề.

Ý thức đạo đức nghề nghiệp của người lao động Việt Nam nhìn chung còn thấp. Với việc đề cao lợi nhuận, nhiều chủ doanh nghiệp, nhất là các cơ sở sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm đã sử dụng quá mức cho phép các hóa chất độc hại, phẩm màu. Nhiều nông dân cũng sử dụng tùy tiện các chất kích thích tăng trưởng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy hải sản, cây trồng, hoa màu... để thu được lợi nhuận cao mà không chú ý đến lợi ích của người tiêu dùng. Vì vậy, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang là một trong những vấn đề nhức nhối của toàn xã hội, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng. Chính ý thức đạo đức nghề nghiệp của người lao động còn kém nên chất lượng sản phẩm hàng hóa còn thấp, có độ an toàn không cao, tính cạnh tranh thấp. Điều đó cũng ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển lực lượng sản xuất theo hướng bền vững.

Một trong những đặc điểm nổi bật của lực lượng sản xuất hiện đại là sử dụng công nghệ mới để tạo ra những sản phẩm gần gũi và thân thiện với môi trường sinh thái. Trong khi đó, ý thức bảo vệ môi trường sinh thái của người Việt Nam còn rất hạn chế. Do tư duy cục bộ, thiếu ý thức trách nhiệm, hầu hết các khu công nghiệp ở nước ta đều gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Nước thải không qua xử lý từ các khu công nghiệp được xả trực tiếp vào môi trường. Không khí ở các khu chế xuất cũng bị ô nhiễm nghiêm trọng. Ô nhiễm môi trường từ các khu công nghiệp đã gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người lao động và nhân dân sống gần các khu công nghiệp.

Trong số những người lao động gây tổn hại đến môi trường sinh thái, những người lao động ở nông thôn chiếm một phần rất đáng kể. Để tăng năng suất cây trồng, người nông dân đã sử dụng quá nhiều phân bón hóa học và tùy tiện trong việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Theo kết quả khảo sát của Tổng Cục Môi trường Việt Nam năm 2009, “có 96,6% nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá mức cho phép. Có 95% nông dân đổ các bình phun hóa chất còn thừa vào cống, rãnh, mương hoặc phun vào các loại cây trồng khác”(13).

Nhìn chung, người lao động Việt Nam có đời sống văn hóa tinh thần còn nghèo nàn, đơn điệu. Do những khó khăn, thiếu thốn về vật chất, người lao động nước ta thường ít có thời gian và tâm trí quan tâm đến các hoạt động văn hóa - nghệ thuật. Phần đông công nhân nước ta ở các khu công nghiệp lớn phải đi thuê nhà, cuộc sống khó khăn. Điều đó khiến họ không được giải phóng về tư tưởng, ảnh hưởng lớn đến sự tích cực, hăng hái trong lao động, khiến họ luôn có tâm lý chỉ là lao động làm thuê, được trả công nên không thật sự hết mình, có ý thức phấn đấu và gắn bó lâu dài với công việc. Cũng do những hạn chế về đời sống vật chất và tinh thần nên người lao động nước ta thường không chủ động và tích cực trong việc tiếp cận những tiến bộ của khoa học, công nghệ, không tự đầu tư thời gian và tiền bạc để học tập nâng cao trình độ, tay nghề.

Như vậy, sau 30 năm đổi mới, người lao động Việt Nam hiện nay có cả những ưu điểm và hạn chế. Để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, những ưu điểm cần được tiếp tục phát huy, những nhược điểm cần được khắc phục một cách kịp thời và tích cực để người lao động Việt Nam ngày càng đáp ứng được một cách tốt nhất những yêu cầu của sự phát triển.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3 - 2016

(1), (3), (4), (9), (11) Xem: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng Cục Thống kê, Báo cáo điều tra Lao động và Việc làm năm 2014, Hà Nội, 2015, tr.1, 17, 18, 17, 13.

(2) Tổng Cục Thống kê, Báo cáo điều tra dân số 6 tháng đầu năm 2014, NXB Thống kê, Hà Nội, 2014, tr.9.

(5) moj.gov.vn: Quyết định Phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” của Thủ tướng Chính phủ.

(6) Nguyễn Đức Bảo: “Công tác chăm sóc sức khỏe cho người lao động ở Việt Nam gần đây”, Tạp chí Lao động và xã hội, số 435, 2012, tr.11-13.

(7) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Thông báo số653/TB - LĐTBXH về tình hình tai nạn lao động năm 2014, Hà Nội, 2015, 27-2-2015.

(8) Dẫn theo Nguyễn Hiền: “Giải pháp tăng cường an toàn vệ sinh cho các ngành có nguy cơ cao tại Việt Nam”, Tạp chí Lao động và Xã hội, số 435, 2012, tr.36.

(10) Báo cáo năng lực cạnh tranh Việt Nam 2009-2010, Dẫn theo: Phạm Văn Nam, “Nguồn nhân lực trình độ Đại học ở Việt Nam: Thực trạng và một số kiến nghị”, Tạp chí Lao động và Xã hội, số 440, tháng 10, 2012, tr.18.

(12) vcn.vn: Nguồn thị trường lao động nông thôn còn nhiều thách thức.

(13) Xem: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Báo cáo Môi trường quốc gia năm 2010.

 

ThS Lê Thị Chiên

Viện Triết học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền