Trang chủ    Thực tiễn    Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến phát triển cây công nghiệp chủ lực ở Tây Nguyên
Thứ ba, 29 Tháng 11 2016 15:44
6721 Lượt xem

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến phát triển cây công nghiệp chủ lực ở Tây Nguyên

(LLCT) - Biến đổi khí hậu không chỉ là tăng nhiệt độ và tăng hàm lượng COmà còn làm thay đổi quy luật thời tiết, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng sản phẩm của cây trồng, trong đó có cây công nghiệp chủ lực. Thực tế những năm gần đây cho thấy, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển cây công nghiệp ở Tây Nguyên.

Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, diện tích tự nhiên là 54.474km2, chiếm 16,8% diện tích tự nhiên cả nước, trong đó có khoảng 60 vạn ha đất đỏ bazan; do vậy chiếm trên 40% tiềm năng phát triển cây công nghiệp dài ngày của cả nước. Cà phê, tiêu, điều và cao su là các loại cây trồng chủ lực trong cơ cấu phát triển kinh tế nông nghiệp của Tây Nguyên. Cụ thể:

Cà phê có 551.669ha, chiếm gần 90% diện tích cà phê của cả nước. Đắk Lắk là địa phương có diện tích cà phê lớn nhất, với trên 202.000ha, chiếm 34% diện tích cà phê cả nước; Lâm Đồng có 151.565ha, chiếm 25% diện tích; Đắk Nông có trên 122.278ha, chiếm 20% diện tích và Gia Lai có 77.627ha, chiếm 13% diện tích trồng cà phê của cả nước(1). Sản lượng cà phê nhân toàn vùng niên vụ 2013-2014 đạt gần 1 triệu tấn, chiếm 90% sản lượng cà phê cả nước, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 2,7 tỷ USD.

Cao su có khoảng 278.564ha, tập trung nhiều nhất ở các tỉnh Gia Lai (có trên 120.000ha), Kon Tum (có 75.500ha); còn lại là các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng.

Cây hồ tiêu mới được trồng ở Tây Nguyên, năm 1994 diện tích hồ tiêu đạt 1.208ha, chiếm 24% diện tích hồ tiêu cả nước, sản lượng đạt 1.315 tấn đứng thứ 2 sau vùng Đông Nam Bộ. Đến năm 2014, diện tích trồng hồ tiêu tăng, đạt 40.000ha, chiếm 51,6% diện tích trong cả nước, chủ yếu ở 3 tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông. Năng suất và sản lượng hồ tiêu ở Tây Nguyên cũng đạt cao nhất, bình quân đạt 31,3 tạ/ha; riêng ở Gia Lai đạt 45,2 tạ/ha, cao hơn 82,3% so với năng suất bình quân cả nước (2).

Diện tích điều ở các tỉnh Tây Nguyên năm 2014 là 70.000ha, giảm 30.500ha so với năm 2010, trong đó, Đắk Lắk là địa phương có diện tích điều giảm nhiều nhất từ trên 45.000ha năm 2010 nay giảm còn 22.900ha. Năng suất điều cũng giảm từ 25 - 30 tạ/ha năm 2010 xuống còn 10 - 12 tạ/ha. Thậm chí, hàng nghìn ha điều ở một số địa phương chỉ cho thu hoạch 2-4 tạ điều nhân/ha(3). Diện tích điều giảm do phần lớn được trồng trên đất xám bạc màu, trồng thực sinh bằng các giống cũ, thiếu các biện pháp thâm canh.

1. Dự báo ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến phát triển cây công nghiệp ở Tây Nguyên

Theo kịch bản biến đổi khí hậu mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra, đến năm 2050, nhiệt độ bình quân ở Tây Nguyên tăng 1,010C; năm 2100 tăng 2,390C so với năm 1990 và thấp nhất trong 7 vùng sinh thái của cả nước. Theo dự báo, so với các vùng khác trên cả nước, Tây Nguyên là vùng ít chịu tác động của biến đổi khí hậu và thậm chí còn có cả chiều hướng ảnh hưởng tích cực đến một số cây trồng, trong đó có cây công nghiệp chủ lực. Dưới đây là ảnh hưởng cả tích cực và tiêu cực của biến đổi khí hậu đến sản xuất cây công nghiệp chủ lực của vùng.

* Về ảnh hưởng tích cực:

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, trong tương lai nếu nhiệt độ ở Tây Nguyên tăng thêm 10C thì các loại cây công nghiệp chủ lực: cà phê, cao su, tiêu, điều... sẽ được hưởng lợi. Vì khi nhiệt độ tăng lên 10C thì nồng độ CO2cũng tăng lên và việc gia tăng này làm tăng quá trình quang hợp của thực vật thuộc nhóm C3 (chiếm 95% trên thế giới). Cây cà phê, cao su, tiêu, điều... thuộc nhóm thực vật C3 là nhóm hưởng lợi nhiều nhất khi tăng lượng CO2gấp đôi và tăng 10C, thậm chí, năng suất có thể tăng từ 20 - 30% so với lượng CO2hiện nay(4).

* Về ảnh hưởng tiêu cực:

Biến đổi khí hậu không chỉ là tăng nhiệt độ và tăng hàm lượng CO2mà còn làm thay đổi quy luật thời tiết, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng sản phẩm của cây trồng, trong đó có cây công nghiệp chủ lực. Thực tế những năm gần đây cho thấy, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển cây công nghiệp ở Tây Nguyên.

Gia tăng dịch bệnh hại cây trồng, làm tăng chi phí sản xuất.

Cây công nghiệp (cà phê, cao su, tiêu, điều) phát triển ở Tây Nguyên là do phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu ở đây. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu làm thời tiết cực đoan, như hạn trong mùa mưa, mưa trong mùa khô, nắng nóng kéo dài, lượng mưa biến động giữa các năm đã làm gia tăng sâu bệnh phát triển nhanh và khó dự báo. Chẳng hạn, tình trạng bất thường của thời tiết như mưa trái mùa làm cho cao su nhiễm bệnh rụng lá chết hàng loạt ở  Đắk  Lắk và bệnh sâu róm đỏ tàn phá cây điều năm 2011 ở các tỉnh Tây Nguyên. Niên vụ cà phê 2012-2013, thời tiết bất thường (đêm có mưa rải rác, ngày nắng gián đoạn, có nơi mưa vừa đến mưa to) đã làm bùng phát dịch rệp sáp hại chùm hoa, quả non; rệp sáp xanh, mọt đục cành, rỉ sắt, khô cành... tại Đắk Lắk. Còn tại Đắk Nông, tỉnh có diện tích trồng tiêu lớn nhất Tây Nguyên đầu mùa mưa 2013 làm tiêu chết hàng loạt, nhiều hộ trồng tiêu hao tốn tài sản(5). Nguyên nhân của tình trạng này là do thời tiết diễn biến phức tạp nên dịch bệch lây lan ra diện rộng. Những diện tích đã bị nhiễm bệnh phải đầu tư cải tạo vườn, bón phân, phun thuốc và thường phải mất 2 năm sau mới phục hồi được, đã làm tăng chi phí sản xuất. Chỉ riêng cây cà phê, nếu thời tiết bình thường, chi phí tưới nước cho 1ha cà phê hết trên 4 triệu đồng, chưa kể tiền nhân công tưới nước, khi thời tiết khô hạn, chi phí tưới nước tăng gấp 2 - 3 lần(6). Vì vậy, gặp thời tiết bất thường, hầu hết các doanh nghiệp, các nông trường và người trồng cà phê ở Tây Nguyên thua lỗ.

Tần suất mất mùa gia tăng.Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (mưa phùn trong thời kỳ ra hoa, hoặc nhiệt độ không khí quá cao trong giai đoạn thụ phấn) làm cho tiêu, điều, cà phê không thể ra hoa hoặc đậu quả rất kém. Lượng mưa ở Tây Nguyên trong vòng 10 năm qua có xu hướng thay đổi, tần suất mưa tập trung vào tháng 12 và tháng 1 đã làm cho cà phê, điều gặp trở ngại trong quá trình thụ phấn. Chẳng hạn, cây cà phê từ tháng 4 - 7 là giai đoạn cần nhiều nước để đáp ứng cho nhu cầu sinh trưởng cây và phát triển quả, song gần đây vào các tháng này, lượng mưa ít, gây thiếu nước, làm quả cà phê bị khô và rụng, hoặc nhân nhỏ, dẫn đến năng suất thấp. Còn mưa vào tháng 12 và tháng 1 đã làm trở ngại quá trình thụ phấn dẫn đến tỷ lệ đậu quả thấp, năng suất giảm. Thực tế cho thấy, tình trạng mất mùa đã làm sản lượng cà phê liên tiếp giảm mạnh: niên vụ 2012-2013 giảm 10-15%; niên vụ 2013-2014 giảm 15% và niên vụ 2014-2015 giảm 10-15% so với niên vụ trước(7). Hiện tượng thời tiết bất thường cũng đã làm mất mùa tiêu, làm giảm năng suất tiêu từ 10 - 25%; mất mùa điều và làm năng suất điều giảm sút nghiêm trọng. Tình trạng này dẫn đến hiện tượng nông dân các tỉnh Tây Nguyên chặt bỏ hàng loạt cây điều để chuyển sang cây trồng khác. Vì vậy, sản xuất cây công nghiệp chủ lực ở Tây Nguyên thiếu ổn định, hiệu quả thấp và không bền vững.

2. Một số giải pháp phát triển bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu

Để phát triển bền vững cây công nghiệp chủ lực của Tây Nguyên trong điều kiện biến đổi khí hậu, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau đây:

Một là, lồng ghép chiến lược ứng phó biến đổi khí hậu vào quy hoạch, kế hoạch phát triển nông nghiệp. Nâng cao chất lượng dự báo về biến đổi khí hậu và tác động đối với phát triển cây công nghiệp. Quy hoạch phát triển các cây công nghiệp chủ lực của từng địa phương trong vùng phải dựa vào kịch bản dự báo biến đổi khí hậu, vùng sinh thái gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các cơ sở chế biến. Đổi mới cách tiếp cận xây dựng chiến lược, quy hoạch dựa trên kết quả đầu ra, hiệu quả của ngành sản xuất.

Hai là, nâng cao nhận thức vềbiến đổi khí hậu và tác động đối với phát triển bền vững cây công nghiệp chủ lực ở Tây Nguyên; phương thức và phương án giảm nhẹ thiên tai để từ đó thay đổi thái độ, hành vi ứng xử trong hoạt động (lao động sản xuất, học tập, sinh hoạt, công tác, sử dụng tài nguyên...).

Đẩy mạnh tuyên truyền về biến đổi khí hậu và tác động trên các phương tiện thông tin đại chúng để các cấp, các ngành và người dân hiểu rõ và có biện pháp ứng phó chủ động.

Bảo vệ rừng, đầu tư trồng rừng, trồng cây xanh và các biện pháp quản lý hệ thống thủy lợi và thoát lũ... Bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt là bảo đảm an ninh môi trường sẽ là một bộ phận của chiến lược thích ứng trước thảm họa biến đổi khí hậu của Việt Nam nói chung và Tây Nguyên nói riêng.

Lồng ghép chương trình biến đổi khí hậu và tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp vào chương trình học các cấp.

Ba là, chuyển giao kỹ thuật canh tác gieo trồng, chăm sóc cà phê, cao su, tiêu, điều thích ứng với biến đổi khí hậu cho nông dân.

Đầu tư nghiên cứu chọn lọc, tạo ra giống cà phê, cao su, tiêu, điều có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với từng vùng sinh thái, chống chịu sâu bệnh và thích nghi với biến đổi khí hậu. Sử dụng các giống kháng, chịu hạn, giống ra hoa nhiều lần.

Chuyển giao, đưa vào sản xuất các giống cây công nghiệp chủ lực đã được lai tạo, lựa chọn và thử nghiệm thành công. Hướng dẫn người dân phương pháp tưới nước tiết kiệm; phương pháp bón phân qua tưới; phương pháp tỉa cành, phun thuốc bảo vệ thực vật; bố trí thời vụ thích hợp để tránh hạn, né lũ. Hướng dẫn kỹ thuật trồng cây che bóng, cây ăn quả, cây đai rừng trên các vườn cà phê, điều, hồ tiêu.

Bốn là, tổ chức lại sản xuất cây công nghiệp chủ lực ở Tây Nguyên theo hướng loại bỏ, thay thế các diện tích cà phê, cao su, tiêu, điều già cỗi, nhiễm sâu bệnh bằng các giống mới năng suất cao và phù hợp với biến đổi của khí hậu. Chuyển một số diện tích đất trồng cà phê, cao su, tiêu, điều ở các vùng có điều kiện khí hậu bất thuận, sản xuất không hiệu quả sang trồng các loại cây khác hiệu quả hơn như sắn, khoai lang, khoai môn, là những loại cây có khả năng thích ứng cao với sự biến đổi khí hậu.

Tăng cường liên kết giữa các nông hộ trồng cây công nghiệp chủ lực với nhau, hình thành các tổ chức sản xuất: hợp tác xã, tổ kinh tế hợp tác, tổ đoàn kết sản xuất, câu lạc bộ trồng cà phê, cao su, tiêu, điều năng suất cao, liên minh nông dân trồng các loại cây công nghiệp chủ lực trong vùng. 

Phối hợp chặt chẽ mối liên kết 4 nhà: nhà nước, nhà khoa học, nhà nông, các doanh nghiệp trong việc nghiên cứu, đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật và ổn định giá cả. Thực hiện tốt mối liên kết này là điều kiện cơ bản để phát triển bền vững cây công nghiệp chủ lực vùng Tây Nguyên trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Năm là, thực hiện bảo hiểm rủi ro cho sản xuất cây công nghiệp chủ lực ở Tây Nguyên. Rủi ro trong phát triển cây công nghiệp ở Tây Nguyên hiện rất nhiều và những rủi ro này chỉ có thể được hạn chế bằng sự nỗ lực của toàn xã hội thông qua thị trường bảo hiểm sản xuất nông nghiệp. Để bảo hiểm cây công nghiệp trong vùng, đòi hỏi bảo hiểm nông nghiệp phải trở thành một chính sách của Nhà nước và có sự vào cuộc của các doanh nghiệp bảo hiểm, các cấp, các ngành và toàn xã hội. Vì vậy, cần xây dựng cơ chế chính sách riêng cho bảo hiểm cây công nghiệp, như: hỗ trợ người dân, hỗ trợ doanh nghiệp, trợ giúp của các tổ chức (tín dụng, xuất khẩu), Nhà nước nhận tái bảo hiểm cho doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm; nghiên cứu các mức độ rủi ro cho từng loại cây, từng vùng để có chính sách bảo hiểm phù hợp.

Sáu là,nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước đối với nông nghiệp nói chung và đối với phát triển cây công nghiệp chủ lực trong điều kiện biến đổi khí hậu ở Tây Nguyên nói riêng;nâng cao kiến thức về phát triển bền vững, về biến đổi khí hậu và tác động của nó đối với phát triển nông nghiệp, phát triển cây công nghiệp chủ lực trong vùng cho đội ngũ cán bộ hoạch định chính sách.

Bổ sung và hoàn thiện hệ thống chính sách liên quan trực tiếp đến sản xuất cây công nghiệp chủ lực, như chính sách đầu tư phát triển hạ tầng; chính sách cho vay ưu đãi đối với người trồng cây công nghiệp; chính sách khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất cây công nghiệp; chính sách đào tạo nguồn nhân lực...

Tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên đất, nước, rừng. Trước hết, tuyên truyền, khuyến khích người dân, doanh nghiệp trồng cây công nghiệp chủ lực trong vùng quy hoạch; chỉ rõ tác hại của việc không tuân theo quy hoạch dẫn đến cạn kiệt nguồn nước, thiếu nước tưới, làm giảm năng suất. Đồng thời, cương quyết xử lý các trường hợp phá rừng để trồng cây công nghiệp.

_______________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3 - 2016

(1) Cục xúc tiến thương mại: Ngành hàng cà phê niên vụ 2013-2014, Hà Nội ngày 1-10-2013.

(2)  Agromonitor: Ấn tượng hồ tiêu Việt Nam.

(3) xttm.mard.gov.vn, Diện tích và sản lượng điều ở Tây Nguyên giảm mạnh, ngày 27-11-2014. 

(4) TS Trương Hồng: Biến đổi khí hậu và sản xuất nông nghiệp vùng Tây Nguyên, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên, ngày 23-4-2013.

(5)  Nguyễn Công Lý,Đắk Nông: cây tiêu chết hàng loại gây thiệt hại nặng nề cho nông dân, Nhân dân điện tử, ngày 23-2-2014.

(6)  Công Thái: Cây cà phê Tây Nguyên khát nước, Thời báo Ngân hàng, ngày 19-3-2014.

(7)  Bá Thăng: Tây NguyênDự báo mất mùa cà phê,baocongthuong.com, ngày 7-8-2014.

 

ThS Nguyễn Thị Miền

Viện Kinh tế,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền