Trang chủ    Thực tiễn     Xây dựng con người ở miền Trung theo quan điểm của Đảng
Thứ ba, 29 Tháng 11 2016 15:40
1906 Lượt xem

Xây dựng con người ở miền Trung theo quan điểm của Đảng

(LLCT) - Trải qua quá trình phấn đấu, đặc biệt là sau hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII, xây dựng con người Việt Nam nói chung, ở miền Trung nói riêng đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, cần có sự quan tâm và thực hiện hiệu quả hơn nữa, nhất là quán triệt NGhị quyết Trung ương 9 khóa XI để công tác này đạt kết quả tốt.

1. Nghị quyết Trung ương 9 khoá XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước là sự tiếp tục bổ sung, phát triển chủ trương: muốn hoàn thành sự nghiệp cách mạng phải có con người cách mạng, với những tiêu chuẩn đặc trưng con người Việt Nam là trung với nước, hiếu với dân, đặt quyền lợi của Đảng, Tổ quốc lên trên hết và trước hết; cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư,…của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời kỳ cách mạng và kháng chiến.

Sau ngày Tổ quốc thống nhất, cả nước đi lên CNXH, tại Đại hội IV, Đảng ta tiếp tục chủ trương xây dựng nền văn hóa mới và con người mới mang nội dung XHCN và tính dân tộc sâu sắc. Những đặc trưng chủ yếu của con người Việt Nam mới là làm chủ tập thể, lao động, yêu nước và có tinh thần quốc tế vô sản; phải giáo dục tư tưởng XHCN, mỗi người hiểu rõ đường lối, chủ trương, nhiệm vụ; nâng cao trình độ văn hóa, khoa học - kỹ thuật, sức khoẻ và tay nghề của người lao động; mở rộng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, y tế, vệ sinh, thể dục, thể thao,...

Đại hội V của Đảng tiếp tục chủ trương xây dựng nền văn hóa mới và con người mới XHCN và xác định đây là cuộc đấu tranh lâu dài, phức tạp và đầy khó khăn, đó là cuộc “đấu tranh giữa hai con đường, giữa cái mới và cái cũ, tiên tiến với lạc hậu, tiến bộ với phản động trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng, lối sống đang diễn ra hằng ngày rất phức tạp, mà chúng ta không thể xem nhẹ”(1). Hội nghị Trung ương 4 khóa V chỉ rõ nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng tư tưởng và văn hóa là xây dựng con người mới XHCN trên cơ sở “Không ngừng bồi dưỡng và phát huy lòng yêu nước XHCN và tinh thần quốc tế vô sản, ý thức làm chủ tập thể, tinh thần lao động sáng tạo, nâng cao trình độ văn hóa, khoa học làm cho hệ tư tưởng Mác - Lênin giữ vị trí thống trị trong xã hội”(2). Để thực hiện được vấn đề này, cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ và vững chắc cuộc cải cách giáo dục, phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nâng cao đạo đức cách mạng và trình độ của giáo viên và học sinh. Cần hướng hoạt động văn học - nghệ thuật đi sâu vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc, xây dựng CNXH và cải tạo XHCN.

Đại hội VII đã xác định đầy đủ hơn về đặc trưng con người mới mà chúng ta xây dựng “đó là con người có ý thức làm chủ, ý thức trách nhiệm công dân; có tri thức, sức khoẻ và lao động giỏi; sống có văn hóa và tình nghĩa; giàu lòng yêu nước và tinh thần quốc tế chân chính”(3). Xây dựng con người mới phải gắn với xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ trên các lĩnh vực “bồi dưỡng con người Việt Nam về trí tuệ, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống, có nhân cách cao đẹp, có bản lĩnh ngang tầm sự nghiệp đổi mới đất nước, mau chóng bắt kịp xu thế phát triển của thời đại”(4); phải bảo đảm dân chủ, tự do cho mọi sáng tạo và cho mọi hoạt động văn hóa, chăm sóc, bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người; xây dựng môi trường sống, làm tốt công tác kế hoạch hóa gia đình.

Quan điểm về xây dựng và phát triển nền văn hóa mới và con người mới được bổ sung, phát triển tại Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII. Nghị quyết đã làm rõ mối quan hệ giữa xây dựng nền văn hóa mới với con người mới: “Xây dựng và phát triển văn hóa là xây dựng con người tiên tiến phát triển toàn diện, là xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú, là bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc, là sáng tạo ra sản phẩm văn hóa mới và tiếp thu những tinh hoa văn hóa thế giới, làm cho những giá trị ấy thấm sâu vào mỗi con người và toàn xã hội, đưa xã hội ta vươn đến trình độ văn minh cao”(5). Nghị quyết đã xác định những đức tính tốt đẹp của con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới:

“- Có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có ý chí vươn lên đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn và lạc hậu, đoàn kết với nhân dân thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.

-  Có ý thức tập thể, đoàn kết, phấn đấu vì lợi ích chung.

- Có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa, tôn trọng kỷ cương phép nước, quy ước của cộng đồng; có ý thức bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái.

- Lao động chăm chỉ với lương tâm nghề nghiệp, có kỹ thuật, sáng tạo, năng suất cao vì lợi ích của bản thân, gia đình, tập thể và xã hội.

- Thường xuyên học tập, nâng cao hiểu biết, trình độ chuyên môn, trình độ thẩm mỹ và thể lực”(6).

Như vậy, theo tinh thần các nghị quyết của Đảng, đặc trưng của con người Việt Nam hướng tới xây dựng là: yêu nước, đoàn kết, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa, có ý thức làm chủ, tôn trọng kỷ cương phép nước, lao động sáng tạo, có tri thức, có sức khoẻ, có trình độ thẩm mỹ và có ý thức bảo vệ môi trường sinh thái.

2. Trải qua quá trình phấn đấu, đặc biệt là sau hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII, xây dựng con người Việt Nam nói chung, ở miền Trung nói riêng đã đạt được những kết quả quan trọng.

Thực hiện giáo dục đạo đức, lối sống qua các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; Uống nước nhớ nguồn; Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; Xây dựng làng văn hóa, thôn văn hóa, xã văn hóa, gia đình văn hóa; Toàn dân đoàn kết bảo vệ Tổ quốc; Chung tay góp sức xây dựng nông thôn mới,... Ngoài các phong trào chung, các ngành, địa phương có những phong trào riêng sống động, với những mô hình cụ thể. Ngành giáo dục - đào tạo có phong trào Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong học tập; ngành y tế có phong trào Phục vụ nhân dân theo 12 điều y đức,...

Nhiều địa phương ở miền Trung cũng xây dựng các phong trào, chương trình cụ thể: Đà Nẵng có chương trình 5 không, 3 có, 3 hơn (nhanh hơn, hợp lý hơn, thân thiện hơn, 5 xây 3 chống; phong trào Tỏa sáng Blouse trắng; Hội An có phong trào Nói không với bao nilon để bảo vệ môi trường; các tỉnh Tây Nguyên có phong trào Không cam chịu đói nghèo; Biên giới là quê hương, vùng xa, vùng sâu là nhà; các tổ chức tôn giáo Quảng Bình có phong trào Xứ họ đạo tiên tiến, Người Công giáo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, v.v..

Qua các phong trào thi đua, con người Việt Nam và ở miền Trung đã từng bước hình thành theo mẫu con người mới. Chất lượng con người Việt Nam cả về thể chất và trí tuệ đã từng bước được nâng cao.

Việt Nam đã thực hiện tốt Mục tiêu thiên niên kỷ, nhất là đã hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo trước 10 năm, tỷ lệ nghèo theo chuẩn quốc tế giảm từ 58,1% năm 1993 xuống 14,2% năm 2010 và chỉ còn 8,4% năm 2014(7), riêng giảm hộ nghèo do phụ nữ làm chủ được 100 nghìn gia đình và 2 triệu phụ nữ. Chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2011 của Việt Nam là 0,728 tăng 11,8% so với 2001(8).

Tính đến cuối năm 2014, chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao được tăng cường với hàng triệu trí thức, trong đó có trên 11.400 giáo sư, phó giáo sư; 24 nghìn tiến sỹ; 101 nghìn  thạc sỹ(9). Ở miền Trung - Tây Nguyên, chỉ tính trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Đắk Lắk,  đến nay có trên 450 giáo sư, phó giáo sư, 1.200 tiến sỹ, 5.100 thạc sỹ, trên 300 nghìn trí thức tham gia vào các hoạt động khoa học và công nghệ(10).

Thái độ đối với đất nước, đối với chủ quyền quốc gia, dân tộc, với chế độ chính trị của người Việt Nam đã có sự chuyển biến tích cực. Qua điều tra xã hội học về tình hình thanh niên và thăm dò dư luận xã hội ở 10 tỉnh, thành trong đó 3 tỉnh ở miền Trung (Khánh Hoà, Đắk Lắk, Ninh Thuận), lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm công dân… luôn là điểm nổi trội:

Có tới 77,3% thanh niên ý thức được trách nhiệm của mình đối với đất nước và hăng hái tham gia;

Có 82% thanh niên quan tâm đến chủ quyền của Tổ quốc và muốn làm một điều gì đó để góp phần bảo vệ đất nước; 57,8 % sẵn sàng đi làm nhiệm vụ ở những nơi khó khăn, vùng xa, vùng sâu; 70% cho rằng phải có trách nhiệm vì cuộc sống cộng đồng; 57% có ý thức bảo vệ môi trường sinh thái(11).

Tuy nhiên, tính tích cực, sáng tạo, cầu tiến vươn tới đỉnh cao, sự xung kích, nhất là về tư tưởng, đạo đức và lối sống của con người Việt Nam nói chung, ở miền Trung nói riêng, trong đó có thế hệ trẻ đang là vấn đề đáng lo ngại.

Chỉ có 40% thanh niên thể hiện rõ tính tiền phong, xung kích trong bảo vệ Tổ quốc; 30% kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực dù nguy hiểm đến tính mạng; 32% trân trọng và có ý thức giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc(12); 63,9% chưa chấp nhận thật sự lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; 64,2% sống thực dụng; 63,4% thích hưởng thụ hơn cống hiến(13),...

Những số liệu nêu trên dù chưa phản ảnh một cách đầy đủ, song cũng cho thấy thực tế để có những định hướng và giải pháp nhằm xây dựng con người Việt Nam nói chung, con người miền Trung nói riêng trong giai đoạn mới.

3. Nghị quyết Trung ương 9 khoá XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã đánh giá những thành tựu đạt được, đồng thời cũng thẳng thắn chỉ rõ: “thành tựu trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng, chưa đủ để tác động có hiệu quả xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh. Tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội có chiều hướng gia tăng”(14). Nghị quyết nêu quan điểm định hướng: “Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hoá. Trong xây dựng văn hóa trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”(15) và đề ra 6 nhiệm vụ, 4 giải pháp để xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện.

Xây dựng con người ở miền Trung cần quán triệt quan điểm của Đảng, với 7 đức tính tốt đẹp, 6 nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết Trung ương 9. Tuy vậy, từ thực tiễn ở miền Trung cần chú trọng những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, xây dựng con người ở miền Trung cao về trí tuệ

Miền Trung là một trong những địa bàn có nhiều tỉnh, nhiều huyện miền núi, có nhiều xã ở vùng cao, vùng sâu, biên giới, hải đảo, những nơi còn rất khó khăn về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh; trình độ học vấn, trình độ dân trí, tư duy về khoa học và công nghệ vẫn còn thấp so với nhiều vùng.

Thí dụ tỉnh Kon Tum, đến năm 2010, có tới 8,8% người dân chưa bao giờ đến trường, 29% chưa học qua bậc tiểu học, 30% mới tốt nghiệp tiểu học, 18,1% tốt nghiệp phổ thông cơ sở, 14% tốt nghiệp trung học phổ thông, cả tỉnh chỉ có 3 tiến sĩ, 63 thạc sĩ, 4 bác sĩ chuyên khoa II và 111 bác sĩ chuyên khoa I(16).

Nguồn nhân lực chất lượng cao ở miền Trung chủ yếu tập trung ở Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế (chiếm 70%), ở các tỉnh khác vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH.

Thực tế đó, đặt ra sự cấp thiết phải chú trọng việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, để không ngừng nâng cao trình độ tư duy, thế giới quan khoa học cho con người miền Trung trong sự nghiệp đổi mới. Đức tính sáng tạo chỉ được hình thành thông qua giáo dục và tự giáo dục trong nhà trường và hoạt động thực tiễn cuộc sống.

Thứ hai, bồi đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tinh thần tự lực, tự cường lên tầm cao mới

Con người miền Trung sẵn sàng hy sinh vì đại nghĩa, vì độc lập tự do của Tổ quốc, có truyền thống trung dũng kiên cường đi đầu diệt giặc, với khí phách hiên ngang quyết không chịu làm nô lệ, niềm kiêu hãnh “đi đầu” trong các cuộc chiến tranh của thế kỷ XX của người miền Trung đã trở thành lòng tự hào chung của dân tộc. Chính những phẩm chất ấy đã hình thành nên đức tính: yêu nước, trung thực, đoàn kết. Trong sự nghiệp đổi mới, cần bồi đắp thêm lòng yêu nước một cách cụ thể  hơn, đó là yêu Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, tinh thần tự lực, tự cường với ý chí quyết tâm cao; bồi đắp đức tính đoàn kết trong chiến đấu thành tinh thần “đồng tâm”, “đồng ý”, “đồng thuận”, “đồng hành” trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; bồi đắp tính trung thực, biết hy sinh vì nghĩa lớn thành sự trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH, trung thành với sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, trung thành với lợi ích của dân tộc với ý chí vươn lên đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, không cam chịu yếu hèn.

Thứ ba, xây dựng môi trường đạo đức trong sáng để hình thành và phát triển đức tính nhân ái, nghĩa tình

Nhân ái, nghĩa tình là những đức tính tốt đẹp của con người Việt Nam nói chung và ở miền Trung nói riêng và được xem như những phẩm cách cao quý của đạo lý Việt Nam. Để vun đắp và phát triển đức tính tốt đẹp này phải xây dựng cho được môi trường văn hóa trong đó lấy xây dựng môi trường đạo đức làm trung tâm. Phải hướng các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học và kết hợp chặt chẽ gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội trong việc giáo dục đạo đức, làm cho con người miền Trung tự ý thức được các hành vi của mình theo nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức mới trong thời kỳ đổi mới. Điều đó cũng có nghĩa rằng, phải gắn xây dựng, rèn luyện đức tính nhân ái, bao dung, nghĩa tình với thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Những phong trào: “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn trái nhớ kẻ trồng cây”, “Tôn trọng quá khứ”, “Tôn trọng nhân tài”; “Thương người như thể thương thân”,v.v.. trong thời gian qua đã bồi đắp thêm cho những đức tính tốt đẹp đó và cần phải đươc nhân rộng.

Thứ tư, xây dựng lối sống mới hướng tới chân, thiện, mỹ

Tình hình đạo đức, lối sống hiện nay cho thấy lối sống ích kỷ, thực dụng, hưởng thụ, tự do bất cần “tôn ti, trật tự”, sống sòng phẳng một cách lạnh lùng, “đèn nhà ai nấy rạng”,... đang trở thành hiện tượng phổ biến, nhất là đối với thế hệ trẻ. Vì vậy, việc xây dựng và phát huy lối sống “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỡi người”; hình thành lối sống tự trọng, tự chủ, tự lập, tự tôn, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ môi trường; kết hợp hài hoà tính tích cực cá nhân và tính tích cực xã hội; đề cao trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội. Đó là lối sống mới hướng tới chân, thiện, mỹ, hướng tới cái cao thượng, nhân văn. Để thực hiện được, cần nâng cao chất lượng việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phong trào thi đua yêu nước, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

Thứ năm, bồi dưỡng tình cảm thẩm mỹ, khơi dậy thị hiếu thẩm mỹ và nâng cao trình độ thưởng thức và sáng tạo nghệ thuật

Con người mà chúng ta hướng tới không chỉ cao về trí tuệ, cường tráng về thể chất, trong sáng về đạo đức mà còn phong phú về tinh thần. Vì vậy, cần tăng cường giáo dục nghệ thuật, nuôi dưỡng, bồi đắp tình cảm thẩm mỹ, nâng cao năng lực thẩm mỹ cho nhân dân, đặc biệt là thanh thiếu niên; phát huy hơn nữa vai trò của văn học - nghệ thuật;... để đưa cái đẹp vào cuộc sống để bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm thẩm mỹ của con người.

Trong phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng về những phẩm cách đặc biệt đó. Riêng ở thành phố Đà Nẵng, trong phong trào thi đua yêu nước từ 2011 đến tháng 9-2015 đã vinh danh 14 đơn vị, cá nhân Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 22 Huân chương Độc lập các loại; 145 Huân chương Lao động các loại; 59 Cờ thi đua Chính phủ, đã có 19 Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú và 40 đơn vị, 222 cá nhân đề nghị tặng thưởng cờ thi đua của Ủy ban nhân dân thành phố(17). Đó là những con người tiêu biểu mà văn học- nghệ thuật cần nhân cách hóa bằng nghệ thuật để giáo dục thẩm mỹ.

Thứ sáu, nâng cao thể lực, tầm vóc con người ở miền Trung trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Miền Trung - Tây Nguyên là mảnh đất nghèo khó, khô cằn, lắm nắng nhiều mưa, bão lụt triền miên, biến đổi khí hậu khó lường, dịch bệnh thất thường và cũng là mảnh đất có biên giới dài trên 700km giáp với hai nước Lào và Campuchia và bờ biển dài trên 1.300km từ Quảng Bình đến Bình Thuận ôm lấy hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mảnh đất  “thiên không thời”, “địa không lợi” và “người chưa thật cường tráng” này, đòi hỏi con người phải có sức khoẻ dẻo dai, chịu đựng được phong ba, bão táp, vượt qua được thử thách khắc nghiệt để vượt thác, băng ghềnh, bám núi, bám biển để xây dựng và bảo vệ biên giới, hải đảo của Tổ quốc.

Để khắc phục những hạn chế và đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cần phải có những giải pháp đồng bộ từ thực hiện nghiêm túc chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đến việc cụ thể hóa Chiến lược  nâng cao thể lực, tầm vóc con người Việt Nam trong Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thành những chương trình hành động cụ thể của các địa phương, của các ngành, các cấp, các cơ quan có liên quan.

Chất lượng và hiệu quả của việc xây dựng con người cần phải được nhận thức và vận dụng sáng tạo, phù hợp với từng địa phương, từng đối tượng cụ thể và tất nhiên các giải pháp đó không tách rời việc “Đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu, chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, làm tha hóa con người”(17).

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3 - 2016

(1) (2), (3), (4) (5) Tìm hiểu Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam qua các  kỳ đại hội, Nxb Lao động, Hà Nội, tr.832, 910, 1205, 1240, 1410.

(6) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.58-59.

(7) Báo Nhân dân, ngày 29-9-2015, tr.2

(8) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh:Giáo trình cao cấp lý luận chính trị, Khối kiến thức thứ hai, Hà Nội, 2014, tr. 99.

(9) Dẫn theo: Giáo sư Trần Văn Nhung, Thư ký Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước.

(10) Tác giả tổng hợp từ một số tỉnh ở miền Trung, năm 2015.

(11) Đỗ Ngọc Hà: Đề tài cấp bộ “Nghiên cứu giải pháp của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh về giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, 2012, tr.59.

(12) Viện Nghiên cứu thanh niên: Kết quả điều tra tình hình thanh niên, công tác hội và phong trào thanh niên, 2013.

(13) Nguyễn Đắc Vinh:Báo cáo tổng quan về tình hình thanh niên, công tác đoàn... giai đoạn 2007-2012, 2012.

(14), (15), (19) ĐCSVN: Văn kiện hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khoá XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014, tr.44, 48-49, 51.

(16) Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Kon Tum (2010).

(17) Báo Đà Nẵng, ngày 28-9-2015.

 

PGS, TS Nguyễn Hồng Sơn

Học viện Chính trị khu vực III

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền