Trang chủ    Thực tiễn    Thiết chế văn hóa ở cơ sở với việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tín ngưỡng của đồng bào dân tộc ở các tỉnh miền núi phía Bắc
Thứ ba, 29 Tháng 11 2016 15:36
4460 Lượt xem

Thiết chế văn hóa ở cơ sở với việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tín ngưỡng của đồng bào dân tộc ở các tỉnh miền núi phía Bắc

(LLCT) - Giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của đất nước, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập, hướng tới xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Miền núi phía Bắc gồm 15 tỉnh, là địa bàn cư trú của trên 30 dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.  Nhìn chung, đời sống của người dân còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cũng cao nhất cả nước, trình độ dân trí thấp. Bên cạnh đó, các điều kiện về kinh tế - xã hội, hạ tầng giao thông, trường học, bệnh viện cũng còn thấp hơn so với các vùng, miền khác.

Hiện tượng truyền đạo trái phép, sự xuất hiện một số “đạo lạ”, lôi kéo một bộ phận đồng bào dân tộc đi theo, với những đức tin mới, đã làm mai một những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Mặt khác, đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa vùng dân tộc thiểu số chưa đáp ứng yêu cầu. Những yếu tố trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc.

Xuất phát từ thực trạng đó đòi hỏi phải có những giải pháp để gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc trong thời gian tới. Một trong những giải pháp quan trọng là nâng cao vai trò của các thiết chế văn hóa ở cơ sở.

Thiết chế văn hóa là chỉnh thể văn hóa hội tụ đầy đủ các yếu tố: cơ sở vật chất, bộ máy tổ chức, nhân sự, quy chế hoạt động, nguồn kinh phí; chỉ riêng ngôi nhà hoặc công trình văn hóa chưa đủ để gọi là thiết chế văn hóa. Thiết chế văn hóa ở cơ sở có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tín ngưỡng của đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc.

Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở bao gồm nhà văn hóa, trung tâm văn hóa,... là nơi đáp ứng được nhu cầu trao đổi, giao lưu, hưởng thụ, gìn giữ và sáng tạo các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc. Nhiều giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc chứa đựng trong các điệu múa đặc sắc như múa khèn, múa sạp, hát then, hát lượn,... và trong nhiều lễ hội truyền thống độc đáo như lễ hội Lồng Tồng, lễ hội Gầu Tào, lễ hội xuống đồng, lễ hội xòe...; hay trong các tín ngưỡng thờ phụng truyền thống như tín ngưỡng vòng đời; tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên; thờ thần nông nghiệp, thờ đá, thờ cây,... cũng như trong nhiều trò chơi dân gian được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác,...

Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở là địa điểm chủ yếu để tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các nhiệm vụ chính trị - xã hội ở địa phương; giáo dục đồng bào dân tộc nâng cao ý thức cảnh giác và đấu tranh với những luận điệu sai trái, chống phá cách mạng, chống phá Đảng và Nhà nước và âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến được với đông đảo đồng bào dân tộc là nhờ các hoạt động ở hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở. Nhờ đó, đồng bào dân tộc được nâng cao ý thức giữ gìn an ninh trật tự và bảo vệ biên cương ; tạo cơ sở tiền đề quan trọng nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại nơi đây.

Với hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở được tăng cường, đời sống tinh thần và ý thức chính trị của đồng bào được nâng lên đáng kể, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa. Do đó, giảm thiểu tệ nạn xã hội, vi phạm giao thông, các hủ tục, mê tín...

Hệ thống thiết chế văn hóa là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa phù hợp với phong tục, lối sống, nhất là tập quán, tín ngưỡng, đang phát huy vai trò quan trọng nhằm bảo tồn và phát triển những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc.

Các thiết chế văn hóa cơ sở được tăng cường, với đội ngũ cán bộ chuyên trách có năng lực, tổ chức các hoạt động văn hóa một cách sáng tạo, hiệu quả; góp phần quan trọng trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc.

Để phát huy hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở ở các tỉnh miền núi phía Bắc cần tiến hành đồng bộ các biện pháp sau:

Một là, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở

Yếu tố cơ sở vật chất trong hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở bao gồm nhà văn hóa - khu thể thao ở thôn, bản; trung tâm văn hóa - thể thao ở xã, phường, thị trấn, quận, huyện, thành phố, tỉnh.

Đến nay, cơ sở vật chất trong hệ thống thiết chế văn hóa ở các tỉnh miền múi phía Bắc, phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc đã được tăng cường, tuy vậy so với yêu cầu thự tế còn thiếu và lạc hậu, hoạt động còn nhiều hạn chế, không thường xuyên và sơ sài, còn chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn còn khá lớn. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc gìn giữ các giá trị văn hóa dân tộc trên địa bàn, nhất là những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa.

Do đó, việc tăng cường xây dựng và phát triển cơ sở vật chất hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở tại các tỉnh miền núi phía Bắc là cần thiết, cấp bách:

Thực hiện xã hội hóa đầu tư nhằm huy động mọi nguồn lực để phát triển hạ tầng ngành văn hóa cơ sở ở các tỉnh miền núi phía Bắc, cụ thể là tổ chức các cuộc vận động, đóng góp của nhân dân và các tổ chức, doanh nghiệp cho việc xây dựng các nhà văn hóa, trung tâm văn hóa, nhà triển lãm, viện bảo tàng... Khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, thực hiện tốt cơ chế “Nhà nước và nhân dân cùng làm” nhằm huy động nguồn lực, dành quỹ đầu tư, xác định trách nhiệm, nghĩa vụ, tích cực đóng góp xây dựng hạ tầng văn hóa cộng đồng.

Vận động, khuyến khích các doanh nghiệp đóng góp, đầu tư vào các lĩnh vực vui chơi giải trí, xây dựng các công trình văn hóa, tổ chức các sự kiện văn hóa và bảo tồn các di sản văn hoá. Mặc dù những năm qua, Nhà nước đầu tư lớn, nhưng nguồn kinh phí đó chỉ đáp ứng một phần và cũng chỉ tập trung vào những công trình văn hóa trọng điểm ở Trung ương, ở cơ sở thì chỉ ở trung tâm xã. Việc tôn tạo, xây dựng các công trình văn hóa như nhà văn hóa thôn, xóm thì hầu hết kinh phí là sự đóng góp công sức của người dân địa phương.

Chính sách xã hội hóa văn hóa sẽ góp phần quan trọng trong việc tăng cường vai trò trách nhiệm văn hóa của cá nhân và cộng động vào việc củng cố, xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở tại các tỉnh miền núi phía Bắc.

Xây dựng các mô hình hoạt động như câu lạc bộ gia đình văn hóa; các câu lạc bộ trong thanh niên, phụ nữ, nông dân... gắn kết với các nhà văn hóa nhằm khai thác tối đa hiệu quả xã hội mà các thiết chế văn hóa mang lại.

Sửa chữa, tu tạo và xây mới cơ sở vật chất tại các thôn, bản, xã, thị trấn, nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, giao lưu văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời nhằm gìn giữ các giá trị văn hóa của đồng bào dựa trên tinh thần bảo tồn những nét hay, nét đẹp truyền thống; khuyến khích đồng bào giới thiệu cái hay, cái đẹp của dân tộc mình ra bên ngoài; từ đó giúp họ ý thức sâu sắc hơn về bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Những giá trị văn hóa của tín ngưỡng, lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc như: lễ hội Lồng Tồng, lễ cúng rượu, lễ cúng cốm (dân tộc Tày); lễ cấp sắc (dân tộc Dao, Tày, Cao Lan, Sán Dìu...);tín ngưỡng vòng đời (dân tộc Thái, Mường, Mông); tín ngưỡng thờ thần nông nghiệp,... cần được lưu truyền trong cộng đồng các dân tộc để các thế hệ tiếp nối nhau hiểu, tự hào và có ý thức gìn giữ bản sắc của dân tộc mình. Có như vậy, các giá trị văn hóa tín ngưỡng của đồng bào dân tộc mới được bảo tồn và phát huy giá trị.

Chú trọng quan tâm đến công tác quy hoạch và đầu tư phát triển hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở. Quy hoạch hợp lý quỹ đất phục vụ phong trào văn hóa, thể dục - thể thao ở các xã. Xây dựng thiết chế văn hóa, thông tin, thể thao bảo đảm phục vụ hoạt động ở các xã miền núi. Duy trì ổn định và từng bước phát triển hoạt động thể dục, thể thao miền núi; các môn thể thao dân tộc như bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy, đi cà kheo và một số trò chơi dân gian cần được tổ chức thường xuyên từ tỉnh, huyện đến các xã, các xóm, bản.

Nâng cấp, tu sửa và xây dựng hệ thống trường lớp cho con em của đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ học phí, sách vở, đồ dùng học tập cho học sinh các bậc học thuộc diện hộ nghèo, vùng đặc biệt khó khăn; duy trì dạy học tiếng nói và chữ viết dân tộc.

Ngành văn hóa cần chú trọng hơn nữa việc thực hiện chủ trương đưa văn hóa thông tin về cơ sở nhằm khai thác tối đa tần suất hoạt động của các nhà văn hóa. Từng bước cải thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa đã được đầu tư; tổ chức liên hoan, hội diễn, ngày hội văn hóa... để bảo lưu và phát triển các di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc như các làn điệu dân ca, dân vũ: hát xoan (Phú Thọ); hát Then, hát Cọi, hát Lượn (dân tộc Tày); hát Páo dung (dân tộc Dao); hát Sình ca (dân tộc Cao Lan); hát Soọng cô (dân tộc Sán Dìu)...

Nâng cao chất lượng phong trào văn nghệ quần chúng tại các nhà văn hóa, trung tâm văn hóa... gắn với việc khai thác các chất liệu văn hóa dân gian truyền thống, tạo điều kiện để tổ chức các hoạt động văn hóa trên địa bàn mang đậm bản sắc dân tộc. Các buổi giao lưu văn hóa, nghệ thuật; liên hoan nghệ thuật quần chúng các dân tộc thiểu số; trình diễn trang phục dân tộc; triển lãm văn hóa các dân tộc; hội thi người đẹp dân tộc thiểu số,... cần được đẩy mạnh hơn nữa nhằm góp phần tích cực vào việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc.

Tăng cường chỉ đạo, hỗ trợ các mô hình văn hóa, thông tin, mô hình bảo tồn văn hóa phi vật thể của các dân tộc tại các huyện miền núinhư câu lạc bộ văn học nghệ thuật, câu lạc bộ văn hóa dân gian, đội văn nghệ nhằm thu hút đông đảo hội viên, nghệ nhân, hạt nhân văn nghệ tham gia sinh hoạt. Thực tế cho thấy, qua các mô hình này, nhiều bài nghiên cứu về văn hóa, các tác phẩm văn học dân gian của các dân tộc thiểu số được sưu tầm, biên soạn và đăng tải trên các trang thông tin, báo, tạp chí, tập san từ trung ương đến địa phương. Nhiều vở diễn, tiết mục về dân ca, dân nhạc, dân vũ các dân tộc thiểu số đã đạt được nhiều giải thưởng cao tại các liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp cấp quốc gia. Đặc biệt, mô hình dạy học tiếng và chữ viết dân tộc đã được một số huyện triển khai có hiệu quả, hằng năm thu hút hàng trăm học viên ở nhiều lứa tuổi tham gia. Ngoài ra, các nhạc cụ truyền thống được gìn giữ và phát huy hiệu quả trong đời sống tinh thần của đồng bào; nghề dệt thổ cẩm, đan lát truyền thống đã trở lại trong sinh hoạt hằng ngày của đồng bào dân tộc thiểu số; trang phục sinh hoạt truyền thống của dân tộc đã được lớp trẻ đón nhận và tự hào đối với dân tộc mình.

Hai lànâng cao vai trò của bộ máy tổ chức, nhân sự làm công tác văn hóa

Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác văn hóa có năng lực và chuyên môn tốt để đẩy mạnh hoạt động của các nhà văn hóa, trung tâm văn hóa, tạo chuyển biến về chất trong phong trào văn hóa ở thôn, bản, khu dân cư. Các trung tâm văn hóa tỉnh, huyện cần phải tăng cường bám sát cơ sở, thường xuyên cử cán bộ về cơ sở hướng dẫn công tác chuyên môn, mở các lớp tập huấn về văn hóa.

Có kế hoạch sử dụng các học sinh, sinh viên dân tộc đã tốt nghiệp để họ được về phục vụ địa phương và dân tộc mình. Đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác văn hóa cần phải có trình độ, năng lực, khả năng tập hợp và vận động quần chúng cao; có kiến thức về pháp luật, quản lý nhà nước, văn hóa, xã hội, có nhiều kỹ năng liên quan đến tổ chức thực hiện công việc cộng đồng, vừa phải có  năng khiếu văn nghệ,... phù hợp với nhiều nhóm dân cư khác nhau tại địa phương; đặc biệt cần có trình độ am hiểu về văn hóa tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc để điều hành, quản lý và tổ chức hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở một cách có hiệu quả.

Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ các cấp, các ngành nói chung và cán bộ chuyên trách làm công tác văn hóa nói riêng nhằm làm cho họ hiểu, đánh giá và coi trọng đúng mức những giá trị văn hóa tín ngưỡng của đồng bào dân tộc thiểu số. Cần làm cho họ nhận thức được rằng, trong tác động kinh tế và thông tin nhiều chiều của xã hội hiện đại như hiện nay, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc là một trong những khâu đột phá để phát triển văn hóa, bảo đảm sự ổn định chính trị, tăng trưởng ổn định của nền kinh tế.

Quan tâm hơn nữa đến việc đào tạo cán bộ làm công tác nghiên cứu, sưu tầm và bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thểở các tỉnh miền núi phía Bắc. Nắm chắc các nghệ nhân, tổ chức cán bộ thường xuyên đi khảo sát thực tiễn và có kế hoạch để các nghệ nhân truyền dạy cho các thế hệ trẻ để bảo tồn được tốt hơn.

Quan tâm đổi mới, tìm tòi và sử dụng nhiều hình thức để tập trung bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ chuyên sâu cho cán bộ làm công tác văn hóa trong hệ thống chính trị các cấp; nhất là cán bộ cấp cơ sở. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng cần đa dạng, phong phú, đi sâu vào kỹ năng nhằm trang bị cho các cán bộ, công chức làm công tác văn hóa các kiến thức chung về pháp luật, quản lý hành chính, trách nhiệm, đạo đức công vụ và các kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với thực tế. Phương pháp, hình thức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cần được cải tiến, đổi mới theo hướng sát thực với tình hình công tác ở địa bàn.

Nhà nước cần ưu tiên ngân sách, tăng định mức chi ngân sách cho phát triển nguồn nhân lực làm công tác văn hóa - xã hội tại các địa phương thông qua các chương trình, dự án và thông qua các kế hoạch, đề án phát triển nhân lực khác; bố trí vốn, tăng cường nguồn tài chính phục vụ cho nhu cầu phát triển nguồn nhân lực... Có chính sách thu nhập, trọng dụng, tôn vinh, khen thưởng, đãi ngộ thỏa đáng để thu hút, “giữ chân” cán bộ, công chức giỏi về làm việc tại các địa phương.

Trong giải pháp về chính sách và công cụ khuyến khích, thúc đẩy phát triển nhân lực, Nhà nước cần thực hiện đồng bộ giữa đào tạo, bồi dưỡng với đổi mới tuyển dụng, đánh giá, sử dụng và xây dựng chính sách thu hút, động viên người giỏi, đúng chuyên môn. Tạo cơ chế đột phá trong bố trí và sử dụng nguồn nhân lực trẻ, được đào tạo cơ bản; tạo điều kiện cho công chức, viên chức trẻ được thăng tiến, đề bạt, bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo, quản lý; triển khai tốt các chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội.

Ba là, tăng cường nguồn kinh phí, nâng cao hiệu quả công tác quản lý và hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở

Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tăng cường công tác quản lý của Nhà nước đối với một số hoạt động văn hóa mang tính đặc thù của các tỉnh miền núi. Đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời chấn chỉnh các hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa, đảm bảo tuân thủ đúng những quy định của pháp luật. 

Tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức xã hội, giữa ngành văn hóa với các ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội, các doanh nghiệpnhằm phát huy sức mạnh tổng hợp và trách nhiệm cộng đồng đối với phát triển sự nghiệp văn hóa.

Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ quản lý, cán bộ sự nghiệp văn hóa; xây dựng đề án đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đáp ứng nhu cầu nguồn cán bộ phục vụ phát triển sự nghiệp văn hóa.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nhân dân để đồng bào hiểu biết, tôn trọng và có ý thức bảo vệ bản sắc của dân tộc mình, tích cực tham gia vào các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng tại các thiết chế văn hóa ở cơ sở.

Ngoài việc tập trung bảo tồn, phát huy, phát triển giá trị văn hóa truyền thống, cần thường xuyên chỉ đạo tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, cổ động với nhiều hình thức, nội dung phong phú để bài trừ các hủ tục trong đời sống của đồng bào các dân tộc.

Chú trọng đầu tư và triển khai có hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực văn hóa tín ngưỡng của đồng bào dân tộc. Thực hiện các dự án nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng các tín ngưỡng, lễ hội truyền thống giàu tính nhân văn và mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc thiểu số như hát xoan, hát then, hát lượn, Lễ hội Lồng Tồng, Lễ hội Hoa ban, Lễ hội Cầu an bản Mường, Lễ hội Khuống mùa (xuống đồng), lễ hội cầu mùa, lễ hội cầu mưa, lễ mừng cơm mới...; xây dựng các tổ, đội văn nghệ truyền thống, nhân rộng các mô hình điểm và tiến tới hướng dẫn con em người dân tộc biết sử dụng các nhạc cụ cổ truyền dân tộc. Phát động việc sáng tác các bài hát, điệu múa cho đồng bào sử dụng trong các buổi lễ, ngày hội, mừng được mùa nhằm từng bước thay thế những phong tục tập quán lạc hậu.

Nhà nước cần bảo đảm nguồn chi sự nghiệp và đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách cho các hoạt động sự nghiệp văn hóa;ưu tiên hỗ trợ hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa như đầu tư kinh phí xây, sửa nhà làngcổ truyền của các dân tộc, đầu tư xây dựng nâng cấp các công trình văn hóa tiêu biểu tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xã hội hóa, mở rộng các hình thức tổ chức hoạt động và sở hữu lợi ích từ hoạt động dịch vụ văn hóa. Chuyển dần các đơn vị sự nghiệp văn hóa thành đơn vị cung cấp dịch vụ, cung cấp các sản phẩm văn hóa theo hướng tự chịu trách nhiệm về thu, chi tài chính.

Tiếp tục hướng dẫn, triển khai nghiêm túc Luật Di sản văn hóa nhằm nâng cao nhận thức về việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản; xúc tiến việc xếp hạng đối với các di tích bảo đảm các tiêu chí; tăng cường hoạt động của Ban Quản lý di tích ở cơ sở; xây dựng trụ sở Ban Quản lý di tích ở các tỉnh miền núi phía Bắc.

Chú trọng công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ trong phát triển sự nghiệp văn hóa. Tăng cường công tác hội nhập, giao lưu quốc tế, giới thiệu về văn hóa tín ngưỡng của đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Tranh thủ sự giúp đỡ, thu hút đầu tư từ các tổ chức, cá nhân và các tổ chức quốc tế cho việc phát triển sự nghiệp văn hóa. Tăng cường hợp tác với các tỉnh, thành phố, cá nhân trong và ngoài nước để phát triển sự nghiệp văn hóa ở địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc.

_______________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3 - 2016

Tài liệu tham khảo

1. Huỳnh Đảm: Nâng cao hiệu quả công tác mặt trận, phát huy truyền thống đoàn kết các dân tộc miền núi phía Bắc hiện nay, báo điện tử Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

2. Phan Ngọc: Bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Văn hóa thông tin, 1998.

3. Nguyễn Minh San: Tiếp cận tín ngưỡng dân dã Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, 1998.

4. Ngô Đức Thịnh: Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, 2001.

5. Đỗ Thị Minh Thúy: Các chính sách nhằm tăng cường nguồn lực và phương tiện văn hóa cho hoạt động văn hóa ở Việt Nam, http://huc.edu.vn/.

6. Thành Lê: Công tác bảo tồn, phát huy lễ hội ở vùng đồng bằng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, http://sovhttdltuyenquang.vn

 

TS PHẠM THANH HẰNG

Viện Nghiên cứu Tôn giáo, tín ngưỡng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền